Người theo dõi

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Một Chút Men Xưa

Một Chút Men Xưa

Mỗi khi đọc Nguyễn Trãi, tôi nhận ra mỗi lần được một chút hồn quê. Lâu ngày chầy tháng, cái hồn quê ấy cứ thấm đẫm vào và làm tôi thay đổi, đổi thay cụ thể thế nào thì tôi không thể nào xác định. Nhưng con dường làng lầy lội bổng dưng trở nên đẹp hơn, những cỏ cây hoa lá rất tầm thường (như tôi từng nghĩ) hốt nhiên lung linh màu sắc, thoang thoảng hương thơm, kể cả cái gốc tre đen xám trước cổng nhà tôi. Ở đây tôi không dám nhắc đến cái số phận nghiệt ngã của Cụ. Một số phận làm nhói đau hàng triệu trái tim hậu thế.

Cứ thế, mà tôi đọc Nguyễn Trãi, và cái cuối cùng đọng lại trong tôi là;



Danh chăng chuốc, lộc chăng cầu
Được ắt chẳng mừng, mất chẳng âu
Có gió nhiễu sông, mây nhiễu cửa
Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu
Người tri âm ít, cầm nên lặng
Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu
Mấy kẻ công danh nhàn lẳng đẳng
Mồ xanh cỏ lục thấy ai đâu

Và một bài nữa

Mặt nước, hoa in một đóa hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không

Đọc những gì Cụ viết thật cực khổ và chính vì thế mà rất thú vị. Phải tìm hiểu ý nghĩa của từng từ Việt cổ mà ngày nay không còn sử dụng và cả cú pháp mà ngày nay ít ai dùng. Nhưng cái chính là hồn quê nằm trong những bài thơ Nôm được gói ghém từ nội dung đến hình thức.
Tôi chỉ xin có một vài suy nghĩ nhỏ về thể thơ mà Cụ sử dụng để viết thơ Nôm
Hầu hết thơ Nôm của Cụ là bát cú và tứ tuyệt, nhưng tính thuần Việt được thể hiện một cách rõ ràng và nhuần nhị đến không ngờ, dù thỉnh thoảng tôi cũng nhận ra có những bài bát cú và tứ tuyệt một cách rất nghiêm túc (về mặt hình thức):

Mạn Thuật 2
Ngẫm nghĩ sơn lâm lẫn thị triều.
Nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu.
Người tham phú quý người hằng trọng,
Ta được thanh nhàn ta sá yêu.
Nô bộc ắt còn hai rặng quýt,
Thất gia chẳng quản một con lều.
Miễn là tiêu sái qua ngày tháng,
Lộc được bao nhiêu ăn bấy nhiêu.
Đây là một bài thơ báu cú hoàn chỉnh. Nhưng…

Mạn Thuật 3
Có mống (gốc) tự nhiên lại có cây.
Sự làm vướng vất ắt còn chầy.
Thủy chung mỗ vật đều nhờ chúa,
Động tỉnh nào ai chẳng bởi thầy.
Hỉ, nộ, cương, nhu tuy đã có,
Nghĩa, nhân, lễ, trí mựa cho khuy. (sai)
Hay văn hay võ thì dùng đến,
Chẳng đã; khôn, ngay, khéo, đầy.
Cụ kết bằng một câu chỉ có 6 từ. Và đây…

Mạn Thuật 4
Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay
Trông thế giới, phút chim bay
Non cao, non thấp mây thuộc
Cây cứng, cây mềm gió hay
Nước mấy trăm thu còn vậy
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui (chỉ) một lòng người cực hiểm thay
Sáu câu trên mỗi câu 6 từ, hai câu cuối mỗi câu 7 từ. Đọc hết những bài thơ thơ Nôm của Cụ dù là bát cú hay tứ tuyệt, tôi đã rút ra một nguyên tắc như sau:
Bát cú: Số từ trong mỗi câu tối đa là 7 từ, tối thiểu là 5 từ. Nhưng cặp thực (3,4) và luận (5,6) thì bao giờ số từ cũng bằng nhau.
Tứ Tuyệt: thì không cần phải như thế.
Nhưng có một điều cần lưu ý về niêm luật thì phải tuân thủ đúng theo niêm luật của bát cú và tứ tuyệt.

Với một hình thức như thế, nói lên điều gì?
Chắc chắn Cụ là người hiểu rất rõ đặc tính của tiếng Việt (6 thanh) hoàn toàn khác với tiếng Tàu (4 thanh). Thậm chí tiếng Tàu khi chuyển sang âm Hán Việt cũng đành chấp nhận 6 thanh. Tiếng nói đã có một tính độc lập cao như thế thì tại sao Tiếng thơ lại không. Dân Việt đã có những thể thơ rất riêng và rất đặc sắc cho mình; Hát Nói, Song Thất Lục Bát, Lục Bát… thì chẳng lý do gì trong quá trình giao lưu văn hóa thì lại bê nguyên xi.
Tiếc rằng sau Cụ thì chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi hết, cả song thất lục bát, hát nói đến ngày hôm nay chẳng còn mấy người sử dụng.
Tôi, một hậu sinh trót say Nguyễn Trãi thì không lý do gì không nếm chút men xưa. Các bạn có ai thèm rượu cũ in cùng Hai Rạch Giá nâng ly.

Rượu mà để lâu thì ngon ác
Rượu đấy ly đây. Xin mời
Men cũ càng, còn mãi đượm
Mùi xưa xửa, vẫn vương hơi
Không say một trận thì hơi uổng
Chẳng nếm vài ly lại phí đời
Tài sản cha ông để lại
Lẽ nào không nhậu lấy gì vui

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét