Người theo dõi

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Giá trị Xã Hội mới và Ấp Chiến Lược

Giá trị Xã Hội mới và Ấp Chiến Lược

-Đời sống dân chúng mới chính là mục đích. Ấp Chiến Lược chỉ là phương tiện- (Ngô Đình Nhu)



Thang giá trị xã hội mới đã được đề cập trong hương ước của Ap chiến lược . Đây là một quan điểm Cách mạng hết sức tiến bộ và cũng là một công tác cách mạng hết sức quan trọng có ảnh hưởng rất nhiều đến hướng tiến và sức tiến của dân tộc. Mục tiêu của cuộc đại Cách mạng này là xóa bỏ, thay dổi không phải chỉ trên phương diện sinh hoạt, hành động. Nó còn nhắm thay đổi, xóa bỏ mọi quan niệm, nhận thức cổ hủ, vị kỷ chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một thiểu số hoặc cá nhân, không phục vụ ích lợi chung, không mưu cầu phúc lợi cho mỗi con người, không bảo vệ, phát huy phẩm giá của con người và công bằng xã hội, cho mọi giới trong xã hội của chúng ta . 

Để thực hiện được cuộc Cách mạng này, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như Cố vấn ông Ngô Đình Nhu, nhà tư tưởng và chiến lược gia của Đệ I CH khẳng định: Phải trường kỳ và tích cực chống lại và tiêu diệt hai thứ giặc Chậm tiến và Chia rẽ mà dân tộc phải gánh chịu do hậu quả của nhiều thế kỷ đất nước bị ngoại trị để lại. Đồng thời phải can trường và cương quyết chống lại giặc cộng sản hiện nay và mọi tham vọng đến từ bên ngoài đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia trong hiện tại cũng như tương lai. 
Để tìm hiểu đường lối thể hiện quan điểm Cách mạng trên một cách rõ ràng hơn, trong pham vi hạn hẹp của tập kỷ yếu này, dưới đây, chúng tôi chỉ xin lược thuật đại cương lời ông Ngô Đình Nhu giải thích về quan điểm ấy, phần liên quan đến hai giới mà cho đến thời điểm lúc bấy giớ (thập kỷ 50), vốn được coi là thấp kém nhất trong xã hội VN chúng ta. Những lời giải thích này tôi đã ghi nhận khi, trong một dịp đặc biệt , tôi được ông Nhu giảng giải cho biết về mục đích chính yếu của Ap Chiến Lược, 
"Thang giá trị xã hội mới đựơc hình thnh theo một nhân sinh quan hướng về chân lý, xây dựng trên căn bản duy linh. 
Coi con người là một bản thể gồm hai phần: thể xác và tâm linh hiệp nhất, được tác thành do công trình của tạo hóa; coi cuộc sống là sự bảo tồn và phát triển đồng đều, toàn diện của bản thể đó trong tinh thần nhân vị và cộng đồng. Do đó, con người VN sống trong nền văn minh mới sẽ phải có một nhân sinh quan mới có đủ mãnh lực hướng dẫn cuộc sống bảo đảm được bản năng siêu việt của con người, phát triển điều hòa cả hai phương diện tâm linh và thể xác, bảo đảm được đầy đủ các yếu tố nhân vị. 
- Tinh túy trong tâm linh
- Tế nhị trong thể xác. 
Đó là hai định hướng để xây dựng Nhân Sinh Quan mới của con người VN. Đi sai định hướng đó, mọi hành động trong đòi sống sẽ bị lạc hướng. 
Bởi vậy, đễ đi theo đúng hai định hướng trên, Việt Nam trong nền văn minh mới phải tích cực thực hành Nhân Vị, phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, tự mình phải làm cho nhân vị mình có bản lĩnh, nhờ sự rèn luyện ý chí để tự túc, tự tại, mở mang, phổ biến những cái mình sẵn có và có thể có, theo bản tính và năng lực mình. 
Ngoài ra vì Nhân Vị phải nảy nở trong cộng đồng, cho nên con người còn phải kính nể quyền lợi của kẻ khác, tôn trọng ích chung của đồng bào và Tổ quốc, phải biết bảo vệ và tranh đấu cho lẽ phải, cho tự do khỏi bị xâm phạm và lấn át, để xây dựng, bảo tồn và phát triển cộng đồng. 
Phát xuất từ một nhân sinh quan đúng đắn vừa nói, Giá Trị Quan trong nền văn minh mới VN sẽ được xác định căn cứ theo đức tính nội tại của con người thể hiện bởi những hoạt động do nhân sinh quan mới chỉ đạo, và cương quyết phá bỏ những Giá Trị Quan lạc hậu, lỗi thời đã từng làm đình đốn sự phát huy các đức tính tốt đẹp và đà tiến của dân tộc ta như: -Trong thời phong kiến, bằng cấp khoa cử được coi là tối trọng, kẻ sĩ là bậc đại nhân trong xã hội, được suy tôn là hiền nhân quân tử và đứng riêng một đẳng cấp trên hết thảy các đẳng cấp trong xã hội. Mọi yếu tố khác đều không đáng kể. Ai không là người khoa cử xuất thân đều phải đứng hàng thứ đẳng. Trong thời đại này còn nảy sinh ra hạng tiểu nhân, hạng người luôn luôn phải có bổn phận phục tùng hàng quân tử và phải chịu cho những người có bằng khoa cử sai khiến. 
-Đến thời thực dân, tình trạng trên còn bị pha trộn thêm ảnh hưởng của Tây phương, thành ra giá trị của con người lại cũng chỉ được căn cứ vào bằng cấp, tiền tài và quyền thế. Ba điều kiện này liên hệ mật thiết với nhau tạo nên một thế đứng vững chắc cho những kẻ hội đủ các điều kiện đó và nâng mãi địa vị của những người này. Ai có tiền tài sẽ có điều kiện ăn học, được ăn học tất nhiên sẽ có bằng cấp, có bằng cấp là dành được địa vị, và địa vị lại tạo nên quyền thế, tiền tài, và cứ thế họ luôn luôn đứng đầu hệ thống giá trị xã hội bất kể đến giá trị nội tâm. 
Cho đến sau biến có tháng 8/45, lợi dụng được cơ hội xuất đầu lộ diện, Cộng sản đã hết sức khoa ngôn là đảo lộn giá trị xã hội, đánh đổ giai cấp thống trị cũ để trả lại giá trị cho thành phần đông đảo nhất. 
Cũng như Trung cộng, nước ta không có hoàn cảnh tập trung công nhân, nên VC không thể dùng giai cấp này làm bung xung như thủy tổ Các Mác đã dạy, do đó chúng đã lấy bần cố nông làm chiêu bài trong ván cờ đoạt quyền thống trị của chúng. 
VC lớn tiếng tuyên truyền rằng giai cấp cố nông là đạo quân tiên phong trong cách mạng, là giai cấp bị bóc lột nhất nên phải dành lấy quyền lãnh đạo để giữ quyền thống trị các giai cấp khác. Chúng cổ võ cho cái gọi là chính quyền "công nông liên minh" và dấu diếm sự tàn bạo trong việc tiêu diệt mọi người trong cái thuyết "vô sản nhân dân chuyên chính." 
Thực ra đó chỉ là một luận lý bịp bợm để chúng có điều kiện tiêu diệt tầng lớp hữu sản với khẩu hiệu "trí, phú, địa, hào-đào tận gốc, trốc tận rễ." 
Rồi để dễ phỉnh gạt, Cộng sản luôn đề cao bần cố nông, nói rằng bần cố nông là giai cấp có giá trị nhất, còn trí thức thì không bằng cục phân, tiểu tư sản thì hèn nhát, đê tiện, điền chủ thì đại gian ác v.v..Tất cả đều phải tiêu diệt. Dựa vào lập luận này Cộng sản phủ nhận quan niệm giá trị của Thực, Phong, nhưng đồng thời cũng phủ nhận tất cả giá trị nội tại và thiêng liêng của con người. 
Điểm qua các giá trị quan đã có ảnh hưởng hoặc đã xảy ra trong xã hội ta từ trước đến nay như vừa đề cập, ta thấy không lúc nào giá trị nội tại của con người phục vụ cho các mục tiêu giải phóng dân tộc và giải phóng con người được coi là trọng. 
Do đó, để xác định một giá trị quan thích hợp với nền văn minh mới, ngày nay giá trị con người sẽ không phải do tiền tài, địa vị. Giá trị con người cũng không căn cứ vào đẳng cấp, vào văn bằng hay giòng dõi.. Giá trị quan ngày nay sẽ căn cứ vào sự thể hiện nhân sinh quan đứng đắn trong hoạt động để phục vụ cho con người và cho cộng đồng.
Cụ thể hóa vấn đề, giá trị quan ngày nay sẽ căn cứ vào sự hoạt động phục vụ cho sự nghiệp hoàn thành cách mạng nhân vị mà nhiệm vụ trước mắt và cấp thiết là diệt 3 thứ giặc: Cộng sản, Chậm tiến và Chia rẽ. 
Ngoài ra, vì cách mạng VN dựa trên căn bản nhân vị cộng đồng, cho nên một thành phần xã hội đã từng bị thiệt thòi trong các thời đại trước, là tầng lớp bần nông và thợ thuyền cũng sẽ được trả về cho họ một giá trị xứng đáng với phẩm giá con người và vài trò của họ trong xã hội để họ có điều kiện vươn lên một cuộc sống văn minh và tiến bộ. 
Trong nền văn minh mới, thành phần sản xuất (thợ thuyền, bần nông,) sẽ không còn là một giai cấp của đáy tầng xã hội, phải chịu những thiệt thòi, những bất công và chịu một sự đối xử bất tương xứng cùng sự khinh rẻ của xã hội như trước nữa. 
A/- Với giới quân nhân. Áp dụng giá trị quan vừa được trình bày trên đây và thực tế của xã hội mới VN ngày nay, những thành phần sau đây xứng đáng được hưởng sự ưu đãi và quý trọng của xã hội. 

Thứ nhất: là những người cầm vũ khí chống địch (những người chống giặc cộng sản và gia đình con cái họ). 
Trong hàng ngũ những người cầm võ khí chống giặc cộng sản vừa nói, người mà tinh thần cùng thành tích phục vụ càng cao thì thứ bậc càng vinh quang, và các bậc anh hùng đã hy sinh tính mạng phải là những người có giá trị cao cả nhất. 

Thứ hai: là những phần tử dân cử (Hội đồng xã, Ban trị sự Ap, các người lãnh đạo các đoàn thể) để điều hành công việc chung (những người chống giặc chia rẽ). 

Thứ ba: là những thành phần sản xuất trong ấp, xã tức là bần nông, thợ thuyền v.v.(những người chống giặc chậm tiến). 
Sự sắp xếp hệ thống giá trị như trên không những thể hiện sự công bằng của chế độ, mà còn là phát huy tinh thần ân nghĩa, một tinh thần truyền thống quý báu của dân tộc ta đối với những người có công lao tài bồi đất nước, bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. 

Những người cầm súng chống địch là những người có hành động dũng cảm, chịu trăm cay nghìn đắng, vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai, có khi rơi đầu đổ máu, hy sinh cả tính mạng để cho Tổ quốc được vinh quang, nhân dân được yên vui. 
Họ là những người trung thành với sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, phấn đấu đem lại tự do cho nhân dân, vì quyền lợi của nhân dân mà hy sinh tính mạng một cách oanh liệt. Không có họ thì những thắng lợi vinh quang trong công cuộc diệt Cộng cứu quốc của dân tộc ta không thể nào có được. 
Vả chăng nếu ta nghĩ rằng: địa vị cao cả trong hệ thống giá trị xã hội là cái mà Chính phủ và nhân dân căn cứ vào tất cả công lao thực sự, nhiều hay ít đã cống hiến cho quốc gia, cho dân tộc để đền đáp, thì tất nhiên công lao càng nhiều, vinh dự càng cao.Và do đó, các phần tử cầm vũ khí chống địch nghiễm nhiên là những người có công lao nhất đối với Tổ quốc, với nhân dân. Không có xương máu của thành phần này đổ ra thì an ninh của Tổ quốc không có. Không có an ninh thì làm sao học hành, buôn bán, cấy cày v.v…
Vì thế, trong tâm trí nhân dân họ là những người được tôn kính nhất, nhân dân luôn luôn và đời đời tưởng nhớ công ơn họ , noi gương họ, tên tuổi họ mãi mãi bất diệt trong sử sanh của dân tộc. 
Vậy xã hội dành cho họ địa vị cao cả nhất, được sự quý trọng nhất, ưu đãi nhất, là một lẽ tất nhiên, rất chính đáng. Không ai có thể phủ nhận được
Về phần gia đình họ xã hội cũng dành những vinh dự và đãi ngộ cao cả kế tiếp vì chính đó là một sự kiện chứng tỏ chế độ ta hết sức tôn trọng và bảo tồn căn bản gia đình, coi gia đình là nền tảng của quốc gia. Và cũng để làm sáng tỏ lý tưởng nhân vị quan niệm con người là toàn bộ chớ không phải con người là một con số hay một cá nhân. Con người có gia đình, có chỗ ở, có ruộng đất. Tất cả những cái đó ta phải tôn trọng, căn bản của con người ở trong đó. Cụ thể hơn, như anh em quân nhân, bảo an, dân vệ, họ vào sinh ra tử, hy sinh hơn người khác, khi họ vắng mặt gia đình họ còn bị thiếu sót, bị địch dọa nạt, nếu họ thấy gia đình họ cũng chỉ được đối xử y hệt như những người khác thì dĩ nhiên tinh thần phục vụ chiến đấu của họ sẽ bị ảnh hưởng. 
Mặt khác, nếu một dân tộc có quyền hãnh diện vì có những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh cho chính nghĩa và có quyền thừa hưởng công lao của các chiến sĩ đó, thì tất nhiên gia đình của các chiến sĩ ấy có quyền thụ hưởng trực tiếp và trước hết, công lao của thân nhân họ. Hơn nữa, nếu khi Tổ quốc có một chiến sĩ thân yêu gục ngã nơi chiến địa, thì gia đình chiến sĩ là những người thiệt thòi và đau khổ nhất…

B/- Với nữ giới. Thế giới Tự do cũng như Cộng sản đều lớn tiếng đề cao nữ quyền, bênh vực nữ quyền. Nhưng trên thực tế chúng ta đều thấy trong cả hai thế giới này mọi mánh khóe lừa bịp đã được tận dụng một cách rất tinh vi, ác độc để khai thác người phụ nữ. 
Phía Tự do, có những thê lực chuyên làm giàu bầng nghề khai thác thân xác phụ nữ. Lạm dụng quyền tự do, họ tận dụng mọi phương tiện sách, báo, phim, ảnh, truyền thanh truyền hình … tuyên truyền cổ động cho lối sống buông thả, sa đọa, phổ biến những hình ảnh, hành động khêu gợi nhằm kích động dục tính sẵn có trong mỗi con người, để khai thác thân xác người phụ nữ, biến người phụ nữ thành một món đồ cho bọn quyền quý, lắm tiền nhiều bạc mua vui giải trí. 

Phía Cộng sản, xảo quyệt hơn. Một mặt chúng rêu rao đề cao nếp sống văn minh mới theo đạo lý cách mạng, nghiêm cấm mọi hành vi đồi phong bại tục, cờ bạc trai gái. Một mặt họ cỗ võ nếp sống mới theo đạo lý cách mạng. Đạo lý cách mạng theo họ, là mọi người dân phải hy sinh không chỉ bản thân mình mà phải hy sinh, dâng hiến tất cả những gì mình có, kể cả vợ con, khi cách mạng cần đến. Ác độc và vô luân hơn, lợi dụng khí thế chống ngoại xâm dâng cao trong nhân dân, trong khi họ kêu gọi cổ võ thanh niên tòng quân đánh giặc, để kích động thanh niên, họ kêu gọi xúi giục thanh thiếu nữ xung phong ra tiền tuyến, xung phong vào đội hộ lý phục vụ sinh lý cho lãnh đạo và bộ đội. 

Tóm lại trong cả hai thế giới Tự do và Cộng sản, thân phận người phụ nữ không bị dùng làm món hàng chơi giải trí ở phía này thì lại bị dùng làm chất xúc tác kích động lòng tự ái, tính ham vui háo sắc, để xua đám thanh niên trai trẻ vào làm mồi cho ngọn lửa chiến tranh ở phía kia. Ở cả hai phía, nhân phẩm người phụ nữ không những không được tôn trọng và bảo vệ, ngược lại còn bị chà đạp một cách không thương xót. 
Đối với đất nước chúng ta, tuy đã tiếp xúc với văn minh Au Tây gần một trăm năm dưới thời Pháp thuộc, ảnh hưởng lời tuyên truyền bịp bợm về lối sống mới theo cái gọi là đạo đức cách mạng của cộng sản, nhưng trong tâm trí tuyệt đại đa số nhân dân, ảnh hưởng tư tưởng Khổng-Nho vẫn còn hêt sức sâu đậm. 
Điều rất đáng tiếc là hầu hết lại chịu ảnh hưởng thứ tư tưởng Khổng-Nho hủ lậu của bọn được gọi là Tống Nho. Đây là một triết lý sống phản tiến hóa, hết sức vô nhân đạo và trái với đạo lý làm người đối với người phụ nữ, do giới hủ Nho đời Tống xướng xuất. Nhưng triết lý sống này đã được giới quan lại và giàu có trong chế độ phong kiến ở nước ta triệt để khai thác và áp dụng. Triết lý sống ấy dạy rằng:


Trai năm thê bảy thiếp 
Gái chính chuyên một chồng. 
 
Tại gia tòng phụ
Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. 
(Ở nhà theo cha) 
(Lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con.) 



Triết lý này cho thấy rõ trong đời sống xã hội, người phụ nữ Việt nam không có một chỗ đứng riêng cho mình, hoàn toàn bị dặt trong vòng kiềm tỏa của nam giới. Bị tước đoạt hết nhân phẩm, mọi quyền lợi thiên phú, bị biến thành một món hàng phụ thuộc được xử dụng theo ý muốn của đàn ông. 
Trong đời sống cá nhân, gái chính chuyên một chồng là đúng. Nhưng tại sao nam lại có quyền năm thiếp bảy thê? Như vậy chẳng quá bất công sao? Trong đời sống gia đình, vợ hay chồng đều có trách nhiệm, có bổn phận với con cái, với hạnh phúc của chúng và của mình ngang nhau. Không thể chấp nhận quan niệm: Nuôi con là trách nhiệm của đàn bà. Tự do trăng hoa bay bướm là quyền của đàn ông. 
Trong đời sống cần lao, sức lao động của họ cũng được đánh giá theo đẳng thức của nam giới. Ta thường nói đàn bà chân yếu tay mềm. Đó là một sự thật, một chân lý. Vì Tạo hóa sinh ra người đàn bà với dáng vẻ thùy mị, tính tình hiền hòa nhẫn nhục, nói năng dịu dàng hơn đàn ông, là để giúp họ chu toàn thiên chức làm mẹ. Vì vậy, trong đời sống hằng ngày họ phải phụ thuộc phần nào vào cha, vào chồng, vào con trai đã trưởng thành; nhưng sự nâng đỡ, phụ giúp họ của những thành phần này cũng là điều đạo lý đòi hỏi. Lợi dụng sự nhẫn nhục chịu đựng và những đức tính quý giá này của họ, để bắt họ phải lao động như nam giới, không thừa nhận quyền đối kháng, quyền có ý kiến, nhận thức khác mình là một tư tưởng độc tài, tàn ác, vô đạo đức. 
Tất cả các tư tưởng, tập tục hủ lậu, ích kỷ trên đây cần phải được triệt tiêu trong đời sống của xã hội văn minh mới của Việt Nam. Vì như trên mới nói, xã hội văn minh mới của chúng ta được xây dựng trên căn bản "Nhân vị- Cộng đồng", nên không thể để một thành phần nào trong xã hội cũng như cộng động bị thiệt thòi hay bị đối xử bất công. Mọi triết lý, mọi chủ trương chỉ nhằm khai thác con người phục vụ lợi ích cá nhân hay tập thể, không có mục đích tối hậu là "phục vụ con người-thăng tiến nhân vị" chúng ta đều không chấp nhận. 

Giải phóng người phụ nữ khỏi tất cả những tập tục, triết lý sống hủ lậu vô đạo đức nói trên là chủ trương của chế độ. Chúng ta có bổn phận phải tích cực thực hiện để bảo vệ quyền lợi cho họ. Đó cũng là một công tác tối ư quan trọng nhằm bảo vệ hạnh phúc, bảo về sự tồn tại của gia đình Việt Nam, chống lại chủ trương vô gia đình của chủ nghĩa Cộng sản. Và, vì như chúng ta đã nhận thức và khẳng định: Gia đình là nền tảng của Xã hội và Tổ quốc." 
x x x Cuộc cách mạng tiến bộ và vĩ đại trên đây đã được Đệ I CH thực hiện qua phương tiện Ap Chiến Lược một cách rất hiệu quả. Trong hồ sơ của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, người ta tìm thấy một báo cáo ghi: Tháng 5-1962 Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara đã được báo cáo về sự cố gắng của quân đội VN đi đến việc không cần nhờ vào sự trợ giúp của quân đội Hoa kỳ tại vùng Cà mau như sau: 
Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 31 bộ binh hành quân vào một khu vực do Việt cộng kiểm soát 95%, tuyên bố tình trạng thiết quân luật, rồi đưa 11.000 dân đến tái định cư , trong đó có một số đang bị quản thúc, trong 9 Ap Chiến Lược, cùng lúc đuổi đánh VC ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện. Từ khi khởi sự chương trình (ACL) , không một làng nào bị tấn công và việc không còn phải đóng thuế cho VC hoặc bị chúng tống tiền, đang lối cuốn hầu hết dân chúng. Vị chỉ huy này hy vọng một cách lạc quan không nghi ngờ, rằng ông ta có thể đặt toàn khu vực dưới sự bảo vệ của Địa phương quân và Dân vệ trong vòng 6 tháng tới. 
Một bản thống kê của các cơ quan hữu trách Việt, Mỹ ghi nhận thời gian từ tháng 1-1962 đến tháng 3-1963, hoạt động của cộng sản trên toàn Miền Nam, trong mọi lãnh vực, tấn công, phá hoại, bắt cóc, tuyên truyền, đều giảm sút một cách nhanh chóng và rất đáng kể. Tuyên truyền từ 1000 vụ xuống 650; bắt cóc 550 xuống còn hơn 300; tấn công 180 xuống 120; phá hoại 220 xuống 150. Riêng số cán binh về hồi chánh từ 80 lên 400. 
Công cuộc cách mạng nhắm thay đổi, xóa bỏ mọi tập tục, lề thói, quan niệm…lạc hậu, hủ bại, vị kỷ, hiện tồn tại trong xã hội Việt nam, được thực hiện với kết quả đầy khích lệ trong một khí thế phấn khởi, hăng say đang bùng lên ở khắp nơi, khiến một nữ sĩ hưng phấn dệt nên bài thơ: 

Thương nhau xin nhớ lời nhau dặn
Xây Ấp đêm ngày cho chóng xong
Giặc cộng hết phương vào quấy nhiễu
Vườn cây sai trái lúa vàng bông. 

Hoàn thành công tác cho mau chóng
Lập Ấp thi đua chiếm giải đầu
Quà cưới tặng nhau bằng chiến thắng
Thương nhau xin chớ phụ lòng nhau. 

Thương nhau xin nhớ lời nhau dặn
Quốc sách ta thề thực hiện nhanh
Dân chủ cờ bay mừng cách mạng
Hòa vui đầu bạc cạnh đầu xanh

Ngàn vạn tấm lòng say nhiệm vụ
Kết tình liên đới vững niềm tin
Đánh tan 3 kẽ thù nguy hiểm
Nam Bắc ngày mai sẽ nối liền

Anh nhé đêm nay đừng đến trễ
Hào sâu chông đã cắm xong rồi
Vòng đai thêm lớp rào cho chắc
Dân Ap yên lòng nếp sống vui

Công tác hoàn thành và tốt đẹp
Bấy giờ ta tính chuyện riêng tư
Giữa niềm vui Ap ta kiêu hãnh
Dệt chuyện ân tình thỏa ước mơ
TÔN NỮ HỒNG NGỌC 

…Thì nền Đệ I CH bị lật đổ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Cố vấn Ngô Đình Nhu, linh hồn và lãnh đạo của cuộc cách mạng bị thảm sát. Cuộc phản loạn này đã đưa đất nước lún sâu vào một cuộc chiến tranh tàn khốc suốt mười năm trời. Và, "điều mỉa mai cuối cùng là cuộc chiến tranh nhân dân được phát động năm 1959 đã bị đánh bại (với ACL), và trận chiến của những người lính mà Hoa Kỳ đòi phải chiến đấu trong thập niên 1960 với lực lượng ồ ạt, cuối cùng đã bị kẻ thù chiến thắng", xô đẩy cả dân tộc VN xuống vũng lầy đầy tội ác, tham nhũng, thối nát, đàn áp, bất công, nhân phẩm, đặc biệt là nữ giới bị chà đạp, miệt thị một cách thê thảm chưa tùng có trong lịch sử dân tộc, như chúng ta đang chứng kiến hiện nay! 

Qua trích đoạn ngắn trên đây từ tác phẩm "Lost Victory", tạm dịch: "Chiến Thắng Bỏ Mất" , của tác giả William Colby, cựu Giám đốc cơ quan Tình báo (CIA) tại Sài gòn từ 1959-1962, thời gian Đệ I CH chuẩn bị và thực hiện quốc sách Ap Chiến Lược. Óng và Sir Robert Thompson, chuyên viên chống chiến tranh du kích của Anh quốc, là hai người được Cố vấn Ngô Đinh Nhu tham khảo ý kiến nhiều lần về mặt chiến thuật, khi soạn thảo kế hoạch thực hiện ACL. Người ta có thể khẳng định: 

Nếu cuộc cách mạng xây dựng một nền văn minh mới trên căn bản NHÂN VỊ-CỘNG ĐỒNG trên đây không bị phản bội, thì chắc chắn quê hương, dân tộc, và đồng bào ta đã không phải gánh chịu những thảm họa quá đau thương, manh nha từ những năm sau 1963 và triệt để tàn khốc sau ngày 30-4-1975, dưới ách một chế độ lạc hậu, hiểm đôc và tham tàn nhất, trong vài chế độ Cộng sản còn sót lại trên trái đất hiện nay. Đôc lập không có Tư do, lãnh đạo tự tung tự tác. Nhân dân chỉ là một bầy súc vật cung cấp sức lực cầy bừa, thịt, sữa. Cơm áo đói no, rách lành, là bổn phận tự lo. Con người sống không ai quan tâm, chết chẳng ai cần biết. Miễn sao thỏa mãn tự ái, kiêu căng, ngạo mạn của tâp thể cầm quyến. 

Có Độc lập có Tự do. Với mồi cơm no áo ấm phủ phê, thú tính cưng chiều thỏa thích. Con người lại bị biến thành một đám thiêu thân, chen lấn xô đẩy nhau vào các hầm Sân, Si, đen tối, để lấp đầy những hố tham không đáy! 
Tóm lại, bất cứ đường lối đấu tranh nào, chủ trương cách mạng nào, không nhắm đến mục tiêu tối thượng là "Phục Vụ Con Người" thì đều là Vô Nghĩa. 
Trích từ soạn phẩm " VỀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG BỊ PHẢN BỘI" , trong phần "TÌM HIỂU ẤP CHIẾN LƯỢC" của người viết. Chưa xuất bản. 
Nguyễn Văn Minh
Dịp lễ Tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các chiến sĩ Dân, Quân, Cán, Chính, VNCH năm 2007. 
Lost Victory-William Colby Beaverbooks, Ltd-Markham, Ontario L3R 4T8 Canada. Trg . 355



http://ngodinhdiem.net/ChinhTri/NDN/NDN.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét