Cái
khó của vua Tự Đức
Gabriel Aubaret, lãnh sự ở Bangkok tường thuật buổi yết kiến vua Tự Đức năm 1864: “Vua đã trò chuyện với tôi hơn một giờ đồng hồ, và chỉ vì đêm đến nên vua mới chịu chấm dứt cuộc trò chuyện mà xem ra làm vua rất vui thích. Tôi chờ đợi những câu hỏi tầm thường mà người ta thường đặt ra trong những trường hợp tương tự, nhưng hoàn toàn không phải như vậy, vua đã tỏ ra quan tâm muốn biết về châu Âu và các quốc gia lớn ở châu Âu. Vua hỏi tôi nước Pháp nhờ đâu mà hùng cường và phồn thịnh. Tôi trả lời là những sinh lực hàng đầu của một dân tộc là quyền tự do cá nhân và những quan hệ tự do giữa các dân tộc nữa. Câu trả lời có vẻ làm vua sửng sốt”[1].
Quan tổng đốc Thân Trọng Huề người được diện kiến dung nhan vua Tự Đức mô tả, vua dáng nho nhã, có phần hơi gầy; hai con mắt tinh mà lành. Vua siêng năng, sáng 5 giờ đã thức dậy, 6 giờ đã ngự triều; buổi tối có khi ngài ban việc đến 9 giờ mới ngự vào nội. Xem các phiến sớ nguyên bản giữ trong Nội các thấy có nhiều tờ phiến vua phê dài hơn của các quan tấu[2]. Vua thích đọc sách, ông được đánh giá là người uyên bác bậc nhất thời đó và là một môn đồ nồng nhiệt đối với Khổng học[3]. Nhưng đời vua Tự Đức, Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, đặt nền móng căn bản cho chính quyền đô hộ thực dân trên toàn cõi Việt Nam . Đây là điểm để hậu thế kết án vua Tự Đức tội làm mất nước hay cái án khư khư giữ lối cũ không chịu canh tân.
Vua Tự Đức hay chữ, sùng đạo Nho nhưng ông không phải không có tư tưởng canh tân. Trương Bá Cần cho rằng, vua Tự Đức đã chú ý đến các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ lần đầu tiên, do bản Khai hoang từ, là một bản trình bày kế hoạch phát triển đất nước một cách tương đối rõ ràng và dễ thực hiện. Sau đó vua Tự Đức lại đã truyền lệnh thu thập tất cả các văn bản của Nguyễn Trường Tộ đã tấu trình. Trương Bá Cần dẫn một tài liệu lưu trữ tại Viện Sử học Hà Nội ghi rõ một lời phê của vua Tự Đức: “Hợp với Pháp, nước ngoài, âm mưu làm một việc phải không? Việc gì vậy? Khanh hãy sai thuộc hạ thân tín bí mật sao chép lại tất cả những tờ trình, bẩm của tên Tộ gửi cho khanh từ trước đến nay kể cả những thư từ phúc đáp, danh thích qua lại các khoản. Ghi rõ theo thứ tự năm tháng, đóng thành tập trình lên xem để rõ nguyên ủy, để thẩm tra căn cứ, không được sót lược. Nguyên bản các từ, phiến, đều phải giữ cẩn thận tra cứu đầy đủ”. Lệnh này được vua truyền cho Trần Tiễn Thành tháng 3/1866[4].
Tự Đức không tin dùng Nguyễn Trường Tộ ngay, nhưng qua việc Nguyễn Trường Tộ lập công lớn giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đào Thiết Cảng – một công trình dở dang từ nhiều thế hệ trước, uy tín của Nguyễn Trường Tộ lên cao. Sau đó, theo đề xuất của Viện Cơ mật, ở cuối tờ tấu đề ngày 30/4 năm Tự Đức 19 (1866), nhà vua đã cử Nguyễn Trường Tộ cùng với Hồ Văn Long đi tìm mỏ từ Nghệ An ra Bắc… Nhưng sau đó vua Tự Đức lại đổi ý, và cho triệu tập Nguyễn Trường Tộ và Giám mục Gauthier vào Huế để giao trách nhiệm đi Pháp thuê mướn thầy thợ về mở trường và mua sắm máy móc, thiết bị, ngoài ra, còn cử một số giáo sĩ có biết ngoại ngữ sang Pháp học 1 năm để giúp dạy ứng dụng. Ngày 10/1/1867, Nguyễn Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier, linh mục Nguyễn Điều, phó tế Nguyễn Hoằng, Joannes Vị và hai vị quan triều đình là Nguyễn Tăng Doãn và Trần Hiếu Đạo, đáp tàu L’ORNE đi Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Trường Tộ gặp gỡ nhiều người, tham quan nhiều chỗ, từ đó ông càng thấy rõ những việc cần phải làm để đem đất nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. Nhưng sự cố tháng 6/1867, người Pháp, ở Nam Kỳ, phản bội Hòa ước 5/6/1862, đem quân thôn tính ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên đã khiến triều đình Huế chỉ nghĩ đến việc tìm cách thu hồi đất đai chứ không nghĩ gì đến việc canh tân đất nước nữa. Ngày 29/2/1868, Nguyễn Trường Tộ và phái đoàn Giám mục Gauthier về đến Huế. Theo thư của Giám mục Gauthier gửi về Pháp thì phái đoàn đã được nhà vua đón tiếp nồng hậu, tất cả đều được thưởng huy chương. Vua thích thú xem những thứ phái đoàn đã mua về. Vua cũng quan tâm đến việc trả lương bổng cho các giáo sư và sẵn sàng chấp thuận cho việc mở trường ở Huế. Nhưng sau đó việc mở trường đã không thành công, mà theo Gauthier dự án mở trường ở Huế không thành là do sự cản trở của Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình là hai vị quan có thế lực trong Triều đình[5]. Nhưng theo Trương Bá Cần thì không phải chỉ có Nguyễn Tri Phương hay Võ Trọng Bình, mà có cả một luồng dư luận khá rộng rãi, trong Triều đình cũng như ở các tỉnh, tỏ ra dè dặt, lo sợ trước ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp.
Về phần Nguyễn Trường Tộ, ông về Nghệ An ở đó 3 năm đến khi mất ngày 22/11/1871. Trước khi mất, cuối năm 1870 đầu năm 1871, khi được tin Pháp thất trận trong cuộc chiến tranh với Đức và vua Napoléon III đã bị phế truất (4/9/1870). Nguyễn Trường Tộ đã liên tiếp gửi thư cho Triều đình đề nghị nên lập lãnh sự ở Gia Định và sứ quán ở Pháp để năm tình hình và xin được vào Gia Định tổ chức đánh úp thu hôi lại 6 tỉnh Nam Kỳ. Sau đó ông đã trở lại Huế, nhưng Triều đình bàn đi tính lại mà không đi đến được một quyết định nào, sứ bộ không được cử đi, kế hoạch đánh úp không được thực hiện, ông trở về Nghệ An và mất tại đó khi mới 41 tuổi bỏ lại biết bao lo toan, hoài bão canh tân đất nước[6].
Đặt trong bối cảnh bài đạo ghê gớm trong tầng lớp văn thân, sĩ phu khi đó mới thấy sự trọng dụng Nguyễn Trường Tộ – một người theo đạo, của vua Tự Đức phải xuất phát từ một ý chí canh tân không nhỏ. Tại kỳ thi năm 1864, tin về hòa ước ô nhục năm 1862 bị lộ, các sĩ tử đã yêu cầu Tự Đức giết hết các giáo dân, người Âu Tây và dọa sẽ tẩy chay các kỳ thi[7]. Riêng trong năm 1868, từ ngày 13/4 đến ngày 17/5/1868, học trò huyện Thanh Xuyên – Nghệ An đã đốt phá đến ba mươi làng theo đạo Thiên Chúa[8].
Trong xã hội phong kiến “vua tuy có quyền lớn thật, nhưng không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì lầm lỗi, thì các quan Giám sát ngự sử phải tâu bày mà can ngăn vua. Trừ những ông vua bạo ngược không kể, thường là vua phải nghe lời can ngăn của các quan”[9]. Mô tả sau đây của Paul Philastre trong văn bản gửi thống đốc Nam Kỳ, năm 1878 có thể lý giải phần nào tình thế khó khăn của nhà vua: “Đất nước này hết sức nghèo nàn, chính phủ bị ràng buộc trong tất cả mọi hoài bão có thể có và trong tất cả mọi ý muốn cải cách, bởi những sợi dây không thể cắt đứt mà không làm đổ vỡ hết đồng loạt. Triều đình còn bị kìm hãm bởi những điều mê tín của một xã hội đã được cấu tạo rất chặt chẽ; đối với kẻ cầm đầu, mê tín đó là những cái cớ viện dẫn để bảo vệ những quyền lợi đã có, đối với tất cả mọi người thì đó là khí giới phòng thủ chống lại mọi thay đổi. Mỗi người đều biết mình có lợi gì khi thay đổi, nhưng lại chú ý nhiều nhất đến những gì sẽ mất và đều không muốn bắt đầu từ đấy”[10].
Người ta có thể đặt ra giả thiết rằng nếu vua Tự Đức có thêm tính quyết đoán để đưa ra những quyết định cứng rắn, kiên định lập trường, vượt qua những tiếng nói gièm pha của quần thần thì biết đâu Việt Nam đã có thể làm một cuộc Minh Trị duy tân như Nhật Bản. Nhưng Trương Bá Cần cho rằng: “Công cuộc duy tân của nước Nhật rõ ràng không phải là sáng kiến của Minh Trị Thiên Hoàng, một ông vua mới 15, 16 tuổi. Cũng không do một Nguyễn Trường Tộ mà do rất nhiều Nguyễn Trường Tộ”[11]. Trương Bá Cần lấy dẫn chứng, từ thế kỷ 15, 16 người Nhật đã tiếp xúc với người Tây phương. Đến thế kỷ 17, Mạc Phủ cho lệnh đóng cửa, không giao thiệp với bên ngoài, tuy nhiên trong thời gian đó, sách vở Tây phương vẫn lén lút đưa vào và dịch ra tiếng Nhật. Nhiều người Nhật vẫn tìm cách học tiếng Pháp, Anh, Đức. Chính Tướng quân và các lãnh chúa vẫn âm thầm cho sinh viên trốn sang châu Âu học tập. Chính Tướng quân và các lãnh chúa vẫn có những cơ sở làm ăn với người nước ngoài. Thiên Hoàng, lúc đó là Mục Nhân, lên ngôi ngày 3/2/1868 lấy hiệu là Minh Trị mới 15 tuổi. Ngày 6/4/1868, Thiên Hoàng cùng với quần thần văn võ làm lễ tuyên thệ duy tân, mở rộng dân chủ; lập chế độ đại nghị, ban hành quyền bình đẳng trong nhân dân; mở rộng cửa bang giao; canh tân và phát triển đất nước. Khi đó, ở Nhật đã có tất cả 138 tàu theo kiểu Tây phương, hoặc tự đóng lấy hoặc mua bên ngoài đem về; từ năm 1857, Tướng quân đã có nhà máy luyện kim do người Hà Lan điều khiển. Nhật Bản trước lúc cải cách canh tân có một chế độ chính trị và xã hội hoàn toàn khác[12]. Tự Đức không có được lực lượng này, những kiến nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp…[13] kể cả của Phan Thanh Giản chỉ là tiếng nói yếu ớt trong một luồng dư luận thủ cựu to lớn khi đó. Nhật Bản khi cải cách cũng đã có một tầng lớp tư bản dân tộc khá mạnh do công cuộc làm ăn của các Tướng quân[14]. Khác với Việt Nam khi đó phần lớn thương mại nằm trong tay người Hoa và Hoa kiều. Thế kỷ 17-18, xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn đã có hệ thống thuế và tiền tệ ổn định, có hệ thống thương mại nối kết với hoạt động các quốc gia láng giềng, kể cả Tây Âu. Nhưng tất cả đã dừng lại kể từ khi vua Gia Long thống nhất đất nước và quyết định áp dụng một chế độ cai trị theo truyền thống Nho giáo[15]. Một điểm quan trọng nữa là do những chính sách cấm đoán của nhà nước phong kiến, các hoạt động thương mại của Việt Nam với nước ngoài ở thế kỷ 17-18 chủ yếu rơi vào tay người Hoa và Hoa kiều, nên khi các hoạt động này chấm dứt, người Hoa rút đi, Việt Nam không giữ được giá trị hội nhập cho riêng mình[16].
Yoshiharu Tsuboi cho rằng: “Mối quan hệ ràng buộc của các cộng đồng xã thôn với triều đình và nhà nước, ở mọi cấp bậc – văn hóa, chính trị hay xã hội – đều thông qua hàng quan lại và tầng lớp văn thân”[17]. Tầng lớp quan lại và giới văn thân giữ một vai trò then chốt trong sự phối trí giữa Nhà nước tức triều đình với xã hội tức xã thôn. Mọi dự định và đề án cải cách dù từ phía nhà vua thì đều có thể thất bại nếu không có sự ủng hộ của tầng lớp này. Y.Tsuboi cho rằng, Paul Philastre đã có cái nhìn rất sáng suốt: “Trước cả đám quần thần vây quanh ngôi vua, chính trong giai cấp trung lưu của hàng ngàn quan lại nhỏ, hào phú, tức những kẻ tạo ra ý nguyện quốc gia, mà người ta gặp những trở ngại, bề ngoài thì vô nghĩa mà thực tế mạnh mẽ nhất, chống lại mọi cuộc canh tân hay mọi cố gắng đổi thay. Giai cấp này sẽ dễ dàng hy sinh tất cả những gì ở trên cao hơn nó, song không phải vì khinh chê những lạm dụng của thượng tầng chính quyền và các cấp cai trị vi phạm, mà để cho chính mình được thay thế làm những điều thiếu trách vụ đó”[18].
Câu chuyện canh tân của 150 năm tiếc thay đến giờ vẫn còn thời sự. Những cơ hội canh tân vẫn lơ lửng đâu đó, và cũng thật tiếc, vẫn nằm ở thì tương lai.
Cái được của Hội nghị trung ương 6
Màn bế mạc của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng, ngày 15/10/2012, đã khiến nhiều người thất vọng[19]. Sẽ có những kết luận làm người ta thỏa mãn hơn nhưng không ai có thể chắc chắn sự thỏa mãn dễ dãi đó sẽ mang đến hệ quả gì. Người ta thường thích nhanh chóng gặt hái ngay thành quả, nhưng sự thật thì chẳng có thành quả nào to lớn mà lại được thu lượm dễ dàng. Việt Nam đã có thể luyện được một vài học sinh đi thi giành giải vàng quốc tế. Nhưng những thành tích được cho là đáng tự hào đó, thực ra lại là thứ hoa trái dễ dãi. Cái kết quả đáng để vươn tới hơn là có được một nền giáo dục tiên tiến bắt kịp với thế giới thì chúng ta đang tỏ ra bất lực. Rõ ràng chúng ta chẳng thể nào áp dụng cách luyện thi học sinh giỏi để mau chóng cho ra kết quả trong yêu cầu này.
Cũng như vậy, giá trị của màn diễn Hội nghị trung ương có thể không nằm trong cái được gọi là “kết quả của nó”. Giá trị nằm ở những câu chuyện nơi vỉa hè – góc phố, đường làng – ngõ xóm và đặc biệt là trên các trang mạng trong suốt những ngày qua. Khi người dân, mà nhất là tầng lớp trung lưu bị kích động để không thờ ơ với các vấn đề chính trị của đất nước là khi những hy vọng lại có thể được nhen nhóm lên. Và nó nằm ở những “cái đầu tiên” của Hội nghị Trung ương. Trong bài phát biểu bế mạc ông TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị”. Nhưng cuối cùng: “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”[20]. Ông Tổng bí thư gọi việc này là “lần đầu tiên”. TS Lê Đăng Doanh cũng đánh giá đây là một nỗ lực nghiêm túc của Tổng bí thư[21]. Cách kết luận của TBT Nguyễn Phú Trọng có thể khiến nhiều người thất vọng, nhưng nó lại có thể mang đến những hệ quả ngoài sức tưởng tượng, có thể của cả chính ông Tổng bí thư. Nỗ lực công khai chưa đủ để nêu thẳng tên “một đồng chí” nhưng người ta có thể đo giá trị theo cách khác. Có nêu tên hay không “một đồng chí”, có kỷ luật hay không “một đồng chí”, cuối cùng, có thể không quan trọng. Khi kíp phẫu thuật đã mở toang lồng ngực bệnh nhân và phát hiện khối u là ác tính, thì việc cắt bỏ khối u hay khâu lại đều cho cùng một kết quả. Những biến cố lịch sử lớn lao không phải bao giờ cũng được đánh giá đúng tầm mức vào thời điểm nó diễn ra. Trong những biến cố như thế, các nhân vật được cho là chính yếu thực ra chỉ là con rối của vở diễn lịch sử do tạo hóa giật dây. Khi Napoléon III quyết định cho Rigault de Genouilly bắn phá Đà Nẵng, năm 1858, Napoléon III chỉ muốn làm một “cuộc dạo chơi” quân sự chốc lát, hòng lấy thêm sự ủng hộ của giáo hội để củng cố địa vị của mình ở Pháp, ý tưởng về một cuộc xâm lược thực sự rất mơ hồ[22]. Nhưng cuối cùng “cuộc dạo chơi” đã kéo dài gần 100 năm với những biến cố lớn lao làm thay đổi lịch sử không chỉ nước Pháp, đương nhiên nằm ngoài tưởng tượng của tất cả những ai can dự vào sự kiện Đà Nẵng năm 1858.
Nhiều người thích cách Trung Quốc hạ bệ Bạc Hy Lai, nhưng không ai dám chắc rằng nó sẽ giúp đất nước này tiến bộ hơn cách kết luận “không kỷ luật” của Hội nghị trung ương 6. Người ta có thể đặt ra một giả thiết hoặc là bằng một thủ đoạn nào đó, hoặc là ông Tổng bí thư có sức mạnh lớn hơn để bác bỏ kết quả biểu quyết đa số, nhưng đó sẽ là sự lạm quyền. Khoản 3, Điều 36, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 quy định Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm đối với Ủy viên Bộ Chính trị thuộc về Ban Chấp hành Trung ương. Mọi sự lạm quyền dù nhỏ nhất cũng đều có thể mở rộng ra vô hạn.
Hành động lạm quyền của Hồ Chí Minh trong việc bổ sung 70 đại biểu không qua tổng tuyển cử năm 1946 đã khởi đầu một loạt lạm quyền sau đó và đặc biệt là trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 1959. Cù Huy Cận ghi lại sự việc đó như sau: “Ngày 3/3/1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên. Có một sự kiện mà chỉ có Quốc hội ta mới có. Đó là việc ngoài các đại biểu chính thức được bầu qua tổng tuyển cử trong cả nước, Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội chấp nhận thêm 70 đại biểu của “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” và “Việt Nam Quốc dân đảng” vì vừa rồi các vị ấy không có điều kiện ra ứng cử. Quốc hội biểu quyết thông qua. Sau đó, Hồ Chủ tịch đề nghị lập “Chính phủ liên hiệp kháng chiến” và nêu danh sách Chính phủ này đã được hiệp thương giữa Việt Minh, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân đảng. Chủ tịch Chính phủ liên hiệp là Hồ Chủ tịch, Phó Chủ tịch là Nguyễn Hải Thần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Phan Anh (không đảng phái) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc dân đảng), Bộ trưởng Bộ Nội vụ là cụ Huỳnh Thúc Kháng”[23]. Luật sư Vũ Đình Hòe, Đại biểu Quốc hội khóa I, TP Hà Nội ghi nhận: “Bổ sung ghế vào Quốc hội mà không thông qua Tổng tuyển cử bổ sung thì thật trái với văn bản Nhà nước về bầu Quốc hội. Pháp chế dân chủ không cho phép làm như vậy”[24].
Với sự lạm quyền này, mục đích đoàn kết đảng phái trước mắt của Việt Minh đã đạt được tại thời điểm đó. Với việc đồng ý cho một sự lạm quyền, Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội đạt được mục đích trước mắt là có ghế trong Quốc hội, trong Chính phủ. Nhưng ngay sau đó, các đảng này đã thấy hậu quả, còn nhân dân Việt Nam thì chịu đến bây giờ.
Trong 70 đại biểu vào Quốc hội không qua Tổng tuyển cử cuối cùng “chỉ có Trần Văn Cầu (Việt Quốc), Lê Viết Cường, Đinh Chương Dương, Lý Đào, Ngô Văn Hợp, Nguyễn Văn Lưu, Trần Tân Thọ (Việt Cách) là đủ tư cách đại biểu Quốc hội, còn hầu hết là bị Quốc hội truất quyền đại biểu”[25]. Theo ghi nhận của tướng Võ Nguyên Giáp, Quốc hội khóa I, kỳ 2 khai mạc ngày 28/10/1946: “Số ghế dành cho các tổ chức này trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên, nay để trống gần một nửa”[26]. Cũng tướng Giáp ghi lại, trả lời chất vấn của các đại biểu ngày 31/10/1946 về việc Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh rời Quốc hội, Hồ Chí Minh nói: “Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, về ông Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh… Các ông ấy không có mặt ở đây… Lúc nhà nước đương gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào trao người ấy công việc lớn mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào? Những người đã bỏ việc kia, họ không muốn gánh vác việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ năng lực gánh vác; nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cứ gánh vác như thường”[27].
Về sự giải tán của các đảng phái khác Việt Minh thời kỳ đó đến nay vẫn là đề tài tranh luận với những ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, câu chuyện ghi lại của Hoàng Xuân Hãn có thể cho ta thấy phần nào sự thật, ai là kẻ “phải hỏi lại lương tâm”.
“Sau những ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cách mạng tháng 8 nổi dậy và chính phủ dân chủ cộng hòa thành lập, tôi được bỏ quên, yên phận sửa soạn thi hành sự dạy và viết sách môn toán học bằng tiếng Việt, và nỗ lực cứu vớt những sách tàn giấy cũ mà bấy giờ nhân dân cho đã lỗi thời, đưa làm hồ, làm giấy lộn khắp đường Hà Nội. Thình lình, một hôm, một học trò cũ đại học mà đã thành một nhân viên quan trọng trong chính phủ, tới thăm ở thư trai tại xã Hoàng Mai. Sứ giả cười nói: “… Riêng tôi muốn tới thăm thầy đã lâu. Nay chính phủ định lập một ủy ban soạn sửa giao thiệp với nước ngoài, bắt đầu với Trung Quốc. Các anh đã nghĩ đến thầy…”
Tuy không lấy sự mời nầy làm lạ, nhưng tôi rất e ngại vì nội bộ bấy giờ đang rất lục đục: đảng Quốc dân và nhóm Đồng minh bất hòa với mặt trận Việt Minh, và quân nhân Trung Quốc bênh vực các phe trên chống chính phủ lâm thời. Tôi đã trả lời rằng nếu tôi xét sự tham dự có ích thì tôi không từ nan, nhưng muốn ngoại giao có kết quả hay thì phải dàn xếp cho chóng êm đã. Ngày ấy là ngày 18 tháng 11 (1945). Tuy dưới áp lực Tiêu Văn, quân nhân chính trị của đạo quân Quảng Tây, các đảng phái đã bắt đầu liên lạc nhưng sự đả kích nhau ngoài phố chưa yên. Tôi tự hỏi vì sao mà “Các anh đã nghĩ đến tôi”? và sực nhớ đến một câu chuyện liên quan đến mình xẩy ra hơn một tháng trước.
Nguyên là, từ khi quân đội Trung Quốc vào đóng ở Bắc phần Đông Dương, những phần tử lánh uy quyền Pháp trên đất Trung Quốc lục tục trở về. Trước sự cách mạng đã nắm chính quyền trong nước, mà phần tử nầy không được dự, nếu kẻ cầm quyền không khôn khéo, thì không sao tránh được sự bất hòa biến thành đảng tranh. Mà chính phủ và quân đội Trung Hoa bấy giờ tự nhiên nuông tìm ý ủng hộ những người ý tưởng gần mình và thế lực cũng phải nhờ mình. Một việc đảo chánh gây ra bởi quân đội Trung Quốc rất có thể xảy ra. Đó là lẽ cốt yếu của sự kình thị và công kích giữa đảng phái. Mà nếu kình thị khuyếch trương thành đại loạn thì nước Việt Namkhông còn hi vọng gì sống lại nữa. Thế mà trong khoảng đầu tháng 10, nó đang khuyếch trương. Tôi tìm tới vị cựu hoàng, bấy giờ đã thành cố vấn Vĩnh Thụy, tỏ sự hoang mang, rồi nói rằng: “Ngài có lúc mang tiếng chỉ giữ hư vị. Nay giữ chân cố vấn chính phủ, chính là lúc có thể bày tỏ vị ấy không hư”.
Cố vấn hỏi: “Vậy nên nói gì?” Tôi bàn nên khuyên chính phủ dàn xếp một cách ổn thỏa và chính đáng với những người yêu nước thuộc những đảng khác để cùng đối phó với thời cơ cực kỳ gian nan. Thế rồi ngày 13 tháng 10, Cố vấn cho hay rằng: “Cụ Hồ sẽ tiếp Hãn vào ba giờ chiều”.
Tuy không biết hẳn đó là ý muốn của chủ tịch, hay cố vấn đã bịa ra sự tôi xin gặp, đến giờ tôi cứ tới dinh Chủ tịch. Lúc đến nơi, gặp một đại tá Mỹ cũng tới; nghe nói là để gỡ một đại diện bí mật Pháp, Sainteny, bị giữ vì cắm cờ Pháp trên xe đi diễu ngoài phố. Chủ tịch tiếp tôi hơn một giờ. Hai lần xin cáo biệt, nhưng cụ giữ lại. Ban đầu bình phẩm về chính quyền. Tôi có nói: (Nay ta chưa độc lập, đang cần dư luận ngoại bang bênh vực. Nếu tỏ ra bất lực, hoặc có thái độ độc tài, thì khó lòng họ giúp mình). Cụ bảo rằng ủy ban địa phương làm bậy, chứ chính phủ không có ý chuyên quyền. Cụ hỏi đi hỏi lại: “Thế ra họ nói chính phủ cộng sản, thực chăng?” Tôi đáp: (Cụ đã nghe vậy thì có thật). Cụ nối: “Còn nói chính phủ độc tài, thì có đâu. Trong nội các có nhiều người không phải ở trong mặt trận Việt Minh…”
Cụ lại phân trần lâu việc bài xích hạng trí thức. Cụ nói chính phủ không làm điều ấy; nhưng có người làm thì chính phủ phải nhận lỗi. Rồi nói sang chuyện đảng tranh làm dân chúng hoang mang. Chủ tịch rất chăm chú nghe, cặp mắt sáng trương to như rót vào mặt tôi. Cụ hỏi: “Trí thức theo cụ Nguyễn Hải Thần nhiều phải không? Ông giao thiệp rộng chắc biết”. Trong trả lời tôi có nói: “Hình như khi ở nước ngoài các cụ đã trù tính việc chung. Nay đều về, lại thấy các cụ chia rẽ, cho nên họ hoang mang. Nếu cụ Nguyễn Hải Thần chỉ kéo bè đảng thôi, thì chắc họ không theo. Cụ Nguyễn có tìm gặp tôi, tôi đã thưa rằng người tri thức chân chính không tìm địa vị. Các cụ già cứ hòa hiệp với nhau, rồi thì hạng trẻ như chúng tôi theo. Các cụ có cần gọi ra quét đường, họ cũng nhận”.
Nét mặt không di chuyển, Chủ tịch đặt câu hỏi thẳng: “Đối với ông, thì cụ Nguyễn là thế nào?” Tôi đáp: “Tôi không được biết rõ. Nhưng cảnh huống bây giờ thì tuy là bậc cách mệnh lão thành nhưng trở về chậm nước, cụ phải ép vào thế non,… xem ra thế nào!” Cụ hỏi gặn: “Thế nào?” Tôi nói: “Thế nào… tôi không tiện nói, chỉ có thể nói thế cụ Nguyễn không được thuận. Tuy nhiên, làm cách mạng trong bốn mươi năm nay, cụ ấy có thanh thế. Vả hạng tri thức ai cũng sẵn sàng làm việc nước, mà bị chính phủ đem lòng ngờ vực, thì họ đi theo cụ Nguyễn, cũng là người ái quốc, đó cũng không nên lấy làm lạ!””.
Sau đó Hồ Chí Minh hỏi thêm: “Đối với cụ Nguyễn Hải Thần nên làm thế nào?” Hoàng Xuân Hãn trả lời: “Nếu cụ Nguyễn có thể làm dễ cho sự ngoại giao, thì nên dùng cụ. Tuy không nên cải tổ hấp tấp ra đang sợ áp lực, nhưng nên cải tổ chính phủ để hợp tác. Sự hợp tác phải thành thật, đừng để có cảm tưởng lấy danh mà thôi”[28].
Các đảng Việt Quốc và Việt Cách đã nhận lãnh sự lạm dụng và sự thỏa hiệp với lạm dụng đầu tiên như thế, còn với số phận người Việt Nam, sự lạm dụng quyền lực lớn nhất phải chịu sau đó là việc sửa đổi Hiến pháp năm 1946. Điều 70, Hiến pháp năm 1946 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Không có toàn dân nào phúc quyết, Hiến pháp năm 1959, sửa đổi lại Điều 70, Hiến pháp năm 1946 tước bỏ quyền “phúc quyết của toàn dân”. Điều 112, Hiến pháp năm 1959 quy định về việc sửa Hiến pháp: “Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”. Đến lần sửa đổi Hiến pháp năm 1980, Đảng chính thức đưa quyền lãnh đạo của mình vào Điều 4. Điều 4, Hiến pháp năm 1980 ghi: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”[29].
Như vậy, một điều tưởng chừng như nhỏ nhặt là thực hiện đúng quy trình điều lệ Đảng, thảo luận công khai ở Hội nghị trung ương, lấy biểu quyết đa số, kiên quyết từ chối sự lạm quyền có thể lại là một điều may mắn chưa từng có. Đảng có thể vẫn tiếp tục đứng ngoài pháp luật, nhưng việc Đảng tuân thủ nguyên tắc của mình là một chỉ dấu cho thấy nó đang đi về phía tiến bộ, đó là thượng tôn pháp luật. Tất cả những kết quả này có thể không nằm trong trù tính, nhưng nó có thể sẽ là một những thứ kích đẩy sự phát triển tinh thần dân chủ, thượng tôn pháp luật trong xã hội, tạo ra một dư luận xã hội, ít nhất là một tầng lớp trung lưu, không đến nỗi u mê cản trở tiến bộ như thời vua Tự Đức.
Trong công trình nghiên cứu của mình Y.Tsuboi đã mệnh danh cho đặc tính mà ông cho là đặc thù của Việt Nam , bằng một thuật ngữ của nền âm nhạc cổ điển “basso obstinato – trầm trầm mà cương quyết”. Việt Nam ít có những bạo chúa như Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông… những sự thay đổi triều đại nội bộ của Việt Nam xưa nay đa phần tốn ít xương máu của nhân dân hơn Trung Quốc, đó chẳng phải là một cơ may cho người Việt sao?
N.Đ.K, 19/10/2012
Chỉ dẫn:
[1] Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, NXB Tri Thức, năm 2011, tr.223.
[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, NXB Thời đại, năm 2010, tr.523.
[3] Yoshiharu Tsuboi, sđd, tr.224.
Link: http://dackien.wordpress.com/2012/10/19/co-may-cua-nguoi-viet/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét