Người theo dõi

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Chuyện học sách

Chuyện học sách




Phi lộ một câu: Lúc đầu định viết về học sách (học thuyết và sách lược) như một bổ túc ngắn cho bài Con đường của rồng, nhưng rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, thành ra bài viết rất dài dòng và lan man này.
I. Phần 1


Sách lược (hành động) đề cập ở đây là sách lược chính trị. Sách lược chính trị không thể đứng một mình, dù ít hay nhiều cũng phải dựa  vào các học thuyết (phát triển) kinh tế, xã hội và quân sự. Nhưng ở Việt Nam thì nói chung cái gì cũng khác.
Quay trở về quá khứ, ở ta đã có lúc học thuyết và sách lược đã có lúc bị trộn lẫn và diễn đạt ra thành lời chỉ trong một vài từ, ngắn tũn và bí hiểm.
“Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân” tương truyền là một “học thuyết” do Trạng Trình phán ra rồi được các Chúa Nguyễn sử dụng để phát triển vương quốc, và sau này thành một đế chế rộng lớn, của riêng dòng họ mình. Từ quan điểm hiện đại, nhìn vào nội hàm của câu sấm, có thể thấy “học thuyết” này có cơ sở lý luận là “địa chính trị” / “không gian sinh tồn”. So với thời điểm ấy thì tư tưởng của Trạng Trình dạy cho chúa Nguyễn rất tiên tiến, nên nhà Nguyễn thành công cũng là dễ hiểu. Còn mục đích mà lập luận hướng tới là để “lập quốc” và “đất nước” này chỉ là để nuôi dưỡng và phát triển một dòng họ (từ đẳng cấp quan nhà Lê, lên lãnh chúa, và cuối cùng thành vua). Nó không phải là học thuyết để xây dựng một nền xã hội công bằng văn minh. Từ đó sách lược (đường lối thực hiện, hành động) của các Chúa Nguyễn cũng không vượt ra khỏi tầm vóc của “học thuyết vắn tắt” này, tuy về sau họ có phát triển học thuyết từ “khả dĩ dung thân” lên “vạn đại dung thân”.
Bây giờ nhìn lại, rõ ràng những gì chúa Nguyễn thực hiện, từ Nguyễn Hoàng tới lúc Gia Long lên ngôi đều có các đặc tính của việc một cường quốc (Đế quốc Đại Nam) hình thành thông qua mở rộng không gian sinh tồn (Friedrich Ratzel): bành trướng thông qua việc chiếm và sáp nhập các vương quốc yếu hơn, đường biên giới mềm, chỉ có giá trị tạm thời trong quá trình bành trướng. Suốt thời của các chúa Nguyễn, kể cả thời binh đao với Tây Sơn đến thời Gia Long lập quốc thì biên giới luôn mềm. Thời Minh Mạng, thậm chí đến tận thời Ngô Đình Diệm, đế quốc này còn thể hiện một đặc tính nữa theo Ratzel: Dân tộc văn minh hơn cưỡng bức các dân tộc bị thôn tính phải theo văn hóa của mình. Có thể nói nhờ tư tưởng gói gọn trong “một câu” mà Trạng Trình truyền cho mà nhà Nguyễn vượt xa nhà Trịnh về chính trị và sách lược hành động. Có thể nó cũng đi vào tiềm thức nên học thuyết Darwin xã hội sau này được ưa chuộng ở Nam Kỳ thuộc Pháp và trong nhóm các cụ Đông Du.
Tương tự như vậy  “giữ chùa thờ phật thì ăn oản” là một “học thuyết” kèm luôn “sách lược” mà Trạng Trình truyền cho cho nhà Trịnh. So với học thuyết dành cho nhà Nguyễn thì học thuyết này cũ kỹ hơn nhiều, sách lược cũng hẹp và nông hơn (chỉ để ăn). Triết lý của học thuyết này là đề cao tính chính danh (của nhà Lê) để kiếm ăn (cho họ Trịnh). Nó cũng gần gũi với triết lý dân gian “ăn cây nào rào cây đấy”. Nhà Trịnh về cuối lũng đoạn chính quyền, quân đội, tham nhũng, sống xa hoa, … đều không thoát ra khỏi triết ký của “học thuyết một câu” này.  Do sự khác biệt giữa hai học thuyết nên dù xuất phát điểm nhà Trịnh tốt hơn nhà Nguyễn nhiều lần nhưng về sau nhà Trịnh kém nhà Nguyễn cả về chính trị, kinh tế và phần nào là quân sự (bốn lần chúa Trịnh kéo quân đánh miền nam thì thua cả bốn). Nạn Kiêu Binh làm đảo lộn Bắc Hà  cũng từ cái gốc của “giữ chùa, dựng phật” này mà ra.
Mở ngoặc, “học thuyết một câu” này hiện vẫn đúng nếu coi Đảng là chùa mà Bác là Phật. Và nó cũng được dân miền bắc vận dụng nhiều hơn, triệt để hơn.
Đào Duy Từ, kiến trúc sư trưởng xây dựng thể chế cho nhà Nguyễn đã thực hiện nhiều việc lớn, trong đó có việc khuyên chúa Nguyễn trả lại sắc phong vua Lê, coi như đoạn tuyệt hẳn với việc “giữ chùa thờ phật”, từ bỏ ý thức hệ nhà Lê để xây dựng quốc gia theo triết lý riêng của mình. Đào Duy Từ đầu quân cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên (tức chúa Sãi, chúa Bụt, tức Hiếu Văn Hoàng Đế), là vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn. Sau khi chỉ huy quân xây xong lũy Trường Dục (Lũy Thầy), lũy Nhật Lệ, rào cửa biển Nhật Lệ  và cửa Tùng (Minh Linh), xây dựng lục quân và thủy quân vững mạnh, Đào Duy Từ khuyên Chúa Nguyễn trả lại sắc phong cho nhà Lê (để sắc văn vào giữa mâm đồng hai đáy, sai sứ thần đem trả lại triều đình nhà Lê).
Học thuyết của Trạng Trình cộng với tư duy kiến thiết hạ tầng thể chế của Đào Duy Từ đã giúp dòng họ Nguyễn lập quốc thành công. Không những thế, kế thừa di sản của Chúa Tây Sơn bất ngờ suy sụp, họ còn lập ra một quốc gia hoàn toàn mới, rộng lớn và hùng mạnh hơn các triều đại trước đó rất nhiều, khiến cho họ Nguyễn buộc phải đặt một cái tên mới toe cho cái nước ấy. Thế là tên nước Việt Nam ra đời.
Sở dĩ nhắc đến hai câu Sấm lừng danh phía trên của Trạng Trình là bởi dân ta hay coi hai câu này là những lời tiên tri, có tính dự báo, chứ không coi hai câu này là học thuyết, là sách lược, để nhà Trịnh nhà Nguyễn dựa vào đó mà bắt đầu sự nghiệp của mình. Nó không phải là ngọn. Cần phải coi nó là gốc.
II. Phần 2
Thời hiện đại (Đông Du), học thuyết Darwin xã hội (social Darwinism) và sách lược Đại Đông Á (Dai-tō-a Kyōeiken) bám lấy đế quốc Nhật làm ngọn cờ đã manh nha ăn vào các trí thức và nhà cách mạng Việt. Nhưng hỗn hống này được reo vào Đông dương thuộc Pháp hơi muộn, chưa hé nở đã vội tàn. (Đế quốc Nhật áp đặt công nghiệp hóa và cải cách giáo dục ở Triều Tiên và Đài Loan từ năm 1931 (để phục vụ Mãn Châu Quốc) và đẩy mạnh sau năm 1937 khi Nhật chiếm Trung Quốc.
Phải đến khi NAQ mang học thuyết (nhưng có lẽ là sách lược nhiều hơn) của Lenin-Stalin vào Việt Nam thì mọi sự mới khác. Việc này giải thích rất mất công, để đơn giản hóa có thể mô tả như sau: học thuyết Marx-Engels là cái vỏ, trong ruột thực chất là sách lược Lenin-Stalin. Sách lược này cũng chỉ nhắm vào một việc: giành chính quyền là mục đích chính, các việc còn lại là phụ,rất phụ thậm chí không cần quan tâm: xây dựng xã hội văn minh, kinh tế phồn thịnh, khoa học phát triển, nhà nước dân sự do dân vì dân…
Đây chính là mấu chốt vấn đề: tại sao chúng ta bế tắc toàn diện như bây giờ, đặc biệt là bế tắc về tư tưởng, lý luận, rối ren về thực tiễn, mơ hồ về học thuyết, mù tịt về sách lược.
Nhiều người đổ lỗi cho các bậc tiền bối sáng lập ra nhà nước hiện nay, rằng họ không thiết kế ra một hệ thống hoàn hảo để nó chạy tốt sau nhiều năm. Đổ lỗi như vậy về cơ bản là sai.
Có lẽ khắp toàn cầu chỉ duy nhất Hoa Kỳ là có các vị lập quốc tiền bối ngồi với nhau để thiết kế ra một mô hình nhà nước với hiến pháp, tòa án tối cao, chính phủ, nghị viện … hoàn chỉnh đến mức hàng trăm năm sau vẫn chạy tương đối tốt.
Không kể đến kiến thức, tầm nhìn và lòng yêu nước của các vị lập quốc Hoa Kỳ, phải khách quan mà nói thời điểm họ ngồi với nhau để thiết kế hệ thống không phải ngay sau khi độc lập, mà là sau đó nhiều năm. Họ ngồi với nhau không phải một ngày mà cả trăm ngày. Không phải họ đồng thuận tập thể mà cãi nhau như mổ bò.
Quan trọng hơn, ở thời điểm Hoa Kỳ lập quốc và bắt đầu kiến quốc, ở Hoa Kỳ đã thịnh hành các học thuyết và lý luận rất hiện đại và phù hợp với xã hội Hoa Kỳ: của Thomas Paine và John Locke. Năm 1776, chỉ trong vòng ba tháng, cuốn Common Sense của Paine bán được hơn 100 ngàn bản ở Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy thuộc địa này quyết định việc tách ra khỏi mẫu quốc, không những giành độc lập mà còn đoạn tuyệt với thể chế quân chủ. Còn Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ không chỉ là bản văn tuyên bố độc lập, mà còn là biểu hiện của các lý thuyết về quyền tự nhiên và khế ước xã hội của John Locke. Đoạn mở đầu bản tuyên ngôn danh tiếng này là một cách thể hiện ngắn gọn lý thuyết của Locke về khế ước xã hội (social contract). Hiến pháp Mỹ ra đời một thập kỷ sau ngày độc lập,  thông qua hội nghị lập hiến cãi nhau như mổ bò. Quá trình (các bang) thông qua Hiến pháp này cũng rất vất vả, mất gần 2 năm (nên mới ra đời Luận cương Liên Bang để vận động các bang thông qua Hiến Pháp). Sau khi có Hiến Pháp, do có sự bất đồng giữa các bậc tiền bối lập quốc, mà các chính đảng của Mỹ ra đời, và các đảng này tồn tại đến tận bây giờ (đối đầu giữa Alexandre Hamilton của phe Người liên bang và Thomas Jefferson của phe Cộng hòa – Dân chủ).
Như vậy là khác với nước ta, các chính đảng lớn của Mỹ (không tính kiểu Boston Tea party) ra đời sau khi nước Mỹ độc lập, sau khi Mỹ có hiến pháp. Các đảng của Mỹ đều ra đời trên đất Mỹ. Ở ta khác hẳn, ĐCS ra đời trước khi có nhà nước, và ra đời ở ngoài lãnh thổ nước ta bây giờ.
Quay lại với nước ta. Sách lược tốt nhất mà Đảng có, cho đến nay, chính là cuốn Đường Kách Mệnh.
Mặc dù về hình thức ĐKM là sách để huấn luyện cán bộ cộng sản, nhưng nếu đọc kỹ cuốn sách này ta sẽ thấy: cấu trúc khoa học, các chương ngắn gọn, diễn đạt dễ hiểu, lý luận chặt chẽ, dẫn đến (kết luận) một sách lược hành động chỉ có từ đúng trở lên, đảng viên cứ thế mà tuân theo. Toàn bộ cuốn sách này và sách lược nó đưa ra, ngầm dựa trên một kết luận mà thực ra chỉ là giả thuyết (rút ra từ chủ nghĩa Marx) và bởi vậy kết luận này được mặc định là đúng còn hơn chân lý với hàng loạt những khái niệm lóa mắt như: nhà nước công nông, giai cấp công nhân lãnh đạo, đấu tranh giai cấp, … Phương pháp lý luận là lịch sử biện chứng. Trong các trước tác của NAQ/HCM, cuốn ĐKM chỉ tương đối giống các tác phẩm khác về văn phong và cách sử dụng danh từ, còn thì khác hẳn về cấu trúc, kỹ năng lập luận. ĐKM hơi hơi giống một bản luận văn tốt nghiệp trường Đảng cao cấp.
Rất có thể sự ra đời cuốn ĐKM là do NAQ lúc đó là cán bộ cốt cán của QTCS (do Stalin lãnh đạo), được cơ quan này cử đi Châu Á để xây dựng lực lượng cách mạng vô sản và phong trào cách mạng vô sản bằng lý thuyết và phương pháp tổ chức của QTCS. Sau khi tham khảo tiểu luận Cách Mạng của Nguyễn Thượng Huyền cũng như tranh luận với Huyền về “cách mạng” (xem Trong Vỏ Hạt Dẻ phần đầu), NAQ đã quyết định quốc-ngữ-hóa tài liệu huấn luyện cán bộ. Xuất phát là một cán bộ kỳ cựu của QTCS, được đào tạo huấn luyện kỹ càng, lại giàu kinh nghiệm thực tiễn, NAQ đã dịch qua tiếng tàu và chữ quốc ngữ các lý luận và phương pháp xây dựng lượng của QTCS; cuối cùng bản địa hóa thành các bài giảng và tổng hợp thành cuốn sách. Vì thế, nội dung sách nhẹ về học thuyết mà nặng về sách lược hành động, và sách lược hành động cũng tập trung nhiều vào xây dựng mạng lưới đảng viên, bồi dưỡng đảng viên và thúc đẩy họ làm cách mạng. Sách lược hành động này bị ảnh hưởng mạnh từ đường lối cách mạng của Lenin và Stalin. Ngoài lề chút: may mà hồi đó ông cụ viết là “Kách”, chứ không thì cuốn sách kinh điển này được viết tắt kinh điển không kém là ĐCM. (
Với sách lược này (tiến bộ nhất xứ đông dương lúc bấy giờ), cách mạng đã thành công (cướp phát được luôn chính quyền), và từ đó đường lối hành động kiểu Lenin, Stalin là khuôn vàng thước ngọc, còn học thuyết mà nó mượn vỏ, tức là chủ nghĩa Marx trở thành kim chỉ nam, là hải đăng, là chân lý.
Thế rồi tường Berlin sụp đùng một cái còn Trung Hoa đứng dậy cái một, cả ruột và vỏ bỗng nhiên không còn đúng nữa.
Vậy nên đến bây giờ các nhà lý luận của Đảng đang mắc tóc với các kiểu thị trường này định hướng xã hội kia.
III. Phần 3
Đến đây phát sinh câu hỏi: nếu các nhà lập quốc Hoa Kỳ, 11 năm sau khi giành độc lập (1776), họ nhận ra các vấn đề lớn của đất nước, bèn rủ nhau ngồi lại để thiết kế một bản Hiến Pháp (1787) để xây dựng một loạt thể chế quan trọng để vận hành nhà nước; thì ở VN thời điểm nào tốt nhất để các nhà cách mạng thành lập nên nhà nước hiện nay ngồi bàn với nhau cũng việc ấy?
Câu trả lời là chưa có lúc nào phù hợp. Năm 1945 quá rối ren, chính quyền Việt Minh thực ra cũng chưa nắm được hết được ba miền với các thành phố lớn, quân đội Pháp quay trở lại, chính vì thế việc cất hiến pháp 1946 vào kho là nước cờ rất sáng của tác giả Đường Kách Mệnh.
Từ năm 1946-1954 chính quyền Việt Minh ở trong rừng đánh nhau với Pháp, tâm trí đâu mà ngồi nghĩ đến thiết kế một cái nhà nước đủ tốt để vận hành cả trăm năm (đến đánh nhau với Pháp còn chưa biết thắng thua thế nào, đau tim bỏ cụ).
Năm 1954-1955, đây là cơ hội rất tốt, Việt Minh thắng thế, hai vị sáng lập nhà nước VNDCCH là HCM và Trường Chinh còn sống, khỏe mạnh, và ở trên đỉnh cao của danh tiếng trong nước cũng như quốc tế. Nhưng chiến thắng vang dội địa cầu đã làm họ tin tưởng hơn nữa vào đường lối kiểu Mao và thế là bản thiết kế một thể chế lẽ ra phải văn minh hơn nhà nước ở miền nam (dựa vào bản 1946 trong ngăn kéo) đã không thể nào ra đời được.
Rẽ ngang một phát về Mao và Trung Quốc.
Giải thích đầy đủ sẽ rất dài. Tóm tắt như sau.
Mao tuy thất học nhưng lại chăm đọc sách và là một tay có tư tưởng, có tầm nhìn, thích hành động và sẵn sàng gây sóng gió. Học thuyết và sách lược hành động của ông không vay mượn nhiều từ thế giới, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quá khứ của Trung Quốc. Sách lược của Mao về bản chất rất đơn giản: sau khi giật công đánh Nhật từ tay Tưởng và đuổi Tưởng ra biển, Mao thành lập nhà nước Trung Quốc mới. Trong nhà nước này, bằng nhiều thủ pháp chính trị cao thủ, Mao tự đặt mình ở vị trí của hoàng đế, nhưng là hoàng đế của hàng trăm triệu nông dân. Dưới hoàng đế là một triều đình của giai cấp công nông (TW Đảng). Hệ thống tuyển dụng công chức (quan lại) để cai trị đất nước hoàn toàn rập khuôn theo mô hình thư lại (bureaucracy) của triều đình phong khiến, chỉ khác là thay Tống Nho bằng lý luận Marxist-Maoist.
Trong một thời gian tương đối dài, Mao tàn phá nền kinh tế cũ của Trung Quốc (đại nhảy vọt), tàn phá Đảng (cách mạng văn hóa); rồi trên đống tro tàn rộng lớn ấy, chỉ trong khoảng hai năm cuối đời Mao đã làm những động tác hết sức ngoạn mục kiến tạo nên nước Trung Hoa Mới: xoay trục quốc tế (đối đầu Liên Xô, hòa giải với Mỹ rồi Nhật), bình định phe quân sự (đưa Lâm Bưu vào hố thẳm) chỉ giữ lại nguyên soái Diệp Kiếm Anh (chỉ huy cũ của thiếu tá Hồ Quang) và cuối cùng là đưa tài năng trị quốc Đặng Tiểu Bình trở lại Trung Nam Hải làm vừa làm tể tướng (nắm triều đình) vừa làm hồng y giáo chủ (nắm quân ủy).  Với nước cờ cuối cùng phục hồi một tiền bối cũ nhưng có vấn đề về ý thức hệ là Đặng đồng thời giữ ổn định chính trị bằng một đồng chí cũ có uy tín và trung thành với chế độ là Diệp nguyên soái , Mao từ biệt cuộc đời sôi động và đẫm máu của mình để một Trung Hoa Mới nảy mầm . Bất chấp các quan điểm mâu thuẫn của Mao về Đặng (vừa che chở Đặng bằng cách đặt ông này ở vị trí phó cho Chu Ân Lai vốn già yếu, nằm viện và sắp chết, vừa phê bình tính giai cấp của Đặng với quan điểm mèo trắng mèo đen, buộc tội Đặng tạo ra tầng lớp tư sản đầu tiên trong Đảng), bất chấp sự thù địch của bè lũ bốn tên, bất chấp bọn sủng thần như Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng cản bước, cuối cùng Đặng đã vượt lên tất cả để trở thành người lãnh đạo thực sự của nước Trung Hoa Mới.
Với mô hình nhà nước này, đến thời của mình, Đặng Tiểu Bình phế bỏ ngôi hoàng đế, tiện tay đàn áp cả bọn sủng thần vừa ngu vừa ác lẫn tàn sát sinh viên cấp tiến, rồi chuyển đổi thể chế dần sang độc tài cánh hữu (cho phép tư sản đảng và tư sản dân tộc phát triển hết cỡ). Đặng cũng sử dụng lại học thuyết “sinh tồn không gian shengcun kongjian” của Tưởng Giới Thạch (đường 9 đoạn trên biển đông là ý tưởng của chính quyền Tưởng Giới Thạch – xem Trong Vỏ Dạt Dẻ phần cuối, mục số V). Mô hình do Đặng cải tiến và nâng cấp đã rất thành công về mặt kinh tế nhưng bộc lộ vô số khiếm khuyết.
Đến thời Tập Cận Bình, ông này tái dựng lại địa vị hoàng để của Mao rồi tự mình ngồi ịch vào đấy. Thậm chí không thèm che dấu lực lượng mật vụ Đảng với chiêu thức lừng danh “song-quy” do ngôi sao bí ẩn Vương Kỳ Sơn (ủy viên BCT) điều hành đang hoạt động y như Cẩm Y Vệ/ Xưởng Vệ của triều đình nhà Minh ngày xưa. Thời phong kiến nhà Minh, cơ quan Cẩm Y Vệ cũng trực thuộc hoàng đế, được lập ra để giám sát các quan chức. Cẩm Y Vệ được đặc quyền vượt qua thủ tục pháp lý thông thường để bắt, giam, tra tấn những người không trung thành với hoàng đế hoặc làm hại thanh danh chế độ của hoàng đế.  Hiện nay TQ bỏ học thuyết Marx, ít nhất là bỏ trên mặt trận tuyên truyền, họ không sử dụng các khẩu hiệu liên quan đến xã hội chủ nghĩa, thay vào đó là các thông điệp và hành động cứ như Trung Quốc đang ở thời kỳ Đại Đường ngày xưa vậy. Mà nhà Đường thì quả thực là vĩ đại. Hô hào lập lại đường tơ lụa, nhăm nhe thôn tính biển Đông, là những việc nhà Nguyên Mông ngày xưa đã từng làm, mà vì thế gây chiến tranh với Đại Việt và Chiêm Thành.
Việc nhà nước Trung Quốc đang tha hóa về thể chế, buộc phải quay lại mô hình phong kiến thực ra lại mang đến cho chúng ta một niềm an ủi nho nhỏ rằng ít ra thì nước ta (biết đâu) sẽ có thể chế tiến bộ hơn Trung Quốc (còn Trung Quốc cuối cùng chắc cũng nhận ra thể chế phù hợp nhất, đỉnh cao nhất với họ là chuyên chế phong kiến rồi, họ không còn gì để tiến hóa tốt hơn được nữa, nhất là khi tư tưởng đậm đà bản sắc dân tộc Đại Hán aka phát xít đã quay trở lại). Xem thêm bài Khác lối.
Từ năm 1954-1968: hai miền chia cắt. Không ai ngồi ở nửa đất nước mà có thể thiết kế thể chế cho nhà nước bao gồm cả hai miền, chưa kể bom đạn liên miên.
Năm 1969: hai miền vẫn chia cắt, chiến tranh ngày một ác liệt, một trong hai tiền bối sáng lập ra nhà nước miền bắc, tức là HCM, qua đời. (Trong thập kỷ 60 này phong trào không liên kết hình thành rồi đột ngột mất đà do chiến tranh Trung Ấn. Việc các nước không liên kết lẽ ra tạo thành khối liên kết kinh tế hòa bình bị chiến tranh làm mất đà, dẫn đến việc các quốc gia tự động quay lưng với ý tưởng khu vực kinh tế cộng sức, để quay lại xây dựng chiến lược tự cung tự cấp. Đây chính là ý tưởng Lê Duẩn dùng để xây dựng mô hình tự cung tự cấp với các “pháo đài huyện”, đóng cửa, chối bỏ ngoại thương, và phát triển nó thành học thuyết kinh tế sau khi chiến tranh kết thúc, thống nhất đất nước).
Năm 1975: kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Mở ngoặc nói về nhà Trần …
Nhà Trần là đế chế đầu tiên ở Việt Nam tàn sát một cách hệ thống tất cả lực lượng chính trị (gia tộc) có mầm mống cạnh tranh chính trị với mình. Họ không chấp nhận hòa hợp dân tộc (thậm chí ép buộc thanh niên trong dòng tộc phải nội hôn, không được lập gia đình với người ngoài) với chủ ý xây dựng một dòng họ (một dạng đảng tộc) độc quyền cai trị đất nước. 
Nhà Trần được các cán bộ cách mạng rất ngưỡng mộ do đánh thắng ngoại xâm. Trong đó chiến tranh lần hai với quân Mông cổ rất tàn khốc. Nhà Nguyên Mông lúc đó muốn khôi phục lại thương mại toàn cầu (con đường tơ lụa) như thời Đường. Nhưng đường bộ từ lúc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên thì tịt rồi, nên buộc phải dùng đường biển. Công nghệ đi biển hồi đó theo gió mùa, ven bờ, nên việc bảo đảm an ninh hàng hải ở vùng biển Chiêm Thành và Đại Việt là rất quan trọng. Toa Đô và Thoát Hoan được giao nhiệm vụ này. Đây là nguyên nhân cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của quân Nguyên Mông.
Trước và sau chiến tranh, nhà Trần có hai giai đoạn phát triển rất thú vị. Giai đoạn đầu (trước chiến tranh ) có xu hướng Aristocracy. Giai đoạn hậu chiến họ áp dụng thể chế Timocracy khá rõ nét (có thể tham khảo mô hình VN giai đoạn 198x). Sau chiến tranh, giới cầm quyền được tưởng thưởng sau chiến thắng thì hưởng lạc, vơ vét của cải , còn nhân dân, những người cống hiến, hy sinh, mất mát nhiều nhất trong cuộc chiến, lại sống lầm than hơn. Ngoài biên thùy thì Chiêm Thành và Ai Lao lợi dụng thể chế suy yếu mà quấy rối. Phạm Ngũ Lão xuất thân bình dân nổi lên như anh hùng cả trong chiến tranh vệ quốc lẫn chinh phạt láng giềng, không khác gì Lê Trọng Tấn sau này.
Xuất thân chài lưới, sau khi cướp chính quyền nhà Trần quý tộc hóa dòng tộc mình, vừa thích vừa sợ trí thức. Trí thức thành kẻ bên lề, không được trực tiếp tham dự việc triều đình, phải làm gián tiếp bằng cách làm gia-khách trong nhà các quý tộc chính trị gia, như Mạc Đĩnh Chi làm cho nhà Trần Ích Tắc, Trương Hán Siêu làm cho nhà Trần Hưng Đạo. Từ đó, quyền lực Phật giáo giảm dần nhường chỗ cho quyền lực khoa bảng nho giáo. Chu Văn An, dựa vào đám đông học trò cũ đang làm môn khách, nổi lên như trí thức “lề trái” công khai phản biện triều đình bằng cách dâng Thất Trảm Sớ.
Tương tự như thế, những người nông dân làm cách mạng lấy được chính quyền, đánh Pháp đánh Mỹ xong cũng tự lắp vòng hào quang bằng nhựa lên đầu mình, khinh thị trí thức, không cho tham gia bàn việc nước. Các vị trí thức muốn “làm tí” phần nhiều phải làm môn khách của cán bộ quý tộc đời mới như các nhóm vây quanh ông Kiệt, ông Khải. Quyền lực của y tức hệ cộng sản nhạt dần nhường chỗ cho quyền lực của tri thức. Nhiều trí thức bắt đầu nổi lên như những tay phản biện chính sách, nhưng so với Chu Văn An thì thiếu hẳn bệ đỡ là đám học trò.
Xây dựng nhà nước và bộ máy chính quyền dựa trên hào quang chiến trận, điều hành kinh tế sai lầm là những nguyên nhân làm cho  bộ máy chính quyền nhà Trần cho thối nát bên trong, xã hội lầm than loạn lạc bên ngoài, mâu thuẫn và căng thẳng xã hội không thể khắc phục nổi. Chu Văn An dâng Thất Trảm Sớ. Hưng Đạo Vương lúc chết dặn san phẳng mộ mình đề phòng quân Nguyên sang trả thù. Nông dân nổi dậy liên tục. Loạn quân của Phạm Sư Ôn còn kéo về chiếm được cả Thăng Long. Ngoại bang đe dọa bờ cõi.
Những năm 137x chúa Chiêm là Chế Bồng Nga tấn công Thăng Long, đi thuyền từ cửa biển Đại Ai vào sông Hồng, ngược vào Tô Lịch, đi vào hoàng thành (có lẽ khu Cửa Bắc bây giờ) bắn tên lửa vào cung vua, cướp bóc của cải … đánh dấu sự sụp suy yếu tệ hại của nhà nước và quân đội của dòng họ Trần (lúc này thể chế đã chuyển từ Timocracy qua một dạng kiểu Plutarchy, khá giống VNCH đoạn cuối và nước ta bây giờ). Thế rồi không mấy chốc sau đó nước mất vào tay giặc Minh.
… và nhà Hồ.
Cửa Đại An, trước là cửa Đại Ác do sóng dữ, từ thời Lý chuyên là cửa để kéo quân đi đánh Chiêm, đến lúc này lại là lối đi vào để quân Chiêm đánh Thăng Long. Hồ Quý Ly lúc cướp quyền nhà Trần, cũng tiêu diệt các lực lượng chính trị đối lập cực kỳ tàn khốc, đến mức những người quen biết nhau (có lẽ là giới quan lại và nhóm lợi ích liên quan đến đám quý tộc Trần): “Chỉ nhìn nhau bằng mắt, không dám nói chuyện với nhau bằng lời”. 
Nhà Trần suy thoái, Hồ Quý Ly cướp chính quyền, thi hành một loạt cải cách kinh tế chính trị rất mạnh mẽ. Quý tộc và bọn đại gia kiếm lời bằng cách bám đít nhà Trần bỗng dưng mất quyền lợi, trở thành các nhóm lợi ích bảo thủ tìm mọi cách chống lại Hồ Quý Ly. Thậm chí một số quý tộc nhà Trần còn cầu viện phương bắc (<-phái đoàn Thành Đô rất khoái điều này). Hồ Quý Ly cực chẳng đã rời đô về phía vùng Trại (Thanh Nghệ) ở phía nam, biến Thăng Long thành phế đô với tên gọi Đông Kinh. Để gây dựng nhà nước mới, Hồ Quý Ly một mặt phải mở rộng không gian sống bằng cách đánh Chiêm Thành, một mặt gia tăng nguồn nhân lực bằng cách giải phóng nô lệ (khỏi đám chủ nô quý tộc nhà Trần) và sử dụng những người dân tự do này. Hồ Quý Ly cũng cải cách giáo dục bằng cách đưa toán vào dạy như một môn bắt buộc.
Tuy nhà Hồ rất ngắn (7 năm), việc cải cách đất nước mới chỉ manh nha, nhưng tác động tích cực của cải cách còn kéo dài hàng trăm năm sau.  Việc mở rộng không gian sống của Hồ Quý Ly có lẽ là những gợi ý quan trọng cho lời Sấm của Trạng Trình như đã nói ở đầu bài viết (thời Hồ tuy ngắn nhưng mở mang bờ cõi phía nam đến tận Quảng Ngãi, sau giặc Minh qua chiếm, Chiêm Thành lại chiếm ngược lại ra đến tận Quảng Trị). Lực lượng sản xuất mới xuất thân từ dân tự do ở vùng Trại sau này tham gia khởi nghĩa cùng Lê Lợi để đánh giặc Minh. Vùng đất Trại (Thanh Nghệ) về sau sản sinh ra vô số chính trị gia có ảnh hưởng quan trọng (cả tiêu lẫn tích) đến vận mệnh đất nước. Vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, chúa Tây Sơn đều từ vùng Thanh Nghệ mà ra cả. Ngay cả cái tên Đông Kinh sau này cũng nổi tiếng với phiên âm Tonkin để chỉ cả xứ Bắc Kỳ.    
Năm 1976, đây là thời điểm tốt nhất để ngồi thiết kế thế chế cho một đất nước thống nhất mới toe. Cuốn cẩm nang ĐKM chỉ dạy làm cách mệnh, không đề cập đến sách lược xây dựng xã hội văn minh kinh tế phồn thịnh. Một trong hai vị sáng lập nhà nước đã qua đời, chỉ còn Trường Chinh. Trường Chinh lại ở thế yếu, còn trên đỉnh cao thắng lợi Lê Duẩn đang đê mê. Trong cơn đắc thắng mê sảng như thế, bịt tai nhắm mắt, miệng há to đầu óc lâng lâng tay cầm bút vẽ, bản thiết kế do họ tạo ra đương nhiên là chẳng ra gì. Bản thiết kế này về cơ bản cho đến nay vẫn đang được dùng để vận hành đất nước.
Thế là toi mất cơ hội tốt nhất để các sáng lập viên và các anh hùng mới nổi ngồi với nhau thiết kế nhà nước vĩnh cửu (Trung Quốc may mắn là giành độc lập xong hòa bình đến tận bây giờ, không có cuộc chiến lớn nào xảy ra trên đất nước. Cuba cũng đang may khi hai anh em cụ Phi giờ vẫn sống để bàn việc nước. Bắc Hàn thì còn hóm nữa, có hẳn thuyết Juche (Chủ Thể) do nhà Kim bịa ra để thay thế hẳn chủ nghĩa Marx-Lenin. Còn nước bạn Cambodia có câu chuyện lạ kỳ hơn nữa. Sau khi cướp được chính quyền, Angkar (tổ chức) của Pol Pot và Ieng Sary đã quyết tâm xây dựng trong thời gian ngắn nhất một nhà nước tiến bộ vượt bậc so với nhà nước của Lenin và Mao. Tư tưởng của Polpot và lý luận của Ieng Sary rất đơn giản: xây dựng một nhà nước hàng đầu Asean, cạnh tranh với nhà nước cùng chất với mình là Việt Nam, vượt lên các nước trong khu vực bằng “nhà nước đặc sắc đậm đà bản chất Cambodia”. Hậu quả của việc này là vô cùng nhiều người bị giết chết, rất nhiều người gốc Việt bị giết (hai vạn) hoặc bị đuổi qua biên giới).
Nhưng có một cái hay, là trước khi chết, một trong hai vị sáng lập nước là Trường Chinh đã nỗ lực làm một việc chưa có tiền lệ: sửa bớt các lỗi của hệ thống và sau đó có Đổi Mới. Sau Trường Chinh tất nhiên là không còn ai dám làm như vậy.
Nhưng mà thời thế đổi thay. Sửa chữa của Trường Chinh cũng không còn hiệu nghiệm. Những gì đang diễn ra trong 2 năm trở lại đây, trong quá khứ Việt Nam chưa từng có tiền lệ.Và như vậy có thể những gì sẽ xảy ra cũng là những thứ chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
IV. Phần 4
Như trên đã nói, thể chế Hoa Kỳ dựa vào văn minh phương tây sâu sắc từ thời Hy La, về cơ bản thể chế ấy lại do những bộ óc bản địa lớn của Hoa Kỳ, ngồi ở bên trong đất nước, kiến thiết nó từ trong lòng thời cuộc mà ra, nên nó bền vững là chuyện chẳng phải hỏi tại sao.
Trung Quốc chỉ có một mô hình, gọt rũa, biến báo, chuyển đổi bao nhiêu thế kỷ nay, kiểu mửa ra rồi nuốt lại, kết cục thế nào vẫn chỉ là thế ấy, mãi mãi không thể tiến bộ được. Xưa tể tướng Vương An Thạch của triều Tống muốn cải cách, để bắt đầu ông ta gây chiến ra bên ngoài (đánh nhà Lý của nước ta) nhằm rảnh tay “biến pháp” nền kinh tế. Các biện pháp cải cách (biến pháp) của Vương An Thạch cực kỳ xuất chúng ngay cả so với hiện đại: nhà nước financing cho nông dân (phép thanh miêu), cho phép tư nhân trả tiền để không phải làm nghĩa vụ công dân (phép miễn dịch) (<- GS Sandel hẳn sẽ thích điều này), mở sàn giao dịch B2B và kho bình ổn giá (phép thị dịch). Rất đen cho bọn Tống, lúc ấy nước ta có Lý Thường Kiệt và Tôn Đản cất quân qua tận nội địa Trung Quốc bụp cho nó vỡ luôn mặt. Thế là Vương An Thạch trắng tay. Đến thời tể tướng Đặng Tiểu Bình thì may mắn hơn. Đặng đi rao khắp thế giới sẽ đánh Việt Nam, thông báo cả với tổng thống Mỹ, cả thế giới đều biết, lãnh đạo Việt Nam cũng biết nhưng không tin chuyện ấy xảy ra (bản quyền câu “đến chúng tôi cũng không thể tin được” thuộc về các cụ <- anh Quảng không thích điều này). Chính sách đầu tư công của Trung Quốc hiện nay, sản xuất ra vô khối đô thị ma và những con đường cao tốc không ai đi, về bản chất không khác gì Tần Thủy Hoàng đầu tư công kích cầu bằng cách xây Vạn Lý Trường Thành to vật vã. Trung Hoa Mới sau một hồi hãnh tiến, đến nay lộ ra là thực chất bế tắc. Nên không phải vô lý mà Tập Cận Bình tái lập ngai hoàng đế. Nhân dân Trung Quốc nói chung chỉ xứng đáng có Tần có Mao mà thôi. (<-Trương Nghệ Mưu lại rất thích điều này). Và đế chế của tiểu hoàng đế đỏ rực Tập Cận Bình rất có thể sẽ sụp đổ chi trong vài năm nữa (2018, đúng nửa thế kỷ sau khi TQ bắt đầu cải cách kinh tế và ngày càng thụt lùi về thể chế).
Thế còn nước ta?
Rất may nước ta vẫn còn có cơ để thay đổi.
Như đã viết ở trên, nhìn vào cái lúc đất nước bắt đầu phân tranh, ở cái chỗ đất hẹp, lòng người hẹp, chơi “trường trận” thì khó, muốn sống tốt thì phải “đoản binh”, không phải vô cớ mà cặp trường kiếm học thuyết và sách lược của Trạng Trình  và Đào Duy Từ phải mang vào tận Đàng Trong mới múa được. (Trạng Trình bỏ các kỳ thi đời Lê Sơ, đến đời vua Mạc thứ hai là Mạc Thái Tông mới đi thi và đỗ đạt. Đây là quãng thời gian thịnh trị của nhà Mạc “đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường khônng nhặt của rơi” nhưng vẫn bị gọi là ngụy triều);  còn Đào Duy Từ bị nhà Lê bắt đi tù vì dùng lí lịch giả đi thi).
Tính rộng rãi đến tận thời nay, không có học thuyết nào, sách lược nào mà có độ “nội địa hóa” cao như sản phẩm của Trạng Trình và Đào Duy Từ. Đấy là lý do căn bản mà hai ông này dựng được cả một chế độ, một quốc gia huy hoàng. Khi Minh Mạng quay lại sử dụng học thuyết, mô hình ngoại nhập (Trung Hoa), cái quốc gia to lớn ấy lập tức suy thoái.
Sau này có một học thuyết nội địa hóa cao, nhưng sử dụng văn minh và phương pháp của phương tây (xem Luận Văn Của Ông Nhu). Học thuyết này một mặt cải cách chính trị và kinh tế kiểu “tây hóa” quá sớm so với mặt bằng xã hội và chính trị thời đấy, mặt khác lại lạm dụng các phương pháp trị quốc top-down  mà xem nhẹ grassroot, nên khi trở thành sách lược thực tế ở miền nam đã thua lấm lưng sách lược của QTCS được nhập khẩu qua đường cách mệnh vào miền bắc với các kiểu nội địa hóa bottom-up kiểu như lấy dân làm gốc, ba cùng với dân.
Thất bại của anh em Ngô tổng thống cũng khá tương đồng với thất bại của  Hồ Quý Ly: cả hai triều đại đều rất ngắn (khoảng 7 năm) và đều có cải cách chính trị rất mạnh. Anh em họ Ngô lật đổ Bảo Đại,  Hồ Quý Ly cũng cướp chính quyền từ nhà Trần; họ Ngô có học thuyết Nhân Vị, bắt đầu kiến quốc bằng cải cách thể chế và xây dựng kinh tế, họ Hồ có sách phê bình triết học Minh Đạo, canh tân quốc gia bằng cải cách thể chế (hạn điền, hạn nô) và trưng cầu “quan ý”, lấy các báo cáo tình hình từ cấp quan trấn đưa lên triều đình, dựa vào đó làm chính sách rồi ban hành xuống. Cả họ Ngô và họ Hồ cùng thất bại vì không xây dựng được sự ủng hộ của nhân dân ở tầng grassroot cũng như yếu kém nhân sự ở lớp quan chức trung gian (<-Giặc Minh đã rất thích chuyện này). Về nhân sự, xem thêm Nhân sự trong vỏ hạt dẻ.
V. Phần 5
Biển Đông đang nóng và Trạng Trình thực sự đã từng sấm:  “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Nếu sống ở thời nay, Trạng Trình sẽ phải tính đến trường hợp đặc biệt: đế quốc Trung Quốc sụp đổ hoặc diệt vong, cái gì sẽ sảy ra với Việt Nam. Trong quá khứ, các biến động lớn ở Trung Hoa đều ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Từ những làn sóng di dân đến đồng bằng sông Hồng thời Âu-Lạc đến những đoàn quân phản Thanh phục Minh kéo đến đồng bằng sông Cửu Long thời chúa Nguyễn. Hay cả những hải tặc Thiên Địa Hội của Tàu chống chính quyền trung ương Trung Quốc, chạy qua Việt Nam mà xây dựng cho chúa Tây Sơn cả một quân đội chính quy mà hải quân có sức mạnh vượt trội. Đế quốc Trung Hoa hiện đại có thể vỡ ra từng mảnh như Liên Xô, hay thành Nam Tống – Bắc Tống như chính họ ngày trước. Và dù thế nào đi nữa, sau vài chục năm suy yếu, ta có thể như Lí Thường Kiệt và Tôn Đản ngày xưa, lấy lại Hoàng Sa
Nếu Trạng Trình ở thời nay, ông sẽ Sấm những gì?  Khác với ngày xưa, kiến thức và tư duy chỉ có tính địa phương, còn ngày nay là toàn cầu hóa, Việt Nam ngày càng phải đi theo các giá trị chung của nhân loại và bỏ bớt dần cái gọi là bản sắc dân tộc vừa mơ hồ vừa là chỉ dấu của nền chính trị đi theo chủ nghĩa dân tộc (identitarianism / identitarian politics).
Các học thuyết hiện đại, tốt, có ích cho người dân, cho xã hội, cho dân tộc, cho quốc gia bây giờ có đầy cả ra rồi. Các vấn đề cốt lõi của đất nước cần giải quyết cũng lộ ra bằng hết. Nếu các vị tiền bối sáng lập ra nhà nước này và các vị lãnh đạo thời hậu chiến mà còn sống, chắc chắn các vị sẽ nhận ra cả xã hội lẫn nền kinh tế đã vượt ra khỏi năng lực quản lý của mô hình hiện nay. Hơn thế, bối cảnh hiện tại Việt Nam không chịu sức ép phải có sức cạnh tranh tương đối cao trong làn sóng toàn cầu hóa để ít nhất là thoát nghèo mà còn chịu sức ép bị đe dọa chủ quyền từ hai nước láng giềng phía bắc và tây nam. Để thoát khỏi nỗi ám ảnh mất chủ quyền, cách duy nhất là Việt Nam phải trở thành một cường quốc nho nhỏ có sức ảnh hưởng lớn đến tất cả các nước trong khu vực ĐNA.
Vậy nên nếu Trạng Trình còn sống đến ngày nay và chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra, hẳn ông ấy sẽ Sấm về việc sẽ có ai đó, chọn lấy một hai học thuyết nào đó phù hợp nhất, tham khảo một hai sách lược khả thi nhất, rồi kết hợp lại, rồi bản địa hóa nó như NAQ đã từng bản địa hóa tài liệu QTCS mà làm ra ĐKM.
Nói chung ở nước ta chính trị là cái đáng để lạc quan nhất, vì những gì tiến bộ và văn minh nhất của chính trị vẫn chưa đến, tức là còn có cái để hy vọng hehehehehe. Nhưng trước khi những gì tốt đẹp đến với mảnh đất gian nan này, có khi phải dăm lần vỡ mặt nữa mới ngộ ra được trên thế gian này cái gì là tốt đẹp.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét