Người theo dõi

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

TÌNH ĐỒNG CHÍ CỘNG SẢN VÀ NHỮNG BẢN ÁN TỬ HÌNH

TÌNH ĐỒNG CHÍ CỘNG SẢN VÀ NHỮNG BẢN ÁN TỬ HÌNH
Tác giả : Trúc Giang
1. Ai giết Trung tướng Nguyễn Bình?




Ngày 29-9-1951, Trung tướng Nguyễn Bình cùng đoàn tùy tùng 22 người trên đường ra Bắc theo lịnh của Trung Ương, đã bị toán lính Miên do một trung úy người Pháp chỉ huy, phục kích tấn công, và Nguyễn Bình bị tử thương tại làng Srépok, huyện Se San, tỉnh Stung Streng, Cam Bốt.
Sự thật rõ ràng là Nguyễn Bình bị Tây bắn chết, nhưng sau đó, Nam Bộ lại lan truyền câu hỏi “Ai giết Nguyễn Bình?”. Câu hỏi được truyền miệng trong bộ đội miền Nam và trong dân gian, từ đó, xuất hiện những bài viết về bí mật cái chết của Nguyễn Bình, “một tướng lãnh được xem như tài ba lỗi lạc, tận trung với Đảng, hết lòng yêu nước, được Tổ quốc ghi công và dân tộc sùng bái”. Thế nhưng, những bài viết tựa đề: “Ai giết Nguyễn Bình”, “Tôi giết Nguyễn Bình”, “Những bí ẩn về cái chết của Nguyễn Bình” trực tiếp hoặc gián tiếp ám chỉ chính đảng CSVN là thủ phạm đã giết đồng chí của mình. Một số bài viết mang tính tuyên truyền, thanh minh thanh nga cho đảng, nhưng tất cả đều xoay quanh cái chết của Nguyễn Bình.
Không có tài liệu nào chính thức nêu bằng chứng cụ thể, vì nó nằm trong những âm mưu của Đảng mà những người liên hệ, tuy còn sống cũng không dám hé răng.


2. Việt Cộng công nhận Nguyễn Bình là một đảng viên trung kiên yêu nước

Tháng 12 năm 1945, nhận thấy Nam Bộ có nhiều đơn vị kháng chiến không chịu nhận lịnh của Cộng Sản, nên Hồ Chí Minh cử Nguyễn Bình vào Nam để “thống nhất các lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, những ai đầu phục thì thu nhận rồi tìm cách ám sát sau, dưới những lý do “hy sinh” hoặc “tử trận”. Nguyễn Bình được phong chức Khu trưởng Khu 7, miền Đông Nam Bộ. Hồ Chí Minh nói: “Bác trao miền Nam cho chú đó”.

Ngày 25-1-1948, Nguyễn Bình được phong chức Trung tướng, là trung tướng đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân. Trong đợt phong chức nầy, Võ Nguyên Giáp là Đại tướng và 9 người khác như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiếu Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa và Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Nguyễn Bình là trung tướng đầu tiên, có nghĩa là Võ Nguyên Giáp từ đâu nhảy ngang vào chức Đại tướng và cũng có thể Nguyễn Bình cũng nhảy ngang vào chức Trung tướng.


Bức ảnh Trung tướng Nguyễn Bình khoác binh phục, đang ngồi trên lưng ngựa
Ngày 21-3-1949, Hồ Chí Minh ký Sắc lịnh số 18-SL, cử trung tướng Nguyễn Bình làm Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Nam Bộ, lãnh đạo lực lượng vũ trang miền Nam chống Pháp.

Sau nầy, Thượng tướng Trần Văn Trà đánh giá: “Nguyễn Bình là người Cộng Sản trung kiên, một tướng lãnh quả cảm, nghĩa hiệp và tài thao lược. Công lao mãi mãi sáng ngời trên đài Tổ Quốc Ghi Công”.

GS Trần Văn Giàu, nguyên là Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ cho biết: “Đó là một vị tướng có tâm và tài trí của Nam Bộ”.

Ngày 21-1-2000, QĐ số 52/BQP/QĐ cho thành lập đoàn công tác đi Campuchia tìm hài cốt Nguyễn Bình. Và ngày 26-2-2000, hài cốt Nguyễn Bình được mang về VN, làm tang lễ theo lễ nghi một tướng lãnh. Được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang” và huân chương Hồ Chí Minh.

Một tướng tài trung với đảng, một lòng yêu nước như thế thì tại sao phải bị khai trừ, thủ tiêu? Dư luận cũng thắc mắc tại sao phải chờ tới 49 năm, khi có nhiều người nhắc nhở, đề nghị thì đảng mới cho đi tìm hài cốt, và tại sao không tặng huân chương và danh hiệu anh hùng ngay sau khi bị Tây bắn chết?

3. Trung Ương gọi Nguyễn Bình ra Bắc

3.1. Nguyễn Bình lo lắng bất thường

Vào tháng 5 năm 1951, Nguyễn Bình nhận được một bức thơ vắn tắt của Võ Nguyên Giáp nguyên văn như sau: “Đồng chí thân mến, Đồng chí sẽ được một toán hộ tống 30 người gồm nhân viên tùy tùng và bảo vệ. Tôi tin rằng đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ nầy. Đồng chí sẽ đi đường rừng băng qua các tỉnh Kompong Chàm, Kratié, Stung Streng.”

“Những người trong văn phòng anh ba Bình không hiểu lý do triệu hồi một viên tướng mà chính bác Hồ đã từng giao Nam Bộ trong những ngày “ngàn cân treo sợi tóc” (“Bác trao miền Nam cho chú đó”).

“Hai Giỏi, thư ký cũng là người bảo vệ, thấy anh Ba đăm chiêu, nghĩ ngợi, có vẻ lo lắng bất thường, trước lệnh của Trung Ương”.

3.2. Dường như có linh tính báo trước

Dường như có linh tính báo trước chuyến đi nầy may ít rủi nhiều, là một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời, tuy Nguyễn Bình không nói ra, nhưng những người chung quanh nghĩ như thế.

Nguyễn Bình lo lắng “việc ra Bắc” vì chính ông trước đây cũng đã ký những lịnh “đi Bắc” để đưa những đồng chí thân yêu lên đường đi vào cửa tử, đến bên kia thế giới.

Trước khi lên đường, Nguyễn Bình (NB) đã viết thơ “tạm biệt” cho các bạn đã từng sống chết với nhau trên chiến trường.

“Anh Ba nhớ đến người bạn đã chết như luật sư Lê Đình Chi, chẳng may bị máy bay bắn chết. Anh không quên luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, người đã giúp anh đột nhập Sài Gòn năm 1946. “Ông Vĩnh đã yêu cầu mình cho một tiểu đội hộ tống về nhà tổ phụ ở Trung Lương (Mỹ Tho) đào 200 lượng vàng để làm công quỹ nuôi quân trong lúc cạn tiền”. Anh Ba soạn một số ảnh chụp chung với ông Vĩnh trong buổi lễ tấn phong trung tướng ở bờ kinh Dương Văn Dương, dán vào album nhỏ, gọi là lưu niệm chia tay. Ngoài ra, anh cũng viết thơ 5, 6 trang từ giả ông Lâm Thái Hoà, phụ trách pháo binh, bày tỏ nổi lòng của người ra đi không còn hy vọng gặp lại. Tất nhiên là không quên Tám Nghệ, người có tài vừa đánh giặc vừa làm thơ.

Anh Ba yêu cầu Trung Ương cho khu trưởng Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghê) cùng đi về Việt Bắc, nhưng đề nghị đó không được chấp thuận.

Anh Ba kiểm điểm lại tất cả những việc làm, từ thành tích, chiến công đến những va chạm với mọi người, với cấp trên.

Nguyễn Bình nhớ lại Hoàng Thọ.

“Vụ Hoàng Thọ, mình đã quá nuông chiều cậu nầy. Nuông chiều vì một lẻ: nó là thằng em út đồng hương Hải Phòng, có nhiều điểm giống mình, anh hùng hảo hán, trung thực, ăn nói ngay thẳng. Khi Hoàng Thọ bất mãn bỏ tiều đoàn 303 thì mình nhận được lịnh trên phải đưa nó ra Trung Ương để báo cáo. Mình biết “ra TW” là con đường chết, là một bản án tử hình đối với những đồng chí có nhiều uy tín và chiến công trong đơn vị. Mình hết sức khổ tâm. Nó đã nhiều lần cứu mình thoát chết, không có Hoàng Thọ, thì mình đã mồ xanh cỏ từ lâu. Tuy biết rằng đó là hạ sách, nhưng lịnh trên khó cãi, và mình cũng phải tránh tội bao che cho đàn em làm bậy. Mình phải ký giấy đi đường và cho lộ phí.”

4. Vụ Hoàng Thọ

4.1. Sự khủng bố của Việt Minh

Trong thời buổi loạn lạc, các tay anh chị giang hồ lấy câu “tứ hải giai huynh đệ” kéo bè kết đảng, nổi lên xưng hùng xưng bá, mỗi nhóm một cõi bách hại dân lành. Họ tự cho mình là nghĩa hiệp sống bằng dao búa, giải quyết tranh chấp theo luật giang hồ. Đứng bến, đâm thuê chém mướn, dân đen có chút tiền của, ngày đêm nơm nớp lo sợ bọn đạo tặc, cướp ngày đó…

Lúc bấy giờ Việt Minh nổi lên, thu phục bọn giang hồ dao búa làm tay chân. Những kẻ cướp của giết người ngày hôm trước, thì bỗng nhiên, ngày hôm sau thay hình đổi dạng trở thành bộ đội kháng chiến, như những tướng cướp Bảy Viễn, Ba Dương, Mười Trí, Nguyễn Phương Thảo là em kết nghĩa của nhà văn tướng cướp Sơn Vương, Trương Văn Thoại. Nguyễn Phương Thảo sau trở thành Trung tướng Nguyễn Bình, tư lệnh lực lượng võ trang chống Pháp Nam Bộ.

Thủ đoạn của Việt Minh là, một mặt tuyên truyền mị dân, một mặt khủng bố trấn áp làm cho dân khiếp sợ mà phải phục tùng. Thành phần Việt Minh (VM) ban đầu rất phức tạp, người đàng hoàng thì ít, mà kẻ lưu manh thì nhiều. Thủ đoạn đó được các tay giang hồ dao búa thực hiện bằng cách chụp mủ “Việt gian, Phản động”. Hai cái tội nầy chỉ có con đường chết, và nhiều người dân chết tức tưởi, chết oan chết ức, chỉ vì chủ trương khủng bố dằn mặt để tạo uy thế, và sự vâng lời. Thế rồi, vào những đêm tối trời, một đám người mã tấu, đến gỏ cửa, bịt mắt dắt đi. Người phải giết thì chặt đầu, cắt cổ, mổ bụng dồn trấu, cho đi mò tôm, bên cạnh xác chết có một bản án hày tội việt gian, phản động. Người cần phải thả để tuyên truyền thì cho học tập chính trị vài ngày rồi thả về để tuyên truyền và chứng minh VM sáng suốt, không giết lầm người.

Chính sách dùng “bạo lực cách mạng” và vừa đánh vừa xoa, bao giờ cũng thành công đối với đám dân ngu khu đen, mua gánh bán bưng, chân lấm tay bùn ở nông thôn.

Người dân ở Tây Ninh mà nghe đến tên Hoàng Thọ thì sợ xanh mặt, đối diện, thì rụng rời tay chân, kẻ yếu bóng vía thì són đái ra quần.

4.2. Về Hoàng Thọ

Hoàng Thọ là tay anh chị thủ lãnh băng đảng cảng Hải Phòng, dáng người vạm vỡ, vai u thịt bắp, râu quai nón. Nhà nghèo, nên từ nhỏ phải vào nương tựa cửa Phật để có hai bữa ăn. Nhà sư thấy thương thằng bé siêng năng nhanh nhẹn, nên dạy võ nghệ để sau nầy dễ bề kiếm ăn. Năm 17 tuổi, Thọ cởi trần gánh nước, trên ngực lún phún một chùm lông. Thấy vậy, nhà sư im lặng quay đi, và từ đó chỉ dạy gõ mõ tụng kinh. Thọ nản lòng, cuốn gói từ biệt nhà chùa. Nhà sư lẩm bẩm: râu rìa lông ngực là tôi phản thần”.

4.3. Thủ lãnh bọn đầu gấu cảng Hải Phòng

Thọ vào đời, xông xáo múa võ sinh nhai. Trên giang hồ Hải Phòng, Thọ nổi tiếng là tay tàn độc. Một lần, đụng độ với gả thũ lãnh bến tàu tên Luân Mặt Ngựa. Thọ hạ độc thủ. Đối thủ bị gãy chân nằm dài dưới đất, nhưng vẫn giữ phong độ thủ lãnh, giương mắt trừng trừng nhìn Thọ, có vẻ không phục hoặc hứa hẹn sẽ trả thù. Thọ đứng nhìn một hồi rồi lên tiếng: “Mẹ kiếp! Dứt điểm mầy luôn để trừ hậu hoạ”. Nói xong, Thọ quỳ xuống, giương thẳng cánh tay với thế song chỉ đoạt ngọc châu, dùng 2 ngón tay phóng mạnh vào ổ mắt của Luân Mặt Ngựa. Cặp tròng lòi ra, máu me ướt cả mặt. Thọ lấy tay chụp, ném mạnh xuống đất, rồi dùng chân chà đạp. Thọ dạng chân ra, vạch quần đái vào mặt người bại trận, trước sự chứng kiến của đám đàn em đang mặt mày tái mét, im thin thít, bất động.

Thọ thản nhiên bỏ đi. Và mấy ngày sau trở lại, nghiễm nhiên là thủ lãnh bọn đầu gấu của cảng Hải Phòng.

Khi Nhật đảo chánh Pháp, tàu Nhật cặp bến Hải Phòng. Trước sự hùng mạnh của đạo quân Thiên Hoàng, băng đảng tan rả, phân tán tứ phương.

Chớp lấy cơ hội, Hoàng Thọ xin vào hải quân Nhật, được dạy làm thợ điện.

Ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, tàu Nhật rút lui. Hoàng Thọ thu thập đám đàn em, quay lại nghề cũ, với cái tên mới là Thọ Mạch Lô (Tiếng Pháp Matelot là lính thủy).

Khi Việt Minh cướp chính quyền, Thọ theo đoàn quân Cứu Quốc. Từ đó, trôi giạt vào Nam, làm tay chân của tướng Nguyễn Bình.

4.4. Hung thần của Cao Đài tỉnh Tây Ninh

Cả tỉnh Tây Ninh, ai nghe đến danh Hoàng Thọ cũng đều e dè khiếp sợ. Địa bàn hoạt động của Thọ là hai quận Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng, và mục tiêu là những chức sắc Cao Đài, những người làm việc cho Pháp và những kẻ bị kết tội Việt gian, phản động.

Người chết dưới tay của Hoàng Thọ đếm không xuể. Hành tung của Thọ vô cùng bí ẩn, thoáng hiện, thoáng biến khó lường.

Trong thời loạn lạc, bóng đêm là thế giới của ma quỷ và tội ác. Khi mặt trời vừa tắt, Thọ nương theo khí âm trở về, xuất hiện dưới một bóng dáng oai hùng lẫm liệt. Hông trái với gươm dài, hông phải súng ngắn, trang bị theo cấp chỉ huy của quân đội xứ Phù Tang. Gươm ra khỏi vỏ là phải có máu. Thọ xuất hiện như tử thần, đi đến đâu là có đổ máu đến đó. Giết người trong chớp mắt mà không nháy mắt.

Cắt cổ, chặt đầu, mổ bụng dồn trấu và cho đi mò tôm là sở trường thiện nghệ của Hoàng Thọ và của Việt Minh, trong khi thi hành mệnh lệnh của Nguyễn Bình và Trần Văn Giàu (bí thư xứ ủy Nam Kỳ, chủ tịch Ủy Ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ).

Khúc sông Vàm Cỏ Đông chảy qua 2 quận Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ, là mồ chôn những nạn nhân của Việt Minh và nạn nhân của bọn thực dân Pháp.

Người dân sống hai bên bờ sông, cứ vài ngày thì thấy một “thây ma chết sình” gọi là “chà chổng” nổi lình bình trên mặt nước.

Nhìn vào vết tích của thi thể thì biết ngay thủ phạm là ai, VM hay là Tây sát hại. Tây thì trói thúc ké, đưa ra cầu Vên Vên, bắn xong hất xác xuống sông. Việt Minh thì không phí đạn, cắt cổ hay đập đầu.

Việt Minh đã tấn công vào Tòa Thánh Tây Ninh, lực lượng bảo vệ do Trịnh Minh Thế chỉ huy, bị thất bại, nên một trung đội VM đã hạ sát đàn bà, trẻ em tại các nhà dân cách Tòa Thánh 100m.

4.5. Trận đánh cuối cùng kết thúc cuộc đời binh nghiệp của
Hoàng Thọ

Hoàng Thọ còn có biệt tài đánh trận. Nổi tiếng gan lì, từng gây tổn thất lớn lao cho bọn thực dân Pháp. Hoàng Thọ được trung tướng Nguyễn Bình phong chức Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn ba lẻ ba (303), thuộc khu 7, miền Đông.

Tiểu xảo phô trương lực lượng

Vào đêm tối trời. Thọ cho quân di chuyển chung quanh làng. Cũng bao nhiêu quân đó mà cứ tiếp tục đi vòng quanh làng từ đầu hôm đến sáng. Từ đầu trên xóm dưới, chó sủa suốt đêm, kết hợp với tuyên truyền, dân chúng tin rằng “Đạo quân ông Thọ” lên tới hàng ngàn người.

Trận đánh cuối cùng

Hoàng Thọ mê chuyện Tàu, khoái nhân vật Hạng Võ, chủ trương quân cần tinh, không cần đông, hành quân thần tốc, dàn quân theo thế tử chiến, phía trước là địch quân, phía sau là chướng ngại vật không còn đường rút lui, như sông ngòi chẳng hạn, buộc binh sĩ chỉ có con đường là “cầm gươm ôm súng xông tới”, tìm chiến thắng và sự sống trong cái chết.

Tiểu đoàn ba lẻ ba thường phục kích các đoàn công voa tiếp tế của Pháp theo chiến thuật như thế, và đã đạt được thắng lợi, thu hoạch được nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng. Nhiều lần lập được công lớn. Nguyễn Bình hài lòng và thương mến.

Trong đời cầm binh, Thọ chỉ thất bại có một lần duy nhất, và cũng là báo hiệu chấm dứt cuộc đời của Hoàng Thọ.

Theo chiến thuật cũ, Thọ đưa quân về Vên Vên Trà Võ, phục kích đoàn xe tiếp tế của Pháp.

Nửa đêm, quân của tiểu đoàn ba lẻ ba đào hố cá nhân, ngụy trang độn thổ. Phía sau là sông Vàm Cỏ Đông, phía trước, bên kia con lộ là rừng cao su bạt ngàn, chạy về tới Cầu Khởi, tiếp giáp với chiến khu Bời Lời.

Lúc 10 giờ sáng. Ba chiếc ôtô blindé (xe bọc sắt) mở đường vừa qua khỏi, thì đoàn công voa trờ tới. Thọ chờ cho cả đoàn xe lọt trọn vào ổ phục kích, liền nổ súng khai hỏa. Quân lính từ hố cá nhân tràn lên, giáo mác, súng mút cà tông (Mousqueton: súng trường, còn gọi là “quảnh tầm sào”, vì dài như cây sào) xung phong ào ạt, khí thế mãnh liệt như chẽ tre. Nhiều xe bị cháy, nhiều chiếc lật xuống bên kia lề đường. Quân tiểu đoàn 303 làm chủ tình thế.

Bỗng nhiên, từ trong rừng cao su trước mặt, bọn lính Lê Dương xuất hiện, tấn công mãnh liệt, vũ khí tự động như mi trai dết, tôm song (Thompson), đã đè bẹp giáo mác và “quảnh tầm sào” bắn từng phát một với hộp đạn 5 viên.

Tiểu đoàn Hoàng Thọ thất thế, không có đường rút lui, mà phía trước là hoả lực mạnh mẽ của Lê Dương, nên phải đánh cận chiến. Cảnh hỗn loạn xảy ra. Đội hình tan rả, hệ thống chỉ huy không còn, mạnh ai nấy đánh và tìm đường thoát thân. Tiếng la hét, súng liên thanh nổ dòn, những cây thịt ngã xuống. Trong cảnh hỗn loạn, không ai thấy Hoàng Thọ đâu nữa.

Mưu mô, xảo trí và nhanh nhẹn như con sóc, không ai biết Hoàng Thọ thoát thân bằng cách nào. Chuồn về mật khu Bời Lời, kiểm điểm quân số, thì dưới tay Hoàng Thọ chỉ còn lại hơn 30 mạng, và gần 120 bỏ xác tại chiến trường.

“Thói quen trong chiến thuật” đại kỵ đối với người cầm binh, không biết Hoàng Thọ có hiểu ra cái lý lẻ đó không? Chỉ có một bài bản, xử dụng tới lui, xào qua, nấu lại, thì  “đi đêm có ngày gặp ma”.

4.6. Hoàng Thọ giết đảng viên Năm Chiếu

Sau thất bại chua cay, Hoàng Thọ nghi ngờ có gián điệp nằm vùng làm nội tuyến. Người mà Hoàng Thọ chiếu tướng là Lê Minh Chiếu, tự Năm Chiếu.

Năm Chiếu là tay chân thân tín của Nguyễn Bình hoạt động nội thành, thường ra vào mật khu để báo cáo và nhận chỉ thị.

Hoàng Thọ cho người phục kích bắt Năm Chiếu trên đường trở về thành, đem đến cái lều hoang giữa rẫy bắp ở ven rừng.

Thọ mình trần, ngồi trên chõng tre dõng dạc hỏi tội Năm Chiếu. Năm Chiếu mặc đồ đen, khăn rằn quấn cổ, mặt không hể đổi sắc:

- Loạn rồi! ông biết tôi là ai không mà dám nói thế?

- Mầy là thằng điềm chỉ cho Tây.

- Ông không đủ tư cách để nói câu đó! Năm Chiếu cười mỉa.

- Tao đập đầu mầy như đập một con chó phản bội, Thọ gầm lên. Nói xong, Thọ ra lệnh trói Năm Chiếu lại và dẫn đi.

Năm Chiếu quay lại nói: “Anh em có mặt ở đây xin báo cáo việc nầy lên đồng chí Nguyễn Bình”. Hoàng Thọ xô Năm Chiếu chúi nhủi về phía trước và nói: “Nguyễn Bình không cứu nổi mầy đâu”. Thọ dẫn Năm Chiếu đến cái giếng lạn ven rừng, đưa khúc gỗ đập mạnh vào ót và đạp xác xuống giếng.

Khi Hoàng Thọ trở lại lều, có người nói: “Năm Chiếu là đảng viên đó”. Thọ vung tay bất cần: “Đảng cái con buồi tao!”

Ít lâu sau đó, Hoàng Thọ được gọi về gặp Nguyễn Bình.

- Sao giết Năm Chiếu? Nguyễn Bình hỏi.

- Hắn là gián điệp cho Tây.

- Hồ đồ! Năm Chiếu là người của Đảng, chú dám tự tiện ra tay, không cần chỉ thị cấp trên. Chú đương là đối tượng được đề nghị kết nạp, nhưng vô kỷ luật không còn xứng đáng nữa!.

Thọ quen thói du côn, coi trời bằng vung, không biết sợ là gì: “Thọ nầy đi kháng chiến vì dân vì nước, không cần Đảng. Đảng chỉ là bọn bè phái bênh vực cho nhau”. Lời vừa ra khỏi miệng, Thọ biết đã lỡ lời.

Nguyễn Bình cười nhạt, đuổi Thọ ra ngoài chờ chỉ thị.

Hoàng Thọ được chỉ thị ra Trung Ương nhận công tác mới. Con cáo tinh ranh biết được đường ra Bắc là đường không có điểm đến, đó là con đường chỉ có cửa tử, mà Thọ cũng đã nhiều lần đẩy người khác trên con đường đó vào cõi chết.

Nhớ lại vụ Kiều Đắc Thắng, một hung thần đã từng thi hành những bản án “Việt Gian”, Phản Động” mà Trần Văn Giàu và Nguyễn Bình kết tội. Kiều Đắc Thắng đã ám sát ông Phan Văn Hùm tại quê của ông là Bún, Lái Thiêu vào tháng 10 năm 1945. Về sau, thấy Thắng quyền hành quá lớn, muốn vượt qua mặt Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn) nên Nguyễn Bình đã gởi Kiều Đức Thắng “ra gặp bác Hồ”. Kiều Đắc Thắng được đổi tên là Vũ Tùy Nhàn, rồi người bị giết trên đường đi là Vũ Tùy Nhàn nên không gây xôn xao trong ba quân.

Thọ rời kháng chiến, đi biệt tích, xem như cái tên Hoàng Thọ không còn tồn tại trên đời nầy nữa.

Một năm sau.

Có một người khách từ miền Bắc đến Mỹ An. Khách nói năng hoạt bác, sành đời. Khách mở một quán lá bên đường, ven bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, làm kế sinh nhai. Người dân Đồng Tháp Mười gọi chủ quán là ông Bắc Kỳ.

Một năm sau nữa.

Có một người khách lỡ đường, ghé quán ông Bắc Kỳ xin trọ qua đêm. Trời chiều. Con kinh chạy dài hai bên bờ dừa nước mênh mông vắng lặng. Chủ khách nói chuyện tâm đắc bên ly rượu nồng.

Khách nhận xét chủ quán, ông có phong cách của người chỉ huy quân sự, ăn nói lớp lang, rành mạch, dứt khoát rõ ràng, đâu ra đó.

Ông Bắc Kỳ cười, đáp: “Lấy hình tướng để xét thực tướng là cái sai nhất của người đời”.

Ông khách đáp: “Ở đời, thực giả lẫn lộn nhau, qua cái giả để nhận ra cái thật, qua hiện tượng để nhận ra bản chất”.

Nửa đêm hôm ấy, ông Bắc Kỳ chủ quán bị bắt đem đến kinh 12, Đồng Tháp Mười. Ông khách nửa đùa nửa thật: “Năm Chiếu ở Suối vàng gởi lời thăm Hoàng Thọ và nhắn xuống dưới chơi.”

- Mầy là ai? Ông Bắc Kỳ hỏi.

- Tôi là bạn của Năm Chiến, được chỉ thị của đồng chí Nguyễn Bình đi tìm Hoàng Thọ bấy lâu nay.

Biết cuộc đời chấm dứt, Hoàng Thọ lớn tiếng chửi Đảng, tàu xà lúp chở không hết.

Thọ bị đập đầu ngã xuống đất, cơ thể co giật như thằn lằn đứt đuôi, địt tèn tẹt, cứt già cứt non bắn ra ướt cả đáy quần.

Ông khách cho lịnh phá nát khuôn mặt Hoàng Thọ để không còn ai nhận ra được danh tánh, và Đảng đã đứng ngoài việc thanh toán cựu công thần nầy.

Chuyến đi nầy thật sự không còn Hoàng Thọ trên đời nầy nữa. Nợ máu phải trả bằng máu.

5. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bình

5.1. Tóm tắt tiểu sử

Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1906 tại xã Tịnh Tiến, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Năm 11 tuổi về ở với người anh cả làm công chức ở Hải Phòng. Năm 17 tuổi thôi học năm thứ hai trung học, sau đó làm thủy thủ trên chiếc tàu Pélican của hảng Messagenés Maritimes chạy tuyến Sài Gòn-Marseille (Pháp). Sau đó, bỏ tàu, về sống ở Khánh Hội.

5.2. Kết nghĩa anh em với tướng cướp Sơn Vương

Phương Thảo có máu giang hồ, thích phiêu lưu mạo hiểm nên kết nghĩa anh em với nhà văn-tướng cướp Sơn Vương, Trương Văn Thoại. Tham gia vụ cướp tiền của tên Tây René Gaillard, phó giám đốc đồn điền cao su Mimot, Cam Bốt, giáp ranh với Tây Ninh, thu được số tiền 50 ngàn đồng. Phương Thảo mở tiệm giặt ủi Thảo Sơn ở ĐaKao. Sau vụ cướp, Sơn Vương bị đi tù Côn Đảo.

5.2. Nguyễn Phương Thảo gia nhập Việt Nam Quốc Dân đảng

Phương Thảo kết bạn với nhà báo Trần Huy Liệu và được Liệu móc nối vào Việt Nam Quốc Dân đảng. Sau vụ khởi nghĩa thất bại ở Yên Bái, VNQDĐ bị phân tán. Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo bị bắt, án tù 5 năm, đày đi Côn Đảo. Trong tù, Trần Huy Liệu được tù CS móc nối nên có khuynh hướng CS. Vì thế, tù VNQDĐ lên án tử hình và cắt cổ, nhưng Trần Huy Liệu thoát chết. Phương Thảo bị móc một mắt bằng bàn chải đánh răng mài nhọn. “Bị mất con mắt trái bởi đồng đảng, nhưng Phương Thảo như sáng ra, nhận thấy việc tham gia VNQDĐ là sai lầm, chủ nghĩa tam dân chỉ là lý thuyết suông”.

Từ đó, kinh nghiệm sống dựa trên nguyên tắc “Đánh lưỡi 7 lần trước khi nói”, “động não 7 lần trước khi quyết định tham gia đảng chính trị”. Vì thế, sau khi mãn tù về Hải Phòng, Phương Thảo đã từ chối đề nghị  của Trần Huy Liệu, quyết không vào đảng Cộng Sản.

5.3. Nguyễn Bình lập căn cứ chống Pháp

Năm 1936, khi mãn hạn tù, bị trục xuất về nguyên quán Hải Phòng, Phương Thảo tuyên bố ly khai VNQDĐ, đổi tên thành Nguyễn Bình và cũng quyết định không vào đảng CSVN. Nguyễn Bình lập căn cứ Đông Triều chống Pháp, uy thế  gia tăng. Theo Việt Minh sau cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tháng 12 năm 1945, Hồ Chí Minh cử Nguyễn Bình vào Nam Bộ.

Năm 1948 được kết nạp vào đảng CSVN. Ngày 29-9-1951, bị Tây phục kích giết chết trên đường ra Việt Bắc.

6. Những trang nhật ký cuối cùng

Ngày 26-7-1951, khi được lịnh ra Bắc, Nguyễn Bình cùng 22 nhân viên khởi hành từ Tân Uyên qua Cam Bốt để ra Bắc. Nhật ký của Nguyễn Bình viết:

“Đi từ Sốcky đến Suối Đá, rồi từ đó đi Tà Nốt, tôi phải nằm trên xe bò vì bịnh ngày càng nặng. Bác sĩ ở Cam Bốt cho biết, phải tạm nghỉ 2 tháng nếu không muốn ngã quỵ trên đường đi. Tôi nghĩ, phải nghỉ 2 tháng, rồi đến 3 tháng mùa mưa nữa mới tới TW ở Việt Bắc thì không thể được, vì một năm không hoạt động trong tình hình kháng chiến ác liệt, nên tôi quyết định ra đi. 80% đoàn bị sốt rét, 4 chiếc xe bò chở không hết. Gạo sắp hết. Giữa đường xe bò bị gãy trục là một điềm xấu.

Ngày 21-9-1951, tất cả đều bịnh, tôi phải vào bếp nấu cơm cho cả đoàn. Hai trinh sát viên đi liên lạc có thể đã bị bắt cho nên các đồng chí ở Nackor đã không hay biết gì đến chúng tôi.

Ngày 23 tháng 9, tôi quyết định thay đổi lộ trình để tránh gặp địch. Ngày 24, không còn gì ăn. Ngày 25, 26, 27 anh em câu được vài con cá đem nấu canh me.

Ngày 29-9-1951, sáng ra, cho người đi mua khoai sắn nhưng không có.”

Trưa ngày 29-9-1951, trung tướng Nguyễn Bình bị phục kích và hy sinh. Nhật ký chấm dứt.

8. Tại sao Cộng Sản giết Nguyễn Bình

Đây là một âm mưu giết hại “công thần” cho nên được xếp vào loại tuyệt mật.

8.1. Phái đoàn Nam Bộ ra Bắc báo cáo tình hình

Năm 1948, một phái đoàn Nam Bộ do Trần Văn Trà hướng dẫn ra Bắc báo cáo tình hình kháng chiến Nam Bộ. Nguyễn Bình cử người thân tín là Lương Văn Nho tháp tùng, và căn dặn, sau khi báo cáo phải xin phép về miền Nam liền. Thế nhưng, khi Nho xin phép, thì Võ Nguyên Giáp yêu cầu ở lại làm bản “đánh giá công tác vận động giang hồ tham gia kháng chiến”. Bản đánh giá được xem như bằng chứng mà Nguyễn Bình đã xử dụng đám lưu manh, đầu trộm đuôi cướp vào cuộc kháng chiến và đã phá hoại uy tín của Đảng, tạo lý do khai trừ.

Sau khi viết xong bản đánh giá, Lương Văn Nho cũng không được về Nam Bộ, mà được cử đi học ở Liên Xô.

8.2. Thành lập lực lượng chỉ đạo kháng chiến Nam Bộ

Thay ngựa giữa dòng

Sau khi nghe Trần Văn Trà báo cáo tình hình, thì đảng thành lập ban chỉ đạo kháng chiến Nam Bộ do Lê Đức Thọ lãnh đạo với sự tham dự của tướng Lê Hiếu Mai, Minh Đạo và đầy đủ thành phần các ban bệ như tình báo, chính trị, các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ… Lực lượng chỉ đạo nầy vào Nam thay thế Nguyễn Bình.

Đồng thời, Nguyễn Bình được triệu hồi ra Bắc. Nói cụ thể là loại trừ Nguyễn Bình, là người đã hết vai trò xử dụng. Thay ngựa giữa dòng.

8.3. Giả thuyết về những biện pháp loại trừ Nguyễn Bình

- Có ý kiến cho rằng Hồ Chí Minh chỉ muốn đưa Nguyễn Bình ra Bắc còn sống, nghĩa là không chận giết dọc đường.

- Cũng có ý kiến cho rằng Trung Ương đã mật báo cho Tây biết lộ trình của Nguyễn Bình để mượn dao giết người, ném đá giấu tay.

- Một ý kiến khác cho rằng Mao Trạch Đông yêu cầu Hồ Chí Minh cải tổ đảng, loại trừ những thành phần trước kia là đảng viên các đảng chính trị khác, như Nguyễn Bình đã từng là đảng viên VNQDĐ, lý do nầy không vững, vì Trần Huy Liệu trước kia cũng là đảng viên VNQDĐ, nhưng không bị khai trừ.

Nói chung, Nguyễn Bình đã chết dưới tay của đảng CSVN.

9. Kết

Nguyễn Bình đã giết đồng đội của mình là Ba Nhỏ, Hoàng Thọ, Kiều Đắc Thắng và tới phiên hắn, cũng bị các đồng chí Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp diệt trừ. Đó là điển hình của tình đồng chí Cộng Sản và những bản án tử hình.

Và đó cũng là truyền thống của các đảng Cộng Sản thế giới. Đứng đầu là Staline của đảng Cộng Sản ở Nga. Người mà Tố Hữu của đảng Cộng Sản VN ca ngợi và noi gương:

“Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xích Ta Lin bất diệt!” (Tố Hữu)

Chỉ trong 2 năm 1937 và 1938, Staline đã cho xử bắn 1,548,367 người, tính ra trung bình có 1,000 người bị giết mỗi ngày.

14 trong 15 đồng chí Bolshevik (trừ Staline ra) bị xử bắn và thủ tiêu.

3 trong 5 nguyên soái bị tử hình. 3 trong 5 Tổng tư lịnh QĐ bị tử hình. 10 Phó tư lịnh bị tử hình. 57 trong 85 tư lịnh quân đoàn bị tử hình. 110 trong 195 tư lịnh sư đoàn bị tử hình.

Ở Trung Cộng, Mao Trạch Đông đã giết những đồng chí thân cận nhất của hắn, như Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu…

Cộng Sản VN thì nhẹ nhàng và kín đáo hơn. Vụ 7 tướng lãnh trong đó có tướng Đào Trọng Lịch bị chết tai nạn trong chuyến bay công tác sang Lào. Đoàn cán bộ cao cấp quân đội chết nạn trong chuyến bay thăm đảo Sơn Trà. Cái chết đột tử của 2 đại tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn. Hoàng Văn Hoan phải đào tẩu mới sống sót.

Khi gọi nhau bằng “đồng chí” trong các câu chuyện đối đáp nhau thì báo hiệu là sẽ có vấn đề sanh tử, và đồng chí đi liền với đồng rận. Chí và rận cùng loại như nhau.

Trúc Giang
Minnesota ngày 13-7-2012
Nguồn: http://www.vietbao.com/D_1-2_2-349_4-194670_5-50_6-1_17-182713_14-2_15-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét