Người theo dõi

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Hồ Chí Minh từ góc nhìn của học giả Hoàng Xuân Hãn

“ Mình không hiểu một người học rộng, từng trải và đã từng được tiếp xúc với những nhân vật nổi cộm của lịch sử hiện đại mà giáo sư HXH lại có những nhận xét rất mâu thuẩn về những nhân vật này, nhất là NĐD và HCM. Ngoài những lợi thế trên GS còn có đủ điều kiện để tiếp xúc với những tư liệu và những nhân vật có liên quan (kể cả trong và ngoài nước) đến hai ông này. Gởi đến các bạn một bài viết dược xem như là “tư liệu” mang đầy tính bôi bác”


Hồ Chí Minh từ góc nhìn của học giả Hoàng Xuân Hãn
This entry was posted on Tháng Mười Một 3, 2014, in Lịch sử Việt Nam  and tagged Hồ Chí Minh,Hoàng Xuân Hãn, ngô đình diệm, việt minh. Bookmark the permalink. 1 Phản hồi

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn- 
Nguyễn Xuân Ba
     

 Tôi có đọc hai bài phỏng vấn nhan đề “Hoàng Xuân Hãn và gia đình Ngô Đình” và bài “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Chính phủ Trần Trọng Kim”. Người phỏng vấn thuộc diện không ưa Cộng sản, người trả lời có chỗ cũng tỏ ra không thích Cộng sản. Dù vậy, nhưng với sự trung thực của một trí thức (theo cách nhìn của Hoàng Xuân Hãn), ông ấy đã cho chúng ta sự so sánh về những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến một giai đoạn của lịch sử dân tộc Việt Nam.
      Cả hai bài phỏng vấn trên cho người đọc hiểu nhận định của ông về Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Trọng Kim và cả bản thân ông nữa.
Trong bài viết này, tác giả xin trích những đoạn ông Hoàng Xuân Hãn nói về các nhân vật trên, có thêm nhận định của mình cho bài thêm phong phú.
      Ông Hoàng Xuân Hãn (HXH) cho biết: ông có mối quan hệ khá gần với gia đình họ Ngô, Ngô Đình Nhu là bạn học, nhưng không thân nhau. Ông nói: “Tôi và Ngô Đình Nhu ít thân nhau dù là bạn học. Mà nói chung các bạn chúng tôi ít đi lại với Nhu. Anh ấy sắc sảo, chặt chẽ lại tính toán nên các bạn không thích. Những người ở xa nói ông ấy khắc nghiệt. Chúng tôi ở gần thì nói anh ấy nhiều chính trị và kỹ thuật mà thiếu tình cảm.
      Ông Diệm lại được lòng với các bạn học của ông Nhu. Những lần nhóm bạn cũ gặp nhau, ông Diệm chăm sóc họ, hay cho lời khuyên, và nếu có ai nghe theo và tỏ lòng kính trọng ông Diệm, ông ấy sẵn lòng giúp đỡ”.
Trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về những nhà chép sử của Việt Minh nói về Ngô Đình Diệm, ông Hãn nói:
      “Những nhà chép sử Việt Minh cũng tố cáo chế độ Diệm bán nước là rất xấu. Về mặt chính trị, hễ ghét ai thì nói người đó bán nước. Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài vào phe miền Bắc có chính nghĩa giành độc lập, phe miền Nam không có thế mạnh này”.
      Ông Hãn trầm ngâm một hồi rồi trả lời câu hỏi tiếp theo:
      “Hồi đó bác cũng ủng hộ miền Bắc hơn. Theo bác, ông Hồ Chí Minh tài giỏi hơn ông Ngô Đình Diệm ở mặt nhanh hơn, táo bạo hơn, biết phân tích và nắm bắt thời cơ. Ông Hồ rất giỏi lôi kéo quần chúng, ông biết cách làm cho người ta phục mình. Ông lại có tài tổ chức đội ngũ. Nếu ông ấy không tài giỏi và lanh lợi, phe Cộng sản đã không giành được chính quyền. Những người bạn tài giỏi nhất của bác (ông HXH) đều phục ông Hồ”.
      Năm 1972, ông HXH có bài viết nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên nội san Sử Địa kể lại lần ông gặp Bác tại Bắc Bộ phủ, vì đăng trên báo ở Sài Gòn nên ông chỉ khen khéo: Một cụ già gầy nhưng nhanh nhẹn, phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề của đất nước.
      Nay trả lời người phỏng vấn ở nước ngoài là người Việt Nam, ông Hãn có điều kiện khác để nói rõ hơn về Hồ Chí Minh như trên đây. Không gần gũi Bác Hồ, tất nhiên ông Hãn không thể nhìn hết những gì có ở Bác. Nhưng ông đã nói được một số điểm về tài năng của Hồ Chí Minh để so sánh với Ngô Đình Diệm. Dù còn quá ít ỏi.
Nếu so sánh giữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, ta thấy hai người rất khác xa về tất cả các mặt.
      Hồ Chí Minh tuy xuất thân trong gia đình quan lại nhưng khác với gia đình quan lại của Ngô Đình Diệm. Thân sinh Hồ Chí Minh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một người nghèo, cố công học mới đỗ đạt. Cụ là một người yêu nước, thương dân, không có tư tưởng làm quan, muốn Nguyễn Tất Thành phải lo việc nước hơn chuyện nhà như một lần Bác đi thăm, cha con gặp nhau ở Bình Khê (Bình Định), cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nói với Bác như thế.
      Ngô Đình Diệm sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên chúa, có truyền thống mấy đời làm tay sai cho Pháp. Cha ông là Ngô Đình Khả là quan võ từ triều Đồng Khánh, theo Nguyễn Thân, một người tay sai của Pháp đàn áp các phong trào chống Pháp như nhóm Văn Thân của ngự sử Phan Đình Phùng ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngô Đình Khôi, con cả Ngô Đình Khả, làm quan dưới triều nhà Nguyễn đến chức Tổng đốc, Ngô Đình Diệm cũng làm quan dưới triều Bảo Đại đến chức Thượng thư Bộ lại, sau bất đồng ý kiến nên từ chức (1). Ta thấy hai con người này có ảnh hưởng của gia đình, xã hội, bản thân rèn luyện trái ngược nhau: một bên vì dân vì nước, vì người nghèo khổ bị bóc lột áp bức. Một bên sống trong nhung lụa, có truyền thống làm tay sai cho ngoại bang.
      Nguyễn Tất Thành lúc tuổi trẻ học ít hơn Ngô Đình Diệm. Nhưng Người có tinh thần yêu nước thương nòi, mới 21 tuổi, hai bàn tay trắng dám tìm đường ra nước ngoài học hỏi để trở về giúp dân cứu nước. Suốt 30 năm lăn lộn ở nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Bác làm bất cứ việc gì nuôi sống để đạt tới mục đích của mình: tìm cho được con đường cứu nước. Chính từ cuộc đời của một người cần lao, lòng yêu nước thương nòi, tình yêu thương những người cùng tầng lớp nghèo càng sâu sắc. Nhờ trải qua tiếp xúc, nhìn nhận từ thực tế, không ngừng học hỏi từ cuộc sống của mỗi tầng lớp người các nước Bác đến đã rèn luyện bản lĩnh, đúc rút, nâng cao tầm trí tuệ, tạo dựng được tư duy của một lãnh tụ, như ông Hãn nhận định về Bác Hồ: giỏi tập hợp, tổ chức đội ngũ quần chúng, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, biết chuẩn bị và chớp lấy thời cơ khi nó xuất hiện.
      Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ rằng: những điều Bác tích lũy được theo năm tháng đi khắp các nước, nhất là từ khi tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, được chứng kiến tận mắt thực tế trên đất nước Nga Xô viết, đã hình thành trong Nguyễn Ái Quốc một tư duy khoa học, có phương pháp dẫn dắt mọi người theo Bác làm cách mạng và giành được thắng lợi.
      Còn Ngô Đình Diệm? Chúng ta nghe tiếp nhận xét của ông HXH:
      “Ông Diệm có đức độ, trong sạch, lễ nghi. Ông cẩn thận và cần mẫn, tính toán kỹ lưỡng, nhưng không nhanh khi phải giải quyết các việc gấp. Ông yêu nước, nói chuyện với ông, người ta thấy ông mộ đạo và yêu nước. Trước năm 1945, nhiều người phục ông vì việc ông rút lui để phản đối Pháp. Với sự thôi thúc của vợ chồng ông Nhu, ông Diệm ngày càng tin rằng gia đình ông có thể đem lại lợi ích cho đất nước. Thế là gia đình trị. Chế độ gia đình trị vốn đã làm phật lòng dân chúng, trong chế độ đó ông bà Nhu lại làm người ta ghét chế độ hơn. Trong khung cảnh như thế dân chúng đa số theo đạo Phật càng dễ nghĩ rằng gia đình ông Diệm ưu đãi Công giáo mà đàn áp Phật giáo. Lửa đã bốc lên, không còn ai dập nổi”.
      Ông Hãn nói tiếp:
      “Tính cách của hai anh em ông Diệm và ông Nhu khác nhau. Ông Diệm tôn trọng giềng mối, nề nếp; ông Nhu vì thủ đoạn có thể bất chấp lề thói. Ông Diệm tin người hơn; ông Nhu đa nghi hơn. Ông Diệm chân thành; ông Nhu quyền biến. Ông Diệm muốn xây dựng miền Nam thanh bình ấm no; ông Nhu có tham vọng phát triển miền Nam thành trung tâm các nước Đông Nam Á rồi dùng sức mạnh kinh tế và kỹ thuật sáp nhập miền Bắc để thống nhất. Thậm chí ông Nhu còn nghĩ đến Liên bang Đông Dương làm phương tiện đương đầu với Tàu sau này”.
      Hãy khoan đưa tiếp ý kiến ông HXH để có vài lời bình luận.
      Chúng ta biết ông Diệm có thời gian ra nước ngoài, qua Mỹ, ở trong tu viện, dựa vào nhà dòng (2) để thực hiện mục đích của mình. Dưới cái thời chế độ nhà Ngô ở miền Nam, mỗi khi vào rạp xi-nê, trước khi chiếu phim, rạp phải phát bài chào cờ và suy tôn Ngô Tổng thống. Bài hát có đoạn: “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người. Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do…”, ngay thời ấy người dân miền Nam đã không coi ông Diệm là “cứu tinh của dân tộc”, mà hướng về ông Hồ Chí Minh, một lãnh tụ đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì người dân Việt yêu quý và tín nhiệm ông Hồ cao quá, nên Tổng thống Eisenhower không dám thực hiện Tổng tuyển cử, sợ ông Diệm thua ông Hồ. Nếu có Tổng tuyển cử thì chắc là như thế. Được Mỹ chọn đưa về nước làm tay sai cho họ, thay Bảo Đại – một tay sai của Pháp không còn dùng được với Mỹ. Nhờ có Mỹ hậu thuẫn bằng những tên tình báo CIA gộc, Diệm mới truất phế được Bảo Đại, dẹp được các phe phái đạo giáo như Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo. Nếu không có hậu thuẫn của Mỹ, cả việc Mỹ gây sức ép với Pháp, để Pháp buộc Bảo Đại chấp nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng…, họ mua chuộc Trịnh Minh Thế đầu hàng Diệm – để rồi bị ám sát trên cầu Tân Thuận. Không có Mỹ hậu thuẫn, dù cho Ngô Đình Nhu có thâm hiểm thế nào cũng không đủ khả năng giúp chế độ Ngô Đình Diệm đánh bại, dẹp nổi quân của các giáo phái.
      Tiếp phỏng vấn:
      Hỏi: Thưa bác, bác nghĩ rằng ông Diệm là một nhà lãnh đạo lớn của dân tộc Việt Nam lúc đó, hay ít nhất là của miền Nam?
      Trả lời: Có người so sánh ông Diệm với ông Hồ, theo bác chỉ có ông Hồ mới xứng đáng nhất ở vị trí lãnh đạo. Ông Diệm có tác phong và tầm vóc của một vị quan cao cấp. Ông không thoát ly được khỏi các vướng bận việc gia đình và việc đạo nên không chú tâm hoàn toàn lo việc lớn cho đất nước. Hơn nữa, ông quá để ý tới các chi tiết lễ nghi và đạo đức. Nếu đất nước thanh bình, ổn định thì ông có thể giữ được giềng mối.
      Tôi cảm nhận ông HXH có tự mâu thuẫn với mình? Ở trên ông cho là ông Diệm là người yêu nước. Ở dưới cụ lại nói: “Ông (Diệm) có tác phong và tầm vóc của một vị quan cao cấp. Ông không thoát ly được khỏi các vướng bận việc gia đình và việc đạo nên không chú tâm hoàn toàn lo việc lớn cho đất nước”.
      Theo ông Hãn ông Diệm không có cái tầm vóc một lãnh tụ, thì đã rõ. Nhưng nói ông Diệm yêu nước, ta phải hiểu thế nào cho đúng? Có lẽ nên nói ông Diệm là người yêu đạo của ông và yêu gia đình họ Ngô mới chính xác. Cái chất yêu nước trong ông Diệm nó có quá ít, cũng chỉ vì quyền lợi một số người, chứ đâu có cho toàn dân Việt – như ông Hãn nói: “… ai nghe theo và tỏ lòng kính trọng ông Diệm, ông ấy sẵn sàng giúp đỡ”. Thế thì, ông Diệm là người chưa đủ tầm làm lãnh tụ, và cũng chưa đạt đến mức một người yêu nước, vì lợi ích toàn dân tộc là đúng rồi!
      Ông Hãn nói về ông Trần Trọng Kim:
      Ông Trần Trọng Kim thì rất có lòng phục vụ Tổ quốc, nhưng ông không đủ tầm vóc hiểu hết các chuyển biến của đại cuộc thế giới. Điều này không thể trách ông vì cả nước Việt Nam mình thời đó chỉ là một thuộc địa. Hơn nữa, lúc ấy ông đã lớn tuổi và không còn tâm lý xông tới.
      Trong các ông chỉ có ông Hồ vừa nhìn xa trông rộng, vừa có tài thuyết phục, tổ chức và dẫn dắt quần chúng. Ông ấy thông minh, cương quyết và rất khôn lanh nữa”.
      Đọc đoạn này của ông Hãn cho chúng ta ba gợi ý thú vị:
      – Một là, Nguyễn Ái Quốc ngay từ 21 tuổi đã chọn con đường: ra nước ngoài đến tận Pháp, đi các nước khác xem người ta làm ăn thế nào để về nước giúp đồng bào mình cứu nước. Nhờ đi ra nước ngoài nhiều nơi nhiều năm nên Hồ Chí Minh có hiểu biết rộng, nhanh nhạy tình hình, có tầm vóc một lãnh tụ, biết chớp thời cơ giành chính quyền…
      – Hai là, Ngô Đình Diệm, Trần Trọng Kim là những người không đủ tầm của một lãnh tụ. Ông Trần Trọng Kim không hiểu hết các chuyển biến của đại cuộc thế giới như ông Hồ Chí Minh.
      – Ba là, chỉ có con đường Nguyễn Ái Quốc lựa chọn mới là con đường đúng giúp Nguyễn Ái Quốc được rèn luyện, có đủ các tiêu chuẩn, xứng tầm là một lãnh tụ của cả dân tộc Việt Nam.
      Chúng ta nghe ông Hãn tổng kết về ông Diệm, Nhu:
      “Ông Diệm gặp nạn lớn là bởi vì người em của ông. Nhưng không có ông Nhu, chưa chắc ông Diệm sau khi cầm đại quyền có thể bình định và phát triển miền Nam”.
      Chỗ này, như đã phân tích ở trên, ông Hãn “quên” vai trò của hàng tá CIA, của mấy nghị sĩ và Chính phủ Mỹ hậu thuẫn, có cả Hồng y Spellman ráo riết vận động ủng hộ, chế độ Ngô Đình Diệm mới được ổn trong thời gian từ năm 1955 đến 1963. Ông Nhu có công góp xây dựng và làm sụp đổ chế độ Diệm, nhưng không phải chỉ có từ ông Nhu. Chế độ Diệm vững tám năm là nhờ Mỹ. Chế độ Diệm đổ là do nhân dân miền Nam, trong đó có vai trò lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Ông bà Nhu chỉ góp phần làm cho chế độ nhà Ngô sụp đổ nhanh hơn.
      Ông Hãn cho người phỏng vấn biết thêm: “Khoảng thời gian trước khi ông Diệm về nước nắm đại quyền, ông Nhu có nói chuyện với bác (ông Hãn xưng hô với người hỏi) vài lần. Có những việc chúng tôi đồng ý với nhau, có những việc anh ấy và bác không đồng ý, nhưng bác không có ý kiến gì hay hơn của anh ấy.
Theo bác, ông Nhu mới là một nhân vật rất đặc biệt. Anh ấy có cá tính mạnh, kiến thức rộng, tầm nhìn xa, đặc biệt là tham vọng rất lớn. Cách sống của ông bà Nhu làm người ta không thích, còn nhìn xa về tầm chính trị và các nước cờ sâu sắc của ông Nhu thì bác ngờ rằng các nhân vật cùng thời không hiểu hết. Lúc đó miền Nam một nước nhỏ và nghèo yếu nên dễ bị nước ngoài chi phối và tâm lý dân tộc thì dễ sinh ra vụn vặt, đố kị… Hoàn cảnh đó và thời cuộc đó chẳng những không dùng được những người xuất sắc kỳ lạ, mà còn nghiền nát họ”.
      l
      Phải thêm vài đoạn trích trong bài phỏng vấn “Hoàng Xuân Hãn và Chính phủ Trần Trọng Kim” để bạn đọc hiểu rõ hơn về ông Hoàng Xuân Hãn và chính phủ Trần Trọng Kim; người phỏng vấn không ưa Cộng sản, ông Hoàng Xuân Hãn không thích Cộng sản.
      Hỏi: Lúc đó chính phủ không có quân đội lấy gì giữ chính quyền trong khi phong trào Việt Minh đang nổi dậy tranh giành?
      Trả lời: “Thực ra lực lượng Bảo an sẵn sàng trong toàn quốc cũng được 4-5 ngàn, ở Huế độ vài trăm. Khi Nhật đầu hàng họ bàn giúp mộ quân và huấn luyện để giữ an ninh. Lúc đó, chỉ cần hô hào giành và giữ độc lập là mộ được nhiều quân, vận động được nhiều tiền của. Vũ khí thì Nhật sẵn sàng chuyển giao. Về mặt quân sự lúc bấy giờ, phe Việt Minh chưa chắc mạnh hơn phe chính phủ. Chính phủ cũng có uy tín vì mới điều đình thành công với Nhật thu hồi lãnh thổ VN thống nhất. Tuy nhiên, Trần Trọng Kim không muốn các phe phái VN đánh nhau nên chủ trương nhường. Kiến thức chính trị quốc tế của ông không đủ, mối giao thiệp với các nước trên thế giới thì chưa có, còn tuổi tác thì đã khá lớn rồi”.
      Hỏi: Bác có nghĩ phong trào Việt Minh thắng thế lúc đó là một sai lầm có tính bước ngoặt của dân tộc Việt Nam không?
      Trả lời: Ta khoan nói quá rộng tới quốc dân, hãy nói về lãnh đạo các phe phái. Lúc đó có nhiều thế lực, phe phái… và chính phủ là người có tư thế tốt nhất để tập hợp họ. Nhưng chính phủ lại nhượng bộ Việt Minh chiếm lãnh (ông Hãn chỉ Chính phủ Trần Trọng Kim). Trong số các phe phái, các phái ngoài Việt Minh và các phái không Cộng sản trong Việt Minh cũng có nhiều người học cao, có kiến thức nhưng họ không có tổ chức chặt chẽ và có tài đấu tranh chính trị như Cộng sản nên phải thua. Về tinh thần họ không có quyết tâm giành chính quyền bằng mọi giá và bằng mọi thủ đoạn như phe Cộng sản. Họ ôn hòa hơn phe Cộng sản vì nghĩ rằng phe nào trong chính người Việt Nam nắm chính quyền thì cũng tốt hơn Pháp.
      Lúc đó Việt Minh tương đối chiếm được lòng dân hơn, dù chưa có tư thế hơn Chính phủ Trần Trọng Kim. Lúc đó Việt Minh thắng thế không có gì sai, chỉ tiếc họ dẫn dắt dân chúng đi theo cuộc chiến tranh quá lớn và quá lâu.
      Mà cũng do tâm lý dân tộc mình, nếu dân tộc mình lúc đó không chủ chiến thì chính phủ nào có thể đẩy họ vào một cuộc chiến tranh? Chính hồi đó tôi cũng ủng hộ chiến tranh chống Pháp. Đám cháy đã bùng lên, làm sao dập tắt được? Cái vận nước mình nó là thế!
      Để vấn đề cho thấu đáo, xin trích bài viết “Hoàng Xuân Hãn với Nội các Trần Trọng Kim”của Phan Hồng Trung, đăng trên tạp chí Xưa&Nay, số 329, tháng 4-2009:
“Giữa những ngày bão tố cách mạng dâng lên sục sôi đó, Hoàng Xuân Hãn có mặt ở thủ đô Hà Nội. Thái độ của ông như thế nào? Trong bài hồi ký sau này, ông kể lại rằng ngay từ ngày đầu tháng Tám, khi chia tay với Phan Anh, ông đã bàn bạc và thống nhất với chủ trương về việc Nội các từ chức để nhường chỗ cho Việt Minh. Tuy nhiên, theo hồi ký của Lê Trọng Nghĩa thì lúc 8 giờ sáng ngày 18-8-1945, Hoàng Xuân Hãn đã một mình tìm đến đại bản doanh của Ủy ban Khởi nghĩa Bắc kỳ ở ngôi nhà số 101 đường Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay), tự giới thiệu là người đại diện cao cấp của Nội các Trần Trọng Kim đến thương thảo về tình hình khẩn cấp. Ông đề nghị Việt Minh hoãn cuộc khởi nghĩa, “cứ nắm tất cả các vùng nông thôn, nhưng nên để chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh trong lúc này…”. Là người trực tiếp nói chuyện với ông, Lê Trọng Nghĩa nhận xét: “Qua lời nói và thái độ chân thành của ông, tôi cho rằng không có gì thể hiện một mưu đồ đen tối, thâm độc bất cứ từ đâu. Nhưng lúc đó, tình thế đã không thể đảo ngược. Sau khi lịch sự từ chối, đại diện Việt Minh trân trọng tiễn vị Bộ trưởng ra về với một bộ dạng coi thật thiểu não, buồn lo hiện trên nét mặt. Ngày hôm sau, 19-8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi trọn vẹn.
      Phát biểu thế nào về hành động của HXH vào thời khắc lịch sử đó tại Hà Nội? Phải chăng ông không hiểu thời thế, không ủng hộ cách mạng, còn cố níu kéo, cố bảo vệ Nội các Trần Trọng Kim trong thế cờ tàn?
      Thật không dễ gì tìm ra lời đáp thỏa đáng cho những câu hỏi trên. Chắc chắn những người như HXH không những nắm và hiểu rõ hơn ai hết tình thế thời cuộc lúc đó mà các ông cũng có nhiều nguồn thông tin để nắm được tình hình phát triển của lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, các ông còn ngộ nhận ở hai điểm rất quan trọng:
      Thứ nhất, lúc đó các ông còn chưa dám tin vào lực lượng cách mạng của Việt Minh. Dòng hồi ký sau đây của ông HXH và Phan Anh được các bạn Thanh Nghị cho hay rằng phong trào cách mạng chống Nhật đã bành trướng từ Cao Bằng đến vùng Bắc Cạn, Thái Nguyên. Họ có tổ chức và có vũ khí Mỹ cho. Chúng tôi hơi yên tâm, nhưng cũng tự hỏi rằng vũ khí Mỹ đã cho có bằng khí giới Nhật sẽ cho khi Mỹ đổ bộ…”.
      Ngộ nhận thứ hai, ông HXH và Nội các của ông là về địa vị pháp lý Nội các. Các ông toan tính, đứng ra với tư cách là một chính phủ để “nói chuyện” với Đồng Minh sau khi quân Nhật đã đầu hàng. Đây là một ngộ nhận không những ngây thơ mà còn hết sức nguy hiểm, bởi lẽ không có lý do gì để Đồng Minh công nhận và thương thuyết với một chính phủ như Nội các Trần Trọng Kim. Ngược lại, Nội các đó chắc chắn sẽ bị quân Đồng Minh coi như một chính phủ hợp tác với phe Trục, cần phải bị trừng phạt. Do đó, nếu quân Đồng Minh tiến vào mà chính phủ Trần Trọng Kim chưa bị lật đổ để thay thế bằng một chính phủ của nhân dân, được nhân dân hậu thuẫn, thì nhân dân Việt Nam không có cách gì bảo vệ được nền độc lập dân tộc”.
      Ông Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ nghệ của Chính phủ Trần Trọng Kim. Trong Chính phủ này có nhiều người sau Cách mạng tháng Tám theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Còn ông HXH tuy có gặp Bác Hồ nhưng không theo Việt Minh như Trần Trọng Kim. Ông Hãn qua định cư ở Pháp.
      Ông Hãn đã cho ta thấy: “Bác là một người bình thường trong giới có học vấn, còn ông Nhu là một người trí thức xuất chúng đặc biệt”. Nghĩa là ông rất non về chính trị.
      Ông Hãn nhìn vấn đề dưới con mắt của một người hiểu biết không toàn diện. Thể hiện rõ ở hai việc:
      – Một là, ông cho rằng “ai không theo họ đều là người xấu cả”, là không đúng. Một sự nhìn nhận chủ quan, cảm tính, chứng tỏ ông không hiểu gì mấy đối với người Cộng sản. Chỉ có những người theo giặc ngoại xâm mới bị người Cộng sản cho là xấu, là phản quốc mà thôi.
      – Hai là, ông trách Cộng sản dẫn dắt dân tộc làm cuộc chiến tranh lâu dài quá.
Về điểm này, không biết ông nói lấy lòng người phỏng vấn hay ông thiếu thông tin về việc Cụ Hồ phải nhân nhượng với Pháp tới mức không đòi Pháp công nhận Việt Nam độc lập mà chấp nhận tự do, đồng ý Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, ký hiệp định Sơ bộ 9-3-1946 rồi Tạm ước 14-9-1946, nhưng Pháp không thi hành mà tấn công quân ta ở Hải Phòng rồi gửi tối hậu thư đòi tước khí giới lực lượng vũ trang của Việt Minh ở Hà Nội. Không thể lùi thêm nữa nên Chủ tịch Hồ Chí Minh phải cho nổ súng, kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946.
      Khi đất nước độc lập được một nửa, đúng theo tinh thần Hiệp định Genève, tháng 7-1956 phải tổ chức tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc. Nhưng Ngô Đình Diệm làm tay sai đế quốc Mỹ, bắt bớ, chém giết những người kháng chiến cũ, vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Genève: không được trả thù người phía bên kia sinh sống trên lãnh thổ mình quản lý, đàn áp phong trào đòi Tổng tuyển cử; xây dựng quân đội hùng mạnh với viện trợ và cố vấn khổng lồ của đế quốc Mỹ nhằm tiêu diệt những người kháng chiến chống Pháp và hô hào Bắc tiến. Khi chính quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, Mỹ phải đưa cả hơn nửa triệu quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam tiếp cứu ngụy quân ngụy quyền, nhưng cũng phải chịu thua Việt Cộng, chấp nhận ký Hiệp định Paris 1973, rút quân về nước, bỏ rơi VNCH để Việt Cộng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nếu Cộng sản không tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài như thế làm sao thống nhất được Tổ quốc. Ông Hãn không hiểu, không quan tâm những điều nói trên, hoặc biết mà không nói ra lúc này, thì đây là hạn chế của một trí thức non về chính trị như ông thừa nhận.
      Nói như trên cho rõ những gì đã có trong bài phỏng vấn, biết lập trường, quan điểm của người trả lời phỏng vấn ra sao. Tôi dành sự kính trọng chừng mực đối với ông Hãn về sự trung thực của một trí thức trong xem xét đánh giá các nhân vật đề cập trong bài này. Cần nhắc lại: ông Hãn vì không tiếp cận, không nghiên cứu sâu, hoặc còn biết mà chưa nói hết nhiều điều tốt nữa của Cụ Hồ? Nhưng dù sao những điều ông đã nói cũng giúp cho hậu thế, nhất là người phía bên kia hiểu đúng về Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Trọng Kim và ngay bản thân ông Hãn nữa; chỉ có ông Hồ Chí Minh là người thật sự có tài, xứng đáng làm lãnh tụ dân tộc Việt Nam.
_________
Chú thích :
(1) Gia đình họ Ngô Đình:
Cha: Ngô Đình Khả (? -1925), từng làm quan võ từ triều Đồng Khánh, theo Nguyễn Thân một tên hợp tác với chính phủ bảo hộ (thuộc Pháp) đàn áp các phong trào chống Pháp như nhóm Văn Thân của ngự sử Phan Đình Phùng ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Mẹ: Phạm Thị Thân
Quê quán: làng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Các con:
Ngô Đình Khôi (1885-1945), anh cả Ngô Đình Diệm, làm quan triều Nguyễn đến chức Tổng đốc.
Ngô Đình Thị Giao (?-1944), tục gọi là bà Thừa Tùng.
Ngô Đình Thục (1897-1984).
Ngô Đình Diệm (1901-1963).
Ngô Đình Thị Hiệp (1928-2002), thường gọi là bà Cả Ấm, bà là mẹ của Hồng y Nguyễn Văn Thuận.
Ngô Đình Thị Hoàng, tục gọi là bà Cả Lễ.
Ngô Đình Nhu (1910-1963).
Ngô Đình Cẩn (1912-1964).
Ngô Đình Luyện (con út) (19 14-1990) là luật sư và đại sứ.
(2) Lúc ở Mỹ, qua Pháp rồi Bỉ, ông Diệm đều lưu trú tại các nhà dòng. Tại Mỹ ông ngụ trường dòng Lakewood ở New JerseyOssiningNew York
Xem nội dung các bài phòng vấn :


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét