Người theo dõi

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Chủ-Nghĩa NHÂN-VỊ:

Chủ-Nghĩa NHÂN-VỊ:
Con Đường Mới, Con Đường của Tiến Bộ?
Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn
Viết cho ngày giỗ 2007 
Ông Ngô-Đình-Diệm đã đi vào lịch-sử Việt-nam với tư-cách là vị Tổng-Thống dân-cử đầu-tiên của nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa.  Một nhà lãnh đạo với một viễn-kiến rõ rệt và độc-đáo về một mô-hình phát-triển xã-hội Việt-nam thời hậu thuộc-địa.  Trong một bài điểm sách, Giáo-sư Sử-gia Edward Miller viết: 
“Ngô Đình Diệm là một người có hoài bão.  Với tư cách là người lãnh đạo miền Nam từ 1954 đến 1963, Diệm mong muốn trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu trong việc xây dựng chính quyền quốc-gia, Ông cương quyết tìm ra một đường lối khác biệt với con đường mà Hồ Chí minh và Đảng Cộng-Sản Việt-nam đang theo đuổi.”  (2003) 



Và Sử gia Henry Fairbanks đã tóm tắt sự thật lịch sử này bằng lời lẽ khách quan, trong một bài báo tưạ đề “The Enigma of Ngô Đình Diệm”, được đăng trong tờ Commonweal, như sau:
“Ông Diệm tìm kiếm và khôi phục laị những giá-trị cổ-truyền làm nền tảng cho giaỉ-pháp canh tân xứ sở trong khi đó những người khác laị đi tìm những học thuyết ngoaị lai. . . .Dù sao đi nữa, Ông ta vẫn là một người có cái nhìn sâu sắc về tương lai.  Cả thế giới này đều yêu mến các chiến-sĩ dũng cảm và ai ai cũng phải nể trọng những kẻ đeo đuổi một lý-tưởng cao cả nào đó.  Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà-nước được xây dựng trên những giá-trị cổ-truyền tốt đẹp nhất của Á-châu và Tây-phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền-lơị chung và tôn trọng nhân-phẩm.  Ông Diệm cho rằng Xã-Hội Chủ-nghiã và Tư-bản Chủ-nghiã đều là những học-thuyết cực-đoan cần có một hình-thức trung-gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá-trị ưu-tú nhất của cả hai để phục vụ cho lơị ích chung: công bằng đối với người này là tự-do của kẻ khác, cũng như loaị bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ-nghiã cá-nhân.” (21-9-1962, tr.516) 
Và trong buổi lễ nhậm chức Thủ-tướng vào tháng Bảy năm 1954, với lời lẽ tràn đầy hy vọng Ông Ngô-Đình-Diệm đã long-trọng xác-nhận và trấn an dân chúng:
“Dân-tộc Việt-Nam đã bị lạm-dụng từ lâu, nay đang tìm lối đi, một đường lối chắc-chắn dẫn họ đạt tới những lý-tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu.  Tôi cương quyết vạch đường lối ấy cho dân-tộc, bất chấp moị chông gai gian-khổ.” (1955, Q.I, Tr.11)
Viễn-kiến ấy, đường lối ấy, chính là con đường Nhân-Vị, là chủ-thuyết chính-trị đã khai sanh ra nền Cộng-Hoà 1955-1963 taị Miền Nam Việt-nam và là kim-chỉ-nam hướng dẫn cuộc cách-mạng quốc-gia, phát-triển đất nước.  Tuy Chủ-thuyết Nhân-vị đã trực-tiếp ảnh hưởng đến sự an-nguy của hàng chục triệu người, nhưng mãi đến nay vẫn chưa được lịch-sử đánh-gía đúng-mức vai-trò của nó.  Bài viết này sẽ dành riêng cho việc tìm hiểu về Chủ-Nghĩa Nhân-Vị như là một vấn đề lịch-sử còn tồn đọng của thế-kỷ vừa qua.


I-Chủ-Nghiã Nhân-Vị
1- Chủ-nghĩa Nhân-vị là gì?

Theo Hán-Việt Tự Điển của Đào-Duy-Anh thì NHÂN () là Người NHÂN () còn có nghiã là lòng thương người, tình-yêu (tr.60); VỊ có nghiã là điạ-vị, hay chỗ đứng (tr. 547).  Theo Hán-Việt Tự Điển của Thiều-Chửu thì NHÂN () có nghiã là giống khôn nhất động vật (tr.14) và NHÂN () có nghiã là cái đạo-lý làm người phải thế mới goị là người.  Còn có nghiã là yêu người không vì lơị riêng của mình thì mới goị là NHÂN (tr.5). Vị () là người có cái vị-trí của họ (tr.20).  Hai chữ này hợp laị để diễn tả ý-tưởng: Vị-trí, phẩm giá và trách nhiệm của con người trong cộng đồng nhân loaị và trong vũ-trụ. 
Chữ NHÂN trong Khổng-học, ngoài ý-nghĩa trên còn mang một bản chất siêu nhiên, “Nhân linh ư vạn vật”, nghiã là con người linh thiêng hơn hết mọi loài và là nền tảng cho mọi sự trong vũ-trụ. Con người khác với con vật ở chỗ biết suy-tư, tức là có một đời sống tâm-linh, lại còn có một đời sống vật chất biết hành động.  Hai yếu tố tinh thần và vật-chất đối nghịch này lại cùng tồn taị và phát triển như là một thực thể duy nhất. Đấy là sự huyền diệu của bản chất con người.
Ngoài ra giá-trị con người còn nằm ở khả năng của ý-chí dung hoà được những mâu thuẫn nội tại và bên ngoài. Ví dụ, mâu thuẫn giữa ý-chí và đam mê hay giữa thiện và ác.  Ý-chí và tình yêu đều mang bản chất tự nguyện.  Muốn hành động xấu hay tốt, yêu hay ghét là hoàn toàn do ý-chí tự-nguyện của con người: “Cái việc vi nhân đó không phải nhờ cậy ai đâu: tính nhân trời phú cho mình, đức nhân ở sẵn trong lòng mình, bây gìơ làm cho hết công việc nhân cũng chỉ bởi tự mình làm lấy, há phải ở người ngoài nữa rư?”  Nói một cách đơn-giản, nếu những gía-trị nhân-bản và vị-trí cao-qúy của con người này mà không được tác-động, không có cơ-hội hoặc môi-trường thuận-lợi để phát-triển thì chúng chỉ là những gía-trị, những ý-niệm tĩnh (chết), là những lý-thuyết suông, không giúp-ích gì cho con người và xã-hội.  Cho nên Khổng-Tử chủ-trương muốn thành NHÂN (động) tức là đạt đến những gía-trị và vị-trí cao-qúy này, mỗi người phải lấy tu-thân làm đầu: “Tu thân -- Tề-gia -- Trị-quốc – Bình thiên-hạ”. 
Trong sách Luận-Ngữ Khổng-Tử dậy:
“Trừng trị hết cái bệnh tư-dục của mình là khắc-kỷ, hồi phục được chân-lý của Trời là phục-lễ thế là NHÂN [khắc-kỷ phục-lễ vi nhân]... Hễ một mai khắc được kỷ, phục được lễ, công phu làm Nhân đã hoàn toàn, đức nhân ở trong mình đã thạnh vượng thời ảnh-hưởng vì đức nhân mình mà truyền bá được rất xa, chắc thiên-hạ đều quy hướng vào nhân cả thảy [nhất nhật khắc kỷ phục lễ thiên-hạ quy nhân yên]. (P.B.Châu, tr.35)  
Những người đã dầy công-phu“khắc được kỷ phục được lễ”, đều là những bậc chính-nhân quân-tử, được đáng được suy-tôn là “chí-sĩ”.  Khổng-Tử nói:
“Hễ gọi bằng người “sĩ” có “chí”, chẳng phải người gì lạ đâu, cũng chỉ là người có đức nhân mà thôi.  Làm trọn vẹn được đức nhân mới gọi là chí-sĩ.  Những bậc người ấy, một đời người từ thỉ chí chung, chỉ đặt cái chí mình trên chữ NHÂN: “Đời mình sống với nhân, đời mình chết cũng chết vì nhân; nếu chẳng may mà gặp lấy hoàn cảnh xấu, mà thân mình không thể sống được thời âu là giữ lấy chữ “nhân” cho trọn vẹn cái chí của mình, chứ không cầu sự sống mà vì nó làm hại đức nhân.  Khi sự thế đáo đầu, phải xem “nhân” hơn sự sống, nên có lúc giết cái thân mình, để vì nó mà hoàn thành được đức nhân. [Chí-sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân].” (Phan-Bội- Châu, Khổng Học Đăng, tr. 32)


Hai anh em Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu đã sát-nhập hai học thuyết NHÂN và VỊ này của Nho-Giáo rồi hệ-thống-hóa các tư-tưởng nhân-bản này lại thành một chủ thuyết chính-trị, lấy tên là Chủ-Nghĩa Nhân-Vị.  Trong ngày kỷ niệm sinh-nhật của Đức Khổng-Tử, Ông Ngô-Đình-Diệm đã long-trọng một lần nữa xác nhận rằng NHÂN  VỊ chính là hai học thuyết của Nho-Giáo (1958, Q.4, tr.97).  Và Ông còn lập laị lời của thầy Mạnh-Tử: “Hãy sống (động) theo Nhân và hành động theo Nghiã thì đó là một đời sống có đầy đủ ý-nghiã rồi.” Vì thế, cứ dưạ vào Nhân-nghiã và điạ-Vị để mà hành động, chúng ta không còn phải lo sợ lỗi lầm gì nữa (1958, Q.4, tr.99).  Ông Ngô-Đình-Nhu đã đặt con người riêng rẽ vào trong cộng-đồng của con người, khung cảnh xã-hội của nó, để phác họa vai-trò của cơ-quan công-quyền trong giải-pháp Nhân-Vị như sau:
“Lý-thuyết về một Xã-Hội Nhân-Vị gồm hai nguyên-tắc căn bản: Tôn-trọng phẩm-gía con người và thiết-lập một hệ-thống những quyền-lợi chung của cộng-đồng; Giải-pháp để giải-quyết các vấn đề xã-hội nằm ở chỗ thực hiện được tình-trạng quân-bình giữa những nhu-cầu căn-bản của cá-nhân và quyền-lợi của cộng-đồng mà cá-nhân ấy là một thành-phần.”(1952, Lược-Đồ Cải-Tạo Xã-Hội)   
Nguyên-tắc thứ nhất chính là mặt tĩnh của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị.  Nguyên tắc thứ hai mới là phần động, phần tích cực của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị: Một chính-quyền muốn phục-vụ cho lợi-ích căn bản của con người, có trách-nhiệm tạo cơ-hội và điều-kiện thuận lợi để con người được tự do phát-triển (tu-thân) và phải thực hiện cho được tình-trạng quân-bình giữa các nhu-cầu căn-bản của cá-nhân và cộng-đồng.  Ví-dụ như hiến-pháp quy-định mọi người đều có các quyền tự-do căn bản nhưng chính-quyền không làm gì để những quyền này được thực hiện, thì các quyền tự-do căn bản này cũng chỉ là những ý niệm xuông.  Hiến-pháp chỉ là tờ giấy nháp!

Tóm lại khi nói Chủ-Nghĩa Nhân-Vị mang một ý nghiã nhân bản, phải hiểu là nó bao gồm đầy đủ bản chất của con người (phần tĩnh [static]) và ý-chí (phần động [dynamic]) như vừa trình bầy.  Và quan-niệm “Cộng-đồng Nhân-Vị” diễn tả “một tập hợp những con người () có đạo lý làm người của chữ NHÂN (), trong đó phẩm-giá của mỗi con người được thực sự tôn trọng một cách tự nguyện.  Có thể nói Cộng-đồng nhân-vị tương đương với “xã-hôị dân sự” (civil society), một quan niệm được các lý-thuyết gia dân-chủ học của Tây-phương đem vào xử dụng hồi cuối thế kỷ hai mươi. 
2- Căn-bản Triết-học của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Nền tảng triết-học của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là các gía-trị nhân-bản của Nho-Giáo.   
Khổng-học lúc đầu, chú trọng đến việc thiết lập một hệ-thống luân-lý thực tiễn cho các sinh hoạt xã-hôị hơn là đề-xướng một triết-học nhận-thức hoặc một tôn-giáo.  Mãi đến khi về già, Khổng-Tử mới lấy Kinh Dịch làm căn bản triết-học cho một đạo sống thực tiễn.  Ông cho rằng cội rễ của vạn vật là do một thực-taị tuyệt-đối có những tánh chất tương-tự như Đạo của họ Lão.  Thực taị tuyệt đối đó được mệnh danh làThái-Cực (the Absolute).  Nhưng trong cái trạng thái im-lìm và thuần nhất của Thái-Cực, tự nó đã chứa sẵn bên trong hai nguyên động-lực tương-sinh tương-khắc gọi là Lưỡng Nghi: Đó là Âm (negative) và Dương (positive).  Hai nguyên-tắc Âm và Dương đó tương-sinh tương-khắc lẫn nhau để sinh ra Tứ-Tượng (4 seasons) rồi cứ tiếp tục phân hóa như thế thành muôn vàn hiện tượng của vũ-trụ này.  Đó là quan-niệm của Nho-giáo về cách thức và lịch-trình hiện-tượng hóa (hay còn goị là Dịch-hóa).  Kinh Dịch đã dần dần kết tập sự chuyển hoá Âm Dương thành 64 quẻ, mỗi quẻ tượng trưng cho một trạng thái tương quan giữa TRƠÌ, ĐẤT và NGƯỜI.  Tương quan này biểu hiện sự hòa-đồng Tiểu-Ngã con người với Đaị-Ngã của Vũ-trụ hay còn goị là lý-tưởng THÁI-HÒA (vừa tĩnh vừa động). Cho nên Khổng-học đưa ra thuyết “Thiên, Nhân, tương dữ” (Trời, Người, như nhau) làm quan-niệm căn bản.

Đến đầu thế-kỷ 20 thì lý-tưởng hoà-đồng giữa con người với vũ-trụ của Nho-giáo đã được Triết-gia Kim-Định hệ-thống hóa trong học-thuyết Tam-Tài của Việt-Nho (khác với Hán Nho), xác định rõ giá-trị và vị-trí của con người.  Vũ-trụ-quan (cosmology) của Việt-Nho cho rằng trong vũ-trụ này có ba quyền lực lớn, có giá trị ngang nhau và cùng tồn taị với nhau. Vì thế Việt-Nho coi con người là một tiểu vũ trụ, là nơi hôị tụ của trời và đất. “VỊ” của con người là đứng giữa và ngang hàng với Trời và Đất.  Vị-trí này theo Cấu-Trúc-Luận của An-Vi là vị-trí THÁI-HÒA, thái-hòa giữa tinh-thần và vật-chất, giữa tình và lý, giữa hơn và kém, giữa đúng và sai, giữa quyền lợi cá-nhân và cộng-đồng, tức là giữa 2 đối cực. Ở vào vị-trí này con người đã đạt đến một tình-trạng quân-bình động, một tình trạng thuộc về tâm-linh.  Nhưng muốn đạt đến vị-trí Thái-Hòa, bản-thân mỗi người phải trải qua một tiến-tình tu-thân bền bỉ. Những người này đã khắc được kỷ phục được lễ, đã làm trọn vẹn đức NHÂN và Khổng-Tử gọi họ là “chí-sĩ”.  Vì thế, lý tưởng hòa đồng hay thái-hòa của Việt-Nho được triết-lý An-Vi xếp vào bậc cao nhất trong sử trình tâm thức con người.   
Tóm lại những gía-trị nhân-bản dùng làm căn bản xây-dựng Chủ-nghĩa Nhân-vị đều có một cơ-sở triết-học vững-chắc.  Ngoài ra Chủ-nghĩa Nhân-vị khi được hướng dẫn bởi lý tưởng Thái-Hòa, một sự kiện Tâm-Linh (heart-spirit) bao gồm hết các giai đọan phát triển nên mang tính toàn thể và thực dụng.  Thực-dụng vì nó bao gồm cả lý và tình, nên có khả năng huy động những nghị lực thâm sâu nhất của con người: Chủ-nghĩa Nhân-vị là một chủ-nghĩa hành-động.
3- Chủ-Nghĩa Nhân-Vị: Chủ-thuyết hành-động
 A-Chủ-Nghiã Nhân-Vị và công cuộc dân-chủ hóa Việt-nam
a-Cái nhìn của Nhân-Vị về mô-hình dân-chủ cổ-điển hay đại-nghị Tây-phương và dân-chủ tập-trung của Cộng-sản
Chủ-Nghiã Nhân-Vị cho rằng dân-chủ của Cộng-sản độc-tài chà-đạp nhân-phẩm con người, coi người như con vật.  Chủ-Nghiã Nhân-Vị cũng bác bỏ loại dân-chủ muốn đặt tư-bản phong-kiến trên tầng lớp cần-lao, và chủ-trương chế-độ thực-dân để bóc-lột những dân tộc nhược tiểu.(1955, Q.2, tr.104)  Theo Ông Diệm dân-chủ không thể đóng khung trong một số công thức và định lệ được đặt ra ở những thời đại khác, dưới những bầu trời khác.  Nhiều quốc-gia đã có lâu đời ở Tây-phương, phong-phú về mọi phương diện, cũng đã phải cải cách cơ-cấu của chế-độ dân chủ đaị-nghị mà họ đã áp-dụng từ trước. Có nhiều nước mới dành độc-lập chỉ vì vội vã chấp nhận những chế-độ dân-chủ đó mà bây giờ rơi vào tình trạng bế-tắc hỗn loạn. (1959, q. 5)  Khi trả lời Phóng-viên báo Malaya Mail về vấn đề dân-chủ-hóa Việt-nam, Ông Diệm lập luận rằng:
“Một mô thức dân-chủ nào đó không thành vấn đề tại các nước kém mở mang.  Điều đáng quan tâm là sự dung-hoà những phương pháp dân-chủ ấy với những sự đòi hỏi cấp bách để có thể nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng kém mở mang, nghiã là sự ngu-dốt, nạn đói kém, tật bệnh, ngoaị-xâm và nỗi nhục nhã do tất cả những nạn đó gây ra.  Nếu muốn thoát khỏi điều kiện thấp kém đó một cách mau lẹ chứ không phải trong hàng thế-kỷ, ta nhất định phải theo một lộ-trình cưỡng bách nào đó.  Vấn đề dân chủ nằm ngay ở điểm phaỉ đặt giới hạn cho lộ-trình cưỡng bách đó.” (19-02-1960) 
Theo Ông Ngô-Đình-Diệm, các mô-hình về dân-chủ chẳng qua chỉ là hình-thức, là lý-thuyết xuông (duy lý-niệm), sẽ không có thực dụng.  Cần phải dung hoà chúng với thực tại và một biện-pháp hoặc kỷ-luật tinh thần (yêu-chuộng công-ích chẳng hạn) đi kèm theo thì mới có thực nghiệm.  Hay nói theo An-vi các lý-thuyết này khởi đi từ “Ý” (ý-niệm) nên chỉ đến tới “TỪ” (lời nói xuông) và không đạt tới “Dụng” (thực hành) được.
b-Dân-Chủ Nhân-vị hay Dân-chủ thực-sự
Ông Diệm chủ trương Dân-chủ nhân-vị là một tình trạng tinh thần, một lối sống mà trong lối sống ấy con người thực sự biết tôn trọng nhân-phẩm của chính mình và của người khác.  Quan niệm này nhấn mạnh đến hai yếu tố (a) đặc tính văn-hóa cổ truyền của dân tộc”(1959, q.5) và (b) yếu tố con người: tinh thần sống đạo đức (phần động) phải có, của tầng lớp lãnh đạo cũng như các tầng lớp dân chúng.  Ông nói “Dân-chủ là một chế-độ đạo-đức chỉ phát triển nếu quan niệm Thiện-Ích Chung mỗi ngày mỗi ăn sâu-rộng trong Nhân-dân và Chánh-quyền.”  (1957, q.3, tr.12)  Và đạo-đức mà Ông Diệm nói ở đây chính là tinh thần yêu-chuộng công-ích, trọng danh-dự và thể-diện quốc-gia, đức liêm-khiết chính-trực; moị người cần phải rèn-luyện lại tinh thần hy-sinh, óc kỷ-luật, tinh-thần trách-nhiệm, sự nhã-nhặn trong giao-tế, tôn-trọng người và tôn trọng cả chính mình. Đó là những đức-tính được gói trọn trong hai chữ THÀNH và TÍN của Nho-giáo và mang một bản-chất tự-nguyện.  Phải tu-thân mới có được.  Đây chính là những nguyên tắc căn bản về nền dân chủ tương lai cho Việt-nam mà Ông Diệm đưa ra trước Quốc Hôị ngày 5-10-1959, nhằm hướng dẫn việc soạn thảo Hiến Pháp. Tuy nhiên những gía-trị tinh thần nói trên cũng khó mà xuất hiện khi con người còn đang phải nô-lệ miếng cơm manh áo.  Vì thế Chủ-nghĩa Nhân-Vị đã đưa ra một chiến lược dân chủ-hóa, một tổng-hợp các phương pháp dân-chủ nhằm phù hợp với hoàn cảnh Nam Việt-nam, một xã-hội hậu thuộc-địa và trong tình trạng chuẩn bị chiến-tranh với cộng-sản miền Bắc.
c-Chiến-lược dân-chủ-hoá Việt-nam của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Để thực-hành lý-thuyết dân-chủ nhân-vị, Chính-phủ của Ông Diệm đã phát-động
hai cuộc cách-mạng cùng một lúc, nhằm dung-hoà (Thái-Hòa) giữa lý-thuyết và thực-hành, giữa các phương-pháp dân-chủ và điều-kiện đặc-biệt của xứ-sở.  Tuy-nhiên, trọng điểm củachiến lược dân-chủ-hoá là từ dưới bùng lên.

* Cuộc cách mạng thứ nhất, xẩy ra trên thượng tầng cấu-trúc: chuyển đổi chế-độ quân-chủ sang chế-độ cộng-hoà.  Cuộc cách mạng không đổ máu này được phỏng theo các định-chế của chế-độ dân-chủ đaị-nghị ở các nước tự-do đàn anh.  Bắt đầu là một cuộc trưng cầu dân-ý (23 - 10 -1955), truất-phế cưụ-hoàng Bảo-Đaị và tín nhiệm Ông Diệm trong chức vị Quốc-trưởng. Sau đó một quốc-hôị lập-hiến được bầu ra để soạn-thảo Hiến-pháp.  Hiến-pháp trù liệu bầu ra một Tổng-Thống và quyền lực quốc-gia cũng được phân phối theo nguyên tắc phân quyền giữa hành-pháp, lập-pháp và tư-pháp. Nhưng đặc biệt là theo Tổng-thống-chế, Tổng-thống được giao-phó nhiều quyền lực nhằm mục đích thiết lập ra cái giới hạn cho một lộ-trình cưỡng bách với mục đích dung hòa các lý-thuyết dân-chủ với thực trạng của đất nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên tất cả chỉ là (dân-chủ) hình thức, mang nặng phần lý-thuyết và là “bước đầu để tiến tới công cuộc dân-chủ hoá các guồng máy quốc-gia.” Để giải thích thêm về sự chọn lựa này, Ông Ngô-Đình-Diệm kể lể với Higgins:
“Cô Higgins, Cô đã viếng thăm các làng quê Việt-nam.  Cô cũng đã từng nhìn thấy những người Thượng cầm cây lao và với những phong tục tập-quán đầy mê-tín dị-đoan.  Những người Chàm.  Những người Cao-đài. Những người Hoà-hảo.  Những làng mạc còn trong tình trạng sơ-khai, cai-trị bởi Ông Bà Tổ-Tiên, bởi những ngươì đã chết - đấy cũng là tình trạng ở hầu hết các nơi khác của Việt-nam.  Cô nói cho tôi biết, cô Higgins, một nền dân-chủ đaị-nghị có ý-nghiã gì đối với họ trong khi ngôn-ngữ của họ chưa có ngôn từ để diễn tả từ-ngữ chính-trị này?”(Tr.166) 
Tình-trạng thấp kém này buộc Chánh-quyền dân-chủ nhân-vị phaỉ đặt giới hạn cho một lộ-trình cưỡng bách, giới hạn về cơ-cấu (không phải về tinh-thần dân-chủ), để dung-hoà những phương-pháp dân-chủ với tình trạng kém phát triển của đất nước. Để phục vụ con người của một xã-hội lạc hậu, mô-hình dân-chủ nhân-vị không thể đóng khung trong những mô-thức dân-chủ của Tây-phương với một xã-hội đã ổn định và có một đời sống vật chất cao.  Ấy là chưa kể đến mô-thức dân-chủ tập-trung của Cộng-sản chà đạp nhân-phẩm con người và dân-chủ đại-nghị Tây-phương laị đặt lơị-ích tư-bản trên tầng lớp cần-lao.  Ngoài ra đây là một sự chọn lựa cần thiết để xoa dịu những đòi hỏi phải thực hiện dân-chủ đại-nghị kiểu Tây-phương của trí-thức cấp-tiến cũng như các phe đối lập.  Và để bổ-túc cho “dân-chủ đại-nghị hình-thức”  thượng tầng, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị thực-hiện một lọai dân-chủ trực-tiếp bằng một cuộc cách mạng dưới hạ-tầng.
* Cuộc cách mạng thứ hai, xây dựng một nền dân-chủ thực-sự dưới hạ-tầng cơ-sở: Đó là quốc-sách Ấp-chiến-lược (ACL) hay còn goị là cuộc cách mạng nông-thôn.  Một hệ-thống Ấp-chiến-lược, dinh-điền, khu trù-mật, với tinh-thần dân-chủ cổ-truyền của làng xã tự-trị Việt-nam đã được xây-dựng trên khắp miền quê Việt-nam.  Đây không phải là cái mô hình ACL đã được xây dựng ở Mã-Lai bởi Đaị-Úy Thompson, một sĩ-quan trong quân-đôị Liên-hiệp Anh.  ACL ở Mã-lai thuần túy là một định chế quân-sự, nhằm tách rời Mã-cộng ra khỏi dân-chúng để tiêu diệt.  Trái laị, ở miền Nam Việt-nam,
“Đề xướng Ấp-chiến-lược (ACL) là để tạo thành một cuộc cách-mạng chánh-trị, xã-hội và quân-sự, thích hợp cho những nước kém mở mang và nhằm chống 3 thứ giặc chậm-tiến, chia-rẽ và Cộng-sản.  ACL bảo đảm an ninh thôn xã và duy-trì mối tương thân liên-đới và tự-túc.  Một nền dân-chủ pháp-trị thực-sự, cộng-đồng đồng-tiến, công-bằng xã-hội.
ACL là cơ hôị để luyện tập khổ hạnh cho tâm hồn thanh khiết, tự mình vượt qúa mình.  Mục đích của ACL là để cưú vớt và giaỉ-phóng toàn diện con người đứng trước hiện-tượng chậm tiến của Á-Phi.  ACL nêu lên một chủ trương lớn lao, một lý tưởng để-phụng sự, một cuộc cách mạng để hoàn thành. (1962,Q.8, tr.118-119)

Chiến lược xây-dựng dân-chủ nhân-vị bắt đầu từ hạ tầng cơ-sở, ở nông thôn, nơi mà 95 phần trăm dân chúng sinh-sống. Thứ nhất là vì dân chúng thành thị, các thành phần trí thức và quan chức trong guồng máy công quyền đã va chạm và bị ảnh hưởng sâu đậm bởi một lối sống văn minh vật chất, công cuộc tái võ trang tinh thần cho họ cần thời gian.  Thứ hai, nếu xây dựng được taị nông thôn một vùng thịnh-vượng với kinh tế sơ-bản, mỗi gia-đình vô-sản đều có được một nóc nhà và một miếng đất sinh hoa lợi đủ sống, tức là đã trang bị cho đaị đa số dân chúng một bảo đảm thực sự cho tự do cá-nhân và thói quen tham-gia việc chung (làm quen với sinh-hoạt dân-chủ). Từ những định chế dân-chủ căn-bản, tự-trị về tinh-thần và vật-chất ở hạ tầng cơ sở này, công cuộc dân chủ-hoá trên thượng tầng cấu trúc sẽ dần dần xuất hiện. 
B-Chủ-Nghĩa Nhân-Vị và vấn-đề phát triển Kinh-tế Xã-hôị
Ngày 16 tháng 6 năm 1949, lúc còn ở ngoài Chính-quyền, Ông Diệm đã bắt đầu cổ võ cho đường lối kinh-tế Nhân-vị như là một giải-pháp thích hợp để đem laị dân-chủ tự-do thực-sự cho Việt-nam. Ông nói:
“. . . . . Điều quan-trọng là moị người cần hiểu rằng cuộc đấu-tranh của chúng ta hiện nay không phải chỉ thuần túy là một cuộc đấu-tranh để dành độc-lập cho đất-nước.  Đây còn là một cuộc cách mạng xã-hôị để đòi laị độc-lập về kinh-tế của các nông-dân và người lao-động. Tôi chủ-trương những cuộc cải-tổ tiên-tiến và táo-bạo về mặt xã-hội, nhằm bảo toàn và tôn-trọng phẩm giá của con người, nhắm vào một mục đích duy-nhất là thấy được tất cả những người của một Việt-nam mới được làm ăn sinh sống như là một con người thực sự tự-do.”(Gió-Nam,1-7-59, tr.3)  

Vậy thế nào là độc-lập về kinh tế?  Nghiã là phải thâu hồi cho bằng được chủ-quyền kinh tế từ các chủ-nhân ngoaị quốc, bao gồm các khu vực nông-nghiệp, thương-mãi, kỹ-nghệ, giao-thông vận-taỉ, ngân hàng, vân vân.  Khi có được chủ-quyền về kinh-tế, moị người dân  mới có thể trực tiếp tham gia vào việc điều hành guồng máy kinh-tế và mau chóng nâng cao mức sinh hoạt, sớm giải thoát họ khỏi nỗi tủi nhục đói-nghèo, khỏi kiếp làm thuê làm mướn, và cuối cùng, mới có thể bảo đảm được phẩm-giá của họ.  Không có độc-lập kinh-tế cũng sẽ không bao giờ có dân-chủ kinh tế thực sự, một nền dân-chủ mà trong đó thợ với chủ có thể cộng-tác chặt-chẽ trên căn bản bình-đẳng: bình đẳng không phaỉ chỉ về phương diện luật-pháp mà phải cả trong đời sống hàng ngày. Muốn như vậy phải tạo nên cả một hệ-thống an-ninh xã-hội trong đó người dân ở bất cứ giai cấp nào, từ lúc lọt lòng cho đến khi nhắm mắt, đều được bảo-vệ chống laị nạn đói-rét, nạn thất nghiệp, nạn già yếu, nạn ốm đau vân, vân . . . (1955, Q2, tr.160)
a- Các nguyên-tắc của Kinh-tế và Xã-hội Nhân-vị.
Ông Diệm đã đưa ra một chương trình kinh tế nhằm hai mục tiêu: Thứ nhất là kiện toàn nền độc-lập của nước nhà trong lãnh-vực kinh-tế. Thứ hai là canh tân nền kinh tế quốc-gia để nâng cao mức sống của nhân dân.  Đặt trên căn-bản Thái-Hòa, Nhân-vị chủ-trương cuộc cách mạng kinh-tế xã-hôị phải gồm ba điều kiện tiên quyết:
Dân phải được trực-tiếp tham-gia vào việc điều-hành các hoạt-động kinh tế.
Mục tiêu ưu-tiên hàng đầu của chính sách kinh-tế xã hôị là phaỉ bảo đảm mỗi người dân có được một mái nhà và sở hữu-chủ các phương-tiện sản-xuất để làm ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình mình.
Nhân-vị (cá-nhân) và cộng-đồng đồng tiến.
Những nguyên-tắc này được chọn làm căn bản giải-quyết xung-đột cố-hữu về quyền-lợi giữa cá-nhân và cộng-đồng,vấn-đề tái phân phối lợi-tức quốc-gia.
b- Kiện toàn nền độc lập về mặt kinh tế.
Theo Ông Ngô-Đình-Diệm thì các ngành hoạt động quan-trọng như kỹ-nghệ, thương mãi, vận-tải, ngân hàng, bảo hiểm lúc bấy giờ, đều đang nằm ở trong tay người ngoaị-quốc.  Vì thế, tuy nông nghiệp là căn bản của dân sinh, nhưng nếu không nắm được chủ-quyền về các ngành then chốt như kỹ-nghệ, thương mãi thì người nông dân sẽ là nạn nhân đầu tiên vì bị thiệt thòi.  Trước ngày Ông về lập chánh-phủ,  người nông dân Việt-nam chỉ được hưởng 12% trên tổng số tiền xuất cảng thóc gạo hàng năm.  Số 88% được dùng để trả công, trả hoa-hồng, hay trả lãi cho các ngân-hàng, các công-ty bảo-hiểm, công-ty xuất nhập cảng, các hãng vận taỉ, các nhà máy gạo . . . . nghiã là những trung gian ngoaị-quốc sinh sống ở Việt-nam.  Dân Việt-nam tuy làm việc đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn mà vẫn nghèo túng. Ngoài ra, mục đích tối hậu của những nhà đầu tư ngoaị kiều này là lợi nhuận nên “khi vui thì vỗ tay vào” đến khi hoạn nạn thì họ rút ra và nền kinh tế của ta sẽ bị tê-liệt.  Cuối-cùng, dù cho chúng ta có giỏi giang siêng năng đến đâu thì cũng vẫn là kẻ làm thuê, đóng những vai trò phụ, làm trung gian đắc lực cho các hãng ngoaị quốc.  Ông tuyên bố: “Nay hoàn cảnh đã khác hẳn.  Các bạn có thể trông cậy vào sự nâng đỡ triệt để của Chánh-phủ Quốc-gia do tôi lãnh đạo, để khuyếch trương công cuộc kinh doanh của chính các bạn.” (1955, q.2, tr. 154 )
c-  Kinh-tế Nhân-vị và các mô-hình kinh-tế chỉ-huy và tư-bản
Các nguyên-tắc mà Nhân-vị theo đuổi phủ-nhận những mặt tiêu-cực của cả hai mô hình Kinh-tế tư-bản tự-do và Kinh-tế Xã-hôị chỉ-huy.  Ví-dụ như mức độ can thiệp của Chính-phủ vào guồng máy kinh-tế chẳng hạn.  Kinh-tế chỉ huy và Kinh-tế tư-bản đều tỏ ra cực đoan, hoặc can thiệp tối đa hoặc không can thiệp gì cả.  Chính-sách kinh-tế Nhân-vị đặt giới hạn mức độ can thiệp của Chính-phủ vào guồng máy kinh tế quốc gia trong cuộc cách-mạng kinh-tế xã-hội, tuy không theo đường lối kinh-tế chỉ huy của cộng-sản nhưng cũng chẳng theo hẳn đường lối kinh tế tự-do của tư-bản.  Trong thực-hành, Chính-phủ sẽ phải quyết định về mức-độ can-thiệp vào guồng máy kinh tế làm thế nào để dung-hoà (thái-hòa) các ưu-tiên phải thực hiện với hoàn cảnh phức tạp hiện tại của đất nước, cân bằng được đòi hỏi của cá-nhân với quyền lợi của cộng-đồng.
Ông Ngô-Đình-Diệm giải thích: “Theo ý tôi, trong hiện tình của nước nhà, những thắc mắc về một mô hình kinh-tế, là quá nặng về phần lý-thuyết và không mang một lơị ích thiết thực nào.  Chánh-phủ do tôi lãnh đạo chỉ có một mục đích duy-nhất là: bảo-vệ nền độc-lập của giang sơn và tăng gia hạnh phúc của toàn thể dân-chúng.  Cái gì có lợi cho Quốc-gia dân-tộc, thì nên làm.  Trái laị, bất cứ cái gì có haị cho quốc-gia cho dân-tộc, thì phải bài trừ cho triệt-để.  Hiện nay nước ta bị tàn phá rất nhiều vì chiến tranh: vậy nhiệm vụ đầu tiên của Chánh-phủ là kiến-thiết laị đất nước, là xây đắp đường xá, tu sưả cầu cống sông ngòi.  Hiện nay có một triệu-dân di cư: vậy nhiệm-vụ của Chánh-phủ là tìm chỗ cho họ định cư, tìm việc cho họ.  Các xí-nghiệp ngoaị-quốc đang chuẩn-bị rời khoỉ Việt-nam.  Chúng ta có nhiệm vụ phải hỗ-trợ xây dựng những xí nghiệp Việt-nam để thay thế vào đó.  Nếu các doanh gia Việt-nam chưa thể làm được thì Chánh-phủ sẽ phải đứng ra gánh vác.” (q.2, tr.157) 
d- Canh-tân nông nghiệp để nâng cao mức-sống và tiến đến tự-túc.
Ý-niệm  “nâng cao mức sống” của Nhân-vị không phải chỉ bao gồm những nhu cầu sinh lý trực tiếp của con người như ăn mặc, nhà cửa, điện nước vân vân mà còn bao gồm tất cả những sinh hoạt có những tính cách chế-ngự khung cảnh địa-lý, sửa đổi khung cảnh đó, và biến nó thành một khung cảnh mới làm căn bản không những cho sự thỏa mãn nhu cầu vật chất của một số người xấu-số mà cả các sinh hoạt trí-thức và tinh thần của toàn thể xã-hội và ở một mức cao hơn, đó là ý niệm “Cải tạo căn bản vật chất của sinh hoạt xã hội.”  Như vậy cải tổ xã-hội về phương diện vật chất, đòi hỏi không những sự phân phát cho một số người nghèo và thiếu thốn một số vật dụng cần thiết cho đời sống của họ, mà cả một cuộc cách mạng kỹ-thuật để tạo cho xã hội một khung cảnh vật chất hoàn toàn mới, rộng rãi hơn và mỹ lệ hơn.  Cách mạng kỹ thuật này đòi hỏi một sự cải tổ rộng rãi của giáo dục, và đặc biệt là đem khoa học vào giáo dục, đem tinh thần khoa học vào giáo dục (như việc thiết lập các trường Quốc Gia Hành Chánh, trường Đại-Học Khoa học, Công-nghệ, Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc, Kỹ thuật, vân vân.)
Đặc biệt, trong lãnh vực cải-cách điền-điạ, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đưa ra một quan niệm mới về quyền tư-hữu để xác nhận điạ vị ưu-tiên của sức cần-lao: tối thiểu mỗi người phải được làm chủ một mảnh ruộng đủ lớn với các phương-tiện sản xuất để có thể làm ra của cải để nuôi-sống mình và gia-đình mình; đồng thời sở hữu một mảnh vườn một căn nhà.  Khi phân phối laị đất đai để thực hiện chính sách về tư-hữu này, Chánh-phủ Nhân-vị được trao quyền lực để truất hữu và bồi thường các điền chủ có ruộng đất “cò bay thẳng cánh”. Chánh-phủ đã “ban-bố luật cải-cách điền-điạ hợp lý công bằng và thích ứng với nhu-cầu kỹ thuật.  Trong những đạo luật cải cách ấy, Chánh-phủ không chủ-trương tiêu-hủy quyền tư-hữu (như Kinh-tế chỉ-huy đã làm) – vì quyền ấy là một đảm-bảo cho tự-do căn bản của con người – nhưng quyết định hạn chế triệt để những sự lạm dụng phát sinh ra do những quan-niệm cổ-truyền qúa ư rộng rãi về quyền tư-hữu (như Kinh-tế tư-bản chủ trương), và đồng thời tạo cho nông dân và gia đình họ những phương tiện sản xuất thuận-lợi với những điều-kiện sinh-hoạt vững-chắc.” (1955, Q.1, tr.31)  Ở đây, khi công nhận quyền tư-hữu của nông-dân có nghiã là chống laị chính sách vô-sản hoá của nền kinh-tế chỉ-huy; nhưng Chánh-phủ laị can-thiệp bằng một đạo-luật nhằm giới hạn quyền tư-hữu tuyệt đối của hệ-thống kinh tế tư-bản, thường đem laị hậu qủa người quá giầu và kẻ không có gì cả. 
Nguyên-tắc công-bình và nhân đạo chẳng hạn, được thể hiện trong những Đạo-dụ ấn định mức tô-xuất trong khoảng 15 – 25 phần trăm trị giá huê lợi và khẩu-ước giữa tá-điền và điền chủ phải cải thành “khế-ước”.  Hoặc trong một dự-án trích cấp đất cho dân di-cư, cựu-chiến-binh: “Những ruộng bỏ-hoang trong mùa vừa qua sẽ được trích cấp, trong một thời hạn 3 năm, cho các tá điền đã cấy-cầy những ruộng đất ấy, cho dân di cư, cho các cựu chiến-binh và công dân đã bỏ mình vì nước.  Những người được hưởng ruộng đất trích cấp, sẽ được miễn điạ tô hoàn toàn trong năm đầu, một nửa trong năm thứ nhì và một phần tư trong năm thứ ba.”(Q.1, tr.31)
Ngoài ra, Chánh-phủ còn chủ-trương khuyến-khích nông dân tập hợp thành Hợp-tác-xã nông nghiệp với mục đích trao đổi với nhau về chuyên môn để nâng cao kỹ thuật sản xuất và loaị bỏ trung gian, tiếp-thị những nông-phẩm của chính họ.  Rồi những gia đình nông dân này sẽ cùng với Hợp-tác-xã, hợp thành một cộng-đồng.  Cuối cùng ba định-chế này sẽ được tập-hợp laị thành một đơn-vị kinh-tế xã-hôị mang bản chất tự cung, tự-cầu.  Ba định-chế này sẽ là thế chân vạc để giúp xã hôị này nẩy nở phát triển không ngừng về moị mặt, tiến thành những Ấp tự-trị lấy tên là Ấp-chiến-lược. Không những họ có thể tự-trị về chính-trị, kinh-tế, xã-hôi, và ngay cả an-ninh nữa. Các Ấp này được xây dựng khắp nơi để thực hiện khẩu hiệu cá-nhân và cộng-đồng đồng-tiến. 
Như vậy, khi hoàn được quốc sách Ấp-chiến-lược ít ra ở hạ tầng cơ-sở, đaị đa số nông-dân, công-nhân đã có thể hưởng độc-lập, dân-chủ và tự-do thực sự.  Và miền quê Việt-nam sẽ có một bộ mặt mới, một xã-hôị tự-do dân-chủ ấm-no hạnh phúc thực sự trong sự tôn trọng nhân phẩm, công bình và bác ái.  Những giá-trị nhân bản này chính là ý-nghiã đích thực của chữ NHÂN trong văn-hóa Việt-nam. Mô-hình chính-trị làng-xã cổ-truyền là những giá-trị dân-chủ cổ-truyền độc đáo của dân tộc Việt-nam.
Tóm laị, chủ thuyết Nhân-Vị là một triết-lý nhằm xác- định và đề cao giá-trị của con người, vị-trí của con người trong tương quan với vũ-trụ, với người khác và trong cộng-đồng xã-hôị.  Đồng thời là một chủ-thuyết chính-trị chủ trương thiết lập những định-chế thích-hợp để tạo cơ-hội và khuyến-khích việc phát-triển các gía-trị này đến mức cao rộng nhất và hướng về việc phục vụ hạnh-phúc con người.  Chủ-Nghĩa Nhân-Vị lấy “con người biết tu-thân (thái-hòa)” làm nền tảng cho giải-pháp, để giải quyết các mâu-thuẫn trong sinh hoạt của con người. Khi Ông Diệm nói một đường lối mới, ý Ông muốn nói đã lâu rồi những truyền thống tư-tưởng tốt đẹp này của dân tộc không được đem ra để áp-dụng vào trong các sinh hoạt quốc-gia vì bị nô lệ Tầu, Tây và phong kiến, rồi laị bị ảnh hưởng bởi một tà-thuyết duy-vật ngoaị lai.  
                                                            *    *    *
II- Những Ưu và Khuyết-Điểm của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
1-Những Điểm Tiêu-Cực của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Ông Diệm từng than phiền với Ông Cao Xuân Vỹ, Thủ-Lãnh của Phong-trào Thanh-niên Cộng-Hòa rằng: “Ngay cả đến các vị Bộ-trưởng cũng không hiểu được Nhân-Vị là gì thì làm sao mà chúng ta thực hiện được cuộc cách-mạng quốc-gia?” (17-3-95).  
Ngoài ra Chủ-Nghĩa Nhân-Vị không những được đưa vào thử-nghiệm ngay trong thời chiến lại còn phải ganh-đua với 2 chủ-nghĩa lớn đương thời chia đôi thế-giới, Cộng-Sản và Tư-Bản.  Vì thế không những kẻ thù Cộng-sản, mà ngay cả các đảng phái đối lập và đồng-minh Hoa-kỳ, luôn tìm cách phá-hoại, xuyên-tạc làm trở-ngại cuộc thử-nghiệm của Chủ-thuyết.

a-Quốc-sách Ấp-Chiến-Lược đã bị kẻ-thù Cộng-sản tìm mọi cách đánh-phá.  Việt-cộng xuyên tạc là “Ngụy-quyền Sài-gòn đã ép-buộc dân chúng bỏ mồ-mả tổ-tiên nhà cửa làng-xã, ép-buộc đi làm không công (corvée) xây dựng ACL” và “ACL chính là những nhà tù không song sắt.”  Người dân vì không hiểu được ý-nghĩa và những lợi-ích thiết thực của việc xây-dựng ACL nên những lời tuyên-truyền này đã gây ảnh hưởng bất lợi cho vìệc thi-hành quốc-sách.  Trong khi đó các phóng viên ngoại-quốc như David Halberstam, Neil Sheehan, Stanley Karnow v.v. . . và các thành-phần đối-lập lại thường tung tin “quốc-sách ACL là một thất bại, không được lòng dân”
Nhưng, Ông Nhu đã có lần, rất tự hào, mô-tả với Đaị-sứ Maneli của Ba-lan về vai-trò quan-trọng của hệ-thống Ấp-Chiến-Lược trong công cuộc dân-chủ-hóa Việt-nam. Ông nói:
“Người Mỹ cũng như Việt-cộng, cả hai đều lầm tưởng rằng Ấp-Chiến-Lược là những định-chế quân-sự và sẽ bị hủy bỏ ngay sau khi đã chiến thắng Cộng-sản.  Họ lầm vì lý luận của họ đều khởi đi từ những tiền đề vật chất.  Hệ thống Ấp-Chiến-Lược là những định chế căn bản của một chế-độ dân-chủ trực tiếp.  Một khi những định-chế này đã phát triển và nẩy nở mạnh mẽ, chúng sẽ trở thành những hạt nhân của cơ-cấu quốc-gia và đến lúc đó vai trò của chánh-quyền trung-ương sẽ không còn cần thiết nưã. (Maneli, tr.145)   

Sau này, Đại-Tá Ted Serong, trưởng phái-bộ huấn-luyện Úc ở Việt-nam đã nói với các viên-chức cao-cấp Hoa-kỳ ở Washington rằng “Ấp-Chiến-Lược là một thành-công lớn-lao nhất trong chiến-tranh Việt-nam và chuyện này chưa được nói đến đúng mức. (M. Moyar, 2006, tr.107). 
b- Chủ-Nghĩa Nhân-Vị không được Đồng-minh Hoa-kỳ ủng-hộ vì Chủ-Nghĩa Nhân-Vị của TT Ngô-Đình-Diệm tuy không hoàn-toàn chống lại chủ-nghĩa tư-bản nhưng về mặt ý-hệ không chịu rập-khuôn theo mô-hình dân-chủ và kinh-tế thị-trường do Mỹ đề xướng.  Giáo-sư Sử-gia E. Miller và H. Fairbanks nhận định rằng Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm chủ-trương đưa ra cái viễn-kiến về công cuộc phát-triển Việt-nam của riêng Ông, một con đường thứ ba nằm giữa hai Chủ-nghĩa cực-đoan, Xã-hội và Tư-bản.  Chính Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm cũng long trọng xác định với dân-chúng rằng Chủ-nghĩa Xã-hội và Tư-bản không thể đem lại độc-lập tự-dọ và hạnh-phúc choViệt-nam! Con đường mới, con đường Nhân-vị mới thực sự đem lại cho dân chúng Việt-nam một đời sống ấm-no hạnh-phúc thực sự.  Chủ-nghĩa Nhân-vị không nhận được sự ủng hộ của người Mỹ cũng là điều dễ hiểu!
c- Các thành-phần đối-lập và chống đối chính-phủ đã xuyên-tạc chỉ trích Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là một chủ-thuyết của công-giáo và ngoại-lai, với mục-tiêu làm chính-phủ suy-yếu bằng cách khơi động vấn-đề chính-trị nhạy-cảm, kỳ-thị tôn-giáo.  Trong cuốn “Is South Vietnam Viable?,” Ông Nguyễn Thái viết:
“Hồi trước chiến-tranh, lúc Ông Nhu theo học ở École des Charles đã có tiếp-xúc với Emmanuel Mounier, người đã tỏ vẻ hoài nghi về lý-thuyết dân-chủ tự-do Tây-phương và cổ võ một lý-thuyết dân-chủ xã-hôị dưạ trên lòng bác-ái và giá-trị nhân bản, với cái tên là Personnalisme.  Ông Nhu tỏ ra say mê học thuyết này và khi về Việt-nam đã thuyết-phục Ông Diệm rằng Personnalisme là một triết thuyết có thể đối đầu với chủ-nghiã Mac-xit nguyên-thủy mà Việt-Minh đang tuyên truyền ở Việt-nam.” 

Do đó Ông Thái cho rằng cái quan niệm nhân bản này và mối liên hệ của nó với xã hội mà Ông Nhu cổ-võ, “chẳng có gì là mới mẻ, và cái thuyết Nhân-Vị cũng chẳng có gì xa lạ bởi vì một trường-phái triết-học Pháp trong đó có Emmanuel Mounier và Jacques Maritain đã hết mình cổ võ cho nó trong tờ Nguyệt-san Công-Giáo L’Esprit do Mounier chủ-trương.”(tr.129-130)  
Như đã trình bầy ở phần I, cả về nhận-thức triết-học đến giải-pháp cải tổ xã-hội của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đều bắt nguồn từ nền văn-hóa cổ-truyền và Nho-Giáo (Việt-Nho).  Không có gì dính líu đến Personnalisime của Mounier cũng như giáo-lý Công-giáo.  Lời phát biểu của Ông Ngô-Đình-Nhu tại Đaị-Hôị Văn-Hoá Quốc-Gia ngày 11 tháng 1 năm 1957 về Chủ-Thuyết Nhân-vị cũng cho thấy những nhận-định của Ông Nguyễn-Thái không có cơ-sở vững chắc:  
“Chủ-thuyết đặt nền tảng trên quan-niệm tôn-trọng phẩm giá con người và đẩy mạnh sự phát triển đến mức độ cao nhất.  Quan-niệm này chẳng phải của riêng một giống người nào, một quốc gia nào, hay một đảng phái nào mà là của moị người.  Ở Tây-phương, “Tinh-thần của Phúc-âm” được xem như phương tiện để nhận-thức về giá-trị nhân-bản của con-người và taị Á-châu, những nguyên-tắc tôn-trọng con người nhân-bản nằm trong Kinh Vệ-Đà, Kinh Upanishads, trong sách Mạnh-tử, và ở ngay trong truyền-thống dân-gian Việt-nam.” (12-1-1957, Cách-Mạng Quốc-Gia) 
Và khi trả lời với Phóng Viên Báo Toronto Globe and Mail, hồi đầu năm 1963 và được in lại trong Nguyệt-san Gió-Nam, Ông Nhu đã xác định rõ ràng:
“Tôi phải nói ngay rằng ‘Chủ-Thuyết Nhân-vị của tôi’ chẳng có dính giáng gì đến cái Nhân-vị Công-giáo hiện đang được giảng dậy bởi các tổ-chức Công-giáo taị Miền Nam Việt-nam (Ông Nhu muốn ám chỉ Trung-tâm Huấn-luyện Nhân-vị Vĩnh-Long do Giám-Mục Ngô-Đình-Thục chủ-trương).  Đây không phải là một lời chỉ-trích, nhưng là lời xác-định về một sự thật.  Hiện nay cái học-thuyết nhân-vị mà tôi cổ-võ là một nền dân-chủ đấu-tranh trong đó tự-do không phaỉ là một món qùa của Ông Già Noel, nhưng mà là kết quả của một cuộc chinh-phục bền-bỉ và sáng-suốt trong đời sống thực tế, không phải trong một khung-cảnh lý-tưởng mà trong những điều-kiện điạ-lý chính-trị đã được định sẵn.  Chính cái quan-niệm về tự-do này đã khai mào cho toàn-bộ chương-trình Ấp-chiến-lược.  Hệ-thống Ấp-chiến-lược này sẽ làm thay đổi cơ-cấu chính-trị thượng tầng của chính-phủ hiện taị.  Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Hiến-Pháp, một Hiến-Pháp đặt nền tảng trên các nguyên tắc tự-do và sáng-taọ.  Chính vì vậy khi nói là tự-do và sáng tạo tức là chúng ta đã mặc nhiên loaị bỏ tất cả các hình-thức chính-quyền hiện hữu.” (5-5-1963, tr. 68)  
2- Những ưu-điểm của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Trong suốt thời gian thử nghiệm 9 năm tại miền Nam Việt-nam, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đã tỏ ra rất thực dụng và thuần-nhất.  Một số những ưu-điểm nổi bật cần được nhắc lại một cách chi tiết hơn.
a-Chủ-Nghĩa Nhân-Vị Chống Cộng-sản và nêu cao Chính-nghĩa Quốc-gia
Những người từ bỏ quê-hương miền Bắc và mồ mả tổ-tiên, chạy vào Miền Nam vĩ tuyến 17 chỉ để lánh nạn Cộng-sản tìm tự-do.  Trong khi đó những người miền Nam không chấp nhận sự cai-trị của đảng Cộng-sản Việt-nam đã tự-nguyện ở lại miền Nam để cùng với người miền Bắc di cư lập ra một quốc-gia mới chống cộng-sản.  Như vậy chính-nghĩa quốc-gia của họ chính là “chống đảng Cộng-sản Việt-nam và Cộng-sản quốc-tế và chống Chủ-nghĩa Cộng-sản độc-tài chuyên-chế”.  Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là chủ-thuyết tiêu-biểu nhất đề cao nguyện vọng và lý-tưởng cao cả này của họ.
Trên căn bản nhận thức triết-học, hai chủ-nghĩa Nhân-Vị và Cộng-sản hoàn-toàn đối nghịch nhau.  Chủ-nghĩa Cộng-sản, vì đặt căn bản trên ý-hệ duy-vật nên độc-đoán không tưởng nên không có “dụng”.  Nếu chẳng may người ta ép buộc phải thi hành (cưỡng hành), thì phải bù bằng đủ thứ công-an mật-vụ để ép-buộc, khủng bố mới có làm, vì cái làm đó không do tự trong phát xuất ra, thường trái với bản-tính con người, nên chỉ có làm bao lâu còn có sự khủng-bố, ép-buộc.  Ngược laị, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là hệ-thống triết lý đặt trên Tâm-Linh Thái-Hòa tức trên nhu-yếu thâm sâu của con người tất nhiên có “dụng”, khỏi cần phải thúc đẩy từ ngoài. Vì thế Nhân-vị khác với Ý-hệ, nhất là bái-vật, ở chỗ không “dùng mưu gian đạo-đức” (vì đạo-đức mà đánh lừa ‘pia fraus’, như Cộng-sản Việt-nam đã làm với những chiêu bài như : “Không gì qúy hơn độc-lập tự-do”, “Lao-động là vinh-quang” v.v. . .) Triết-gia Kim-Định viết:
“Bái vật dùng tràn ngập ‘pia fraus’ đã đành, cả đến triết lý nhiều khi cũng không chê, thí dụ ông tổ triết Tây Plato cũng dùng bộn.  Còn Cộng-sản thì khỏi nói: luôn luôn sống trên những lời hứa cuôị (lơị hành) kèm thêm khủng bố (cưỡng hành), vì ý-hệ là triết học xây trên ý-niệm, không đủ sâu để khơi động nguồn nghị-lực tâm hồn, đành phải dùng những trợ lực ngoại khởi như ‘pia fraus’.” (tr.173)
Đứng về mặt cơ cấu, ở dưới hạ-tầng cơ-sở, Chính-phủ Nhân-vị đã mô-phỏng quốc-sách Ấp-Chiến-Lược theo hệ-thống làng xã cổ-truyền Việt-nam và trên thượng tầng là một tổ-chức chính-phủ cộng-hòa theo tổng-thống chế kiểu Hoa-kỳ. Hệ-thống làng xã cổ-truyền Việt-nam, theo Giáo-sư Nguyễn Đăng Thục thuộc Viện Đaị Học Sài-gòn thì cái hệ-thống làng xã tự trị này cũng là hình-thức dân-chủ rất phổ biến trong các quốc-gia Á-châu và đặc biệt taị Việt-nam.  Đấy là một định chế dân-chủ độc đáo, goị là làng hay xã, nó mang những nhân tố xã-hôị rất sơ-khai, tồn taị và nổi trôi với những thăng trầm của giòng lịch sử đã hơn 4000 năm.  Giáo-sư Thục lập-luận rằng:
“Nếu chúng ta định nghiã dân chủ là một hệ-thống chính-phủ do dân bầu ra để phục vụ quyền lợi của người dân và trong hệ-thống chính quyền này, quyền lực nằm ở trong tay của dân-chúng, thì chế-độ làng hay xã, như hệ-thống làng-xã cổ của Việt-nam,  qủa thật là một chế độ dân-chủ đặc biệt.  Điều độc-đáo nhất của cái nền dân chủ sơ khai này chính là ở chỗ tự nó hình thành, mang bản chất tự-trị, rồi tự nó laị thích-nghi với một hệ-thống trung ương chuyên-chế của chế-độ quân chủ Á-đông.  Cho nên có thể nói quốc-gia Việt-nam giống như một hệ-thống chính quyền liên-bang gồm có nhiều tiểu-bang nhỏ và trên hết là một chính-quyền liên-bang. . . . . . Tổ chức xã-hôị và chính-trị của Việt-nam gồm có hai hệ-thống đối lập nhau và chồng lên nhau.  Ở dưới hạ-tầng là một nền dân chủ đaị-nghi, tự-trị và đaị-chúng; ở trên thượng tầng là một nền quân-chủ chuyên chế, tập-trung quyền lực bằng một hệ-thống quan-laị.  Hai định chế này tuy khác nhau trên căn bản nhưng laị cùng tồn taị qua bao nhiêu thế-kỷ với biết bao nhiêu biến đổi của lịch sử, trong lúc hòa bình thịnh vượng cũng như lúc chìm trong nôị chiến và ngoaị-xâm.(1958, tr. 7-8)
Ông Diệm cũng xác-nhận với sử-gia Marguerette Higgins:
“Chúng tôi có một nền dân-chủ truyền-thống và một hệ-thống làng-xã tự-trị.  Đó chính là một phần của truyền thống Nho-giáo với những phong tục tập quán và các bổn-phận của con người trong xã hôị.  Tất cả những phong tục tập quán này không phải là những luật lệ thành văn nhưng được truyền laị từ đời này qua đời khác bằng nghi-lễ gia-tiên hay đạo thờ cúng Ông Bà.  Chúng tôi chủ trương tìm laị những côị nguồn này để tái thiết xứ-sở chúng tôi.”(Higgins,tr. 166)

Tóm lại, cái lối-sống hay cái sinh-hoạt dân-chủ mà Chủ-nghĩa Nhân-vị muốn mang lại cho dân-chúng miền Nam-Việt-nam chính là những nét văn-hóa truyền thống Việt-nam mà họ hằng yêu-mến tôn-trọng.  Đấy là một lối sống nhàn-tản phong-lưu, trọng nhân-nghĩa hơn là lý-lẽ, và trân-qúi các gía-trị cộng-đồng.  Vì thế họ hăng-hái tự-nguyện xây-dựng và bảo-vệ nó.  Đúng như triết gia Kim-Định giải thích, vì những gía-trị dân-chủ này đã xuất phát từ nhu yếu thâm sâu của con người tất-nhiên có “dụng”, không cần thúc-đẩy từ bên ngoài.  Đây chính là ưu-điểm của giải-pháp Nhân-vị khi đem so-sánh với các giải-pháp dân-chủ-hóa khác.
c-Ưu-tiên của Giải-pháp Dân-Chủ-Hóa: Cơm no áo-ấm
Nói đến Chủ-Nghĩa Nhân-Vị mà không nói đến người khai sinh ra nó, người lãnh đạo và đích-thân chọn lựa giải-pháp và thử-nghiệm nó, thì qủa là một thiếu-sót.  Nhất là quan-niệm cho rằng “dân-chủ” chỉ phát-triển nếu quan-niệm thiện-ích chung mỗi ngày một ăn sâu-rộng trong dân-chúng và trong chính-quyền. Có-nghĩa là giải-pháp dân-chủ-hóa thành công hay không phần lớn là nhờ vào “quan-niệm về thiện-ích chung” của người lãnh-đạo có “sâu-rộng” hay không.  Người lãnh-đạo phải là người làm gương dẫn đường. Bản thân Ông Ngô-Đình-Diệm là một người nổi tiếng về đạo-đức và khí tiết chính-trị.  (Quách-Tòng-Đức & Lâm-Lễ-Trinh 2005)  Đây chính là ưu-điểm nổi-bật của Giải-Pháp Dân-chủ-hóa Việt-nam của Nhân-vị.
Ngoài “quan-niệm thiện-ích chung” mà người lãnh đạo cần phải có, viễn-kiến về chiến lược thực hiện xây-dựng dân-chủ cũng vô cùng quan-trọng.   Anh em Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu đã chọn giải-pháp“cơm-no áo-ấm”.  Một trong những mục-tiêu của quốc sách Ấp-Chiến-Lược là
“Xây-dựng tại nông thôn một vùng thịnh vượng với kinh-tế sơ-bản, mỗi gia đình vô-sản đều có được một nóc-nhà và một miếng đất sinh hoa-lợi đủ sống, tức là đã trang-bị cho đại đa-số dân chúng một bảo đảm thực sự cho tự-do cá-nhân và thói-quen tham-gia việc chung.”
Nói một cách đơn-giản là nếu chính-quyền có thể đem đến cho đại đa số dân chúng những nhu cầu vật chất căn bản hằng ngày (cơm no áo-ấm) tức là đã đem lại tự-do dân chủ cho họ rồi.  Tục-ngữ Việt-nam có câu “Có thực mới vực được đạo”, có nghĩa là khi mà bụng đói thì còn hơi sức đâu mà nghĩ đến đạo-nghĩa!  Hay là “Phú-qúy sinh lễ-nghĩa”, nghĩa là có của cải rồi mới học làm sang, cũng có nghĩa là nếu tối ngày phải lo kiếm sống thì làm gì còn có thì giờ để nghĩ đến văn-chương nghệ-thuật, đến các gía-trị tự-do dân-chủ v.v. . .  Tóm lại đây là một sự chọn lựa đúng đắn và là một quy luật chung trong thiên-hạ.  Người La-tinh nói: “Primo vivere, deinde philosophare”.  Đã có lần GS Tôn Thất Thiện viết: “Ta không nên quên rằng Đức Phật Thích Ca, sau một thời gian sống không thiết đến ăn uống, bị ngất xỉu và sau đó, Ngài đã nhận thấy sự cần thiết nuôi dưỡng cơ thể nếu muốn có sức để tìm Đạo.”(2005)
Nhưng tại sao vấn-đề “Xóa đói giảm-nghèo” đã được thế giới chú trọng đến từ lâu sao đến nay vẫn không thực hiện được?  Giải-pháp “Dân-chủ với Kinh-Tế Thị-trường Tự-do” phát triển thế-giới thứ Ba của LHQ vào thập niên 1950s bị thất baị.  Vào thập niên 1980s, World Bank và IMF đã đứng ra vận-động phát triển dân-chủ với giải-pháp “Basic Needs Approach” (Thực hiện các nhu cầu căn bản) cũng chẳng đi đến đâu.  Nhiều hội-nghị quốc-tế về xóa đói giảm nghèo đã được World Bank đứng ra triệu tập và trở ngại nhất vẫn là hai vấn đề “Delivery on the ground” (Làm thế nào đưa đến tận tay người nghèo) và “Targeting” (Làm thế nào để chọn đúng khu-vực, nơi cần được giúp đỡ), vì nạn tham nhũng gây ra!  Những người có trách nhiệm, từ các tổ-chức quốc-tế đến chính-quyền địa-phương, đã không làm tròn trách nhiệm vì chưa “khắc được kỷ và phục được lễ”!
Dưới sự lãnh-đạo của TT Ngô-Đình-Diệm chỉ sau 2 năm trời ngắn ngủi miền quê Nam-Việt-nam đã có được một đời sống ấm-no.  Chính-phủ Ông Diệm đã chọn “giải-pháp no cơm ấm áo” cho 95 phần trăm dân chúng ở thôn quê làm chiến-lược phát-triển quốc-gia, với quyết tâm của Ông giải-quyết cho bằng được hai trở ngại “Delivery” và “Targeting” qua công cuộc cải cách điền-địa và thực hiện vấn-đề “Tái-phân-phối lợi tức quốc-gia” với khẩu hiệu “ cá-nhân và cộng-đồng đồng tiến”.  Cho nên Chính-phủ của ông Diệm được tổ chức dưới hình thức một Chánh-phủ của phúc-lợi (‘good’ government), vì trong “no cơm ấm-áo” đã có sẵn mầm mống của “dân-chủ tự-do” (Phú-qúy sinh lễ-nghiã).  Sự thành-công này là do bản thân Ông Ngô-Đình-Diệm đã khắc được kỷ phục được lễ, làm gương cho quần chúng. Ông đã chọn con đường hy-sinh để bênh vực giá-trị con người: “Khi sự thể đáo-đầu, phải xem “NHÂN” hợn sự-sống, nên có lúc giết cái thân mình, để vì nó mà hoàn thành được đức nhân!”  Khổng tử thật chính-xác khi gọi những người này là “chí-sĩ”.  Đaị-sứ Mỹ F. Nolting viết một lá thơ cho sử-gia M. Higgins, biểu-lộ lòng cảm-phục của Ông đối với một quân-tử Nho-giáo:
“Tôi chẳng biết một quan-laị Nho-giáo là cái quái gì, nhưng nếu Ông Diệm là một Nho-quan, tôi cũng muốn giống Ông ta.  Trong hơn hai năm rưỡi làm việc và quan sát kỹ lưỡng Ông ta, tôi thấy Ông ta qủa là nhà lãnh đạo đầy thiện-tâm, chính trực, laị rất can-trường, và được tôn kính.  Mặc dầu tôi đã mất rất nhiều thì giờ và gặp phải rất nhiều khó khăn mỗi khi phải thương lượng với Ông ta, nhưng lúc nào tôi cũng kính-trọng và khâm-phục cái tính nhẫn naị cương quyết của Ông ta lúc phải theo đuổi một mục đích nào đó.  Tôi cũng rất kinh ngạc về con người quân-tử và lòng nhân ái của Ông ấy.  Ông ấy thường dành ra một ngày rưỡi để nghỉ lễ Giáng-sinh và đó cũng là ngày nghỉ duy-nhất của Ông ấy trong năm, đi đến những tiền đồn xa xôi nhất để ăn mừng lễ với các binh sĩ ở đó.” (1962, tr.162)
III Chủ-Nghĩa Nhân-Vị và Vấn-Đề Dân-Chủ-Hóa Việt-Nam Hiện Nay
Việt-nam nay đã hòa-bình và đã đi vào phát-triển gần 20 năm rồi.  Nhưng dân chúng vẫn còn đói khổ vẫn chưa được hưởng những quyền tự-do căn bản.  Hiện nay Chủ-Nghĩa Xã-Hội đã lỗi-thời, việc tìm kiếm một mô-hình dân-chủ-hóa hữu-hiệu để thay thế, là một nhu cầu cấp thiết.  Từ ngày Ông Ngô-Đình-Diệm chết (1963) đến nay các nhà lãnh-đạo cũng như trí-thức Việt-nam nói chung vẫn còn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho một tiến trình dân-chủ kinh-tế nhằm giải quyết cơn khủng-hoảng có thể đưa đến sự hưng vong của toàn thể dân tộc. Đặc biệt trong những ngày tháng gần đây, trong và ngoài nước, các nhà trí thức và lý thuyết-gia đóng góp ý-kiến càng ngày càng đông đảo.  Tiêu biểu như Tiến-sĩ Phan Đình Diệu, Tiến-sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), Tiến-sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến-Sĩ Nguyễn Xuân Nghiã, vân vân.
Trong buổi nói chuyện taị Ủy Ban Tổ-chức Trung Ương ĐCSVN vào ngày 2 tháng 11 năm 2004, Tiến-sĩ Phan Đình Diệu lên tiếng kêu gọi đổi mới tư-duy.  Ông cho rằng “Mô hình Chủ-nghiã Xã-hội khoa học” kiểu Mác-Lê vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghiã duy-lý và cơ giới luận đã bị thực tiễn bác bỏ.” Theo Tiến-sĩ Diệu, nếu ĐCSVN vẫn còn tiếp tục duy-trì “định hướng XHCN kiểu Mác-Lê” thì Việt-nam vẫn tiếp tục bị bế tắc trong cơn khủng hoảng hiện taị”. Tiến-sĩ Diệu đồng thời ca-ngơị mô-hình Xã-Hội Dân-Chủ” (XHDC) taị các nước Bắc-Âu là “Chủ-nghiã xã-hội của thế-kỷ 21” với mục tiêu “tự-do, công bằng, đoàn-kết, chắc chắn sẽ có vai-trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, rất đáng được chúng ta quan tâm.”
Thật ra cái mô-hình “XHDC” taị các nước Bắc Âu như Phần-lan, Na-Uy, Đan-mạch, Thụy-điển, đã và đang được các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước cổ võ như là một mô-hình thích-hợp để thay thế mô-hình “Kinh-tế Thị-trường theo định hướng Xã-Hôị Chủ-Nghiã” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng xã-hôị của Việt-nam hiện nay.  Tiến-sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu) nhận xét rằng: “Phương án xã-hôị dân-chủ là phương án trung dung.  Tuy trung dung nhưng vẫn đòi hỏi sự dũng cảm và thật lòng, chứ không dùng mẹo được.  Cha Ông ta vẫn bảo “Thật thà là cha qủy quái”. Kinh tế thị-trường theo định hướng xã-hội dân-chủ thế thôi, dân chấp nhận ngay, vì như thế cũng chính là xã-hôị dân-chủ đa nguyên pháp trị.”  Và một chuyên gia kinh-tế, Ông Nguyễn Xuân Nghiã cũng nghĩ rằng ĐCSVN phải thay đổi tư-duy và cơ cấu.  Phaỉ chấp-nhận Kinh-tế Thị-trường với Định-hướng Dân-chủ.  Như về kinh-tế phải để tự-do kinh-tế từ dưới bùng lên, giải-phóng người dân, tự-do sinh hoạt không hạn chế, đối xử công bằng giữa các địa-phương.  Về chính-trị, nhà nước phải giảm bớt sự can thiệp vào guồng máy kinh-tế nhưng tăng cường chức năng làm luật và thi-hành luật và chấm dứt độc-quyền cai-trị. (RFA, 6-7-05)  Ông goị đây là mô hình Xã-hôị Dân-Chủ.
Nói chung thì trong cái mô hình “Xã-hôị Dân-chủ” taị các nước Bắc Âu mà các trí thức và chuyên-gia Việt-nam đang cổ võ, có thấp-thoáng kèm theo hình ảnh con người có “tình và  chí” như  “dũng-cảm”, “thật-lòng”, “đoàn-kết”, “trách-nhiệm”, “trong sáng”, vân vân.  Nhưng theo Ông Hà-Sĩ-Phu thì
“Đoàn-kết là sự tập hợp những yếu-tố khác nhau, các yếu-tố đó muốn gia nhập khối đoàn-kết chung, thì anh nào cũng phải khoan dung.  Đảng khoan dung cho những người khác Đảng, và những người khác Đảng cũng phải khoan dung với Đảng. Chứ đây không phải là sự khoan dung của người trên với người dưới, của kẻ cầm quyền đối với người không có quyền.  Nghĩa là cùng bình đẳng mà khoan dung cho nhau, chứ không có chuyện Đảng thống soái hết rồi mở lòng ban sự khoan dung cho người này người nọ như vua chúa phong kiến.” (RFI, 2005)
Như vậy, liệu khi đưa vào Việt-nam thì cái hình ảnh con người có “tình và chí” còn hiện diện trong mô hình XHDC này hay không?   Nếu không còn, thì mô-hình này cũng laị chỉ là một mớ lý thuyết xuông giống như các mô hình khác, đặc-biệt như Hiến-Pháp1992 của Việt-nam hiện giờ, chỉ là một mảnh giấy không hồn. Điều 69 Hiến-pháp qui định “công-dân có quyền tự-do ngôn luận, tự-do báo-chí; có quyền được thông-tin; có quyền hội-họp, lập hội, biểu-tình theo qui định của pháp-luật.” Trên thực tế, chính-quyền Việt-nam đã vi-phạm trầm trọng điều 69 của Hiến-pháp bằng điều 4 của Hiến-pháp, do chính họ soạn-thảo và ban hành. Là một lý thuyết xuông, “Xã-hôị Dân-chủ” Bắc-Âu cũng lại giống như “Định-hướng XHCN”, thiếu “tình và chí” nên không có khả năng huy-động được những nghị-lực thâm-sâu của con người.  Và vì muốn “cưỡng hành”, như triết gia Kim-Định đã nói, laị phải dùng đến “mưu-gian đạo-đức” như lời-hứa cuội, kèm thêm khủng bố như Tiến-sĩ Nguyễn Văn Tụ vừa trình bầy.  Tóm laị, đúng như Chủ Nghĩa Nhân Vị chủ trương, con người nằm trong cơ cấu mới là nguyên nhân cốt cán.  Chuyển đôỉ cơ-cấu chỉ là chữa bệnh ngoài da.
Để chứng minh, giả sử, ĐCSVN cứ giữ nguyên mô-hình “Kinh-tế Thị-trường theo Định-hướng XHCN” nhưng hãy đưa ra một thành-phần lãnh-đạo thực sự “dũng-cảm, thật-lòng, đoàn-kết, trách-nhiệm, trong-sáng, vân vân” để làm gương dẫn dắt quần chúng.  Trong trường hợp những người lãnh đạo không đủ nghị-lực và can đảm của những con người đã tu-thân để thực hành các đức-tính này, thì hãy nhờ tới nhân dân và cơ quan truyền thông tiếp sức, bằng cách cho họ quyền TỰ-DO thực sự qui-định trong điều 69 Hiến-pháp, để phê-phán, khuyến-khích và can ngăn lãnh đạo đừng làm việc hại dân hại nước.  Được như vậy, tôi tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình “Định-hướng XHCN” mà Đảng đã chọn, sẽ không thua gì mô-hình “Xã-Hôị Dân-Chủ” của Bắc Âu.
Nếu đúng, thì cái giải-pháp con người Bắc-Âu này cũng giống giải-pháp Nhân-vị mà Ông Diệm và Ông Nhu đã cổ võ hồi giữa thế-kỷ 20, là mô–hình “Xã-Hội Dân-Chủ Nhân-Vị” với những sắc thái đặc-biệt của nền văn-hóa cổ-truyền Việt-nam, là “một chính-quyền của Phúc-lợi” (Good Government) đã được thử nghiệm ở miền Nam Việt-nam từ 1954-1963: Kinh-tế thị-trường với sự can-thiệp mềm dẻo của một chính-phủ phúc-lợi, thực hiện công-bằng xã-hôị và dân-chủ thực sự ở hạ tầng cơ-sở với định hướng dân-chủ trên thượng tầng cấu-trúc. Trọng điểm của chiến-lược dân-chủ hóa Nhân-Vị là từ dưới bùng lên như Ông Nguyễn Xuân Nghiã vừa trình bầy.  Tuy nhiên, Ông Diệm nhấn mạnh rằng mô-hình này hữu hiệu là vì đựơc xây dựng trên những gía-trị độc đáo của Văn-Hóa: (a) “nó được dung hòa với thực taị” và (b) “quan-niệm thiện-ích chung được những người trong chính-quyền và ngoài dân chúng thực sự tôn trọng.” 
Trong cuốn sách Democracy and Culture, Lý-thuyết-gia về Dân-chủ David Easton cũng viết: 
“Muốn hiểu rõ được cái mức-độ thực-dụng và hữu-hiệu của một hệ-thống chính-trị, chúng ta cần phải nhìn nhận một sự thật hiển-nhiên, đó là, tất cả những gì xẩy ra trong nội-bộ của guồng máy chính-trị đều do nỗ-lực của những người nằm trong guồng máy đó, đương-đầu với hoàn-cảnh thực-tại đang thay đổi.”  “Much light can be shed on the working of a political system if we take into account the fact that much of what happens within a system has its birth in the effort of the members of a system to cope with the changing environment.” (1990)
Như vậy Ông Ngô-Đình-Diệm và David Easton đều có cái nhìn giống nhau về những vấn đề mà các chuyên-gia và trí-thức Việt-nam đang tranh-cãi; Và câu trả lời là: mức-độ hữu-hiệu của một mô-hình chính-trị không phải là do CƠ-CẤU mà là do CON NGƯỜI ở trong cơ-cấu ấy. 
IV - Kết Luận
Chủ-Nghiã Nhân-Vị được xây dựng trên căn bản Tâm-Linh: đức-nhân và lý-tưởng Thái-Hoà của Việt-Nho.  Đứng trên mặt triết học nhận thức, nó nhận diện và đề cao gía-trị và vị-trí của con người.  Là một chủ-thuyết chính-trị, nó chủ trương phát triển gía-trị và vị-trí này đến mức cao nhất; chính-quyền có bổn phận tạo điều kiện thuận lợi và làm gương để hướng dẫn dân chúng (cá-nhân và cộng-đồng) đạt đến mục tiêu này.
Vì thế, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị khác hẳn với khuynh-hướng duy-tâm của Tây-phương và đối đầu với duy-vật của Karl Marx, là những lý thuyết xuông không thực-dụng và phản khoa-học (Nguyễn-Xuân-Hồng, 1956, tr.98).  Dựa trên lý tưởng Thái-Hoà, Ông Diệm đã đưa ra một mô hình chính-trị mới lạ mà Ông gọi là “con đường của tiến-bộ”.  Đó là một tổng hợp những giá-trị tốt đẹp nhất của Âu-tây và Á-đông: Trên thượng tầng cấu trúc quốc gia là một chế độ dân-chủ pháp-trị kiểu Tây-phương được điều hoà để phù hợp với thực tại của đất nước bằng một bản hiến-pháp dự-trù dành cho hành-pháp nhiều quyền lực cần thiết.  Ở hạ-tầng cơ sở là một nền dân-chủ thực-sự, với một hệ-thống Ấp-chiến-lược mô-phỏng theo hình thức làng xã cổ-truyền Việt-nam và tiến dần đến tự-trị về moị mặt.
Hoài-bão của hai người khai sinh ra Chủ-nghĩa Nhân-vị là muốn chuẩn-bị để mở đường đưa xã-hội Việt-nam tiến vàokỷ-nguyên hậu kỹ-nghệ qua việc tái trang bị  cho mỗi con người Việt-nam một đời sống đạo-đức, để xây-dựng lại và phát-triển nguồn vốn xã-hội đã bị phá-sản sau những năm dài đô-hộ của Tầu, Tây, và nhất là hậu-qủa “đào tận gốc, tróc tận rễ” do XHCN của người Việt-nam cộng-sản để lại. Chủ-Nghĩa Nhân-Vị muốn dẫn đường đưa con người Việt-nam trở về mái nhà thân quen của họ, đó là cái xã-hội có một hệ-thống đạo-đức rất hữu hiệu, một cuộc sống phong-lưu nhàn tản, là di-sản văn-hoá vĩnh cửu của người Việt-nam. 
Dù Chủ-Nghĩa Nhân-Vị mới chỉ được thử nghiệm trong một thời gian ngắn ở miền Nam Việt-nam, nhưng trong lãnh vực lý-thuyết hàn-lâm, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị có một giá-trị đóng góp lâu dài và quan-trọng vào công cuộc phát-triển con người nói chung và đặc biệt là giải-pháp dân-chủ-hóa đặt trên căn bản “sở-hữu-hóa vô-sản – cơm no áo ấm”. Chủ-Nghĩa NhânVị còn cống-hiến một căn bản tư-duy mới để dung hòa tư-tưởng “ai thắng ai” của hệ-thống triết-học duy lý-niệm.  Muốn chung sống hòa-bình, cùng nhau tồn taị và tiến-bộ, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị cổ võ cho một hệ-thống tư-duy mới xây dựng trên lý-tưởng Tâm-Linh, THÁI-HÒA. 
Mô-hình “con-người biết tu-thân” của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đưa ra nhằm giải quyết tận gốc mọi khủng hoảng kinh-tế xã-hội và chính-trị trong đời sống hàng ngày, đáng được các nhà làm chính sách tham-khảo kỹ-lưỡng.  Cuối cùng, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là một đóng góp quan-trọng vào ngành chính-trị học đặc biệt là vấn nạn về dân-chủ hóa tại các quốc-gia lạc-hậu và nghèo-khổ.  Giaỉ-pháp mà Ông Diệm đưa ra là xây dựng một chế-độ (dân-chủ) đạo-đức”.  Chiến-lược xây dựng dân-chủ được thực hiện bằng hai cuộc cách mạng xẩy ra cùng một lúc, với dân-chủ hình thức ở thượng tầng cấu trúc và dân-chủ thực-sự ở hạ tầng cơ sở.  Chiến lược này vẫn còn giá trị thực hành, có thể giải-quyết vấn đề dân chủ hóa và chiến-lược “xóa-đói giảm-nghèo” tại Việt-nam hiện nay, đáng được moị nguời lưu tâm.
Taị sao chúng ta laị phải đi mãi đến Bắc Âu để tìm kiếm một mô-hình, trong khi nó nằm sẵn trong kho tàng của Ông Cha, sao laị không lấy ra mà xử dụng? Taị sao laị phải hướng ra ngoài, đi khắp thế-giới tìm một “lý-thuyết suông” để thử nghiệm?  Ở miền Nam (1955-1963) trong các khu dinh-điền, khu trù mật, ấp-chiến lược, vân vân, người dân nghèo đã từng có được một mảnh ruộng, một miếng vườn, một căn nhà và một đời sống yên bình ấm no, con cái được ăn học, đau ốm đã có nhà thương thí.  Có phải đây là cái xã hôị mà chúng ta đang muốn thực hiện?  Dẫn chứng trên đây cũng cho thấy Ông Diệm đã “bắt mạch” đúng bệnh trạng của Việt-nam và liều thuốc “Chủ-Nghĩa Nhân-Vị” đã tỏ ra hữu hiệu, ít là trong lãnh vực kinh tế xã-hội.  Nhưng có lẽ “Bụt nhà không thiêng” nên người ta đã không ngó ngàng gì đến cái di sản dân tộc này?  Sẽ không bao giờ tìm được một mô-hình hữu hiệu một khi con người lãnh-đạo của Việt-nam chưa biết tu-thân, tề-gia.   
Đối với các bạn trẻ, thế hệ lãnh đạo tương lai của dân tộc, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là một tài liệu tham khảo hữu ích và cần thiết cho việc học tập và tìm kiếm những giaỉ-pháp chính-trị cho vấn đề Việt-nam hiện nay.  Di-sản tiền nhân là chỗ dựa vững chắc và phù hợp với tình-tự dân-tôc.  Chối bỏ nó là đi xa gốc rễ, sẽ mất định hướng và lạc lối.  Dựa trên di sản tốt đẹp của Cha Ông, các bạn sẽ tạo nên một hệ-thống lãnh đạo mới với một định hướng rõ rệt.  Ngoài ra bài học lịch sử của thế kỷ vừa qua nhắc nhở các bạn rằng: độc-lập, tự-do và dân-chủ không phải là món quà của Ông già Noel và không có một chế độ chính trị nào có thể đem laị cho mình nếu tự mình không bền bỉ đấu-tranh với chính mình, tôn trọng nhân phẩm của mình và các giá trị thiện ích của cộng đồng.  Tìm về cội nguồn chính là mở lại con đường truyền thừa lãnh đạo đất nước. 
Cuối cùng là một bài học từ cái chết của hai người khai-sinh ra Chủ-nghĩa Nhân-vị: Lãnh-đạo của Việt-nam trong tương lai cần phải lấy lý-tưởng Thái-Hòa làm căn-bản thiết lập ra những định chế hữu-hiệu làm đối trọng (counter-balance) với loại chính-trị “Thực tiễn [Realpolitik]”, để ngăn ngừa những hành động phi dân-chủ, phi nhân bản và coi thường luật-pháp của những kẻ cuồng-tín muốn lạm-dụng quyền-lực.  Các định-chế này còn ngăn ngừa sự phung phí nhân-vật-lực của đất nước và sự gián-đoạn về lãnh-đạo quốc-gia trong tương lai.
Ông Cao Xuân Vỹ nói với tôi: “Không có Ông Diệm, không có Việt-Nam Cộng-Hoà.” (17-3-1995) Thú thật lúc đó tôi cho rằng “Ông Vỹ nói hơi qúa chăng?”  Nhưng khi nhìn lại lịch-sử, đặc biệt khi đọc lại hồi-ký của Ông Bảo-Đại và những tài liệu về Bang-Giao Quốc-Tế trong giai đọan Chiến-Tranh Lạnh 1945 – 1975, với các văn-kiện như Hiệp-Định Geneve 1954, Hiệp-Định Ba-Lê 1973, The Pentagon Papers (Vol.1) và các “memos” ghi lại nội-dung những cuộc đối thoại giữa Ngoại-trưởng Henry Kissinger của Hoa-kỳ và TT Châu-Ân-Lai của Trung Cộng, thì câu nói này hoàn toàn có căn cứ.  Ví-dụ, nếu Ông Ngô-Đình-Diệm không chịu nghe theo yêu-cầu của Hội-Đồng Nhân-Dân Cách-Mạng (Nhị-Lang, 1990), quyết tâm truất-phế Quốc-trưởng Bảo-Đại và biến Nam Việt-nam thành một nước Cộng-Hòa thì cuộc tổng-tuyển-cử tái thống-nhất Việt-nam được người Mỹ trù-liệu trong Hiệp-định Geneve 1954, đã diễn ra vào tháng Bảy năm 1956 và miền Nam-Việt-nam đã nằm dưới ách cai-trị của Hồ-Chí-Minh và đảng CSVN rồi.  Thật ra, Ông Cao-Xuân-Vỹ muốn ám-chỉ rằng sự hiện-hữu của Việt-nam Cộng-Hòa đã giúp cho dân-chúng miền Nam thoát khỏi cái họa đẫm máu “cải-cách ruộng đất” và trí-thức miền Nam thoát được vụ-án “Nhân-Văn Giai-Phẩm” mà ĐCSVN đã thi hành ở ngoài miền Bắc; Và miền Nam-Việt-Nam đã được hưởng thêm 20 năm sống trong tự-do, trong khi ở ngoài Bắc dân chúng sống trong tù-ngục với chế-độ bao-cấp, không khác gì súc-vật.”  Nhưng một sự thật lịch-sử cũng không thể quên được, đó là “Không có Ông Ngô-Đình-Diệm và Ông Ngô-Đình Nhu, không có Chủ-Nghĩa Nhân-Vị,” và tôi cũng không có được cái vinh-dự viết và gởi bài này đến qúi-vị độc-gỉa, những người đã và đang trăn-trở thao-thức vì vận nước nổi-trôi!
E. Mounier nói “Đôi khi lịch-sử cũng ban thưởng cho những kẻ cứng đầu và một hòn đá đặt đúng chỗ cũng có thể xoay chuyển cả một giòng nước.” Rất tiếc, Ông Diệm và Chủ-Nghĩa Nhân-Vị của Ông đã xuất hiện ở một nơi và vào một thời điểm đáng lẽ không nên xuất hiện. Nhưng Ông đã hạ quyết-tâm, “chọn con đường hy-sinh để bênh vực phẩm-gía con người.” Do đó những gì mà Ông đã thực hiện được trong hoàn cảnh hoàn toàn cô-lập và khó khăn của miền Nam Việt-nam lúc bấy giờ, chỉ còn nhờ vào sự quyết-tâm và khả-năng lãnh đạo của Ông và cần phải được lưu lại trong sử sách một cách công bằng và trung thực.
Nhà thơ W. H. Auden viết: “Lịch sử đối với kẻ baị trận, chỉ có thể ngửa mặt lên than “Trời”, nhưng chẳng giúp được gì cho họ mà cũng không thể tha thứ cho họ.” Tuy nhiên tôi tin rằng, người ta có thể hủy diệt Chủ-nghĩa Nhân-vị và hai người khai sinh ra nó, nhưng không thể cướp đi những giá-trị thuộc về họ.  Do đó trên căn bản đạo-đức nghề-nghiệp, các sử-gia có bổn phận đem trả laị những gì thuộc về hai Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu và nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà.


Taì Liệu và Sách Tham Khảo
Taì liệu chính-phủ
Ngô-Đình-Diệm, *Con Đường Chính Nghiã: Độc-Lập, Dân-chủ.  Bộ sách này có 9 cuốn, bao gồm tất cả những Diễn-văn, Hiệu-triệu và Tuyên-cáo của TT Ngô-Đình Diệm, từ 1954 đến 1963, do Sở Báo-chí Phủ Tổng-thống sưu-tập và Bộ Thông Tin và Thanh Niên xuất bản.
     *“Democratic Development in Vietnam”, 1949, in laị trong Free China Review, June 1955.
Ngô-Đình-Nhu, * “Lược-Đồ Một Cuộc Caỉ-Tổ Cơ Cấu Xã-Hôị,” Tạp-chí  Xã-Hôị, Saì-gòn, 1952.
*“Trình Bầy Một Quan Niệm Về Văn-Hoá”, Cách Mạng Quốc-Gia, Gío-Nam, Saìgòn 12 tháng 1 năm 1957.
*“Diễn-văn đọc taị suôí Lồ-Ồ”, Gió-Nam, q. 56, tháng 5 1963.
      3-  Phúc-Thiện, President Ngô-Đình-Diệm of Vietnam, 1957 
      4-  Sơn-Chí Dương Thành Mậu, Đường Về Nhân-Vị, Trung-Tâm Huấn-luyện 
           Nhân-Vị, Vĩnh-Long, 1959.
      5- Liên-Đoàn Công-Chức Cách Mạng Quốc Gia, Khaí Niệm Về Chủ Nghiã Nhân-
           Vị, Saì-gòn, 1960. 
      6- Nguyễn Đăng Thục, 1958, “Democracy in the Traditional Vietnamese 
          Society”, Vietnam Culture Series, No. 4, Saigon: Directorate of Cultural 
          Affairs, Ministry of National Education, 1958, p.14.
7- Report of the United Nations Fact-finding Mission to South Vietnam, The         Committeee of the Judiciary, United States Senate, 88th Congress, 2nd Session, US
Government Printing Office.  
8- Thơ của Thượng-Nghị-Sĩ Thomas Dodd gơỉ TNS James E. Eastland, Chủ-Tịch   Tiểu-ban Nôị-An Thượng-Viện Hoa-kỳ do GS Tôn Thất Thiện dịch (2000). 


Sách Tham Khảo
Bảo-Đaị, 1990, Con Rồng Việt-Nam: Hôì-ký Chính-trị 1913-1987, Ca: Nguyễn Phước Tộc xuất bản.
Blair, A., 1995, Lodge In Vietnam: A Patriot AbroadYale University Press.
Brown, S., 1988, New Forces Old Forces, and the Future of World politics, Boston.
Bùi Diễm & Chanoff, D., 1964, In the Jaws of History, Boston.
Bùi Xuân Bào et all, 1957, Văn Hoá và Nhân Vị, Saì-gòn: Nhận-Thức.
Diamond, L. and Lintz et all, 1990, Politics in Developing Countries: Comparing Experiences with DemocracyLondon.
Donnell, J., 1959, ‘National Revolution Campaign in Vietnam,’ Pacific Affairs, vol. 32, no.1, march 1959.
Durant, W. 1950, History of Civilisation, Vol 1, Paris.
Fairbank, H., 1962, “The Enigma of Ngo Đình Diệm”, The Commonweal, Sept. 21, pp. 515-517.
Fall B., 1984, The Two Vietnams: A Military and Political Analysis, 2nd ed., New York: Praeger.
Fifield, E. 1963, Southeast Asia in United States PolicyNew York: Praeger.
Fitzgerald, F. 1972, Fire in The LakeBoston.
Hammer, E. 1987, A Death in Novenber: Americans in Vietnam 1963, New York: E.P. Dutton.
Hersh, S., 1997, The Dark Side of CamelotNew York.
Higgins, M., 1962, Our Vietnam NightmareNew York, Harper & Row.
Hoàng Văn Chí, 1964, From Colonialism to Communism: A Case History of North Vietnam, New York: Praeger.
Karnow, S., 1983, Vietnam: A HistoryNew York: Praeger.
Kim-Định, 1986, Hoa-Kỳ và Thế Chiến Lược Toàn Cầu, An-Việt: Úc-châu.
Lansdale, A., 1972, In The Midst of WarNew York: Harper & Row.
Lâm Lễ Trinh, 2005, “9 Năm Bên TT Ngô Đình Diệm: Mạn-đàm vơí cưụ Đổng Lý Quách Tòng Đức”, Diễn Đàn Giáo-Dân, California số 45-46, tháng 8 và 9;  “Khí Tiết Chính-Trị” (1995); Khaí niệm về Chủ Nghiã Nhân Vị, Saì-gòn (1960)
Lý Chánh Trung, 1960, “Emmanuel và Chủ-Nghiã Nhân Vị”, Nguyệt San Văn-Hoá Á-Châu, Số 3, Tháng 4. 
Maneli, E., 1981, War of the VainquishedNew York: St Martins Press.
Miller, E. 2003, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam, by Philip E. Caton, Lawrence, Kansas: University Press of Kansas. Nguyễn Văn Lục trích dịch.
Nghiêm Xuân Hồng, 1956, Đi Tìm Môt Căn Bản Tư-Tưởng, Saìgòn.
Nguyễn Huy Bào, 1958, Diễn Văn Nhân Ngày Liên Hiệp Quốc, Saì gòn, Đaị Học Văn Khoa Xuất bản.
Nguyễn Văn Canh, 2002, Cộng Sản Trên Đất Việt, California: Kiến-quốc.
Nguyễn  Duy Cần, 1971, Nhập Môn Triết Học Đông Phương, Saì-gòn: Thu Giang.
Nguyễn Văn Lục, “Trí-Thức Miền Nam: Hai Mươi Năm Nhập Cuộc, 1955 - 1975”, Việt-LuậnSydney, Số 1999, 19-8-2005, tr. 48-49.
Nguyễn Ngọc Tấn, 1998, The Miracle of Vietnam: The Establishment of Ngo Dinh Diem Regime, 1954-1959,  Melbourne: Monash University; “Ngo Dinh Diem: time for a reassessment” News Weekly, April 10, 1999, pp.20-21; “Chính-Trị và Quân-Lực VNCH” (2000); “Cành-Đào: Một âm mưu chính-trị quốc tế.” (2001).   
Nguyễn Thaí, 1962, Is South Vietnam ViableManila:Carmelo & Bauermann.
Phạm Văn Lưu, 1994, Biến Cố Chính-Trị Việt-Nam Hiện ĐaịMelbourne.
Phan Bội Châu, 1990, Khổng Học ĐăngHouston: Xuân-Thu.
Tạ Xuân Linh, 1974, “How Armed Struggle Began In South Vietnam,” Courier ,  March 22.
Tôn Thất Thiện, “Do Đâu Ông Diệm Được Đưa Ra Làm Thủ Tướng”(1985) ;“Thực-Dân Pháp, Thực Dân Mỹ, và Thực Dân Cộng-sản” (1995), “The War In Vietnam” (1973).  “Vài Ý Nghĩ Về Việc Xây Dựng Lại Xã Hội Việt-Nam”, (Việt-Luận số 1991, 22-07-2005, tr.41).
Warner, D., 1984, The Last ConfucianNew York: Macmillan.
The Pentagon Papers, Vol. 1, Gravel Edition, 1971.
      37-Peter W. Rodman and William Shawcross, Defeat’s Killing Fields, New York Times, June 7, 2007. (P. Rodman was a longtime associate of henry Kissinger and an assistant secretary of Defense for International Security Affairs from 2001 to March.
      38- Think Tank With Ben Wattenberg, “Vietnam Revisisted: The myths of the war”, in lại trong Đa-Hiệu, số 79, tháng 7, 2007, tr.41-72.



http://ngodinhdiem.net/ChinhTri/NDD/ChuNghiaNhanVi19.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét