NGUYỄN
HIỀN QUÁN TÂM
PHÍA BÊN KIA SÔNG
PHẦN I
天 何 言 哉 !
四 時 行 焉 .
百 物 生 焉 .
天 何 言 哉 !
論 語
“ Thiên hà ngôn tai!”
“ Tứ thời hành yên,”
“ Bách vật sinh yên,”
“ Thiên hà ngôn tai!”
Luận Ngữ
THAY LỜI NÓI ĐẦU
“Dù chỉ là một người có khả năng dưới mức trung bình. Nhưng tôi cũng phải sống. Mà muốn sống thì phải ngắm nghía chung quanh để có cái mà bắt chước làm theo, mà cố gắng. Rồi cũng phải ngắm nghía mình trong gương xem coi đẹp trai tới ngần nào, mặt mày có mụn cám, mụn bọc gì không, tóc tai thần sắc thế nào, nhưng rốt cục rồi thì chỉ là một bóng hình chưa chắc đã thật, vì phải trái bị đảo ngược, may mà chưa lộn đầu thành đuôi. Ngắm nghía mọi người và sự việc chung quanh thì chắc là cũng thế. Những ngắm nghía ấy. Có thể đúng, có thể sai. Thậm chí sai hoàn toàn cũng nên. Chưa kể có những điều diễn ra trước mắt nhưng lại chẳng dám có ý kiến gì và cũng chẳng dám để trong đầu. Có lẽ một phần là dốt, một phần là nhát. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà tôi không có quyền ngắm nghía. Bởi vì tôi đang sống. có quyền sống, dù rằng cái quyền ấy chẳng to lớn gì cho lắm, thậm chí cũng khá mơ hồ, vì sự cuồng nộ của cuộc đời sẵn sàng tước đoạt lấy cái quyền ấy của bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Những lời kể lể chẳng ra đầu cua tai nheo dưới đây chính là sự ngắm nghía bằng hai con mắt mí lót của tôi. Ai bảo má tôi sinh tôi ra có hai con mắt như vậy làm chi. Dù vậy, tôi vẫn thương má tôi nhất trên thế gian này. À quên. kề bên mẹ còn có ba tôi nữa. Con xin lỗi ba. “
Đây là những lời của người kể chuyện đời mình đã nói với tôi. Nhưng có một điều làm tôi đau buốt tận tâm can là những lời nhạt thếch của anh ta ở chương 12. Những lời nói như xác định là anh ta chẳng hiểu mình là ai trong cuộc đời này, dù anh ta, theo tôi, cũng kha khá.
Rạch Giá 26.10.2003
NGUYỄN HIỀN QUÁN TÂM
0913.819881
PHẦN I
CHƯƠNG I.
TRỜI ĐẤT CHƠI KHĂM, NẢY MỘT TÔI.
Trời đất chơi khăm, nảy một tôi.
Hay thời không hay, tồi chưa tồi.
Tà tà ngày tháng, mỏng cơm áo,
Lửng thửng quanh năm, nặng lẽ đời.
Nhìn ngó lung tung rồi bỏ đó,
Tính toan tứ phía để coi chơi.
Văn thơ viết loạn cào cào cả,
Mà chẳng có gì. Chỉ thế thôi.
Ánh trăng tháng chín âm lịch lấp ló trong màn mây đục sau cơn mưa, không đủ sáng để có thể nhìn rõ mọi vật. Đã thế, con lạch nhỏ bị những ngọn lá dừa nước xanh mướt giao đu nhau. Trong cái ánh sáng chập chờn huyền hoặc ấy. Ba tôi phải vất vã vừa chống chiếc xuồng ba lá, vừa xua gạt những đàn muỗi bay tới tấp, mà phải bảo đảm một tốc độ nhanh nhất có thể được. Ba tôi đi rước mụ, để đỡ đẻ cho mẹ tôi.
Và khi ông cùng bà mụ trở về, thì tôi đã chào đời. Vâng, tôi đã chào đời mà không thèm mở mắt để nhìn xem cái cuộc đời này có cái gì đáng ngó hay không và cũng chẳng thèm cất lên tiếng khóc. Đời vốn vui mà có gì phải khóc(?) Khi mọi người lăng xăng trước sự ra đời một cách oái oăm của tôi, thì mẹ tôi đang lã người sau ca sanh đầu đời đầy khó khăn và một thằng con thiếu tháng. Thằng nhóc không khóc hay đúng hơn không biết khóc và dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn bằng hạt mù u phơi khô, lớp da bụng mỏng dờn có thể nhìn thấy những lọn ruột lờ mờ ẩn hiện bên trong. Bà nội tôi đốt nhang lầm rầm khấn vái. Ba tôi mặt mày sạm đen và mẹ tôi, trên khuôn mặt mệt nhoài vì đau đớn, nhòa nhoẹt những giọt nước mắt khi nghiêng người nhìn đứa con mong đợi của mình.
Tôi ra đời như thế đấy, một giờ sáng ngày 26 tháng 10 năm 1947, nhằm ngày 13 tháng 9 năm Đinh Hợi. Không có một điều gì gọi là tự nhiên trong chuyến chào đời này. Hậu quả của cơn đói năm 1945 vẫn còn dai dẳng. Dù cho ở đồng bằng sông Cửu Long không đến đỗi phải không có gạo ăn và chết đói cả làng. Nhưng tìm được manh quần tấm áo, thuốc men hay những vật dụng hằng ngày là một việc cực kỳ khó khăn, huống hồ chi là những vật dụng cần thiết cho một ca sinh nở. Trong hoàn cảnh như thế và cái kiểu đi vào cuộc đời như thế, sự sống sót của tôi là một ân sủng của tạo hóa. Thế đó, tôi xuất hiện giữa mịt mù lửa đạn, cực nhọc, chết chóc và sự thiếu thốn cùng cực. Những thứ đó tỷ lệ thuận với những yêu thương của mọi người dành cho tôi.
Cái khổ cực của ba mẹ tôi vì thời cuộc, bây giờ được nhân đôi, nhân ba vì sự có mặt không bình thường của tôi. Không biết bú vì sinh thiếu tháng. Mẹ tôi phải đút cho tôi từng muỗng nước cơm pha đường mía. Đến khi tôi biết bú thì mẹ tôi mất sữa. Thế là cũng với nước cơm hay cháo lỏng quậy đường mía đã trở nên những giòng sữa ngọt ngào nuôi tôi lớn lên, trong đó có pha thêm không biêt bao nhiêu là mồ hôi và nước mắt của ba mẹ tôi. Cứ thế, tôi lớn lên thoải mái, tự nhiên. Mà cũng ngộ. Sau này khi lớn khôn. Nghe mẹ kể lại, tôi thử pha nước cơm với đường mía. Rồi nhìn thấy cái màu xanh lặt lìa ấy, tôi nhắm mắt nếm thử một hớp, và tôi cảm nhận được nỗi đau xót của ba mẹ tôi, cũng như sự diệu kỳ của tạo hóa mà mình được ban cho. Tại sao tôi không bị tiêu chảy nhỉ? Mà tại sao lại phải bị như thế?. Trời sinh voi sinh cỏ mà. Khổ thay, suốt đời tôi lại là một con voi suy dinh dưỡng.
Ba tôi bị cuốn hút vào phong trào kháng chiến chống Pháp. Ông là đảng viên đảng Dân Chủ tham gia Mặt trận Việt Minh, vừa kháng chiến vừa làm ruộng phụ ông bà nội tôi. Mẹ tôi làm đủ mọi việc trên đời, từ việc chăm sóc căn nhà tuyền toàng, trống trước hở sau, làm ruộng, đốn lá dừa nước… đến đi câu cá, tát mương để tìm thêm thức ăn. Cuộc sống cứ thế. Đầy những khó khăn và trôi đi trong không khí ngập ngụa chiến tranh. Máu, nuớc mắt, sự thiếu thốn thuốc men, vải vóc kéo theo bệnh tật… và muỗi và sau đó là rận, rệp. Tất cả cứ tiếp tục tuôn đổ, hòa quyện với những giọt mồ hôi làm nên sự sống và cái chết. Tất nhiên là không có tôi, vì như thế thì không có những giòng chữ ba trợn này.
Có một việc mà sau này đã để lại một dấu ấn không thể phai nhòa trong tôi. Số là việc tôi phải uống nước cơm pha đường chảy. Điều này đã làm cho ba tôi không chịu nổi. Trong khi sữa và đường cát thì không thể nào tìm ra vì chủ trương nông thôn bao vây thành thị của chính quyền Việt Minh. Trong một lần đi họp ở Lô Hào Dầu. Sau phiên họp ba tôi lẻn ra chợ Tắc Cậu tìm mua cho tôi mấy hộp sữa và mấy ký đường cát. Trên đường về ba tôi bị các đồng chí du kích phát hiện. Vì con và vì cả vị trí cán bộ của mình, (hình như điều này không phải, dù ba tôi nói vậy) ba tôi phải bỏ chạy. Trong bóng tối của đêm, trong chằng chịt của rừng bụi. Ba tôi đã ngã té không biết bao nhiêu lần trên đoạn đường hơn năm cây số băng qua rừng Bà Nạt[i]. Khi về tới nhà, ba tôi mệt lả người, chỉ còn kịp bảo mẹ tôi pha đường sữa cho tôi uống. Trong ánh sáng leo lét của những hạt mù u phơi khô thay đèn dầu. Mẹ tôi nhìn thấy keo đưòng bị bể và lẫn lộn trong đường và miểng keo là những vết máu. Bà vội vàng chạy đến bên ba tôi lật áo ông lên. Những vết rạch lâm nhâm trên bụng ba tôi do miểng keo tạo nên. May mà có lớp cà ròn[ii] bên ngoài keo đường nên không đến đổi nào. Cái quần vải khóm thủng lỗ chỗ ở đầu gối, cùng với những vết tím bầm. Mẹ tôi vội lấy nước muối rửa vết thương và đấp vào những vết bầm ở đầu gối ba tôi kèm theo những tiếng chắt lưỡi, hít hà của hai người. Có những giọt hình như là nước mắt. Và khổ thay, ly sữa đầu tiên trong đời làm tôi bị tiêu chảy. Mẹ tôi nói thế và cả ba mẹ tôi lại phải một phen cuống cuồng, may nhờ ly nước cốt lá ổi và mấy dúm vú sữa đất làm nhanh chóng dứt cơn. Và ly sữa ấy trở thành ly sữa duy nhất của đời tôi. Như vậy là cuộc đời tôi bắt đầu dị ứng với những ngọt ngào. Nếu như tôi muốn có nó thì phải pha thêm một chút đăng đắng, chua chua.
Khi tôi giáp thôi nôi. Mẹ tôi kể, ông bà nội tổ chức khá hoành tráng, dù chỉ là cây nhà lá vườn. Thế là thằng nhóc oặt quẹo, đen nhẽm ấy quơ quào chộp lấy cây viết chì và một bông trang, cây viết chì thì quơ quơ, còn bông thì đưa mắt nhìn chăm chú. Ông nội vừa khoái vừa lấy làm lạ, vì cái bông trang không biết ai lạ đặt vào trong cái khai đồ cho tôi chọn, nhất à cái khai của con trai. Cũng trong dịp này, tôi có được bộ quần áo đầu tiên trong đời. Bộ quần áo này có một lai lịch khá dài. Số là nhân một lần ra Rạch Giá, bà nội tôi có mua cho ông nội tôi một xấp vải xăng-đầm[iii]. Tự tay bà may cho ông một bộ bà ba, nhưng ông chỉ mặc có một lần rồi xếp cất. Cho đến khi ba mẹ tôi cưới nhau. Bộ đồ lại được mang ra làm sính lễ. Bà ngoại phải tháo bung ra và sửa lại cho mẹ tôi mặc vào ngày cưới. Không biết có phải vì ngày cưới mẹ tôi mặc bộ bà ba màu đen nên vận hạn màu đen đi theo ba mẹ tôi gần suốt cuộc đời? Thế là bộ đồ ấy lại một lần nữa được tháo bung ra và tôi tiếp tục kế thừa cái vận hạn đen đen kia bằng bộ quần áo đầu đời? Việc may cho tôi bộ đồ này cũng là cả một kỳ công. Sau khi tháo bộ đồ cũ ra, rồi đo cắt thì mẹ tôi phải tính toán xoay qua, đảo lại sao cho vải vụn không phải thừa ra quá nhiều, cây kim thì mượn của bà nội, còn chỉ thì ba tôi lại ra mấy bụi khóm chọn những lá già, rồi cắt đem về, lấy thanh gỗ tròn đập nát ra và phơi khô và sau đó mới tước những sợi chỉ mảnh nhất, chắc nhất, dài hơn gang tay, và bộ quần áo hoàn thành sau gần mười ngày. Cả một công trình khép kín ấy bao bọc lấy cái thân thể còm nhom bé bỏng của tôi ngày thôi nôi. Có lẽ hai bên nội, ngoại muốn bù đắp lại cho tôi, nên tôi mặc nhiên trở thành sủng thần của ông bà nội và ông bà ngoại.
Bắt đầu từ hôm thôi nôi, tôi ở hẵn với ông bà nội và trên chiếc tam bản, khi thì cậu năm, khi thì ba tôi cứ một tháng đôi lần chở tôi lên xuống từ rạch Cái Mới lên rạch Thầy Qươn và ngược lại. Những chuyến đi như thế. Lắm lần, tôi vô tư nằm ngủ giữa xuồng, thế là cậu tôi cứ tấp vào mép lá tìm một tàu dầy nách, to bản, chặt lấy để che mát cho tôi. Xong, tôi cứ thoải mái nằm ngủ trong cái mát rượi của tàu lá dừa nước, mà nếu trời có đổ mưa thì cũng chẳng ướt mình. Cứ thế, giòng sông Cái Lớn bình thản chở chuyên tôi theo nhu cầu tình cảm của hai bên nội ngoại. Tôi vô tư đi hết quảng đời trẻ thơ của mình với hình tích của thằng bé con ốm nhom, ốm nhách, tóc vàng hoe và da đen như tràm cháy. Mỗi khi gió bấc về thì giò cẳng mốc thích vì suốt ngày rong ruổi đi bắt cá cạn hoặc chạy theo cộ trâu. Mức độ nghịch ngợm càng lúc càng tăng làm cho ông nội và ông ngoại tôi càng ngày càng khoái (?). Một lần nữa, vì háo hức muốn về ngoại cho nhanh, mà cậu năm thì cứ nhẩn nha chèo, nhẩn nha ca vọng cổ. Tôi nhìn thấy một rặng đáy với những cây cọc cao ngất cắm ngang giòng sông mênh mông. Tôi nghĩ tại sao người ta không thả những cây ngang là thành cây cầu khỉ qua sông. Tôi phải hỏi ba bốn lần cậu tôi mới gắt gỏng trả lời sau khi hết mấy câu vọng cổ :
- Mày có giỏi mai mốt lớn lên mà làm.
Thế là tôi nín thinh, lấm lét nhìn cậu mà không hiểu tại làm sao người lớn kỳ cục thấy bà.
Những trò tinh quái của tôi thì nhiều vô số kể. Này nhé. Nhà ông bà Nội năm nào cũng có bốn cái đám giỗ. Đường cát thì khó kiếm, nhưng khi gần đến đám giỗ, thì ông bà nội lại phải tìm cho bằng được, để làm bánh, và khi đã có rồi thì phải giữ gìn cẩn thận. Mà thường thì bà nội làm một cái gióng treo tòn teng giữa nhà. Sau nhiều lần mục kích chuyện này, tôi tìm cách chôm đường. Bắt ghế thì không vói tới, bắt thang vào vách nhà thì giải quyết được độ cao, nhưng tầm tay thì vươn ra cũng… không tới luôn. Thế là sau một hồi ngẫm nghĩ, tôi lấy cây đòn xóc gánh mạ[iv], chọt cho gói đường thủng một lỗ và hả họng ra hứng, rồi khi đầy họng thì lại ôm đầu chịu trận và cây đòn gánh ngả xuống. Nghe tiếng động, bà nội tôi ở đâu đó chạy lại nhìn thấy vội báo cho ông nội. Ông đang ngủ trưa vội chạy ra nhìn rồi cười:
- Vậy thì bà bắt cái ghế lên, rồi lật gói đường lại cũng không được à.
Nếu ông anh, bà chị nào con của bác hai hay cô ba mà làm chuyện này thì lãnh đủ cơn thịnh nộ của ông Nội. Nhưng với tôi thì không. Chuyện đến đó thì chấm dứt và tôi thì đầu cỗ toàn là đường với đường. Rốt cuộc, chẳng ngọt được là bao.
Nhưng cái đáng nhớ nhất và làm cho tôi khoái nhất. Thậm chí sau này nghĩ lại, nếu con tôi như thế, thì tôi cũng cười thôi. Lên bốn tuổi thỉnh thoảng tôi được ông nội sai làm những việc lặt vặt trong nhà. Đôi khi được sai đi mua hàng ở các tiệm chạp phô, cũng vài món lặt vặt thôi. Tất nhiên là mua chịu. Bởi vì thời ấy đồng tiền không thể giao cho con nít. Nhà có cây viết chì. Mỗi khi muốn mua món gì đó. Ông nội tôi lấy cây viết chì, viết lên manh giấy những món hàng và số lượng cần mua và sai tôi mang đi. Cũng cần nói qua một chút về cây viết chì này, muốn viết, phải thấm một miếng nước bọt, khi viết cho ra chữ màu tím, sau vài giòng nó mới trở lại màu nâu. Và cũng là cây viết chì mà tôi chọn ngày thôi nôi. Thế là xong, mọi việc êm ru không có gì trở ngại. Nhưng với tôi, sự thắc mắc cứ lớn dần lên theo những lần được sai đi mua hàng như thế. Cuối cùng trong cái đầu óc non nớt nhưng đầy những ý nghĩ oái oăm của tôi. Sau khi kết hợp những câu chuyện cổ tích được nghe từ bà nội và cái thực tế hiển nhiên. Tôi đã rút ra một kết luận trời ơi đất hởi. ”Ông nội tôi có cây viết thần biết vẽ ra tiền“. Thế là thực hiện ngay thôi. Tôi chờ lúc ông nội ngủ trưa. Tôi chớp cây viết thần và quậy tứ lung tung như vẽ bùa lên giấy rồi chạy xuống tiệm ông Huỳnh Bố, chìa miếng giấy ra và nói bằng một giọng chắc nịch:
- Bán cho ông nội con một đồng bạc kẹo.
Ông chủ tiệm cầm miếng giấy há hốc mồm và rồi phán một câu cũng chắc nịch không kém:
- Hà, cái lầy ngộ hông pán à [v].
Thế là tôi ngả lăn ra khóc và giãy đành đạch ngay cửa tiệm. Ông chủ tiệm hoảng quá vội vã dỗ dành và gói cho tôi năm cắc kẹo. Đúng ra thì tôi sẽ nhận được một cái đá vào đít thay vì gói kẹo. Nhưng ông nội tôi là cựu Hương Quản[vi] trong làng. Hơn thế nữa, giòng họ Nguyễn nhà tôi là một giòng họ lớn, có công khai phá và thành lập nên làng này. Hôm nay dù thời thế đã đổi thay, nhưng uy tín và đức độ của ông vẫn làm mọi người nể trọng, Với lại đã là con nít, khi được cưng chiều thì có cái tự do gần như tuyệt đối. Thế là tôi ôm gói kẹo ra về. Vừa đi vừa bóc, vừa ngậm, vừa nhai và khi gói kẹo vừa hết thì cơn sốt tới. Ông nội tôi hết hồn. Trong cái chập choạng tối, ông vội vàng xuống xóm chợ mua thuốc. Khi bước vào, chưa kịp nói thì ông chủ tiệm chìa ra cái miếng tiền giả của tôi ra mắng vốn. Thế là có một việc nghịch lý xảy ra. Thay vì cái người đáng bị trách mắng là tôi, thì được thay bằng ông chủ tiệm. Để chuộc lỗi vì bán kẹo cho tên xài tiền giả. Ông chủ tiệm phải lấy cho ông nội tôi chai thuốc tán Thối Nhiệt Đơn. Từ đó, tôi không còn được sai đi mua hàng cho ông nội nữa. Cây viết chì mãi đến mấy tháng sau tôi mới được thấy lại, nhưng là của người khác. Còn tiền kẹo, tiền thuốc thì tôi không biết được giải quyết ra sao? Tuổi thơ vô tư mà. Cũng có thể vì thế mà sau này suốt cuộc đời, tôi chỉ vẽ nhăng, vẽ cuội. Thì ra, để có một chút ngọt cho miệng mồm. Tôi phải đổi lấy bằng mưu mẹo oái oăm của trẻ con, một cơn sốt ran người và một chai thuốc đắng. Người lớn nói, ngày thôi nôi, con nít chọn món gì thì đời nó bị cái món đó tác động. Vậy cái bông trang màu đỏ thắm kia thì sao?
Lúc này thì tôi đã có thêm một đứa em gái và một thằng em trai. Mọi việc vẫn cứ vậy, đói nghèo và gian khó. Nếu có khác chăng là mẹ tôi thì thêm cực khổ, và ba tôi thì thêm những chuyến đi dài ngày. Tôi đi học. Ông thầy của tôi, thầy Đào Hữu Tùng, là một cán bộ Việt Minh. Người thấp đậm, mặt rỗ, không vợ con, trạc tuổi ba tôi. Cái tôi học đầu tiên ở ông và cũng là đầu tiên trong đời tôi, không phải là i, tờ, tờ i ti, mà là một bài ca, tôi không còn nhớ rõ tựa, nhưng hình như là Trên Cánh Đồng Hoa thì phải, mà chỉ còn nhớ lỏm bỏm vài câu cho đến tận bây giờ, nó đại loại như thế này “… Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa, đây bao la một đất nước Cộng Hoà. Qua bao năm triền miên khói lửa, gió đưa hoa về lập đời tự do…”[vii]. Quả tình, bài hát không để lại cho tôi một ấn tượng nào. Nếu có chăng là cách hát của thầy Tùng. Tôi thấy nó hay lạ lùng, hoàn toàn khác với giọng hát của ba tôi, khi ba tôi hát nào là Sầu Vương Biên Ải, Tống Tửu Đơn Hùng Tín… Nhất là khi thầy hát thì cái khuôn mặt rỗ chằn, rỗ chịt kia nó ánh lên một cái gì rất khác, mà cái tuổi lên bốn của tôi không thể nào hiểu được. Tiếp theo là hai câu ca dao “ Nhiểu điều phủ lấy giá gương,/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Chẳng hiểu gì ráo, nhưng cái giọng điệu êm đềm kia cũng như cái cách hát cách ngâm của ông đã đổ vào tôi hàng đống lơ mơ. Ngoài ra, có một điều lạ là lần đầu tiên tôi thấy súng. Thầy Tùng có súng. Bác hai tôi lại có nhiều hơn, những hai ba cây kia, tôi rất khoái, nhưng không hiểu cây súng kia để làm gì? Nhưng cái tôi khoái nhất là khi bắn nghe cái “đùng” là văng ra một cái iti [viii] và bọn con nít chí chóe dành nhau, tất nhiên là tôi tham dự một cách cật lực. Nhưng không đứa nào giữ được lâu, chỉ cầm chơi một lúc thôi rồi phải trả lại. Nhưng không phải lúc nào cũng bắn. Mà cái màn đi theo lượm iti đã một lần làm cho ông nội và ba tôi lên ruột. Nguyên là trong một lần Tây bố, thay vì chạy theo người lớn tản cư, hay chui vào “ trảng xê“ tôi lẻn theo một anh bộ đội Việt Minh để chờ lượm iti khi anh bắn. Cũng may hôm đó, không có bắn viên nào, để rồi một ngày sau, khi đã yên ắng thì tôi mới theo anh bộ đội Việt Minh lon ton về nhà. Đêm ngủ bụi đầu đời. Mãi sau này tôi biết cái lý do anh bộ đội không bắn viên nào là tại vì có tôi bám theo, nên anh lo lắng cho sự an toàn của tôi nên dấu biệt cây súng ở một cái hóc nào đó. Trong khi vẻ mặt lo lắng của ông nội giản ra khi thấy tôi, thì ba tôi mặt mày như tái lại vì giận, bởi vì ông biết rõ lý do tại sao tôi chạy theo anh bộ đội Việt Minh. Chuyện chộn rộn về việc Tây bố càng lúc càng tăng dần kèm theo là máy bay ném bom. Trong lúc mọi người đang lo sốt vó thì tôi vẫn cứ vô tư. Có lẽ đánh nhau hoài cũng chán nên sự yên ắng trở lại và cuối năm đó tôi biết đọc, biết viết. Tất nhiên là đọc chữ được, chữ không. Nhưng viết thì xem ra được đấy. Thầy Tùng rất khoái tôi, tôi muốn gì được nấy. Mới tiếp nhận có một chút xíu kiến thức mà tôi lại bung xung lắm chuyện, thấy cái gì cũng hỏi và hỏi tới cùng. Tôi gây cho thầy rất nhiều bực dọc. Nhưng lạ một điều khi thấy hai ba ngày mà tôi không hỏi, không thắc mắc cái gì đó thì thầy lại nhắc. Những cái chuyện mà tôi hỏi thì đa số là những chuyện “trời ơi đất hởi”, nên cũng lắm khi thầy cũng bí rị theo tôi luôn. Chuyện tôi biết đọc, viết đã gây nên một sự cố khá buồn cười. Số là ngày hôm đó. sắp gần ngày Tết ông nội tổ chức lễ giỗ của ông cố. Ngoài con cháu, còn có rất đông khách mời, mà hầu hết là người quen trong làng và các đồng chí của bác hai và ba tôi. Việc tôi đi học cả nhà không ai để ý đến cả. Bởi vì việc tôi đi học là nằm ngoài dự tính của cả nhà. Thời đó, mới bốn, năm tuổi mà học hành gì? Thật ra khi thấy tôi lon ton đi theo thầy Tùng. Ông nội tôi không nghĩ là cho tôi đi học. Mà chỉ nghĩ là để cho tôi bớt rong ruổi ngoài đồng. Bởi thế khi nghe nói tôi biết đọc, biết viết, ai nấy chưng hửng và không tin. Còn thầy Tùng thì cười cười không nói gì? Nhưng muốn để chứng minh, thì phải có cái gì cho tôi đọc chứ. Ông nội tôi bán tín bán nghi. Nhưng cũng muốn khoe thằng cháu nội cưng, nên vội đi lấy cuốn truyện thơ. Nhưng không kịp, ông anh chú bác cùng tuổi với tôi, móc trong túi ra một miếng giấy nhàu nát. Chữ in đầy chi chít và nói:
- Mày đọc cho ông nội nghe đi.
Thế là tôi cầm lấy đọc một mạch. Tất nhiên là có chữ đúng, chữ sai và cả những chữ đọc không ra, nhưng cũng đủ làm cho ông anh nhóc tì của tôi trố mắt thán phục và làm cho bác hai tôi, ba tôi mặt mày xanh như tàu lá. Giựt vội tờ giấy và xé biến đi. Trời ạ. Thì ra là tờ truyền đơn mà máy bay của mấy thằng Tây rải đầy ngoài ruộng. Mọi người già, trẻ, bé, lớn đều phải nhặt lấy và đem nạp cho chính quyền Việt Minh. Ấy thế mà ông anh nhóc tì của tôi lại giấu một miếng. Rồi nhè ngay hôm đó lại đem cho tôi đọc to cho cả xóm cùng nghe. Mà trong số đó lại có hai ông cán bộ Việt Minh gộc của làng là bác hai tôi, ba tôi và các đồng chí của hai ông. Chỉ có một người duy nhất cười khoái trá và la lên:
- Giỏi, giỏi thằng coi vậy mà gan, chỉ có mày là dám đọc truyền đơn của Tây trước mặt Việt Minh.
Đó là bác ba Đặng, chủ tịch huyện Long Mỹ[ix]. Ông đi công tác ngang qua làng, là đồng chí và cũng là bạn chí cốt của bác hai và ba tôi. Hai chúng tôi chẳng hiểu gì ráo. Cả nhà lặng thinh. Bác hai và ba tôi bỏ xuống xóm. Ông nội tôi chắp tay đi tới đi lui và nói gì đó với bác ba Đặng. Bà nội tôi bỏ xuống bếp với mẹ tôi. Còn hai đứa tôi lỏn lẻn một hồi rồi đi bắn culi. Đám giỗ đáng lý ra tưng bừng ăn uống bổng trở nên vắng hoe. Đấy là bài tập đọc đầu tiên của tôi.
Vụ việc tôi biết chữ làm cho cả xóm lấy làm lạ. Bác tư Ù là một trong những người chơi thân thiết với ba tôi. Ông lớn hơn ba tôi khá nhiều và đã có những năm cô con gái, mà chẳng có thằng con trai nào. Nên thấy thằng nhóc quỷ sứ như tôi ông rất khoái. Mỗi khi chèo xuồng ngang nhà, mà thấy tôi đứng loanh quanh đâu đó ông bảo tôi đánh vần cho ông nghe chữ này, chữ kia. Có một lần bác Tư trêu tôi khi ông kêu tôi đánh vần mà tôi mãi chơi nên không làm theo. Ông vội đánh vần theo cái kiểu của ông :
- Hờ ư hư anh ghê Hưng huyền… Hiền. Trong đó gồm một cái tên ba tôi là Hưng và của tôi. Nghĩa là ông gom hai cha con tôi lại một cục.
Tôi trả đũa liền nhưng lại chệch ra một chút :
- Tờ ư Tư huyền … Ù
Ba tôi không biết đứng đâu đó nghe thấy, ông hét lên một tiếng và rút ngay một nhánh trúc toan phét cho tôi vài roi. Bác tư vội la lên :
- Chú tư đừng có đánh nó. Cái này là tại tôi bày đặt.
Nhưng ba tôi vẫn xách cây roi đi xôm tới, còn tôi thì muốn té đái trong quần. Bác tư vội đạp xuồng, phóng xuống sông vừa lội lên vừa hét với ba tôi:
- Tôi nói lỗi là tại tui. Chú mà đánh thằng rể tôi là tôi nghĩ chơi với chú luôn.
Ba tôi buông cây roi xuống, nhưng cũng nẹt cho tôi một trận ra trò. Còn bác tư thì mình mẩy ướt nhẹp xoa đầu tôi cười ha hả “Giỏi, thằng rể tao giỏi thật “. Rồi mặc cho chiếc xuồng muốn tấp vào đâu thì tấp, bác Tư cùng ba tôi kéo nhau lên nhà pha trà uống, chẳng màng áo quần ướt nhẹp. Còn tôi lỏn lẻn một lát rồi lại tiếp tục bắn culi. Ôi một cú đánh vần mà không một người viết sách giáo khoa nào có đủ tài năng để có thể viết ra.(?!)
Thế là tôi nghỉ học mà đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao? Hơn tháng sau thầy Tùng bỏ làng ra đi. Nhưng tôi thì lại có công việc phải làm là đọc truyện thơ cho ông nội nghe. Chắc ông không khoái mấy về tình tiết trong cuốn truyện thơ, vì ông biết quá rõ. Việc mà ông khoái nhất là tôi đọc chữ ro ro, dù có nhiều lúc tôi đọc trớt quớt. Thế là ông phải dạy lại. Và từ đó, tôi lại càng được ông nội cưng chiều hơn. Và tôi cũng không ngờ những câu thơ lục bát ấy bắt đầu vây bủa lấy tôi suốt cả cuộc đời.
Nhưng tuổi thơ của tôi là cái sân đình. Ngôi đình đồ sộ thâm nghiêm, dù rằng mái ngói thì loang lổ và có những nơi trống hoác vì bom đạn. Một cây da[x] rất to, chằng chịt rễ và những cái rễ ấy là những sợi dây đu cho chúng tôi đùa nghịch. Nhưng cái hấp dẫn cho bọn con nít chúng tôi là những trái da bằng ngón tay, chẳng ngon lành gì, nó chua chua chát chát. Nhưng hái được nó là một việc chẳng dễ dàng. Chính vì thế mà chúng hấp dẫn bọn tôi. Tìm không thấy tôi thì cứ đến cây da thì sẽ biết ngay tôi đang làm gì? Quậy phá ở đâu?.
Đây là một thời kỳ vô cùng khó khăn. Trong một thời gian dài, dầu lửa là một thứ gì đó rất là xa xỉ. Người ta chỉ sử dụng để đốt đèn vào các dịp trọng đại của gia đình, khi nhà có khách hoặc để xoa rốn khi đau bụng. Có nhiều nhà một năm không xài hết một xị dầu. Dầu mỡ cá sặc hay trái mù u phơi khô là một loại thắp sáng phổ biến. Nhưng cũng có nhiều nhà phải ở thầm. Giữ lửa để nấu nướng thì bện con cúi bằng rơm. Lỡ bị tắt, thì phải xách miểng vùa đi đến nhà ai đó đang nấu cơm thì xin than. Cái hột quẹt dẫu có, thì khi thiếu dầu, nếu có dầu thì thiếu đá. Thiếu đến thế thì quá mức rồi, còn thiếu gì nữa không? Còn. Thiếu vải. Việc mặc cà ròn, bao bố trong khi đi cấy, đi cày… là lẽ tự nhiên. Nhưng dù sao khi mọi người ra đường ai cũng áo quần tinh tươm cả dù chỉ là một cái quần và cái áo vắt vai, đến nơi mặc vào, xong việc cởi ra lại vắt vai về nhà. Không xà bông, nên giặt áo quần bằng nước lã hay nước tro, thế thì lòi ra một thứ rất thừa. Rận. Ôi thôi. Không biết cơ man nào là rận, chúng trong áo quần, trong mùng mền, trong cà ròn bao bố, muốn tiêu diệt chúng ư? Dễ thôi. Phương thức hiệu nghiệm và chắc ăn nhất là trải quần áo xuống bộ ngựa, lấy cái chai lít lăn qua lăn lại, chúng nổ nghe rộp rộp rất êm tai và đây là một công việc tôi rất khoái. Còn mùng mền hay những thứ gì không thể lăn được bằng chai thì cứ thồn vào cái trách, đổ đầy nước rồi đun sôi lên, chúng bị luộc chết nổi lên mặt nước như rắc mè, con nào con nấy no nưỡng trông đã con mắt. Đổ nồi nước đó xuống sông thì cá lòng tong, cá chốt, cá rô tha hồ. Dù chắc ăn đấy, hiệu nghiệm đấy, nhưng phải bốn năm năm gì đó chúng mới chịu đi chỗ khác chơi, sau khi đã góp một phần đắc lực trong việc làm cho tôi ốm nhom, ốm nhách. Đây chỉ là một phần nhỏ của sự đói nghèo và khó khăn.
Trong khi đó làng quê tôi đầy những cán bộ Việt Minh. Có một cái gì đó rất khẩn trương. Hàng quán tấp nập những người. Ba tôi luôn luôn vắng nhà dù rằng ngày nào tôi cũng gặp. Bọn con nít chúng tôi, tất nhiên cũng có việc làm. Nào là đi cắt dây bòng bông[xi], kéo tàu dừa làm hình mái vòm trước nhà rồi quấn dây bòng bông vào đó, ngắt thêm dăm ba cái bông cúc đỏ, bông móng tay hay mồng gà đính lên chung quanh. Có một vài nhà kê phía sau cái mái vòm ấy một cái bàn hoặc ghế nhổ mạ được lau chùi sạch sẽ và để lên một bức ảnh Hồ Chủ Tịch được đính trên bìa cứng là một tấm mo cau cắt vuông vắn, được dằn ép ba bốn ngày bằng cái cối đá hay một thứ gì đó nặng nặng như một bao lúa chẳng hạn. Tất cả các bức ảnh ấy đều được trang hoàng rất cẩn thận bằng tất cả mọi thứ mà chủ nhà có được. Việc làm này chủ yếu là các thanh thiếu niên thuộc lớp đàn anh, đàn chị của bọn nhóc chúng tôi. Riêng tôi thì sau những công việc ấy tôi thường hay rủ thằng Bình ở gần nhà tôi lon ton xuống đình nghe cô ba Điệp, cô Tuyết và chú Thịnh dạy múa, hát hoặc đến quán bác sáu Lâu kiếm bánh bao ăn và nghe người lớn nói đủ mọi thứ chuyện trên đời. Bây giờ hỏi lại tôi nghe được những gì thì tôi chịu. Lúc đó hình như người ta chuẩn bị cho một việc gì đó. Không khí ở làng quê bé nhỏ này cũng có những sự đổi thay nhất định. Với cái tuổi bé tẹo của tôi. Tôi chỉ ghi nhận bằng sự háo hức của trẻ con qua sự tác động của người lớn. Tôi thấy những lá cờ màu đỏ có hình ngôi sao màu vàng được treo rải rác ở những ngọn dừa cao hay những cây bần ở các ngã ba ngã tư sông. Nhưng tuyệt nhiên không thấy treo ở bất cứ ngôi nhà nào. Tôi thấy cả những giòng chữ Việt Nam Độc Lập được viết từ lâu bằng than củi hay gạch non trên tường của những ngôi đình, ngôi miếu hoặc những mảng tường những ngôi nhà gạch không còn nguyên vẹn hay ở cả những nơi nào có thể viết được, nay được tô mới lại cũng bằng những chất liệu đơn giản ấy. Tôi là thằng oắt con duy nhất trong xóm được tham dự vào một việc mà tôi rất khoái và xem đó như là một trò chơi thích thú. In bột. Những khuôn bột vừa vặn với tờ giấy tập hay carô được viết chữ ngược, rồi lấy tờ giấy áp vào và vuốt nhẹ, rồi gỡ ra là tờ giấy chi chít những chữ, sau đó đem đi phơi nắng. Tôi được giao nhiệm vụ này, và những giòng chữ rồng bay phụng múa ấy cứ lôi cái đầu tóc vàng cháy của tôi ra phơi nắng cùng với cái nia có những tờ giấy ấy. Những giòng chữ trên tường, trên các tờ giấy ấy làm tôi thấy khoái, không phải vì nội dung của nó, bởi vì tôi đọc thì ro ro nhưng hiểu thì chữ được chữ không thì làm sao mà khoái, tôi khoái vì ai đó viết chữ rất đẹp. Những nét chữ này đã để lại một ấn tượng rất đậm trong lòng tôi và cho đến tận sau này mỗi khi nhớ lại tôi vẫn cứ tưởng như mới thấy ngày hôm qua. Nó đi theo tôi suốt cả cuộc đời, và sau này tôi trở thành một tay vẽ bảng hiệu khá nổi tiếng bắt nguồn từ những nét bút này. Trong khoảng thời gian này tôi được, khi thì người này khi thì người khác, dạy đọc viết và cả làm toán nữa. Và tôi viết cũng đẹp ra phết.
Cuối năm 1953, ông bà nội tôi ra tỉnh lỵ Rạch Giá, cất nhà ở xóm Bánh Tầm, một năm sau, tôi đi theo ông bà nội và chính thức vào học lớp năm (tức lớp 1 bây giờ), trường Vĩnh Lạc[xii]. Ở tuổi này tôi vào học lớp năm là trễ, nhưng vào lúc ấy là rất sớm. Tôi vào trường là nhờ sự quen biết của ông Nội. Ngoài cái tuổi tác, tôi còn sở hửu một hình tích ốm nhom, ốm nhách. Điều này hoàn toàn trái ngược với những trò nghịch ngợm của tôi. Trong lúc đó cuộc sống của bác Hai tôi và Ba tôi chuyển sang một khúc quanh khác. Cả hai người không còn là cột trụ của gia đình nữa. Bác hai tôi làm gì thì tôi không biết. Nhưng dẫu sao thì các anh chị, con của Bác đã lớn nên chắc chắn là cuộc sống về vật chất có đỡ hơn. Có một cái gì đó ẩn giấu một sự lo toan trên khuôn mặt của ông bà nội. Ba tôi thì đi biệt, tôi vẫn sống với ông bà nội, vẫn đi học, vẫn nghịch ngợm, và đến một ngày tôi lại được dạy bài hát thứ hai trong đời. Bài suy tôn Ngô Tổng Thống, và sau đó tôi thấy hình ảnh ông này treo khắp các đường phố, trường học. Dưới con mắt của tôi, ông này đẹp hơn, phương phi hơn ông Hồ Chủ Tịch mà tôi thỉnh thoảng thấy được hình hồi còn ở trong quê. Tôi nghe được những cái tên lạ lẫm như Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève, đình chiến, tập kết… rồi trưng cầu dân ý… Nghe thì nghe nhưng chẳng biết gì ráo, trong khi người lớn thì bàn tán, kẻ thì lo âu, người thì mừng rỡ, còn bọn con nít chúng tôi thì cứ sáng sáng phải chào cờ, lá cờ vàng có ba sọc đỏ. Nhưng cái mà tôi chăm chú lại là cái khác. Ngôi trường tôi học thì to và rộng mênh mông, nhưng cái tôi khoái nhất là cái sân có những cây bàng tàn lá to đùng. Ở đó bọn học trò chúng tôi tha hồ mà đùa giỡn. Có một điều tôi không bao giờ quên được. Đó là ba dãy lớp học được cất bằng gỗ, lợp tol và nền đất cao hơn mặt sân khoảng ba tấc. Những khi trời nắng thì còn đỡ. Nhưng khi trời mưa thì nền đất bị lở lói vì nước mưa từ mái tôn dội xuống và các thầy cô buộc bọn học trò nhóc con chúng tôi đắp và ghè lại cho thẳng thớm. Đối với ai thì tôi không biết. Nhưng với tôi thì đây là một trò chơi thích thú và tôi thực hiện trò chơi này một cách khoái trá. Tôi có hẵn một miếng ván cỡ phân nửa tấm bảng viết, nhét vào cái cặp trống trơn với một cuốn tập và một cây bút ngòi lá tre. Thầy Lê Phát Thành dù không chịu nổi thằng học trò nghịch ngợm, ở dơ thầy chạy. Nhưng vẫn khoái tôi vô cùng vì cái trò này và… học giỏi. Ngoài những giờ học chúng tôi rủ nhau đi len lỏi trong các con hẽm, nhìn người ta trồng rẫy, hoặc vào các khu vuờn nhặt mận chín, ổi, lựu rụng đỏ cả gốc… nghĩa là mùa nào thức nấy. Và đến khi về nhà thì mình mẩy mồ hôi nhớp nháp, giò cẳng bụi đất bám đầy. Cứ một gàu nước là xong, cái gì trôi được thì trôi, còn thì cứ bám lại. May mà chúng tôi chưa thành vườn cây biết đi như trong bài tập đọc lớp tư. Lâu lâu, khi thì ông, khi thì bà nội phải tắm lớn cho tôi, cứ sơ dừa quẹt một ít xà bông rồi sát vào giò cẳng tay chân. Còn cỗ, cạnh mang tai thì vải hay khăn. Đau, nhột không chịu nổi, tôi cứ la hét um sùm, nhưng rồi cũng xong. Tinh tươm sạch sẽ cao lắm là nửa ngày, rồi đâu hoàn đấy. Cứ thế. Tôi học rất nhanh, rất giỏi, sự tiến bộ trong học tập của tôi tỷ lệ thuận với sự nghịch ngợm và ở dơ không thể tả. Tôi bắt đầu có chút ít ý thức nhưng chưa đủ và hậu quả của nó là ông bà nội không thể chịu đựng. Những thầy giáo của tôi cũng phải thán phục sự giỏi giang trong học tập, nhưng cũng bực bội không kém trước sự quậy phá và dơ bẩn của tôi.
Cuối cùng tôi lại phải quay về Cái Mới Lớn, không phải bị đuổi vì tội quậy phá và ở dơ, mà vì bà nội bệnh, trong khi tôi thì như cây đèn cù, nên ông nội không còn hơi sức đâu mà khiển được tôi. Khi về nhà ở Cái Mới Lớn thì tôi chẳng biết ba tôi đi đâu. Rồi tôi không hiểu tại sao người ta lại xay gạo, gói bánh nhiều thế, làm y như là Tết đến. Tất nhiên chẳng ai trả lời cho tôi nếu tôi có hỏi. Mà tôi hỏi làm gì cho mệt, cứ việc kiếm bánh ăn. Ôi thôi đủ thứ bánh tét, bánh phồng, bánh cà bắp[xiii]… và rồi bổng dưng cả xóm như chùng lại và sau đó tôi thấy vắng đi một số người. Nếu tôi có hỏi thì chỉ được trả lời qua quít. Sau này tôi mới biết mọi người đang chuẩn bị cho một sự phân rả của chính lòng mình, gia đình mình và của làng quê. Đất nước chia đôi, cuộc sống chia đôi, gia đình chia đôi và đau đớn thay tình cảm cũng chia đôi. Cuộc chia đôi này kéo dài hai mươi mốt năm và khi ráp lại nó lại phải cần ngần ấy thời gian để hàn gắn, nhưng vết tích của sự sứt mẻ thì không thể phai nhòa.
Không khí trong làng như chùng xuống, không còn chộn rộn như năm trước mà trở nên yên ắng hơn. Vắng hơn nhiều, rất nhiều khuôn mặt. Không khí trầm trầm ấy có một cái gì đó như đe dọa cho cuộc sống. Cái danh từ Việt Minh của mấy năm trước biến mất. Được thay thế bằng “mấy ông tối trời “. Tôi là con nít mà nghe còn ghê ghê cả người. Trong làng có thêm một thứ lính mới, dân vệ. Nói là lính mới, nhưng chỉ là những thanh niên trong làng, mà hầu hết tôi quen mặt. Họ chẳng có gì đáng sợ với một thằng con nít như tôi. Nhưng với mọi người thì họ có một vẻ gì đó hơi ghê ghê. Có một điều thay đổi ở làng quê này, thay đổi rất lớn là khác. Đã có đò chạy thẳng từ làng ra tới chợ Minh Lương và từ đó ra tỉnh lỵ Rạch Giá bằng xe đò, xe lam và cũng có thể đi bộ hoặc xe đạp ra tới chợ Đường Xuồng hay các xã lân cận, Nhưng cái hay nhất vẫn là ngôi trường vách ván lợp fibrocimet, với ba phòng học. Ngôi trường cất cạnh đình làng, và cây da thì bao giờ cũng là nơi bọn tôi tụ tập, nhưng những trò quậy phá thì ít hơn nhiều vì thầy Lâm văn Khương có che một cái chái bên hông trường để làm nơi nghỉ ngơi sau giờ dạy học.
Những thay đổi đó rất ấn tượng, và đầy tính thuyết phục. Thầy trò chúng tôi chăm chút ngôi trường như là tài sản riêng của mình. Nền đất bao giờ cũng cao ráo, sạch sẽ, có cẩn gạch chung quanh hàng ba nên khỏi ghè bờ nền khi mưa như ở trường Vĩnh Lạc ngoài tỉnh lỵ, bàn ghế thì bóng hới. Hàng rào dâm bụt luôn được cắt tỉa ngay ngắn, xanh tươi. Những gốc bã đậu được chăm sóc cẩn thận đã cho bọn chúng tôi bóng mát, và sau đó cho chúng tôi những trái khô để chúng tôi làm những cái bánh xe kẹp giữa thanh trúc chẻ đôi rồi đẩy đi loanh quanh khắp nẻo đường làng. Nhưng cái trò tôi khoái nhất thì chính là móc đất sét, nắn những con tu hú, khi phơi khô thì kê miệng thổi nghe u u như tiếng sáo, hoặc những con trâu, con bò… hay bất cứ cái gì mà bọn con nít chúng tôi nghĩ ra. Cái trò này xem ra tôi cũng khá nổi trội. Mẹ tôi thì bận bịu luôn tay, nên chuyện lu bu lang bang này của tôi chỉ có hai ông thầy là lưu ý. Nghĩa là các ông thích thì cứ thích, khen thì cứ khen, nhưng chuyện cho tôi ăn roi là chuyện bình thường. Bình thường đến độ hai ông gần như ghiền. Tuần nào không có việc gì cho tôi thì gần như ngày đó hai ông cứ cảm thấy thiếu. Và tôi không hiểu tại sao, cả hai ông thầy, ông nào cũng xem tôi như là hoc trò chính thức của mình. Nhưng dù sao thì tuổi thơ của chúng tôi vẫn có cái gì đó an toàn hơn, sáng sủa hơn, và tôi cứ lớn lên trong đó, học hành giỏi hơn. Nhưng nghịch phá thì càng ngày càng có chất lượng hơn. Cái sân đình và cây da cổ thụ giờ đây thêm cái sân trường. Bây giờ có thêm những gốc bã đậu và cái hàng rào dâm bụt. Tất cả từng giây, từng phút chứng kiến cái tuổi thơ của chúng tôi trôi qua. Gần hết quảng đời trẻ thơ, tôi cùng những đứa trẻ cùng lứa đã quậy phá, vui chơi, đùa nghịch với nhau ở đó. Khung cảnh làng quê vẫn không thay đổi, ít nhất là trong lòng tôi. Ở tuổi lên tám, tôi ý thức khá sớm về cái mà sau này tôi hiểu là nơi chôn nhau cắt rốn. Vẫn những hàng dừa lã ngọn dọc theo hai bờ con rạch Cái Mới Lớn.
Tôi tiếp tục học lớp tư được hai tháng với thầy Lâm văn Khương, rồi nghỉ hè, khi tựu trường lên lớp ba học với thầy Huỳnh Trung Nhiễn. Tôi đã nhận ở hai thầy chẳng những kiến thức mà còn nhận luôn cả những tính cách mang tính quyết định, trong quá trình hình thành nhân cách của mình sau này. Khi lớn lên, tôi vẫn luôn nhận được ở hai thầy rất nhiều điều bổ ích cho cuộc sống. Có thể nói, nếu không có sự thương yêu, dạy dỗ và hướng dẫn của hai thầy trong suốt thời gian trưởng thành cũng như khi bước vào đời. Rất có thể tôi sẽ hỏng bét.
Tôi bắt đầu có một ít ý thức và tôi sử dụng ngay vào việc nhận diện nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Làng quê tôi chạy dọc theo con rạch Cái Mới lớn ngoằn ngoèo gấp khúc, nên xóm làng cũng gãy khúc đến tức tưởi. Chỉ có cánh đồng thì mênh mông khoáng đạt, những rặng cây xanh mờ phía xa xa chân trời. Những rặng cây xanh mờ ấy luôn luôn cuốn hút tôi suốt thời tuổi nhỏ, lúc đó tôi nghĩ rằng bên dưới những rặng cây ấy có một cái gì đó khác hơn, đẹp hơn, tất nhiên là lạ lẫm hơn làng quê của tôi. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là một làng quê khác cũng na ná như quê tôi về cảnh quan. Cũng con rạch nhỏ có làng xóm hai bên. Cũng những ngọn dừa chạy dọc theo con đường mòn men theo hai bờ con rạch ấy. Thỉnh thoảng có những cây cầu khỉ bắt ngang con rạch hoặc những cái hói nhỏ ăn khuyết vào bờ tạo thành nơi neo đậu ghe xuồng. Những cây cầu khỉ ấy lại là những nơi mà chúng tôi tụ tập lại để tắm sông. Leo lên cầu, co giò phóng xuống ầm đùng. Không hiểu sao mà chúng tôi chưa bị cây đâm cho lòi ruột. Càng gần giòng sông Cái Lớn thì thay những ngọn dừa bằng những rặng lá dừa nước. Xa xa là những cây gừa, cây bần cổ thụ. Sâu vào trong lại có những cây vừng mà lá non có vị chua chua chát chát, hái về ăn với bánh xèo nhân thịt gà, măng tre thì không có gì ngon bằng… Những làng quê ấy, những con rạch nhỏ ấy đã, đang và sẽ mãi mãi chứng kiến những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên cùng với những đám cưới, đám ma. Đón nhận vào lòng nó những những chuyến ghe xuôi ngược tìm sự sống và đón cả những xác chết vô danh. Ấp ủ vào lòng như những đứa con trở về. Con rạch ấy, giòng sông ấy luôn luôn trang điểm cho mình bằng màu tím của hoa lục bình, những ánh đèn lung linh của các xuồng câu, xuồng chài, rặng đáy.
Không hiểu từ lúc nào tôi lại khoái khi nhìn những mầm cây mới mọc. Những đám mạ non màu xanh lục luôn luôn cuốn hút lấy tôi. Tôi đứng hàng giờ trước những đám mạ ấy và thả hồn đi đâu đó mà tôi cũng không biết. Rồi khi những đám mạ được nhổ đi và đem đi cấy lại trên những mảnh ruộng trắng xóa những nước và tôi chạy loanh quanh theo đó để cuối cùng là chen vào bữa cơm cấy với hai món ăn rất đặc trưng; mắm chưng và bí rợ kèn dừa. Rồi khi ruộng đã xong tôi lại chạy qua nhà thằng Bình, cháu ngoại của ông bác Tư Nhân để xem ông trồng trặt và được ông sai là những chuyện lặt vặt. Mục đích là để được ngắm nhìn thỏa thích những cây bầu, cây bí, khổ qua mập mập xanh rờn vươn lên từ những bầu ươm. Những chiếc lá đầu tiên nhỏ xíu vươn lên giữa hai giao tử trắng ngần, ngã sang xanh theo từng ngày và khi rụng đi thì những chiếc nhỏ xíu ấy lớn dần và thêm những lá con. Sự sống chuyển theo ngày tháng, mỗi mức độ trưởng thành của cây đều có những thú vị riêng và cuốn hút tâm hồn trẻ thơ của tôi. Chẳng những thế, đến những vệt cỏ ven đường óng mượt sau cơn mưa cũng làm tôi thích thú. Cứ thế những ấn tượng ấy ăn sâu vào và sau này khi lớn lên, mầm xanh của lộc non, màu xanh của cây cối trở thành một điều gì đó như là không khí trong tâm hồn tôi. Tất nhiên những nhận xét này mãi rất lâu sau tôi mới có. Nhưng lúc đó thì chỉ là thích thú khi nhìn thấy và tôi xem đó như là một trò vui. Nhưng có một thứ vẫn quẩn quanh theo tôi với những cảm xúc lạ lùng, không bao giờ thay đổi. Cây bông trang, một loại hoa thường được trồng ở gần bàn ông thiên, có hai loại hoa đỏ và hoa vàng, những bông hoa nhỏ như cây kim với những cánh hoa nhỏ như hạt gạo, kết lại thành chùm, hoa nở quanh năm. Thường được hái để cúng trên bàn ông thiên hay sử dụng trong một số nghi lễ vào ngày đầy tháng của trẻ con. Mỗi khi nhìn thấy cây bông trang lòng tôi có một cảm giác thật lạ, nhẹ nhàng, bay bổng. Càng về sau những cảm giác ấy luôn luôn đến mạnh hơn, thanh thoát hơn khi tôi gặp cây bông trang.
Mẹ tôi vẫn cực nhọc lại càng cực nhọc thêm vì sự vắng mặt của ba tôi, kèm theo hai đứa em nữa ra đời. Đứa em gái kế tôi thì ghẻ chóc nhớt mình, mà thuốc men thì rất hiếm. Viên daginan có giá trị bằng một giạ lúa. Thằng em thứ tư ít bệnh hơn nhưng tính hiếu động đã chất thêm cho mẹ tôi một gánh nặng. Thằng em thứ năm cứ nay sốt, mai ấm đầu. Thuốc men thì chỉ có duy nhất một thứ thuốc tán Thối Nhiệt Đơn mua của ông thầy Tàu, mà thường xuyên mua chịu. Bữa cơm của mẹ và anh em chúng tôi là rau chai luộc chấm mắm sặc kho loảng. Rau thì hái ngoài đồng như dọt choại, rau diệu, rau chai, rau dềnh…, mắm thì ngoại và mấy dì cung cấp. Thỉnh thoảng mẹ có thì giờ rỗi rảnh đi câu được vài con cá rô tôm tích hoặc lòng tong, cá chốt… thì đó là phần của thằng em thứ năm. Tuy vậy các em tôi vẫn được đi học khi đến tuổi đến trường. Sự tần tảo, cực nhọc của mẹ y như một cái máy vận hành không ngơi nghỉ. Trong sâu thẳm trái tim bà có một cái gì đó rất thiêng liêng luôn luôn được nén lại bên trong và cái tuổi thơ khắc nghiệt của anh em tôi chỉ cảm nhận được một cách lờ mờ không rõ nét. Một cảm nhận rõ ràng duy nhất là khi vắng mẹ, chúng tôi không an toàn, dù rằng sự có mặt của mẹ bên cạnh chúng tôi thì luôn làm cho chúng tôi có một cảm giác sợ hãi. Và cũng chính vì sự sợ hãi này mà dần dần tôi bỏ được tật ở dơ. Bây giờ, khi hiểu được mọi điều thì…
Tôi trở thành một học sinh giỏi, điều đó đúng thôi. Nhưng đặc biệt nhất là tôi viết chữ rất đẹp. Thầy dạy lớp ba là thầy Huỳnh Trung Nhiển, ông kiêm nhiệm Trưởng Giáo của trường. Tôi là đứa được ông cưng nhất, nhưng cũng bị ông đánh đòn nhiều nhất. Những đứa khác, khi tập vở lôm côm hay viết theo kiểu gà bới thì chỉ được nhắc nhở, cùng lắm là bị khẻ nhẹ, còn tôi thì… Học lớp ba tôi rất giỏi môn tập làm văn. Nhưng cuốn hút tôi lại là các môn sử ký và địa lý. Tôi biết nguồn gốc của mình là con Rồng cháu Tiên, rồi sự tích trầu cau, bánh dày bánh chưng, Sơn Tinh Thủy Tinh, rồi nước Việt Nam hình cong như chữ S chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, với núi Tản Viên, con sông Hồng Hà, Cửu Long… những ý thức ban đầu được hình thành từ những huyền thoại về buổi bình minh của dân tộc. Dù chương trình của lớp ba, những môn học này chẳng có bao nhiêu, với lại chỉ mang tính chất chuyện kể. Nhưng thầy đã truyền đạt cho chúng tôi những ý thức lịch sử, địa lý bằng những giờ dạy thêm hay một dịp nào đó thuận tiện. Tôi lại là đứa được ưu ái nhất trong chuyện này. Bất cứ khi nào tôi hỏi là hai ông sẵn sàng. Tôi cố gắng trau chuốt những câu văn một cách ngô nghê trong các bài tập làm văn, và nhớ như in những điều thầy kể. Có một khám phá rất hay là những giòng chữ Việt Nam Độc Lập viết bằng than củi hay gạch non trên các mảng tường là của thầy Nhiển, những bản in bột cũng là chữ viết của thầy. Cuối năm học 1955-1956, chúng tôi, 16 học sinh được thầy tuyển chọn và đưa đi thi vào lớp nhì và nếu đậu sẽ được ra học trường Nam hoặc Nữ tiểu học ở tỉnh lỵ Rạch Giá, 17 thày trò lội bộ băng đồng lên chợ Cái Bần, xã Thủy Liễu để thi. Chuyến đi rất vui, cặp vở bút viết và những cái bánh cà bắp rất to được quảy tòn teng trên vai, tất nhiên trong túi đứa nào cũng rủng rỉnh dăm ba đồng bạc. Từ 5 giờ sáng, chúng tôi men theo các bờ ruộng và sau hơn một giờ chúng tôi có mặt tại trường thi. Quang cảnh thật đông vui, náo nhiệt. Gần 200 thí sinh ở các xã lân cận tập trung về. Hầu hết đều có cha mẹ đi theo. Chỉ có trường làng tôi, độc nhất có một ông thầy, vì không có cha mẹ đi theo, nên cả bọn chúng tôi túm tụm lấy nhau và ăn điểm tâm bằng những cái bánh mang theo. Xong, mỗi đứa mua một ly nước đá bào, chế xirô, giá mỗi ly năm cắc.
Tiếng trống trường nổi lên báo hiệu đến giờ thi. Thầy trưởng giáo chúng tôi kêu tên từng đứa thứ tự theo vần ABC, và dẫn đến phòng thi có tên mình. Thế là chúng tôi bị tách ra khỏi nhau, nếu có chung phòng cũng không được ngồi gần nhau. Cả bọn đều hồi hộp, lo lắng. Nhưng rồi mọi việc cũng qua đi và sau khi thi xong môn cuối cùng vào buổi chiều. Thày trò dắt díu nhau băng đồng về nhà. Đi men theo những bờ mẫu của các ô ruộng mà bên dưới là nước trong veo và những đám mạ non màu lục đang lao xao bởi những ngọn gió đùa. Trên đường về, thầy hỏi han chúng tôi về việc làm bài thi. Chúng tôi râm ran kể cho thày nghe việc chúng làm bài thi ra sao và mọi chuyện cũng chấm dứt, khi rặng cây của làng càng lúc càng rõ dần trong ánh nắng cuối cùng của buổi chiều. Khi về tới làng, thầy cho chúng tôi tự mình về nhà, sau khi dặn dò những đứa nhà ở xa hoặc có đường về nhà khó, nên cẩn thận vì trời cũng sắp tối đến nơi.
Tôi về tới nhà, thì người đứng đón tôi không phải là mẹ như mọi khi, mà là ba tôi. Tôi mừng quýnh quăng cặp nhào tới vừa kêu ba, vừa ôm chầm lấy chân ông. Ba tôi lặng lẽ xoa đầu tôi và ông không nói một lời nào cả. Tôi vô tâm ríu rít đủ mọi chuyện trên đời. Lâu lắm rồi tôi không gặp ba. Mẹ tôi dọn cơm xong, ông nắm lấy tay tôi dẫn vào nhà. Trời đã chạng vạng, mẹ tôi bưng cây đèn ống khói đến, và bữa ăn tuyệt cú mèo, cá lóc nấu canh chua và lươn xào xả ớt. Không hiểu bữa ăn này mẹ tôi nấu cho ba tôi hay thưởng tôi đi thi. Không sao? Tôi cứ ăn đã, con nhỏ em gái tôi cứ vừa líu lo, vừa ăn. Tôi cứ chén cật lực, đến khi phểnh bụng ra tôi buông chén. Đưa tay quẹt miệng và nhảy tót xuống bộ ngựa chạy u đến lu nước nốc một gáo rồi lẻn sang nhà cu Dòl. Hai thằng cứ râm ran về chuyện làm bài thi.
Một tuần sau ngày thi, khoảng thời gian ấy, ba tôi gần như không để ý gì đến anh em chúng tôi cả. Hầu hết thời gian, ông chỉ làm việc lặt vặt chung quanh mảnh vườn hoặc sắp xếp, dọn dẹp lại nhà cửa hay thì thầm gì đó với mẹ tôi và tôi thì vẫn cứ vô tâm chạy theo các trò chơi đánh hưng, đánh mé, bắn culi hoặc cắm câu ngoài ruộng. Trong những trò này coi bộ việc cắm câu là có lý nhất vì thỉnh thoảng tôi đem về được vài con cá phụ thêm vào bữa ăn. Thằng Tol cùng với sáu Khanh, ông anh đưa truyền đơn của Tây cho tôi dọc ngày nào, chạy ào vào nhà vừa túm lấy tôi vừa la ỏm tỏi “ Chú tư, thiếm tư ơi tụi con thi đậu rồi, thằng Hiền cũng đậu nữa, tụi con ra Rạch Giá học rồi “ Chẳng cần biết ba mẹ tôi có nghe hay không? Cả ba chúng tôi túm tụm lấy nhau la hét um sùm, bàn tán líu lo đủ mọi chuyện “thiên công minh mạng”, và tôi nào đâu để ý gì đến ba mẹ tôi nghĩ gì về việc này. Mãi đến sau này tôi mới biết sự kiện tôi thi đậu có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của ba tôi, và cũng làm cho cuộc sống sau này của ba mẹ tôi thêm nhiều thay đổi. Mà sự đổi thay này rõ nhất là sự nhọc nhằn, gian khó đến với ba mẹ tôi càng lúc càng nhiều hơn.
Chúng tôi, mười sáu đứa, trong bộ đồ tinh tươm nhất có thể có, được cha hoặc mẹ dẫn đến trường. Các thầy, hôm nay chào đón chúng tôi bằng tất cả vui vẻ, thương yêu mà bấy lâu họ cố đè nén bằng sự nghiêm khắc vốn không phải là bản tính của họ. Chúng tôi từng đứa, được ngồi vào bàn với món ăn lạ lẫm, thịt gà càri với bánh mì. Sau khi mọi người yên vị, thầy Trưởng giáo công bố kết quả của cuộc thi. Mười sáu đứa chúng tôi chia nhau 19 hạng đầu của cả trường thi. Tôi đỗ hạng nhất toàn trường thi được lãnh học bổng mỗi niên học hai ngàn đồng từ năm lớp nhì đến hết năm lớp nhất. Tôi như lên tiên, cả người bay bổng giữa giọng đọc kết quả và sau đó là lời chúc mừng của thầy. Cái giọng khàn khàn vì xúc động pha lẫn những giọt nước mắt vui mừng. Tuổi lên chín với đầu óc non nớt ấy đã khằn sâu hình ảnh này suốt cả cuộc đời tôi. Nó đã nâng đỡ tôi rất nhiều lần và giúp tôi vượt thoát khỏi bùn lầy trong suốt cuộc đời đầy sóng gió sau này.
Trong thời gian ngắn ngủi gần hai năm sống ở quê, ngoài những yên ả mà tuổi thơ tôi nhận đươc. Đan xen trong đó tôi đã chứng kiến những điều mà lý ra ở tuổi như tôi không nên nhìn thấy. Đó là chứng kiến những cái chết không bình thường. Cái chết của những “ông tối trời“ mà tôi từng biết, cái chết của anh Mai Thành Bé, cái chết của ông Nguyễn văn Phải. Họ từng là đồng chí của ba tôi. Cái chết của chú Tư Khum bị mấy ông tối trời chặt đầu, mà ba tôi buộc phải đi chứng kiến. Những vụ chết chóc này làm tôi sợ hãi khi bóng chiều xuống, làm tôi nôn nao cồn cào và cảm thấy người lớn quả tình kỳ cục. Nhưng tôi không thể hỏi ai tại sao phải như vậy. Tôi nghi ngờ, tôi phẩn nộ, mà không biết rõ nguyên nhân. Những cảm giác ấy đã và sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời. Sau này trong chiến tranh tôi nhìn thấy cơ man nào những cái chết thê thảm, quạnh hiu. Mỗi khi tôi nhìn thấy những cái chết như vậy, và cả những khi tôi nhớ lại những cái chết mà tôi đã từng nhìn thấy đó. Tôi cũng luôn luôn tự hỏi, cái chết bình thường của một người nào đó cũng làm ta thấy nao người thì tại sao lại phải gây ra những cái chết thê thảm như thế. Câu hỏi không được ai trả lời và đến hôm nay tôi vẫn chưa thể tự trả lời.
Và cũng trong hơn một năm ấy, còn có cái mặt khác của cuộc sống làng quê trong không khí hoà bình tạm bợ này. Mọi người như thấp thỏm chờ trông một cái gì đó. Những khuôn mặt của một thời binh lửa đã qua, nay vắng mặt ở xóm làng với nhiều nguyên nhân khác nhau, lại được thì thầm nhắc nhở bằng mọi thứ cảm xúc mà con người có thể có được. Tôi là thằng bé con mới tám, chín tuổi đầu nên rất dễ dàng hóng chuyện. Những tên tuổi đã từng hiện diện và tác động đến mảnh đất này một thời gian dài như Tạ Hoàng Anh, Trung úy Thành, Quan tư Cầu vốn là lính của Tây, rồi Đặng Hiền Nhơn, Bác Chín Phước, Chú Tư Ngọt, Chú Sáu Hưng, Chủ tịch Rớt, Chủ Tịch Ngươn. Thầy Tùng, cô ba Điệp, cô Tuyết, Chú Thịnh, Đại Úy Ngà, Thiếu Tá Phòng… Tất cả những người sau vốn một thời là dân kháng chiến. Họ có quan hệ bạn bè với nhau hoặc là bà con của nhau nay thì tan đàn xẻ nghé. Mỗi người chọn một con đường riêng. Tình đồng chí, tình bạn bè, anh em đã tan dần theo năm tháng. Lẫn trong đó có ba tôi và một số người khác âm thầm chịu đựng những oái oăm của miếng cơm manh áo cho gia đình trong buổi giao thời. Với cái tuổi của trẻ con, tôi mơ hồ hiểu và cũng nhanh chóng quên đi và chỉ nhớ mỗi khi gặp lại những con người đó trong từng hoàn cảnh khác nhau sau này. Và cũng trong thời gian này tôi cũng ghi nhận được những thông tin thuộc loại đầu cua tai nheo đã từng xảy ra trong làng. Nó phản ảnh rất sinh động cuộc sống của làng quê. Nó lạ lẫm đối với tôi. Nhưng chính nó đã làm nên cuộc sống. Mỗi khi nhớ lại tôi cảm thấy thương mến vô cùng cái rẻo đất nhỏ xíu này. Cái mảnh đất mà người ta gọi là nơi chôn nhau cắt rốn, gọi là quê cha đất tổ, gọi là quê hương. Vâng quê hương của tôi nhỏ xíu như cái đầu nhỏ xíu của tôi.
Thế là tôi lại ra Rạch Giá, học lớp nhì trường Nam Tiểu Học[xiv]. Ngôi trường này không như trường Vĩnh Lạc. Trường to lớn, bề thế. Tường vôi, mái ngói, nền lót gạch tàu đỏ au. Nhưng ấn tượng nhất là ông thầy mới của tôi, mới toanh từ trong đến ngoài. Thầy Lê Tùng Chinh, vừa mới ra trường Sư Phạm, trẻ măng, đẹp trai và mang theo sự nghiêm khắc rất bài bản vào lớp. Nhưng cái tôi nhớ nhất ở thầy thì lại là cái khác không ăn nhập gì tới việc dạy của thầy và việc học của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy đôi sandale bằng plastic trong suốt. Nó mê hoặc tôi, ám ảnh tôi, cho đến tận bây giờ và một điều lạ là cho tới bây giờ sau bao nhiêu năm tôi chưa bao giờ mua một đôi sandale như vậy để đeo. Hằng ngày từ ngã tư Am Ông Địa tôi phải cuốc bộ ra trường cách nhà hơn một cây số. Sáng sớm bà nội cho một đồng. Tôi mua một gói xôi, vừa đi vừa ăn xôi, vừa học bài. Đến trường là tôi thuộc và hiểu không sai một ly. Những thời giờ bên ngoài lớp học là rong chơi khắp cả thị xã luôn cả các hẽm hóc. Nhưng cái khoái nhất vẫn là chiui vào những mảnh vườn cây ăn trái rải rác trong tỉnh lỵ để nhìn ngắm cây xanh và tiếng chim kêu. Hết đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ 1) tôi lãnh được học bổng một ngàn đồng. Cầm mười tờ giấy một trăm đồng có hình chiếc máy cày màu xanh xám. Tôi chạy từng ba bước một, từ trường về nhà đưa cho ông nội. Mặt mày tôi ướt đẫm mồ hôi và cái màu tái xanh vì mệt không đủ để xoá nhòa mà tăng thêm nét rạng rỡ của tôi. Ông bà nội cũng mừng không kém và ông vội đi mua cho tôi chiếc xe đạp. Thế là da đầu gối, mắt cá chân được hằn lên không biết cơ man nào là thẹo vít.
Có chiếc xe đạp, ngoài việc để đi học, nó còn là một phương tiện để cho tôi khám phá cái tỉnh lỵ nhỏ bé này, nhưng với tôi thì nó bao la và rất nhiều kỳ thú. Này con đường Hoàng Diệu [xv] cặp sát mé biển, đầy mùi khô, cá với những nhà sàn ngã nghiêng theo sóng. Đây là nơi tôi thường hay tới khi tan trường, để tò mò nhìn ngắm người ta làm khô, lên cá hay vá lưới…, qua bên kia toà Hành Chánh ở đường Nguyễn Công Trứ, ra Sân Vận Động[xvi] ngồi ở bờ kè hay nhà thủy tạ nghe sóng biển rì rào, nhìn mặt trời lặn sau hòn Rùa, hoặc xem đá banh. Hay chạy qua chùa Phật Lớn, chùa Láng Cát vào những ngày có đám làm phước. Chùa Thập Phương, chùa Tam Bảo trong những ngày Phật Đản, Vu Lan. Hoặc chui vào nhà thờ ở đường Nguyễn Trường Tộ vào các ngày Giáng Sinh hay Phục Sinh. Còn con đường Nguyễn Trung Trực, con đường tôi hàng ngày qua lại, đối với tôi, nó rộng mênh mông, lúc này đèn đường đã được kéo thêm từ ngã tư Tin Lành đến cổng Tam Quan, vừa mới được xây dựng, và khi dựng cột căng dây thì những cây xoài trồng dọc hai bên đường bị chặt bỏ. Có đèn đường thì cũng khoái, nhưng tôi vẫn tiếc cái khoảng đường rợp bóng xoài cổ thụ, tàn lá giao nhau che mát mặt đường, khoái nhất là gần tết, khi xoài có lá non, những bông hoa xoài nở trắng, hoa không đẹp nhưng cho mùi thơm nồng nồng mật ngọt. Qua tết những trái xoài lớn hơn một chút, thì những cơn giông mưa đầu mùa đối với chúng tôi thì thật sự là một ngày hội. Cả bọn trẻ con trần truồng chạy rong ngoài đường chờ những cơn mưa và những trái xoài xanh bị những cơn giông làm rơi xuống. Nhưng dù sao thì cũng vẫn còn con đường Nguyễn An Ninh mới mở và hàng lô hàng lốc những con đường mòn xuyên qua các đám rẫy, các vườn cây. Tất nhiên. Những trái cây, trong đó có xoài, vẫn còn đủ để cuốn hút tôi xách xe đạp chạy long rong vào đó. Để tìm thấy màu xanh và tiếng chim sâu, chim sẻ, chìa vôi, trao trảo… chí chóe kêu vang. Những mùi vị ấy, màu sắc ấy, tiếng kêu ấy tạo nên một vệt hằn thật đẹp để sau này có cái cho tôi nhung nhớ, yêu thương.
Và cũng với chiếc xe đạp ấy, tôi bắt đầu chú ý đến những tên đường. Có những tên tôi biết qua môn học lịch sử, có những tên không biết, thế là hỏi người lớn hoặc các anh chị học lớp trên. Ai mà trả lời tôi là gặp khổ, tôi hỏi dai nhách cho đến khi biết tận tường mới thôi. Những tên đường như Lâm Quang Ky, Phó Cơ Điều, Huỳnh Tịnh Của, Phan văn Trị, Thoại Ngọc Hầu, Mạc Cửu… những tên này môn lịch sử ở tiểu học chưa dạy tới. Cũng nhờ cái kiểu hỏi dai như đỉa của tôi, nên những người bị tôi hỏi quăng cho mấy cuốn sách lịch sử của bậc trung học. Thế là…
Tuy vậy cái cuốn hút tôi nhất lại là cái sân trường rộng mênh mông với những hàng phượng đỏ. Bọn nhóc con chúng tôi có một trò chơi mà bất cứ thầy cô nào cũng phải lắc đầu. Nhưng cấm đoán thì vô phương. Bọn chúng tôi chia làm hai nhóm và tranh nhau một trái banh tennis. Chỉ có thế, mà nó nuốt trọn khoảng thời gian trước giờ học và giờ ra chơi để rồi khi vào lớp thì cả bọn áo quần xốc xếch lấm lem và mồ hôi nhớp nháp. Đã không ít lần những cú chuyền banh ấy sai địa chỉ và nó tung vào thầy cô nào đó. Thế là quỳ gối cho tới giờ vào lớp và trái banh biến mất. Và rồi có trái khác thay vào. Mà những trái banh như vậy thì lại xuất phát từ tôi. Ngoài giờ học, tôi đi lượm banh ở các sân tennis vừa có được tiền vừa có banh cũ để chơi. Trong hai sân tennis, một ở đường Trần Hưng Đạo phía sau trụ sở đội Hiến Binh[xvii] chỉ dành cho các xếp lớn và dân nhà giàu, một ở bên hông Tòa Sơ Thẩm đường Lê văn Duyệt[xviii] dành cho các thầy, cô giáo. Tôi thích nhất là ở sân bên hông tòa Sơ Thẩm, các thầy, cô không quá khó khăn với bọn học trò nghèo như chúng tôi, đã thế hôm nào chúng tôi cũng được boa thêm nếu như ngày đó các thầy cô chơi hơi lâu hoặc thắng độ lớn. Đã không ít lần, tôi lãnh những trái banh đập vào người như trời giáng vì cái tính lóc chóc, len chen và làm cho các thầy cô xanh mặt. Ngoài ra tôi thì còn kiêm thêm việc đánh giày, nếu như có ai đó yêu cầu. Những đồng tiền ấy thường thì tôi mang về đưa cho bà nội. Đưa thì chẳng bao nhiêu mà tôi xin lại thì hơi nhiều. Nhưng nó đã củng cố cái vị trí “Vưu Hồn, Bí Trọng” của tôi đối với ông nội càng ngày càng vững chắc. Tôi làm gì, nói gì ông nội cũng bảo là đúng.
Theo ngày tháng những trò tinh quái, hiếu động của tôi càng ngày chất lượng càng được nâng cao. Ở quê tôi có xuất hiện hai tay cường hào thuộc loại có đẳng cấp đó là tay ủy viên cảnh sát Trần Thành Mỹ và tay trưởng đồn Dân vệ Thái văn On. Cả hai tác oai tác quái, ăn chận tiền làm đường, làm khó dễ những gia đình có người đi tập kết hoặc những người có dính dáng tới Việt Minh. Tất nhiên trong đó có ba tôi. Thế là những ngày nghỉ học vào dịp Tết. Chú Hà Giang, ông chú họ của tôi là ký giả, đưa tôi về Đường Xuồng, rồi giao cho tôi chiếc xe đạp chạy gần bảy tám cây số về Cái Mới Lớn để dò la, nghe ngóng thu thập tài liệu, chứng cứ đưa cho chú ấy. Qua Tết, ông này đưa lên báo liên tục bốn năm ngày. Thế là cả làng lên cơn sốt và sau đó thì vắng hoe. Những đàn ông, thanh niên hè nhau bỏ xứ. Ba tôi cũng bỏ làng ra chợ Rạch Giá. Còn tôi không biết ma xui quỷ dục thế nào mà lại để rơi xấp giấy nháp ghi chép ấy vào tay thầy Chinh. Thầy đem trình cho thầy Khánh, hiệu trưởng, thầy mời ông nội tôi lên trường, và thì cả nhà đều biết. Tôi bị ông nội và ba tôi tẩn cho một trận ra trò. Nhưng bù lại tôi lại được thầy hiệu trưởng và thầy Chinh dành cho nhiều ưu ái. Việc này làm cho ba tôi phải bỏ xứ hết hai năm đi làm cò tàu cho người chú họ khác, vừa để kiếm sống và tránh tai bay vạ gió. Mãi đến khi bộ sậu của tay Trần Thành Mỹ mất chức và Thái văn On bị mấy “ông tối trời” ám sát. Ba tôi mới về quê. Vụ này ông nội cũng cho là tôi đúng luôn. Thế là có bệ phóng cho những trò trái khoáy của tôi được nâng cao chất lượng.
Cũng trong năm đó, một sự kiẹn đau xót xảy ra trong giòng họ. Tôi có một người cậu họ, một người cậu ruột, em kế của mẹ tôi. Cả hai người đều là dân kháng chiến. Nhưng không hiểu sao, khi Hiệp Đinh Genève ký kết. Hai ông nhảy ra tham gia chính quyền Sài Gòn và là thành viên của UBHC xã Vĩnh Hoà và hậu quả là mấy cậu tôi bị mấy ông tối trời bắt giết. Bốn năm sau người dượng rể thứ tư cũng bị y như vậy. Bổng dưng hình ảnh của mấy ông tối trời trở thành một cái gì đó rất khủng khiếp đối với tôi. Mãi rất lâu này tôi mới biết, những người ấy được cài vào chính quyền mới, và đó cũng là lý do để cho người ta giết cho thỏa mãn chuyện hận thù. Tiếp theo, tôi có thằng bạn cùng tuổi, học chung lớp, nó tên Đạm. Lê văn Đạm. Có thể gọi đây là một tình bạn đúng nghĩa. Chúng tôi có chung hoàn cảnh là từ dưới quê lên tỉnh học. Cả hai cùng còm nhom, đen thui và khuôn mặt xấu hoắc và cái quan trọng nhất là cả hai có chung cái kiêu hảnh là hai thằng nhóc nhỏ tuổi kiêm nhỏ con nhất trong cái đám học trò lớp nhì của Trường Nam và cùng được học bổng. Đạm quê ở thứ 11. Tuy là con nít nhưng chúng tôi cư xử với nhau không như kiểu con nít. Cùng chung học hành, cùng chia sớt với nhau những gói xôi, cuốn tập. Trao đổi nhau những cuốn sách mượn được. Chúng tôi tìm đến nhau sau giờ học, sau những giờ rong ruổi và thỉnh thoảng chúng tôi đến nơi ở của nhau và ngủ chung nhau và kể cho nhau nghe chuyện quê mình. Hết năm học lớp nhì, chúng tôi chia tay nhau về quê, và trước khi tựu trường một tuần thì tôi được tin Đạm chết trên đường lên tỉnh. Chiếc tàu có Đạm bị mấy ông tối trời kêu ghé lại. Dưới tàu có mấy người lính, thế là bắn nhau và Đạm chết tức tưởi ở cái tuổi 11. Tôi gần như chết lặng khi nghe thầy dạy lớp nhứt điểm danh tên Lê văn Đạm, mà không có tiếng trả lời, mãi một lúc sau tôi mới đứng lên mếu máo báo tin cho thầy và cả lớp biết tin Đạm đã chết và tôi lại khóc. Những giọt nước mắt trong suốt để khóc tình bè bạn non chong. Cuốn sách “600 bài toán đố “ của Cao văn Thái, không biết ở đâu mà Đạm có và cho tôi mượn đã trở thành kỷ niệm quý giá của tôi. Từ những cái chết đó, với những suy nghỉ trẻ con, và cuộc sống chung quanh tác động. Lần lần hình thành trong tôi những ý niệm, dù rất mơ hồ, thế mà theo thời gian nó biến thành một quan điểm sống khá kỳ cục của riêng tôi. Những Kẻ Nào Gây Ra Cái Chết Cho Người Khác Thì Tôi Khinh Bỉ Họ Và Căm Thù Họ. Nhưng chính nó đã gây ra cho bản thân tôi đầy rẫy những lụy phiền. Thậm chí suýt làm tôi bỏ mạng. Tuy vậy tôi vẫn không từ bỏ nó. Nhưng nếu bảo tôi giết kẻ mà tôi khinh bỉ và căm thù ấy thì chắc cú là tôi không dám.
Năm 1958 tôi thi vào Đệ thất. Không có khai sinh, ông nội tôi phải chạy chọt làm “thế vì khai sinh” để bổ túc hồ sơ thi. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi không phụ lòng kỳ vọng của ông. Tôi thi đậu. Ngày tựu trường súng sính trong bộ đồ bà ba trắng, đôi guốc vông, cái nón cối. Lần đầu tiên trong đời, tôi có một thứ để đeo dưới chân, nó làm tôi lóng ngóng và khó chịu vì đôi bàn chân non nớt ấy đã phồng rộp lên, nhưng rồi cũng quen khi bị thầy giám thị tẩn cho một trận ra trò vì để chân không đi học, còn đôi guốc thì nhét vào cặp da. Với bộ đồng phục như thế, trông bọn học trò chúng tôi giống thầy ký Thanh trong hồi ký “Tuấn. Chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ đăng trong tạp chí Phổ Thông. Nhưng nếu so với sự mô tả của ông Nguyễn Vỹ và hình vẽ minh họa thì thầy ký Thanh đẹp trai và ngon lành hơn chúng tôi thập bội. Tôi bước vào năm học mới, cấp học mới bằng cả một sự háo hức và cảm nhận rõ nét được sự lớn lên của mình. Với bộ đồng phục mới làm cho tôi tạm quên cái vóc dáng còm nhom, đèo đẹt của mình. Từ đó tôi hình như bớt lóc chóc hơn, nhưng có lẽ chính đôi guốc vông mới là nguyên nhân chính. Bởi vì mang guốc thì không thể chạy long rong, nó sẽ làm cho guốc đứt quai, nếu không thì mấy ngón chân phồng rộp. Nhưng hình ảnh ngộ nghĩnh dễ thương này không tồn tại lâu, hết đệ nhất lục cá nguyệt có sự thay đổi đồng phục. Áo sơ mi trắng cụt tay, quần tây màu xanh dương, mang dép. Lại một lần nữa tôi đón nhận một cảm giác mới, cái cảm giác của sự lớn lên. Mang đôi dép thì thoải mái hơn, nhưng mắc tiền.
Dù vậy, cái trò cởi truồng tắm mưa của tôi chấm dứt vào cuối năm đệ lục, sau một trận no đòn mà ông Nội hào phóng ban cho, cái trò ở dơ cũng theo trận đòn đó biến mất. Đây là vụ duy nhất ông nội tôi công nhận là tôi trật lất. Tôi biết mình đã lớn, mười bốn tuổi. Dĩ nhiên phải có cái khác thay vào, chẳng lẽ ngồi không sao. Tôi học hành khá nghiêm túc. Bắt đầu bị sự cuốn hút của các bậc đàn anh ở các lớp trên, bởi phong cách của họ, thái độ học hành của họ. Những tà áo dài màu xanh nước biển của các nữ sinh cũng góp phần vào việc gieo vào tâm hồn non nớt của tôi những nghĩ suy mới mẽ. Nhưng tất cả đều đi vào hướng tốt. Một không khí đua tranh học tập sôi nổi. Và may mắn thay sự nghèo nàn đã không gieo vào tôi một mặc cảm tự ti nào, mà luôn luôn kêu gọi chúng tôi cố gắng. Và tôi cũng trở thành một nỗi bực mình dễ chịu của các thầy cô dạy các môn Văn, Sử, Địa và Giáo Dục Công Dân. Tôi hỏi luôn mồm, luôn luôn nêu thắc mắc, luôn luôn cự cãi. Nói chung cái thời tôi còn đi học, những thú vui chỉ gói gọn trong khuôn viên nhà trường. Nếu có ở bên ngoài học đường thì hầu hết đều có sự hướng dẫn của các hội đoàn như: Đoàn Thanh Thiếu Niên 4T, Gia đình Phật Tử, Đoàn Thanh Thiếu Niên Công Giáo. Hội Hướng Đạo Sinh[xix] … Năm đệ lục trở lên, trong phạm vi từng lớp hay từng khối lớp chúng tôi được sự hướng dẫn của các thầy cô thành lập các thi văn đoàn, tham gia các nhóm Kiến Càng, nhóm nữ công, đội văn nghệ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay mà tôi đọc là cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, kế đến là Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn… Thế là tôi đọc và… cũng chưa đủ. Tôi đọc truyện Tàu bằng cách đi mướn. Thế là Hán Sở tranh hùng, Phong Thần. Thuyết Đường, Thủy Hữ, Tam Quốc, Nam Tống, Bắc Tống… luôn cả Đông Châu Liệt Quốc. Xuân Thu Chiến Quốc. Cầm quyển sách lên là đi một mạch cho đến trang cuối cùng bỏ ăn, bỏ ngủ. Có hai lý do làm cho tôi chọn kiểu đọc sách này; sức cuốn hút của sách (không phải lúc nào cũng có), đỡ phải tốn tiền thuê (điều này luôn luôn có). Một kiểu đọc sách tàn phá sức khỏe. Bớt long rong. Nhưng tăng thêm tính nghịch ngợm vì tôi luôn luôn đem những điều mình đọc được trong sách để ứng dụng vào việc giở trò.
Và rồi cái tính nghịch ngợm của tôi bị trả giá. Năm đó tôi học đệ ngũ, lớp tám bây giờ, trong những lần chọc phá thầy cô. Tôi bị cấm túc[xx], thông thường thì có rất nhiều tên. Nhưng hôm đó chỉ có một mình tôi. Phụ trách lớp cấm túc hôm đó là thầy Huỳnh văn Giáo, thầy dạy Pháp Văn. Khi hai thầy trò đã yên vị. Ông nhìn tôi qua cặp kính làn trễ xuống sống mũi và ông bảo:
- Thì ra cũng là em. Tôi chán em quá. Thôi hôm nay học sớm nghỉ sớm.
Tôi mừng thầm và chưa biết phải nói gì thì thầy bảo:
- Lên bảng.
Tôi đứng dậy vừa bước vừa run. Khi tôi lên đến bảng đen, ông tiếp:
- Viết lên bảng. “ Je suis un chien “
Tôi nghe lùng bùng ở lỗ tai. Tay tôi bóp vụn cục phấn, tôi nhìn ông. Ông nhìn tôi. Một ý nghĩ hỗn láo nảy ra trong đầu nhưng rồi tôi vụt chạy ra khỏi lớp, lao ra cổng trường, lấy xe đạp chạy một mạch về nhà thằng Bích và mượn ngay cuốn L’act Congugez du Verber và sau một ngày tìm kiếm và cùng với thằng Bích um sùm chí chóe, tôi mới biết. Thì ra “suis” trong câu nói của thầy không phải verber être có nghĩa “ thì, là” mà verber suivre, có nghĩa là “đi theo, đi cùng, dẫn dắt”. Cuối cùng, những suy nghĩ và hành động hỗn láo của tôi lúc đó đúng être chớ không phải suivre. Cả hai đều là động từ bất quy tắc, có tự dạng y hệt nhau khi chia ở temps présent, premnier person, mode indicatif. Như vậy câu thầy bảo tôi viết có nghĩa là “tôi dắt một con chó”
Suốt tuần đó, thầy không nói gì về việc đó. Dù vậy tôi vẫn cứ lấm lét và mãi đến mười năm sau, khi đã nghỉ học tôi mới đủ can đảm xin lỗi thầy. Và thầy nói với tôi:
- Thầy có bảo em phải tự nhận là con chó bao giờ đâu?
Tôi lập bập:
- Nhưng… thưa thầy… con…
Thầy nhìn tôi:
- Thôi. Không nói nữa. Em biết thế là tốt.
Nói xong thầy bỏ đi. Và tôi không hiểu thầy nói “Em biết thế…” Là biết cái gì? Biết lỗi của mình hay là biết thêm một vocabulaire.
Những ngày hè, tôi về quê. Cuộc sống trong làng đã đỡ hơn. Ba mẹ tôi cũng thế, hai đứa em nữa ra đời. Và điều thật bất ngờ. Nhà tôi có được cái radio Ấp Chiến Lược và ba tôi mua chiếc xe Lambretta để chở khách chạy từ Cái Mới Lớn qua Đường Xuồng. Có một lần, không hiểu sao tôi mon men đến gần mẹ tôi khi bà ngồi chải tóc sau khi vừa mới tắm xong. Tôi nói:
- Mẹ đưa con chải cho.
Mẹ tôi không nói gì mà đưa cho tôi cây luợt bằng sừng trâu bóng mượt. Tóc mẹ tôi dầy, đen bóng và thật dài. Vừa chải tóc tôi vừa hỏi mẹ tôi cách bới đầu. Bà cười và bảo:
- Đồ chó con. Con trai mà đi học bới đầu. Muốn làm mọi vợ hả con?
Tuy nói vậy nhưng mẹ tôi vẫn dạy. Thế là sau vài lần bới vào, rồi xổ ra. Tôi cũng bới được cho mẹ tôi một búi tóc không đến đỗi nào. Từ đó, hễ đi đâu thì thôi, khi về tới nhà thì tôi cũng cố tìm dịp để bới tóc cho mẹ tôi. Càng lúc búi tóc tôi búi cho mẹ càng đẹp thêm. Một đôi lần ba tôi nhìn thấy. Nhưng không nghe ông nói gì.
Từ khi ra ở hẵn Rạch Giá, năm nào ngày cận Tết tôi cũng về quê. Tôi về với cái mục đích duy nhất là xem hát bộ. Không phải ở ngoài chợ không có hát bộ. Nhưng xem hát bộ trong quê thích hơn. Tôi không hiểu sao lại thế. Tiếng trống rao bảng quả là có sức cuốn hút mê hồn. Và đây là lúc cái tính láu cá vặt của tôi bắt đầu phát huy hiệu lực. Thay vì xin tiền ba mẹ mua vé vào xem hay tìm các khe hở chui vào coi cọp thì tôi lại làm chuyện khác. Tôi theo mấy người trong gánh hát xin kẽ chữ lên mấy tờ giấy bản, giới thiệu tuồng tích và tên các đào kép rồi mang đi dán ở mấy gốc dừa chỗ đông người qua lại với điều kiện cho tôi xem hát. Tất nhiên là được đồng ý ngay. Có hai lý do để họ đồng ý. Tôi viết chữ đẹp và làm rất nhanh. Chỉ cần một cái sống dừa là tôi có đủ cỡ ngòi viết và tha hồ xem hát cho đến ngày đoàn rời đi. Thế là những nhân vật trong truyện Tàu mà tôi đã đọc xuất hiện một cách sinh động trên sân khấu. Nào Tiết Ứng Luông, Cao Quân Bảo, Tạ Ôn Đình, Khương Linh Tá… Nào Vưu Hồn Bí Trọng, Tôn Tẫn, Bàng Quyên. Nào là Thần Nữ, Lưu Kim Đính. Chung Vô Diệm, Điêu Thuyền, Lã Bố… Tôi luôn luôn thực hiện điều này mãi cho đến khi nghỉ học.
Tôi có bài thơ đầu tiên, sau khi viết banh chành mấy cuốn tập và tiêu ma mấy bình mực, mà lại làm bằng một thể thơ thứ dữ. Đường Luật,:
Vọng gác đêm sương nhớ đến nàng.
Cách xa ngàn dặm cõi biên quan.
Đì đùng tiếng súng thời ly loạn,
Tan nát hồn đơn cảnh bẽ bàng.
Chinh chiến anh đi vì đại nghĩa,
Quê nhà em đợi bởi giang san.
Ngày anh trở lại khi non nước,
Khắp nẻo hoan ca chúc khải hoàn.
Đối chàn chạt, vần chắc nịch. Nhưng ý tứ thì không ra cái giống gì. Đọc lên nghe y như là một bài giải toán đố của những năm tiểu học, hay chí ít cũng rôm rả như lời tường thuật túc cầu của xướng ngôn viên Huyền Vũ trên đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng dù sao cũng làm cho các thầy dạy văn hài lòng ra phết.
Từ đó, một chân trời mở ra trước mắt đầy những mộng mơ. Chân trời thi ca và văn học. Bọn chúng tôi đàn đúm vào nhau bàn đủ thứ chuyện trên đời, nhưng chủ yếu là chuyện học hành, những ước vọng về tương lai và bây giờ là văn học… Thỉnh thoảng cũng la cà ở các quán café, nhưng không thường xuyên. Bởi lẽ hầu hết chúng tôi đều không có tiền, thường thì chúng tôi tụm năm tụm ba để học hành hoặc nói chuyện tào lao, hoặc thỉnh thoảng hứng chí rủ nhau làm bích báo hay kéo nhau ra nhà lồng chợ xem chiếu bóng mà khỏi tốn tiền do ty Thông Tin chiếu. Những bậc đàn anh, đàn chị học giỏi trở thần tượng của chúng tôi, những Lâm Hữu Lộc, Huỳnh Trung Trực, Quách Dược Thanh, Trần Chí Thiện, Cao văn Há, Hồ văn Hiền, Phan Tấn Hiển… Chúng tôi cũng lóa mắt trước những tiểu công tử, những tiểu thư con ông cháu cha với quần áo thật cực kỳ. Họ tổ chức những cuộc vui riêng làm cho bọn nhà nghèo chúng tôi thèm rỏ dãi. Nhưng cũng may, chúng tôi hiểu ra rằng đó không phải là cái của chúng tôi.
Chúng tôi cũng rủ rê nhau đi khắp cả các đình chùa, miếu mạo, các di tích lịch sử như mộ và đền thờ ông Nguyễn Trung Trực, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Hiền Điều… Thậm chí dám rủ rê nhau xách xe đạp chạy tuốt lên Hà Tiên viếng lăng Mạc Cửu. Nếu như hồi bé con chúng đến những nơi này vì tò mò, vì thấy lạ lẫm, và vì ngày rằm, ba mươi có thể chôm trái cây bày cúng. Nhưng bây giờ thì khác hơn một chút, đến để tìm hiểu các hàng trạng của các vị rồi lục tìm trong sách vở hay hỏi thầy cô, hoặc những người lớn tuổi. Những chuyến đi như vậy, bao giờ tôi cũng làm cho bạn bè thán phục vì khi nói tới một nhân vật lịch sử nào đó thì bao giờ tôi cũng là người có sự hiểu biết nhiều hơn, thậm chí còn cho cả bọn biết hai câu đối gắn ở đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực là của Huỳnh Mẫn Đạt… rồi cãi nhau chí chóe với cái từ “ kiếm bạt” hay “kiếm bạc” và tôi thua một trận ra trò khi gân cỗ cãi để bênh vực cho từ “kiếm bạc” với lập luận là như thế mới đối với từ “ hỏa hồng” cho đến khi thầy dạy văn giải thích từ “hồng” không phải là tính từ mà là động từ, do vậy để cho hai câu thực hoàn chỉnh và đúng luật thì phải là "bạt" thì lúc đó tôi mới “tâm phục mà khẩu còn chưa chịu phục”. Gươm trắng đối với lửa hồng thì cũng chỉnh quá đấy thôi. Ngoài ra còn kéo nhau đi xem hát bộ, hoặc lỏn lẻn chui vào xem cọp phim Ấn Độ ở rạp Châu Văn[xxi] hay chuyền tay nhau đọc các bộ truyện Tàu. Những việc này mới xem như là vô bỗ, nhưng lại cho chúng tôi kiến thức. Tôi biết là mình không thể nào quên được con đường vào chùa Tam Bảo[xxii], những đêm xem hát bộ vào dịp kỳ yên của đình Vĩnh Huề đường Võ Tánh[xxiii], Vĩnh Phước Miếu[xxiv], đình Vĩnh Ngươn[xxv]… ở đường Nguyễn Trung Trực, và cả đình Tà Niên cách thị xã hơn mười cây số, những buổi làm phước ở chùa Phật Lớn đường Quang Trung, chùa Láng Cát đường Ngô Quyền, đám giỗ cụ Nguyễn Trung Trực… Những hình ảnh từng con đường dãy phố rợp mát bóng me, những ngôi trường, cửa hàng, cửa hiệu đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ chúng tôi.
Có một việc làm cho chúng tôi rất buồn là ngôi trường Nữ Tiểu Học bị bán cho một thương gia để lấy tiền xây dựng lại một ngôi trường ở một địa điểm khác. Ở tuổi muời bốn, mười lăm. Chúng tôi không hiểu hết mọi việc. Nhưng nhìn ngôi trường tuyệt đẹp này bị dập bỏ và người ta cất lên đó một rạp hát và một khách sạn[xxvi], chúng tôi cảm thấy bị hụt hẩng, dù rằng cái tráng lệ nguy nga của nơi này vẫn cuốn hút chúng tôi.
Mỗi năm, khi hè đến là tôi về quê, làng xóm vẫn thế, cái vẻ sung túc hình như có ẩn chứa một điều gì đó không ổn. Nhưng tôi thì vẫn cứ vô tư. Những nơi mà tôi thường tới của những ngày tuổi nhỏ hình như không còn hấp dẫn nữa. Tôi thường sang chơi nhà bác Tư Ù. Ngồi xem ông rèn dao, rèn phảng. Nghe ông hỏi thăm việc học hành hay về sức khỏe của ông bà nội. Một đôi khi ông cũng nhắc nhở lại cú đánh vần quái quỷ của tôi rồi cười ha hả. Những lần về như thế, thì lần sau tôi cao hơn lần trước vài phân, nhưng trọng lượng thì chưa bao giờ vươn tới con số tương ứng với chiều cao.
Chiến tranh bắt đầu chứng minh cho cái tỉnh lỵ nhỏ bé này biết sự hiện diện của mình. Một trái mìn nổ ngay tại một quán ăn sang trọng nhất thị xã, nơi để cho những kẻ tai to, mặt lớn hay những kẻ lắm tiền, quán Bungalow[xxvii]. Tôi không hiểu tại sao người ta đặt tên cái quán như vậy, quán nằm ngay vị trí đẹp nhất thị xã, ngay góc đường Nguyễn Công Trứ và Tự Đức, chung quanh là Bưu Điện, Ty Cảnh Sát Quốc Gia và sông Rạch Giá. Sau đó mấy ngày là một lá cờ nửa xanh, nửa đỏ với ngôi sao vàng treo ngay tiền sảnh của Tòa Hành Chánh. Cái hòa bình mong manh, tạm bợ đi vào cơn hấp hối.
Năm 1962. Miền Nam có truyền hình. Thế là hằng đêm chúng tôi tụ tập đi xem ở các điểm công cộng. Sau khi cái truyền hình tắt, thì chúng tôi tụm năm, tụm ba ở dưới cột đèn bàn chuyện học hành và bày ra những trò quái quỷ.
Cuộc sống cứ trôi dần và tôi lớn lên giữa sự thương yêu lẫn bực mình của ông bà nội. Ông nội sống chủ yếu bằng nghe thợ mộc, Thỉnh thoảng Ông bán ngôi nhà đang ở rồi tìm chỗ cất ngôi nhà khác. Mỗi lần như thế thì dôi ra được một số tiền, bà nội thì nấu cơm tháng cho bọn học trò từ trong quê ra. Và cứ thế, tôi đã theo ông bà nội đổi thay những bốn ngôi nhà trong thời gian khoảng bảy năm. Trong ngôi nhà nhỏ chứa gần một chục đứa loi choi như tôi. Sự nghịch ngợm, phá phách quả là ngoài sức chịu đựng của những ngươì lớn tuổi. Tất nhiên đầu têu vẫn là tôi, học bài cũng cự, đến bữa ăn cũng cãi, lúc đi ngủ cũng om sòm. Sự nghiêm khắc của ông nội chỉ có tác dụng rất hạn chế khi ông có mặt, còn thì… Và rồi tôi nhận ra mình cần phải làm gì cho chính mình. Tôi miệt mài học tập và cũng miệt mài rong chơi. Học hành rất tiến bộ, nhưng thi đâu rớt đó. Cuộc sống của ba mẹ và các em tôi dần ổn định. Nhưng không lâu, cường độ chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, những diễn biến chính trị phức tạp làm cho cuộc sống vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Ông bà nội càng lúc càng yếu đi vì gánh nặng của tuổi tác. Ba mẹ và các em tôi lại phải bỏ làng ra chợ. Sau đó đến lượt ông bà ngoại và các dì tôi cũng phải bỏ cả ruộng vườn chạy ra Rạch Giá. Cả hai bên nội ngoại túm tụm vào những ngôi nhà đơn sơ trên con đường mới mở của thị xã, nay là đường Nguyễn An Ninh. Thế là cuộc sống với những gian khó mới lại bắt đầu. Cả hai bên Nội Ngoại của tôi và gia đình tôi làm tất cả mọi thứ để sống và anh em tôi, tất nhiên cũng bị cuốn vào. Chính trong quảng thời gian này tôi và các em tôi. Lúc này sáu anh em chúng tôi; ba trai, ba gái, nếm đủ mùi cực nhọc. Tuổi thơ của chúng tôi là kéo xe cây, chằm lá dừa nước, chở gạo, củi… đi giao cho khách hàng và làm hàng trăm thứ hằm bà rằng khác, miễn sao cho có tiền. Cái việc mà anh em chúng tôi làm nhiều nhất là dời nhà. Nhà từ trong quê dời ra chợ, rồi từ chợ về quê. Tùy theo tình hình an ninh mà chạy ra, chạy vào. Cứ thế, cứ thế. Nhưng có một điều mà ba mẹ tôi không bao giờ để cho gián đoạn là việc học của các con. Trừ tôi.
Tôi học rất giỏi, Tôi có thể kể rành rọt về đất nước mình từ con sông ngọn núi, từng hướng gió mùa… rồi từ thời Hùng Vương cho đến ngày chấm dứt triều đại nhà Nguyễn. Nhưng từ đó đến giờ thì tịch. Cũng lạ, cái quá khứ dài dằng dặc kia tôi hiểu khá tận tường còn cái thời tôi đang sống, đang lớn lên thì tôi trở thành tên mông muội. Cái tên Bến Hải vang lên trong đầu tôi như một cái gì mơ hồ và có lắm khi tôi nghĩ đó là một giòng sông không có thật. Mà cũng lạ, trong chương trình Địa Lý mà chúng tôi học, các con sông đều có, kể cả các phụ lưu; từ sông Kỳ Cùng ở tí tè, tí mú ngoài miền cực Bắc đến sông Cái Lớn, sông Ông Đốc ở cực Nam. Kể cả một con sông đã đi vào lịch sử bằng một nỗi đau chia cắt là sông Gianh. Nhưng lại không có một giòng nào nói về sông Bến Hải, cả cây cầu Hiền Lương cũng thế.
Tôi và đám bạn bè quỷ sứ bắt đầu la cà ở các quán. Tập tành café, thuốc lá. Ba đồng bốn điếu Ruby Queen[xxviii]. May mắn cho chúng tôi là những trò quỷ quái ấy cũng chỉ gói gọn trong có bấy nhiêu. Thay vì bàn chuyện học hành ở nhà thì chúng tôi kéo vào đó. Không phải lúc nào cũng có tiền, dù vậy khi hứng là kéo nhau đi. Thằng Bích thì có cuốn tự điển Pháp Việt to tổ bố cứ gởi chuyền từ quán Phước Uyên ở Trịnh Hoài Đức, Phước Hải ở Hùng Vương đến quán Ngọc Dung ở Thành Thái[xxix]. Ngộ một điều là mấy ông bà chủ quán, khi chúng tôi đến chuộc thì không ai nhận quá mười đồng, dù chúng tôi biết là nó nhiều hơn. Chắc đám quỷ này dễ thương (!?) Thằng Hải thì ba nó ở Vị Thanh[xxx] mỗi tháng gởi cho mấy trăm để mua phiếu cơm ở quán cơm Xã Hội, nhưng lại thường ăn khoai lang trừ bữa, thằng Tường khá hơn nên nhiều khi phải lén lấy cơm nhà để vào gament mang từ nhà ở Phan Bội Châu đến, nếu không thì làm sao mà học. Thằng Điện thì “cặp bồ” với con Loan ở quán cơm Xã Hội [xxxi], lâu lâu con Loan chộp một xấp phiếu ăn đi phân phát cho mấy thằng ở trong quê ra học. Còn tôi kéo xe cây được đồng nào thì nướng vào mấy quán café… Đặc biệt có thằng Vân, nó có bà chị làm thợ may amatuer. Nhưng ló ra được đồng nào thì bọn tôi vét sạch đồng nấy, bù lại chị ấy sai cái gì thì chúng tôi răm rắp làm theo. Mà có làm gì đâu, chỉ có một việc duy nhất là mang cái phong bì ra bưu điện, dán một con tem, rồi bỏ vào thùng gởi cho thằng cha sinh viên trường võ bị Đà Lạt. Chúng tôi như thế đấy. Quỷ thì y như quỷ, mà học trò thì chỉ có nửa dáng học trò. Được cái thằng nào học cũng khá.
Tôi rành rọt những niêm luật các thể thơ cũng như hầu hết những học sinh khác. Nhưng tôi thì chăm chú ứng dụng hơn là để cho thầy cô khảo bài. Từ những năm tôi học đệ lục, đệ ngũ tôi đã làm thơ Đường luật, Lục bát và các thể thơ khác một cách chỉnh chu, dù rằng ý tứ còn lắm lôm côm, ngoại trừ Hát nói. Trong trường có khá nhiều học sinh như tôi, nhưng trong bọn tôi, chỉ có một mình tôi sa đà vào chuyện viết lách, vẽ vời. Và có lẽ vì thế mà trước mắt bạn bè tôi là thằng được ngưỡng mộ, nhưng cũng là mục tiêu cho sự trêu chọc. Nhất là cái bút hiệu đầu tiên của tôi. Mạc Sỹ. Cái bút hiệu như thế, bản thân tôi cũng chẳng hiểu mình muốn gì. Nhưng bạn bè lại hiểu là một kẻ sĩ nghèo mạt, và riết rồi tôi cũng nghĩ thế. Đúng có phân nữa. Nghèo mạt thì chắc cú rồi, nhưng là kẻ sĩ thì không biết đến bao giờ. Rồi sự cuốn hút của Tự Lực Văn Đoàn, các nhà văn nhà thơ thời tiền chiến đã đẩy tôi xa hơn đến với cổ văn và cận đại, rồi những nhà văn, nhà thơ đương thời như Mai Thảo, Võ Phiến, Võ Hồng, Doãn Quốc Sĩ, Chu Tử, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa… đã ghi đậm nét trong tâm hồn tôi những cảm nhận mới mẽ trong cuộc sống. Sự thôi thúc đẩy tôi tìm đến các chân trời khác qua các dịch giả Nguyễn Hiến Lê, Hà Mai Anh, Hoàng Xuân Việt… Sự đam mê và tính tò mò quả nhiên là con dao hai lưỡi. Mà tôi thì không biết cách dùng dao, tôi tự cắt mình. Nhưng dù sao những hiểu biết của tôi trên lãnh vực này cũng làm nhiều người phải suýt xoa. Tôi, bằng mọi cách để hiểu rõ con người, đất nước và tiếng nói của dân tộc mình. Cái đam mê này theo tôi suốt cuộc đời. Tôi học và tìm hiểu khá kỹ lưởng về văn học, thi ca, lịch sử, địa lý. Nghèo, không tiền bạc tôi chơi trò đọc sách cọp ở các nhà sách, mượn bạn bè… tất nhiên cũng không bỏ sót những manh giấy gói hàng bằng sách báo. Tôi hình thành nhân cách mình. Tất nhiên là khó lòng mà hoàn chỉnh. Nghĩa là theo thời gian, tôi đọc tất tần tật những quyển sách nào vớ được trong tay, miễn đó là sách Văn, Sử, Địa, Công Dân. Do đó mà tôi có một lúc hai hỗn danh, tùy theo từng lúc mà bạn bè gọi tôi là “ông Văn Sử Địa” hay “ngài Công Dân”. Tôi rất khoái hai cái hỗn danh này, dù rằng bạn bè gọi tôi như thế bằng một ý đồ trêu chọc nhiều hơn.
Người làm tôi thích thú và khâm phục nhất là Nguyễn Công Trứ với ngần ấy gian truân, hiển hách và nhiều thứ nữa. Nhưng suốt thời gian dài của tuổi trẻ tôi chưa bao giờ viết một bài thơ nào theo thể Hát nói dù tôi rất rành rọt về niêm luật và cách thể hiện, dù tôi thuộc thơ của Uy Viễn Tướng Công không phải là ít mà phần nhiều là những bài hát nói. Từ đó, tôi sống và tập tành hành động theo phong cách của tiền nhân. Nhưng tiếc thay… Trong khi đó tôi lại mù mờ về Archmète, Thalès, Pythagore, lượng giác… và các công thức toán học. Sau này tôi phải tự mày mò để hiểu, để biết, để ứng dụng vào trong cuộc sống. Nhưng hởi ơi, quá trễ tràng rồi. Tôi lại say Tú Xương, Tản Đà. Nhất là Tản Đà. Khi bắt đầu đọc ông ở cái tuổi mới lớn mà lại thích văn thơ thì việc tôi mê ông cũng không có gì là lạ. Một cuộc đời lơ đễnh với chuyện áo cơm để mang theo vào đời hàng lô hàng lốc những giấc mộng lớn, giấc mộng con, những ước vọng, những mộng mơ, những giòng thơ trữ tình, những mối tình lãng mạn. Tất tất mọi thứ của ông, kể cả những thiếu thốn đói nghèo, cuốn tôi vào và không thể nào gỡ ra nữa được. Cuộc hành trình theo ông bắt đầu, không nổi đình, nổi đám như ông được mà âm thầm lặng lẽ vì rất nhiều lý do. Có lẽ tại là không tài hoa như ông. Dù là một tí. Và tôi thuộc Hoàng Hạc Lâu từ nguyên bản đến bản dịch. Tất nhiên chỉ là bản dịch của Tản Đà.
Khi Ngô Đình Điệm bị lật đổ sau khi hàng loạt những biến động về chính trị. Tiếp theo sau không biết cơ man nào là chỉnh lý, đảo chánh kèm theo là tình hình chiến tranh càng lúc càng lan rộng. Tôi đang ở tuổi 17. Đầu óc còn mới tinh bắt đầu ghi nhận, sao chụp đủ loại tin tức, sự kiện xảy ra, rồi tạo thành những ký ức kỳ quặc. Những khuôn mặt đạo cao đức trọng bị bôi tro trát trấu xem đến thảm hại. Nay ông, mai thằng; hôm trước người chí sĩ, hôm sau thằng phản bội. Qua các phương tiện thông tin, hai miền Nam Bắc chửi bới nhau thậm tệ. Bọn nhóc mới lớn như chúng tôi như điếc cả tai. Tất cả những thứ đó tác động vào quan hệ bạn bè cùng lứa, cùng học của chúng tôi. Sự phân rã bắt đầu manh nha trong ý nghĩ như là một tín hiệu tan đàn xẻ nghé sau này. Trong quá trình học tập tôi có thêm nhiều bè bạn, tính cách và hoàn cảnh của từng đứa đã sàng lọc, gắn kết chúng tôi thành nhiều nhóm. Những ý thức về chính trị bắt đầu len lõi trong quá trình chia nhóm như thế. Thuật, Bầy vẫn chơí thân với tôi nhưng đã dè chừng hơn, dù nhóm chúng tôi thường chỉ trao đổi sách vở, kiến thức và những đồng bạc lẻ với nhau. Tất nhiên cũng không thiếu những trận cãi lộn ra trò. Cứ như thế chúng tôi đến với nhau. Sau này khi lớn lên, mỗi đứa một phương trời, một chí hướng và những điều oái oăm khác nữa, nhưng cung cách cư xử của chúng tôi đối với nhau vẫn vậy. Tất nhiên đối với những đứa cùng lứa, học hay không học chung lớp. Trong chừng mực nào đó chúng tôi vẫn có những cư xử tốt với nhau. Trong số được gọi là thân thiết có hơn một chục. Thằng Bầy ở Thầy Quơn, quê ngoại của tôi và thằng Thuật ở Thứ Sáu, thằng Trung nâu ở Cái Bần Bé… Chúng tôi chơi với nhau khá thân vì cùng là dân quê ra chợ học và một số khác nữa như thằng Long, Trung trắng, Bích, Tường, Điện, Hải, Kiến, Vân… Mỗi đứa đều có những hoàn cảnh riêng. Nhưng cái chung là đều rất nghèo. Ước mơ con cái được ăn học tới nơi, tới chốn của các bậc sinh thành chúng tôi coi ra khó lòng thực hiện. Cuộc sống vốn đã khó khăn. Nhưng thời cuộc càng ngày càng thêm phức tạp. Với trình độ lớp đệ tam và cái bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp[xxxii] chúng tôi đã khá ngon lành. Tôi trụ lại được là nhờ có ông bà nội, Trung nâu thì nhờ người chú ruột là một thầy giáo. Ngày bãi trường. Tôi, Trung nâu, Bầy, Thuật, Bích cùng những đứa khác kéo nhau đi uống café. Chúng tôi ngậm ngùi chia tay với Bầy và Thuật. Chúng tôi có linh cảm là khó lòng gặp lại. Những ước mơ của tuổi mới lớn làm cho mọi thứ chung quanh bao giờ cũng đẹp, trong đó có tình bạn bè. Chúng tôi đưa hai thằng xuống cầu tàu. Đây là lần chia tay đầu tiên và không phải là lần chia tay duy nhất. Từ đó Bầy và Thuật với những thằng còn lại không còn có tin tức gì nhau, mà có xa xôi gì cho cam, để sau này chúng tôi gặp lại nhau, nhận tin nhau với những cảm giác, mà khó có bút mực nào có thể diễn tả cho đúng.
Văn thơ, sách báo mãi cũng chán. Buông cái này, tôi bắt cái khác. Tôi chú ý nhiều hơn các bảng hiệu tiệm và tìm hiểu xem họ vẽ thế nào mà đẹp thế. Thế là tôi lại mon men đến các tiệm vẽ bảng hiệu của chú Nghĩa Tâm ở đường Hàm Nghi. Mai Nga ở đường Hùng Vương, Văn Nghệ ở đường Duy Tân. Thiếu Sơ ở đường Thiệu Trị[xxxiii]. Con nít mà chộn rộn ở chỗ người ta làm ăn quả là điều không nên và không ít lần tôi bị đuổi cỗ, thậm chí bị mắng cho te tua. Thế là đi kéo xe cây dư được đồng nào tôi mua bút, cọ, màu nước vẽ vẽ, tô tô. Lúc đầu trông giống ma, nhưng lần lần rồi coi cũng giống khỉ.
Và tôi nghỉ học nửa chừng sau khi thi Tú Tài 1[xxxiv] không đỗ, để lại sự nuối tiếc cho nhiều người. Những tháng ngày lông bông vô công rỗi nghề. Tôi đi theo ba mẹ tôi ra vào Cái Mới Lớn để mua lúa về cân cho các chành ở chợ Rạch Giá. Bỏ làm thơ, bỏ cọ, bỏ sơn. Những chuyến đi đầy những hiểm nguy. Ba tôi luôn tìm mọi cách để né tránh những làn đạn của các đồng chí cũ đang có mặt ở hai phía chính quyền. Mặt khác ông cũng phải tranh thủ để giữ gìn cái tình cảm bạn bè còn sót lại. Tất cả hành động đó của ba tôi, ngoài việc xuất phát từ bản chất hiếu hòa còn tìm kiếm sự yên lành để nuôi sống vợ con. Và ông đã giành được một số kết quả nhất định.
Thỉnh thoảng ba tôi cũng gặp lại mấy “ông tối trời”, những người cùng với ba tôi, có một thời gọi nhau là đồng chí. Ba tôi và họ nói gì với nhau đó mà tôi không nghe được, những thứ tôi nghe được thì chỉ là hỏi thăm về việc học hành của tôi, hay những biểu lộ sự ngạc nhiên vì thấy tôi mau lớn. Những cuộc gặp như thế không nhiều và cũng không lâu. Sau những lần gặp như thế làm cho tôi cảm thấy làm sao ấy? Họ không còn những nét tự tin, hào sảng như thời chống Pháp mà thay vào đó là sự chịu đựng, thiếu thốn, thậm chí có lúc còn lo sợ nữa. Tôi nhớ lại thời tuổi nhỏ, theo cậu ba, cậu năm lên Cây Bàng hoặc Kinh Xáng Chắc Băng và nghe được những tiếng đàn Mandolin, Banjo và những bài hát hào hùng, dưới mắt tôi những anh bộ đội thời chống Pháp ai cũng đẹp trai, ngon lành. Cũng cần nói thêm về cái từ đồng chí, nó đã biến mất từ lâu, nhưng khi mà ý thức tôi tương đối hoàn chỉnh, thì mỗi khi thỉnh thoảng nghe hoặc nhìn thấy đâu đó trên sách báo, tôi thấy nó có một cái gì đó rất lãng mạn, dễ thương. Nhưng hiểu cho tận tường và đánh giá được đúng mực cho cái từ nhân xưng này thì quả tình tôi không làm được. Và mãi mãi sau này cũng thế. Kể cả khi mà các đồng chí không còn gọi nhau bằng đồng chí nữa (?!) dù không ai trong số họ thay đổi lập trường chính trị
Còn tôi, dù sao tính khí cũng vẫn còn là trẻ con cộng thêm cái tính mơ mộng của tuổi mới lớn. Nên những chuyện thuộc về chiến tranh đối với tôi chỉ là một thứ gì đó trông có vẻ hơi kỳ kỳ. Nếu có thích thú thì chẳng qua là cái máu phiêu lưu của tuổi trẻ, bị ảnh hưởng của cách loại sách văn học đã được đọc, hay là những chuyện kể lại trên sách báo. Kể ra tiếp cận với chiến tranh qua môi trường này thì hay đấy, vì nó bình yên, an toàn. Và cứ thế, tôi theo ba tôi rong ruổi trong những đêm trăng. Ánh trăng trắng xóa đổ xuống giòng sông, đổ xuống thảm lá dừa nước xanh rì hai bên bờ, màu xanh đen của nước, lóng lánh hàng hàng lớp lớp vệt sáng bạc chạy đến ngút ngàn. Những vệt lá dừa nước ấy đã làm nên những mái nhà và cả những manh áo tơi của những người xưa đi khai phá và cho đến bây giờ, trong những tháng ngày khốn khó này. Nó làm dịu mát không gian, dịu mát cuộc đời người sau những giờ nắng lửa. Che chắn những cơn mưa gió bão bùng và gói cả những nắm xương, đưa những cuộc đời về cõi vĩnh hằng. Cùng với ánh trăng, trên giòng sông ấy những hàng cọc đáy, những xuồng câu với vô vàn ánh đèn lung linh và rực rỡ, ảo huyền. Thi thoảng điểm xuyết những câu vọng cổ, những ba nam, sáu bắc… với những tiếng đàn kìm, đàn guitar phím lõm… Mang theo tâm sự, tình yêu của những ngày đầu khai hoang, với ước vọng no ấm, yên bình. Những thứ đó mang đến cho tôi mộng mơ. Thiên nhiên vẫn thế, đẹp, hiền hoà và bình yên. Bao dung, độ lượng như tấm lòng của những người cha, người mẹ hết lòng vì con cái của mình. Trong cái khung cảnh hoang dã như từ lúc mới hình thành. Con sông Cái Lớn có lẽ sẽ mãi mãi như vậy, và tôi cũng cầu mong nó như vậy. Con người ở hai bên bờ sông luôn luôn ẩn khuất ở phía sau những rặng dừa nước. Họ chỉ tác động đến giòng sông một cách trân trọng với những trang điểm thật nhẹ nhàng và cần thiết. Những hàng cọc đáy với những ánh đèn vào ban đêm, tôi nghĩ rằng trên thế giới này chưa có con sông nào như con sông này từ nơi phát nguyên chạy dài ra tới biển chỉ rặt một màu xanh của lá dừa nước như là một vùng đất chuyên canh vĩ đại của thiên nhiên. Và con sông ấy, với ánh nắng rực rỡ, với vầng trăng dịu dàng, với màn sương buổi sáng khi đất trời lay phay gió chướng, với những cơn mưa theo gió nam nồm, với những rặng dừa nước đã che chắn lấy cuộc đời của những con người hai bên bờ sông trong đó có ba mẹ tôi, giòng họ nội ngoại của tôi. Không thể phân lìa. Và trong thời gian này tôi đã đi và quen thuộc hết nửa giòng sông. Trong những chuyến đi như thế, hai cha con, hai ý nghĩ. Ông thì lo toan cho việc an nguy, lời lãi và chuyện cơm áo học hành cho anh em tôi. Còn tôi thì nhìn trăng, nhìn nước và gửi những mộng mơ theo những tiếng sóng khua ỳ oạp trên mạn thuyền.
Tôi bước vào tuổi mười tám. Tôi không còn về quê trong những ngày hè, mà về thường xuyên hơn. Tình hình trong quê càng lúc càng ngột ngạt. Tuy vậy, lần nào về tôi cũng sang nhà bác Tư Ù, để nhìn bác rèn phảng rèn dao thì ít, mà để nhìn con nhỏ thấp thấp, mập mập, tròn tròn thì nhiều. Cô bé nhỏ hơn tôi một tuổi, vừa đậu trung học đệ nhất cấp xong là nghỉ học. Cũng chẳng gì, chỉ nói bâng quơ những chuyện cò đá, cá đua. Ấy thế mà không qua là không được. Một phần vì tôi muốn qua, một phần khác là cô bé biểu phải qua. Không hiểu từ bao giờ tôi học và làm theo nghiêm túc hai tiếng Vâng Lời. Cuối cùng. Ba tôi tính chuyện cưới vợ cho tôi. Ông nói bằng cái giọng nửa đùa, nửa thật:
- Tao tính làm sui với bác Tư Ù. Mày có chịu con nhỏ ấy không?.
Tôi nín thinh. Quả tình điều này tôi chưa hề nghĩ. Con nhỏ giỏi hết biết. Một lần nách hai bao lúa, mỗi bao giạ rưỡi, thấy cũng hay hay. Thấy những vệt mồ hôi trên áo, bết lại mấy sợi tóc mai trên má, biểu hiện cho sự cần cù lam lũ, làm tôi cảm động. Và chỉ có thế. Nhưng tôi cho là ba tôi nói chơi. Dù vậy, nhưng những khi có dịp thì tôi lại qua bên ấy. Không biết để làm gì? Chắc là để nhìn cô ta. Bác Tư thì vẫn thế, cứ ồn ào sảng khoái và bao giờ ông cũng dành cho tôi một thứ tình cảm mà tính chất của nó mãi đến rất lâu sau này tôi mới nhận ra.
GHI CHÚ
[1] Cánh rừng nhỏ nằm dọc theo tả ngạn sông Cái Lớn từ Lô Hào Dầu đến Vàm Cái Mới nhỏ. Nay không còn nữa
[3] Một loại vải phổ biến thời bấy giờ. Có in hình một cô đầm.
[5] Có nghĩa là “ A. Cái này tôi không bán “
[6] Như là trưởng Công An Xã
[7] Tựa và nội dung câu hát nhớ không chắc chắn lắm.
[8] Vỏ đạn.
[9 Nay thuộc tỉnh Hậu Giang.
[10] Tức là cây đa. Người Miền Nam gọi là cây da
[11] Mội loại dây leo, lá tròn nhỏ, cỡ 1cm đường kính, màu xanh lục. ở Nam bộ thường cắt về trang trí trong các dịp lễ lạc
[12] Nay là trường Tiểu Học Kim Đồng. P. Vĩnh Bảo. TP Rạch Giá
[13 Một loại bánh nếp như bánh tét, nhưng gói bằng lá dừa nước non (gọi là bánh cà bắp) hay lá dừa non (gọi là bánh lá dừa )
[17] Sân tennis đã phá bỏ và là một phần của bệnh viện Đa Khoa. Nay là trụ sở Pháp Y.
[18] Nay là Viện Bảo Tàng. Nay là đường Nguyễn văn Trỗi
[19] Những tổ chức Thanh Thiếu Niên Miền Nam trước năm 1975. Thường do các tổ chức phi chính phủ thành lập.
[20] Phải đi học vào chiều thứ bảy hay chủ nhật
[21] Hiện nay là nhà văn hóa Lao Động
[22] Nay là đường Thích Thiện Ân, lúc đó chỉ là con đường mòn rộng khoảng hơn một mét. Một bên là lau sậy, mồ mã, một bên là bức tường của một chành lúa
[23] Nay là đường Nguyễn Hùng Sơn, đoạn từ Trần Phú đến Phan văn Trị
[274] Nay là nhà văn hóa thành phố. Ngôi miếu này bị phá bỏ vì thờ thái thú Tô Định
[25] Nay là trụ sở Bảo Hiểm Xã Hội và hội Cựu CB thị xã. Ngôi đình này cũng bị đập bỏ vì thờ Mã Viện
[27] Sau này là trụ sở chi nhánh ngân Hàng Việt Nam Thương Tín, nay là chi nhánh Ngân Hàng Nhà Nước tỉnh Kiên Giang
[28] Một hiệu thuốc lá do hãng thuốc lá MIC sản xuất
[29] Những quán café này, nay không còn nữa.
[30] Tỉnh lỵ của tỉnh Chương Thiện, nay là thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang
[31] Hiện nay là nhà hàng Hải Âu
[32] Tức là bằng tốt nghiệp Cấp 2.
[33] Sau đổi là đường Cái văn Ngà, rồi trở lại Thiệu Trị, hiện nay là đường Nguyễn Hùng Sơn, đoạn từ Lê Lợi đến Trần Phú. Đây là con đường bị đổi tên nhiều lần nhất ở thành phố Rạch Giá
[34] Thi lấy bằng này vào cuối năm Đệ Nhị (lớp 11 hiện nay). Đến năm 1973. Bộ Quốc Gia Giáo Dục (SàiGòn) bỏ kỳ thi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét