Người theo dõi

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

BA NGƯỜI BẠN VÀ TRẦN TIỂU SINH.

                    
           
            Trần Tiểu Sinh quen biết với anh cả, anh hai, anh ba không phải là tình cờ. Năm mười bốn tuổi, Trần Tiểu Sinh học lớp đệ ngũ, Tiểu Sinh phải học thuộc lòng bài Luận Kẽ Sĩ. Bài thơ  viết theo thể Hát Nói dôi khổ. Chỉ đọc ba lượt là Tiểu Sinh thuộc vanh vách và nhớ mãi cho đến bây giờ. Còn anh hai thì bài thơ Thề Non Nước và bài thơ Bức Dư Đồ Rách. Rồi ngày tháng trôi qua, rời trường học rồi bước vào đời, Tiểu Sinh gặp anh ba và đọc thơ anh mà chẳng hiểu gì cả. Nhưng chưa bao giờ Tiểu Sinh dám xem họ là anh em, có rất nhiều lẽ mà Tiểu Sinh không dám giở trò phạm thượng. Ba người đã dẫn dắt Tiểu Sinh vào thế giới của mộng mơ và ước vọng. Đất nước chiến tranh liên miên. Tiểu Sinh bị cuốn vào với một ước vọng thật lớn lao.
Kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung./ Vũ trụ chi giai ngô phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng.


Trong những tháng ngày đem mạng sống của mình đánh đố với những hiểm nguy của thời cuộc. Tiểu Sinh xem ba ông anh này như những ông thánh. Tiểu Sinh cố gắng làm theo, sống theo, nhất là anh cả. Nhưng chẳng ra làm sao cả? Với cây súng trên tay, cây viết trong túi, Tiểu Sinh loay hoay với những mục tiêu mơ hồ để bắn, đề tài lắm lu bu để viết. Rốt cục chẳng biết bắn ai và viết gì. Mục tiêu thì y hệt như Tiểu Sinh, đề tài thì chỉ toàn lửa và máu. Trong khi Tiểu Sinh trở thành cái mục tiêu để lãnh đạn của những khẩu súng lạ hoắc, là đề tài để cho người ta bôi tro trát trấu. Nhưng làm như người ta đã làm với mình thì Tiểu Sinh đếch làm được. Tìm không ra kẻ thù để mà thù hằn, tìm không có tình yêu để làm đề tài. Cuối cùng Tiểu Sinh đọc được một câu nói của Sherman, một ông tướng Hoa Kỳ thời chiến tranh Nam Bắc, không nhớ rõ nguyên văn nhưng đại khái là thế này “Có nhiều thanh niên lao vào và xem chiến tranh như là một vinh quang, nhưng đó là địa ngục”. Từ đó, Tiểu Sinh lại bắt đầu lơ mơ và Tiểu Sinh thấy ba ông anh này làm sao ấy: Một ông thì tót vời sự nghiệp, Tiểu Sinh gọi ông là người Tài Hoa; Một ông thì đầy ngập ước mơ. Tiểu Sinh gọi ông là người Tài Tình; Một ông nữa thì lang thang ngoài vòng cương tỏa. Tiểu Sinh gọi ông là người Tài Tử. Tiểu Sinh luôn luôn nói về ba ông anh này bằng một danh xưng rất ư thành kính. Cụ Uy Viễn Tài Hoa. Cụ Tản Đà Tài Tình và ông thầy Bùi Giáng Tài Tử (dù ông chưa dạy Tiểu Sinh được ngày nào, thậm chí chỉ gặp đôi lần mà chẳng nói được với ông một câu. Không biết từ lúc nào, Tiểu Sinh chui vào thế giới của ba ông anh này. Đó là một nơi để Tiểu Sinh ẩn náu. An toàn và thú vị. Cứ thế, cứ thế
Mãi đến năm hơn bốn mươi, khi ngồi ngâm nga, ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, bổng dưng Tiểu Sinh nhớ Ông Cụ Uy Viễn Tài Hoa và viết:
              UY VIỄN TƯỚNG CÔNG.
Làm quan thì cứ làm quan.
Ăn chơi thì cứ đàng hoàng ăn chơi.
Nợ tang bồng không gánh lấy gì vui?
Thú phong nguyệt mà không chơi thì quá uổng,
Nam bắc bôn ba khai sông khẩn ruộng,
Sau công đường tiếng tom chát râm ran.
Đông tây dong ruỗi yên định giang san.
Trong trướng hổ giọng đào tơ thỏ thẻ,
Tuyết nguyệt phong hoa. Cầm kỳ thi tửu,
Khắp non sông gom góp cuộc chơi vào.
Không giai nhân, tài tử biết vui sao.
Chẳng tài tử, giai nhân buồn ủ rủ,
Không tài tử chẳng cầm kỳ thi tửu,
Không giai nhân chẳng tuyết nguyệt phong hoa.
Có cả hai nhân gian đẹp thêm ra.
Ở đâu có con người đều có thế
Hòa hợp âm dương cho đúng lẽ,
Hóa công bảo vậy cãi làm chi.
Thuận theo. Trời đất cũng cười khì.
Làm đúng sách, chơi đúng trò mới khoái,
Chức trọng mang vào rồi đấy,
Quyền cao cân nhắc rõ ràng.
Dây cương thường giữ đúng chớ quẹo ngang.
Chớ khệnh khạng làm cho ra vẻ,
Luôn mở miệng chi hồ giả giả,
Mà khi chơi lại thậm thụt. Bậy a!
Đã trót mang lấy tiếng hào hoa.
Cứ lịch lãm mà chơi cho tới bến,
Đừng ỷ thế là quan rồi ba trợn,
Rối tung beng lên cái cuộc đời.
Quan chơi quan cứ quan chơi.
Tất nhiên, chỉ là cảm khái trước cuộc đời của cụ chứ chẳng có một giòng nào tự viết về mình. Sau đó Tiểu Sinh lại viết về Cụ Tản Đà Tài Tình khi được đọc những bản dịch thơ Đường.
       TẢN ĐÀ DỊCH THƠ ĐƯỜNG
      Đói lòng ngồi dịch kiếm cơm
Được cơm ít xịt, được thơm lại nhiều
      Thơm ông hưởng chẳng bao nhiêu
Hậu sinh thì lại hưởng nhiều hơn ông
Lại viết tiếp. Với bài sau đây thì lại có một chút hơi hướm của Tiểu Sinh:

         ĐỌC THƠ TẢN ĐÀ

Ông yêu, ông nhớ ai ai,

Nhớ ai, ai nhớ biết ai đâu nào?

Thế mà lòng cứ nao nao,

Ông yêu, ông nhớ thế nào cũng hay 

ông, hễ đọc là say,

Thơ ông, hễ nhớ là quay quắt lòng.

Bốn nghìn năm, một non sông

Mà thiên thu vẫn vẹn lòng yêu thương

Tất nhiên cũng không thể không có một đôi giòng về ông thầy Bùi Giáng Tài Tử.

            BÙI GIÁNG

    Phập phều một đóa phù vân
Mênh mang như thể trời gần sông xa
    Diễm ngôn rực ánh chiều tà

Vừa lộng lẫy lại vừa xa vừa gần

    Cuộc tình yêu đẹp vô ngần
Trong say đắm chẳng phân vân vô thường
    Trái tim mỏng tựa mù sương
Kết long lanh để yêu thương ngời ngời
    Và rồi cứ thế rong chơi
Câu  thơ  trùm  khắp  lối  đời  liu  hiu
    Để trong, trong suốt hít vào
Và  thơ  thì  cứ  phều  phào  thở  ra
Tất nhiên, cảm nhận và cách thể hiện của Tiểu Sinh thì còn rất đáng phàn nàn. Nhưng chẳng sao cả. Tiểu Sinh thích thế và viết thế.
Tiểu Sinh tập tành làm thơ từ khi còn rất nhỏ, mười ba, mười bốn gì đó. Nhưng không ra cơm cháo gì. Thực ra, suốt cuộc đời của Tiểu Sinh, cái thành ngữ “không ra cơm cháo gì” đã trở nên cái la bàn thuộc loại “ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao”. Càng lâu công xuất càng ổn định, luôn chỉ hướng không bao giờ sai quá 1/1000 độ. Nó cứ chỉ cho Tiểu Sinh đi về hướng chẳng ra cơm cháo gì.
Tiểu Sinh vẫn tiếp tục nổi trôi theo con đường của thời cuộc. Những bài thơ ấy rồi cũng dần chìm trong quên lãng. Nhưng bài Luận Kẻ Sĩ, Thề Non Nước, Bức Dư Đồ Rách vẫn cứ là một ám ảnh. Và sau này là
                   ÁO XANH
     Lên mù sương xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
     Tuổi thơ em có buồn nhiều
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua 
     Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

       BAO GIỜ
Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
- Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
- Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe người khóc có ngờ chi không.
Vâng. Tiểu Sinh vẫn cứ không quên mấy bài thơ ấy. Vâng chỉ ngần ấy. Bởi vì, làm sao mà nhớ hết một lúc tới ba tấm lòng, mà toàn là những tấm lòng mênh mông, đầy ngập yêu thương cuộc sống.
Rồi đến một ngày Tiểu Sinh gặp Ông Cụ. Tiểu Sinh thật sự bất ngờ, bất ngờ vì được gặp, bất ngờ hơn vì câu mở đầu:
- Này anh bạn trẻ. Đừng bao giờ gọi ta một điều Ông Cụ hai điều Ông Cụ mà hãy xem ta là bạn, gọi ta là anh, bởi vì râu ta dài hơn của anh bạn trẻ. Nếu có thể anh bạn trẻ gọi ta là anh Tài Hoa như anh bạn trẻ đã nghĩ, dù ta chẳng tài hoa chi mấy.
Tiểu Sinh nhìn ông, lạ lùng với đôi mắt sáng lấp lánh ẩn hiện bên trong là hai nụ cười có vẻ như tếu tếu. Hốt nhiên cái tính coi trời bằng cái bánh khọt của Tiểu Sinh nổi lên:
- Thưa anh. Em xin vâng lời ạ.
Đôi mắt ông vẫn cười:
- Thế có hay hơn không. Vậy chú có biết anh đến gặp chú vì chuyện gì không?
- Thưa anh. Em không biết ạ?
- Chẳng có chuyện gì cả. Tìm đến một người bạn đâu nhất thiết phải có chuyện gì? Chú thấy có đúng không.
- Thưa anh. Đúng ạ.
- Thôi nào. Đừng thưa gởi lu bu. Nghe anh hỏi này. Hơn chục năm trước em làm bài thơ Uy Viễn Tướng Công. Đọc nghe cũng được đấy. Nhưng Tại sao gọi anh là Uy Viễn Tài Hoa
- Em quên rồi ạ.
- Chẳng sao? Bây giờ là bạn bè. Anh hỏi em tại sao em lại thích anh. Thích đến cái độ nóng gáy khi người ta phê phán anh thế này, thế khác. Việc đó có hề gì khi mà anh rời khỏi cuộc chơi này đã hơn một thế kỷ rồi.
- Nhưng em vẫn còn tham dự. Em không muốn người khác nhận định sai về một người. Nhất là người đó là anh. Không phải vì anh là anh của em, mà vì trước nhất anh đã sống hết mình vì người, hết mình vì mình. Tại sao người ta chấp nhận anh cái trước mà lại phê phán anh cái sau. Anh có cái quyền đó mà. Đó là chưa kể khi người ta chụp cho anh cái mũ phản động khi anh đi dẹp cái bọn phá xóm phá làng, mang mộng cát cứ phản loạn.
- Thôi nào chú em. Anh không giận mà em giận cái nỗi gì?
- Nhưng anh đang là cây thông. Em biết cây không bao giờ giận hờn. Anh đạt được những gì anh cần có. Còn em thì em chưa được như thế.
- Thôi dừng lại. Đừng làm mất vui. Chú hai Hiếu Tài Tình và chú ba Giáng Tài Tử đã đến và đang cười chú kìa.
Tiểu Sinh quay đầu nhìn lại. Ông cụ Tản Đà và ông thầy ba Giáng. Tiểu Sinh há hốc mồm. Ối trời. Thế là thế nào, mà ba người cùng đến. Dáng người đầm đậm với mái tóc ngắn của ông cụ Tản Đà không lẫn vào ai. Nhưng ông thầy ba Giáng thì ấn tượng nhất, râu tóc lòa xoà như đám mây trắng viền quanh cái miệng mom móm và ánh mắt trong suốt đong đầy giễu cợt. Những dấu vết điên điên khùng khùng (?!) anh đã gởi lại nhân gian. Hai ông chào tôi bằng một nụ cười rồi tự nhiên tìm lấy chỗ ngồi trong một ngôi nhà thiếu ghế.
Tiểu Sinh móc điện thoại bấm bấm rồi alô một lát thì một sòng nhậu tuyềnh toàng được bày ra trong ngôi nhà tuyềnh toàng của một thằng nghèo mạt. Thấy Tiểu Sinh có vẻ áy náy. Anh cả bảo:
- Chẳng có gì chú phải áy náy. Cái cần là anh em ta nhậu thế nào chứ không phải rượu và mồi nhậu như thế nào?
Rồi anh cả ề à đọc:
                  Nhà tôi ở giữa rừng mơ
            Biết đâu là một nhà thơ ngon lành
      Ngắm nhìn cuộc sống quanh quanh
Gày gò giấy bút để thành nhà văn
      Bao nhiêu chữ nghĩa nhập nhằng
Tập tành nhà báo lăng nhăng chuyện đời
      Rồi bao tháng rộng năm dài
Đành đem chữ bán tháng ngày lơ ngơ
      Nhà văn nhà báo nhà thơ
Ba  nhà  trớt  quớt  chui  vô  nhà  chòi.
                    
       Nhà chòi. Ừ. Cũng vui vui
Chữ  to  chữ  bé  nhà  tôi  đủ  đầy
      Khi thiếu đem bán mà xài
Bán dư một chút lai rai một mình
      Chút nồng hương cũng thắm tình
Văn thơ chút đỉnh cũng thành mộng mơ
      Hốt nhiên tôi thấy tôi khờ
Chuyện chơi mà lại cố mơ làm giàu
      Gió trăng thoải mái bước vào
Nhà chòi rộng mở. Xin chào gió trăng 
      Màu mè, chữ nghĩa lăng xăng
Gió trăng khoái chí xếp hàng hàng thơ.
Dứt lời anh cả bảo:
- Chú đừng có mà thò lõ mắt nhìn chúng tôi. Chúng tôi nhất định nhận chú làm em út. Không còn cụ Tản Đà, ông thầy ba Giáng mà là anh hai và anh ba. Anh cả Tài Hoa, anh hai Tài Tình, anh  ba Tài Tử
Anh hai và anh ba cười cuời thì Tiểu Sinh ngập ngọng:
- Thưa mấy anh. Như thế này quả tình không xứng với lòng kính trọng mà em dành cho mấy anh.
Anh ba:
- Thôi nào. Chú có muốn cho tôi điên nữa không? Cái thói phù hoa đã làm cho tôi điên suốt cuộc rong chơi. Mới tỉnh một chút thì chú lại Này này chú viết về tôi cái kiểu gì vậy? Nhưng thôi. Chú út tài gì đây nhỉ?
Không hiểu sao Tiểu Sinh buột miệng:
- Xin mấy anh cứ gọi là chú út Tài Mọn
Tất cả cùng cười và Tiểu Sinh tiếp tục ngượng. Anh cả tiếp:
- Nào rót rượu ra coi. Chú út Tài Mọn. “Năng nhặt chặt bị” chú em ạ.
            Tiểu Sinh rót rượu, kính cẩn mời. Anh cả bảo:
            - Tôi đã bảo, là anh em, bạn bè chú đừng trịnh trọng quá. Trong thế giới của thơ không có khái niệm “nâng bi”. Nhột bỏ mẹ. Chú hiểu không? Tôi đã đọc nhiều bài thơ nâng bi rồi. Rằng hay thì thật không hay. Vừa nhột nhột dái, lại gay gay người.
            Cả bốn cùng cười ha hả nâng ly. Khi để ly xuống. Anh hai Tài Tình cười khè:
            - Chú mày hay đấy. Rượu Bình Tây ngâm chuối cao để lâu năm. Đâu để tao nhắm một miếng mồi thời @ coi nó ra làm sao?
            Anh ba thọc đủa gấp miếng cá sạo trong cái lẩu khoai môn vào bốn cái chén, cẩn thận chế vào một miếng nước mắm trong dầm tỏi ớt và mời mọi người. Cả bốn nâng chén. Vừa ăn anh cả vừa khen:
            - Được quá mấy chú. Nhưng chú út mày nhỏ lửa lại một chút. Tao chẳng biết sử dụng cái lò hiện đại này.
            Khi để chén xuống Anh hai quay sang anh cả:
            - Anh cả này. Cái thằng nhóc của bọn mình láo thật. Mấy bài thơ nó viết về tôi thì không nói đi. Nhưng chuyện nó dám dịch tiếp bài thơ Trừ Tịch Dạ Túc Thạch Đầu Dịch của Đái Thúc Luân mà tôi mới dịch có 4 câu.
            - Chú hai đọc tôi nghe.
             Anh ba khề khà:
- Anh hai để em đọc. Chú út nhà mình dịch tếu hơn anh hai nhiều  
Lữ quán thùy tương vấn
Hàn đăng độc khả thân
Nhất niên tương dạ tận
Vạn lý vị quy nhân
Liêu lạc bi tiền sự
Chi ly tiếu thử thân
Sầu nhan dữ suy mấn
Minh nhật hựu phùng xuân

        Ngậm ngùi quán khách vắng tanh,
Đèn khuya một ngọn với mình lân la.
        Giờ đây năm cũ bước qua,
Mà người muôn dặm đường xa chưa về.
           (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu 1928)
        Lan man chuyện cũ buồn tê.
Ngẫm thân chợt bật hê hê tiếng cười
        Tóc tai, mặt mũi lùi xùi,
Rồi khi trời rạng hiên ngoài. Ờ. Xuân.
          (Quán Tâm Nguyễn Hiền Nhu 2006)
            Anh cả nghe xong cười ngất:
            - Chú mày quả là gan bằng trời. Hai câu chót chú mày dịch kiểu đó là chết thiên hạ. Nhưng được. Khà khà “ Sầu nhan dữ suy mấn” mà chú út mày phang ngay “ Tóc tai, mặt mũi lùi xùi ”. Được đấy chứ?
            Ba ông anh xúm nhau cười và Tiểu Sinh thì đỏ mặt. Anh ba hỏi:
            - Mày học chữ Hán từ bao giờ?
            - Nói thiệt với mấy anh. Em mà biết được bốn chữ Tàu là em chết. Chỉ biết có nhất nhị tam. Ba chữ đó dễ đếm.
            Anh hai đỡ lời:
            - Tôi biết. Anh cả với chú ba đừng có truy nó. Nó mê thơ Đường. Thế là nó mua về đọc bản phiên âm rồi cố mà hiểu theo cái kiểu “ Thiên, trời; địa, đất; tử, mất; tồn, còn, tử, con; tôn, cháu” Cứ thế mà nó dịch. Anh cả với chú ba nghe nó dịch bài  Xuân Nhật Túy, Khởi Ngôn Chí của Lý Bạch nè:
Xử thế nhược đại mộng,                      
Hồ vi lao kỳ sinh ?                          
Sở dĩ chung nhật túy               
Đồi nhiên ngọa tiền danh                 
Giác lai miện đình tiền                                    
Nhất điểu hoa gian minh                  
Tá vấn thử hà nhật ?                             
Xuân phong ngử lưu oanh                
Cảm chi dục thán tức              
Đối chi hoàn tự khuynh                        
Hạo ca đãi minh nguyệt                                  
Khúc tận dĩ vong tình.                                  
 NGÀY XUÂN SAY XỈN
      Đời như giấc mộng bành ky
Chẳng ai xui dại tội gì bon chen?
    Suốt ngày say suốt say mèm
Sải chân nằm ghếch trước thềm. Có sao?
    Liếc nhìn sợi nắng xiên vào
Tiếng chim oanh hót lao xao hoa vàng
    Hỏi chi ngày tháng lan man
Tiếng oanh mãi gọi đầy tràn gió xuân
    Hiu nhìn cám cảnh bèn than
Rồi nâng chén rượu tự lâng lâng mình
Cao giọng hát, tặng trăng thanh
Chùng  lời  ca  lại  khối  tình  đi  tong.
Anh cả cười ha hả:
- Chú mày không còn gan trời nữa mà là chú mày còn hơn trời. Trời chưa chắc dám làm trò này. Nhưng cũng hay. Đời như giấc mộng bành ky. Đúng là đời như giấc mộng bành ky. Mày chết lần nào chưa mà mày biết thế hả thằng em út. Nhưng hai chú chưa thấy nó chơi tôi.
  THẤT THẬP TỰ THỌ
Nhật đối nhi tào tự giải di.
Kim ngô bất tự cố ngô thì.
Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu
Trục ký niên hoa giới cổ hy.
Lão thực bất kham trang diện mục,
Anh hoa an dụng nhiếm tu tì?
Tự tàm tiên liệt hào vô trạng,
Quái sát Hồng Sơn thữ thị phi.
      Chơi cùng con nít cho vui,
Để ta tìm lại một thời thanh xuân
      Theo đời múa máy lưng tưng,
Đến khi biết được mình khùng. Bảy mươi
      Mặt mày dù héo hay tươi.
Thế đi. Tỉa tót làm gì mắc công?
      Công lao chi với cha ông,
Mai sau hãy để núi Hồng khen chê.
Tiểu Sinh chưa kịp nói gì thì anh hai nói tiếp:
- Anh cả và chú ba đừng cười nó. Chẳng qua là nó học đòi theo chúng mình thôi. Nhưng trong thế giới của thơ thì như thế đó. Người ta sẽ làm thơ dở xiết bao nếu như người ta hạnh phúc tràn trề. Anh em mình cũng có hạnh phúc đấy chứ, nhưng chỉ một chút xíu thôi, bởi vì phần còn lại phải dành cho thơ. Như anh cả đây, quyền uy một cõi, tuyệt đại phong lưu, danh trấn cả Đại Nam. Nhưng hạnh phúc thì được bao nhiêu. Còn chuyện nó học đòi dịch thơ Tàu mà chỉ biết có mấy chữ Tàu thì cái này là vô tiền khoáng hậu. Đúng là coi trời bằng cái bánh khọt. Thua. Tôi thua thằng này một ngàn dặm.
Anh ba thì cười khè, cái miệng móm mém làm hàm râu trắng rung rinh:
- Thực ra anh em chúng mình, kể cả chú út đây đều là những người né cái thực tại. À không, cố quên cái thực tại đáng buồn vài giây để đủ năng lượng bường tiếp. Chúng mình là loại người không biết lên gân. Lẫn vào trong cái cõi mơ hồ để những mộng mơ của chúng ta tha hồ tưởng tượng. Và hạnh phúc nằm ở đó. Cũng như chú út tưởng là mình biết chữ Tàu nên mới dám dịch thơ Tàu ra thơ ta. Chính hạnh phúc nằm ở đó nên nó chẳng ra cái hình tướng gì và chúng ta làm thơ. Này cứ nằm lim dim mắt tưởng tượng cái hạnh phúc mong manh. Ôi đầu óc thống khoái biết nhường nào. Thế thôi.
Anh cả lại cười:
- Hay. Chú ba mày nói đúng. Thực ra thì lúc anh có đủ quyền uy làm được những điều sở nguyện và có bao nhiêu thứ tiện nghi. Nhưng thực tình anh cảm thấy cái hạnh phúc nhất chính là lúc đói meo, rồi có được một bữa ăn no mà không phải thắc mắc đắn đo vì sao mà nó có. Nhưng con người thì ai nhận ra như thế, kể cả chúng ta. Anh còn có cái khoái hơn mấy chú là được nhìn những cánh đồng hoang hóa trở mình xanh rờn cả lúa và những con người đói meo bổng chốc no lành. Mà mình thì chẳng cần no một miếng. Chú út nói đúng “ Con người ta sống được không phải vì mỗi ngày mình ăn hai bữa cơm, mà vì những người chung quanh ăn hai bữa cơm”
Tiểu Sinh ngượng ngùng :
- Mấy anh nói thì quá đúng rồi. Em đã một thời bon chen và đến bây giờ vẫn thế. Thực tình, nếu không có những lúc lơ mơ ấy chắc là em tiêu mất. Nhưng các anh ơi. Nợ còn chưa trả hết.
Anh hai nói:
- Nghĩa là phải bon chen, và rồi hụt hẩng và chui tuốt vào mơ để tránh đi cái thứ trách nhiệm rườm rà trong chốc lát. Ở đó chúng ta làm thơ và hạnh phúc. Chú út thế nào? Khi mà chú còn trong cuộc rong chơi.
- Thì cũng như mấy anh thôi. Mà tệ hơn một chút.
Anh ba:
- Hèn chi hai câu đối chú út mày dán trước cửa nhà dọc sướng con mắt thật:
Abc… một đời cóp nhặt. Học bạc tóc xanh, học phờ râu trắng. Coi đi ngó lại chẳng ra chi. Dốt.
123… nửa kiếp bon chen. Làm toát mồ hôi, làm sôi nước mắt. Tính hoài đếm mãi chỉ bấy nhiêu. Nghèo.
Anh hai:
- Chú út mày đang chửi cha thiên hạ đấy hả?
Tiểu Sinh lí nhí:
- Đâu có anh hai. Chẳng qua là tự cám cảnh mình thôi.
Anh cả:
- Ôi chú út mày cám cảnh mình theo kiểu lấy đòn xóc chọc be sườn thiên hạ. Được. Thế mới là ngất ngưỡng. Thôi nào. Bọn chúng ta là thế cả. Thằng nào cũng coi trời bằng cái bánh khọt. Nhưng thằng nào cũng biết trời là ai. Thậm chí biết rõ ràng nữa là khác vì chí ít mình cũng hình dung được trời bằng cái bánh khọt. Còn hơn chán vạn thằng đến sắp chết mới kêu trời chứ lúc bình thường thì chẳng biết trời là cái quái gì. Anh khoái nhất cái thằng em út lơ mơ này. Hai chú không biết chứ nó có cái hay lắm. Này nhé, lúc xuống chơi anh ghé Hà Tỉnh, chú hai ghé xuống Sơn Tây. Chú ba ghé Quảng Nam. Chỉ chú út là ở mút chỉ xứ Rạch Giá. Hai chú chắc gì nhớ cái xứ sở từ Phú Yên cho đến Cà Mau từ đâu mà có. Thực ra, thì anh em chúng ta ai cũng biết, nhưng biết nên dễ quên. Chỉ chú út không quên. Chuyện hơn bốn trăm năm chớ ít ỏi gì?
Anh ba:
- Dễ gì quên anh cả. Chính vì điều đó mà em làm bộ điên trong suốt cuộc rong chơi của mình. Thiệt là tình, đi chơi mà phải điên điên như em thì khoái quá. Hôm nay mới nói thật với mấy anh và chú út. Suốt cuộc đời, tôi chỉ quẩn quanh từ Huế trở vào. Và ở đó là thơ lơ mơ mộng.
Anh hai:
- Dù sao thì chú ấy còn đỡ hơn tôi. Trong cuộc chơi của mình, dù nhớ nhưng không nói được. Bởi vì nói ra thì bức dư đồ rách lại phải rách thêm. Mấy anh và chú út vậy mà sướng. Tại vì tôi chẳng biết chọn lúc rong chơi.
Anh cả:
- Thôi mấy chú đừng có lu bu nữa. Anh nói cho nghe này. Đã là chuyện chơi thì đừng để tâm. Hãy xem coi giúp gì cho chú út nhà mình. Thôi uống cái đã.
Cả bốn cùng nâng ly. Anh ba lại tiếp:
- Không hiểu hai anh khi đọc những gì chú út viết hai anh có ý kiến gì không? Chứ em thì thấy chú ấy có vẻ làm sao ấy.
Anh hai:
- Làm sao là làm sao?
- Chú ấy có vẻ bực bội vì mặt đất thiếu cây xanh.
- Ờ ờ, chú nói tôi mới nhớ. Hình như cây bị chết hơi nhiều. Chết vì người ta chặt phá, chết vì ô nhiễm Nói chung là chết vì người ta tự giết mình.
Như bị chọc vào chỗ ngứa. Tôi lên tiếng:
- Mấy anh không hiểu đâu. Ngày xưa các anh xuống chơi, ngủ một giấc sáng thức dậy nghe con chim hót, con gà gáy, tiếng chó sủa, vịt kêu quang quác, trâu nghé ngọ, bò ậm ừ, heo ụt ịt. Các anh cảm thấy một ngày mới thật bình yên, tràn đầy sự sống... Nhưng bây giờ, ở trong quê, ở thị thành. Đâu đâu cũng thế. Buổi sáng giật mình thức giấc, nếu không tiếng loa phát thanh rè rè một bản tin mà không ai nghe được hoặc một bản nhạc ầm ầm chói tai như thùng thiếc bể cộng thêm tiếng rầm rì của xe cộ. Mấy anh nghĩ xem em không bực sao được. Những con phố và cả những đường làng trống huơ, trống hoác không một bóng cây. Nắng bể đầu bể cỗ, mưa rát mặt, rát mày.
Anh cả cười cười:
- Thế là chú mày bực?
- Không bực sao được anh? Thiên hạ làm chuyện ruồi bu. Cứ đốn cây, phá rừng làm giấy.
- Thì chú út mày thừa giấy làm thơ, học trò nhiều giấy để học. Giận dỗi cái nỗi gì?
- Mấy anh cứ xuống chơi lần nữa đi rồi biết. Được như vậy thì lạy. Giấy làm thơ được mấy bài? Người ta làm giấy nhiều để in sách bán cho học trò làm mấy đứa nhỏ đi học phải quảy cả một cánh rừng trên lưng. Mỗi năm đổi chương trình dạy một lần. Sách cũ bỏ không để lại được cho ai. Còn phải in danh chỉ bản, đơn từ để bán cho dân khi muốn xin xỏ chính quyền điều này điều nọ. Mấy anh đâu có biết. Một người muốn trở thành người hợp pháp phải có bao nhiêu giấy tờ không? Này nhé, trước tiên là cái giấy chứng sinh, rồi khai sinh, rồi hộ khẩu, rồi chứng minh nhân dân, có vợ phải có hôn thú, có xe phải có giấy đăng ký, có bằng lái, có nhà phải có sổ đỏ. Muốn có mấy thứ giấy đó phải làm đơn kèm theo hồ sơ xin. Chưa kể học hành thì ngoài giấy bút sách vở, phải mua giấy thi, giấy kiểm tra, làm đơn xin thi, rồi được cấp văn bằng, chứng nhận. Đi cầu cũng giấy, lau miệng cũng giấy, lau tay cũng giấy. Nghĩa là giấy, giấy, giấy chưa kể những thứ giấy in hình bậy bạ Thử hỏi giấy như thế rừng bụi nào còn. Rừng không còn, cây chẳng có. Trái đất nóng lên, lũ lụt, bảo tố tràn lan. Mấy anh thử nghĩ coi chim chóc nào sống nổi, rồi virút phát tán tùm lum, gia cầm, chim chóc bị cúm, heo, trâu, bò lở mồm long móng. Người thì lắm bệnh kỳ khôi.  Không bực thì mới là lạ.
Anh cả xua tay:
- Biết, biết cả. Nhưng chú út này. Những trang viết của chú, chú đã nói rõ quan điểm của mình rồi còn gì? Anh nhắc lại nè “…cuộc sống có sự lựa chọn của nó. Luôn luôn lựa chọn. Những gì cần nó sẽ giữ lại, những thứ không cần thì nó sẽ loại bỏ” Chú không có nhận xét thì làm sao chú nhận ra điều đó. Còn những điều bực bội khác về cuộc hành phương Nam của các Chúa Nguyễn và của bản thân tôi, hay nói chung là lịch sử , chú cũng đã xác định rồi “lịch sử có ánh sánh của nó. Ánh sáng đó để cho những người đương đại soi rọi chứ không phải để làm theo “. Thế thì chú bực bội cái gì nào? Chú còn nói Sự thật của lịch sử là phải thể hiện đúng những gì đã xảy ra, chứ không thể hiện theo quan điểm của những gì đang xảy ra”. Cái này thì được đây, nhưng chỉ là mơ mộng thôi. Cái trò bẻ cong lịch sử thì thời nào mà chẳng có. Hãy như chú ba đi. Trong bốn anh em mình, anh thấy chú hai và chú có vẻ hơi cực đấy. Chú hai thì hết rồi. Chỉ còn lại chú thôi.
Tiểu Sinh nhìn mấy ông anh của mình và lòng vô cùng cảm kích. Tất cả vẫn dõi theo từng bước chân Tiểu Sinh. họ nhìn thấy cả ruột gan của một thằng hậu sinh tài hèn chí bự. Họ cảm thông và thấu hiểu. Tiểu Sinh sẽ sàng rót từng ly rượu mời các anh cùng nâng ly như là đáp tạ tấm chân tình. Anh hai lại tiếp khi để ly rượu xuống:
- Chú đừng bao giờ từ bỏ những suy nghĩ và việc làm của mình. Mọi hành vi của chú chưa bao giờ làm hại ai, chưa bao giờ là trái đạo. Đừng bao giờ sợ những điều phê phán. Cuộc đời là một chuyến rong chơi. Tại sao chú lại sợ để lại dấu chân. Cứ để lại, còn chuyện có bị lấp mờ hay không là việc của bụi đời. Lúc nãy chú ba nhận định sai về chú. Chú ngon lành hơn các anh ở cái chỗ là dám đem vào giấc mộng của mình một cô vợ bé. Vì cô vợ ấy mà làm thơ, vì cô vợ ấy mà hạnh phúc. Chú gan hơn cụ Tiên Điền, cụ chỉ cho Thúy Kiều tắm trong rèm lan, chú lại dám cho người đẹp tắm ngoài cầu ao, dưới ánh trăng ngà, giữa trời đất lồng lộng mênh mông. Chú dám thức suốt canh khuya để theo dõi ánh trăng xuyên qua vách lá và hoàn toàn thông cảm, chẳng ghen tương khi nhìn thấy ánh trăng len lén nhìn vào khung cửa của sự truyền sinh. Chú hạnh phúc hơn các anh. Anh cả là một người tuyệt vời phong lưu còn chưa dám nữa là. Cùng lắm là Hường Hường, Yến Yến. Đã nói là giấc mơ thì phải mơ cho tới bến. Tất nhiên anh không buộc chú phải lên trời đọc thơ cho Ngọc Hoàng. Nhưng chú cứ đến nơi nào mình thích. Chú hiểu không?
Anh cả cười sảng khoái. Anh ba cười móm mém và tiếp theo luôn:
- Chú tài thật. Tôi mơ trần trụi hơn chú nhiều. Chú yêu tất tần tật mọi thứ trên đời. Nhưng chú vẫn có một cái gì đó cho riêng mình. Cô vợ bé như thế không đem vào giấc mơ cũng uổng. Tôi đem vào giấc mộng của tôi những con người thật. Chú đem vào giấc mơ của mình một cô vợ bé trong mơ. Tôi chỉ mới giả điên. Còn chú thì điên thật. Điên thượng thừa, điên tuyệt cú mèo. Ấy thế mà chú giả tỉnh y như người tỉnh. Hay. Tuyệt hay. Này đừng có làm bộ ngượng.
Nhớ món ăn hay nhớ Mình. Hổng biết.
Bởi khi về thì có đủ tinh tươm.
Ăn ngon miệng và ngủ trong say đắm,
Chung quanh Mình cái gì cũng thơm thơm.
Ôi. Anh cả, anh hai ơi. Chú út nó có vợ bé cái kiểu này thật tuyệt cú mèo. Ngủ nó nằm mơ và trong giấc mơ lại thấy ngủ. Hai anh có thấy có phải là mơ thượng thừa hay không. Ai làm được?
Ba ông anh cười khoan khoái và Tiểu Sinh lâng lâng.
Anh cả lại đủng đỉnh sau nhắp xong ly rượu:
- Anh em chúng ta đã có một thời sống với và sống trong những ước mơ. Hiện tại chỉ còn chú út. Hôm nay chúng ta gặp nhau đây là để thỏa lòng bè bạn cùng nhau. Chúng ta đã vào cuộc chơi và chơi bằng hết tấm lòng mình. Trách nhiệm với đời chẳng qua là trách nhiệm với bản thân. Điều này chúng ta đã làm, thành quả cũng chẳng là bao nhưng ít ra cũng không hổ thẹn. Chúng ta đã xong một cuộc chơi và về cõi thanh yên. Chú út thì vẫn nhưng chẳng có gì phải lo. Bởi vì không riêng bốn chúng ta, hầu hết những người tham dự cuộc chơi đều đã chơi một cách khá tròn vẹn vai trò. Những kẻ chơi bẩn chơi dơ thì sẽ không còn có dịp để chơi. Thế thôi. Tôi, chú hai, chú ba còn đến được với chú út là vì chú có một điều gì đó đáng cho chúng ta đến. Có thể chú ấy hoàn thành vai trò của mình thật tinh tươm, mà cũng có thể ngược lại. Nhưng tôi tin rằng chú ấy không chơi dơ, chơi bẩn. Chú hai, chú ba thấy có đúng không nào.
Anh ba lại móm mém cười. Ôi chao khi anh cười những sợi tóc sợi râu trắng phau trở nên linh động và chấp chới làm cho những áng mây phải thẹn thùng. Anh từ từ tiếp:
     Rong rêu ngày tháng rong chơi
Tìm xuân tinh thể chốn nơi nào là
     Sưu tầm túy vũ cuồng ca
Hồn nhiên như thể như là hài nhi
     Chiêm bao tóc thuận tơ tùy
Tồn sinh nặng nhọc nhu mỳ ở đâu
      Ngữ ngôn kép kín mặc dầu
Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra
     Dịu dàng cuối lá đầu hoa
Mười về châu lệ chín sa dòng dòng
     Miêu Cương mạc ngoại hoài mong
Hồng hoang chín bệ tấm lòng đầu thai
      Mùa Xuân hiện giữa ngàn mai
Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du
- Thật tuyệt vời. Em cám ơn anh về bài thơ Bé Con Ơi. Làm bé con theo kiểu của anh không dễ tí nào.
Anh ba lại cười và anh cả, anh hai lại cười lớn hơn. Anh hai nói:
- Hai chú quả là hay thật. Đúng là hậu sinh khả úy. Kiểu này chắc anh phải làm tiếp một cú rong chơi nữa.
Anh cả có vẻ trầm ngâm:
- Làm một cú rong chơi nữa. Ừ nhỉ. Sao lâu nay mình không nghĩ ra. Chắc có lẽ phải thế. Nhưng mà này, hai chú có biết con chuồn chuồn không? Con chuồn chuồn mà lúc nhỏ nếu như muốn mau biết lội thì nhờ nó cắn vào rốn một cái ấy.
Anh hai cười ha hả:
- Em biết. Nhưng anh cả đâu muốn nói chuyện này. Anh muốn trêu chú út mà.
- Chú hai hay thật. Đâu chú biết anh trêu chú út cái gì nào?
Anh hai nháy mắt nhìn tôi rồi ề à đọc: 
    Bước ra ngoài phố chợt buồn
Tìm không thấy bóng con chuồn chuồn bay
      Nắng mưa dự đoán sao đây
Để mà chuẩn bị phút giây hẹn hò
      Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm
      Giờ đây phố xá ầm ầm
Cây xanh thưa thớt lầm lầm bụi bay
      Người ta xả rác luôn tay
Con chuồn chuồn bỏ chốn này ra đi
      Còn anh thì cứ loay hoay
Mưa bay tưởng nắng, nắng đầy tưởng mưa
      Lắm phen trớt quớt hẹn hò
Em hờn giận để câu thơ anh buồn
      Nhớ ơi những cánh chuồn chuồn
Bao  giờ  em  hết  thả  buồn  vào  thơ
Anh ba cười rung râu:
- Cái thằng ngộ thiệt. Không tin vào độ chính xác của bản tin khí tượng mà tin vào dự đoán của con chuồn chuồn. Mà nói trắng ra là mấy anh em mình ai lại không tin như thế. Ôi hò hẹn với người yêu mà cần phải xem thời tiết thì quả tình chú út mày cẩn thận thiệt. Nhưng chú có biết những gì chú viết về con chuồn chuồn, bài thơ ấy nó gói ghém cái gì không? Cái cánh con chuồn chuồn nhỏ xíu và mỏng tang thế đó, mà chú đem gói mình và gói tuốt cả lộn xộn của nhân gian. Chú bạo thật. Ấy vậy mà chú gói ghém cũng không đến đỗi lòi hèm.
Anh hai vẫn tì tì nhấp rượu và nhìn Tiểu Sinh rồi nhìn anh cả. Anh lúc này trông rất hồng hào vẫn mái tóc dựng đứng lấm tấm bạc. Trông anh mất hẵn vẻ u uất mà thay vào đó là một phong thái thanh thoát. Anh từ tốn nói:
- Anh em mình thì như thế đó. Anh thật lòng mừng cho chú út. Chú có một quyết định hoàn toàn đúng khi không in những gì mình viết, nhưng trước hết là vì mọi hành vi của chú. Em giống anh cả ở chỗ cứ viết và cứ đọc, không như anh và chú ba đem bán rẽ tâm huyết của mình. Để giờ này khi rời khỏi cuộc chơi, người ta xào qua nấu lại tấm lòng mình để mưu lơi riêng tư. Nhưng thôi, dù sao đó cũng là những dấu chân. Mình không ích kỷ đến độ không cho ai đọc những gì mình đã viết. Dù sao cũng phải cho bạn bè mình đọc, và những kẻ có lòng. Không phải có lòng với mình mà có lòng với những điều mình nghĩ đúng, viết đúng. Thế thôi.
Bốn anh em nâng ly. Anh cả nói:
- Thôi thăm nhau bao nhiêu là đủ. Hôm nay chúng tôi ghé chú chẳng qua chỉ là một sẻ chia. Cuộc chơi của mỗi người chúng ta, không ai giống ai. Mỗi người chúng ta đều chọn cho mình một cách chơi riêng. Cái giống nhau của anh em mình là một tấm lòng chơi. Tấm lòng chơi dành cho mọi người chung quanh, tấm lòng chơi dành cho thơ. Năm nay chú út đã tham dự cuộc chơi này được sáu mươi năm. Con đường mộng mơ, giong ruỗi của chú chắc cũng còn kha khá. Các anh tin rằng trong những ngày còn lại chú vẫn tiếp tục chơi theo cái cách của mình. Đây không phải là một lời khuyên, mà là một sự đồng cảm. Ngoài ra còn một điều mấy anh muốn nhắc chú. Đây là tâm điểm của chuyến viếng thăm này. Điều đó là như thế này. Chú đã chịu đựng rất nhiều điều tiếng về cái tính lơ mơ của mình. Các anh biết chú bực bội như các anh từng bực bội. Nhưng không hề gì. Hãy trả lời họ sau khi rời cuộc chơi. Cái gọi là đương đại có một thứ vừa thừa lại vừa thiếu, đó là dư luận, thứ đó bao giờ cũng thừa bực bội và thiếu cảm thông. Chú chịu đựng được tới ngần này là thật giỏi. Cứ gồng mình chơi tiếp. Thời gian rong chơi của chú đã quá nửa rồi. Sợ chi. Thôi. Cám ơn chú út về những ly rượu này và những bài thơ của chú viết về chúng tôi. Anh em chúng tôi về. Tất nhiên sẽ còn gặp lại.
Anh hai lại tiếp:
- Trước khi rời đi, tôi đọc cho chú nghe một bài thơ mà chú lấn sân tôi nhé:

               VÔ ĐỀ

Tương kiến thời nan, biệt diệc nan
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thủy can.
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng lai thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vi thám khan.
                        LÝ THƯƠNG ẨN
Gặp đã khó rồi lại khó xa.
Nhẹ hều cơn gió cũng mưa hoa.
Vào xuân tằm chết đường tơ dứt,
Tàn nến tro bay giọt lệ nhòa.
Gương sớm sầu mây vương tóc rối,
Thơ khuya ngâm lạnh buốt trăng ngà.
Nơi non Bồng ấy không xa lắm,
Nhờ bóng chim xanh chỉ hướng qua.

Tiểu Sinh bàng hoàng chưa kịp nói thì nghe tiếng gió nhẹ phất qua. Bóng anh cả, anh hai, anh ba nhòa dần như màng sương mỏng. Tiểu Sinh đưa tay dụi mắt. Sòng rượu vẫn còn lại dấu vết của những người đồng ẩm và thoang thoảng mùi nhựa thông thơm ngát.
                                   30.6.2006



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét