Người theo dõi

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

VÀI CẢM NGHĨ VỀ MỘT BÀI THƠ CỦA CỤ NGUYỄN TRÃI BÀI THƠ “CÂY CHUỐI”




BÀI THƠ “CÂY CHUỐI”

Cây Chuối
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu? Gượng mở xem.
Nguyễn Trãi

Đọc thơ Nôm của người xưa; cảm thụ đã khó, mà khi cảm thụ đã khó rồi thì chuyện hiểu được những điều tổ tiên nói lại càng khó hơn. Đã thế còn gặp những từ cổ và những cú pháp lạ.
Bài thơ trên có lẽ là một trong những bài thơ như vậy của cụ Ức Trai. Và hầu hết những người đọc đều bỏ qua vì… nhức đầu. HRG cũng không ngoại lệ.

Nhưng vẫn còn có một điều là, tôi phải gạt ra khỏi đầu óc những ý kiến của các cao nhân khác về bài thơ này cũng như những dị bản của bài thơ. Dù vậy nhưng tính độc lập dứt khoát là không thể
Và đã mê thì tôi phải chịu nhức đầu thôi. Rồi khi ngộ ra rồi thì… Ôi sao mà lại nhẹ tênh như gió.
Tất nhiên cái sảng khoài này mà chả viết ra thì hơi uổng.
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Cây chuối tự thân đã là một màu xanh tuyệt đẹp, màu biểu tượng của mùa xuân, và đang lứa xuân xanh thì cái đẹp ấy tăng thêm.
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Đây là một câu thơ thực sự nhức đầu với từ “buồng” và “mầu”.
1. Về từ “buồng” có nhiều người hiểu là buồng chuối. Hiểu thế mới chết người khi đọc tới câu ba vì sao? Tình thư một bức phong còn kín, Đây là hình tượng của nỏn  tàu lá chuối non nhô lên thân cây là nõn tròn màu xanh lục như là một bức thư của người xưa thường cuốn tròn lại nhét vào ống tre để gởi đi và khi cây chuối đã có buồng thì nõn lá chuối không còn nữa. Do vậy trong ngữ cảnh này phải được hiểu là “phòng”. Tiếp theo là từ “lạ”. Đầy buồng lạ phải được hiểu là một cảm xúc mới lạ lan tỏa đầy buồng xuân
2. Về từ “mầu”, có nhiều bảng ghi là màu và giải thích màu là mùi. Điều này không ổn, dù hiểu là màu sắc hay mùi hương đều sai. Phải viết và hiểu là “mầu” là mầu nhiệm, là “khó giải thích” không thể nói một cách rõ ràng.
Như vậy hai câu:
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Cụ Ức Trai mượn hình tượng cây chuối để nói về cảm xúc mới lạ của cô gái trẻ trong đêm xuân, một cảm xúc mầu nhiệm khó giải thích đã làm cho cô gái mơ màng suốt cả đêm xuân.
Và tâm tình phong kín này đang chờ đợi, đang thắc mắc chả biết cơn gió nào sẽ đến để nhẹ nhàng (gượng) mở ra xem
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu? Gượng mở xem.
Phải lưu ý cú pháp:
- phong còn kín (nghĩa là chưa một lần mở ra) chớ không còn phong kín (đã gói lại),
- Gió nơi đâu? Gió thì chắc có rồi nhưng chưa biết diện mạo và cường độ ra sao? Nhưng vẫn thầm mơ ước (Gượng mở xem) hãy mở xem thật nhẹ nhàng. 
Ôi. Một bài thơ tình cực kỳ lãng mạng. Chắc các bạn sẽ phì cười khi HRG nói như vậy về Cụ Ức Trai. Rất có thể Cụ viết thế. Cụ đã chẳng có một mối tình thật lãng mạng với cô bán chiếu gon Nguyễn thị Lộ là gì?

Và bổng dưng tôi nhớ bài thơ Vị Triển Ba Tiêu của Tiền Hủ

   
冷燭無煙綠蠟幹
芳心猶卷怯春寒
一緘書劄藏何事
會被東風暗拆看

Vị Triển Ba Tiêu
Lãnh chúc vô yên lục lạp can
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn
Nhất giam thư tráp tàng hà sự
Hội bị đông phong ám sách khan
Tiền Hủ

Tàu Chuối Non
Nến xanh, đuốc lạnh không nên khói
Cuốn lại lòng thơm ngại rét xuân
Giấu kín trong thư lòng mấy nỗi
Gió đông đang dượm mở ra xem
QT. Nguyễn Hiền Nhu

Có một vài ý kiến cho rằng cụ Ức Trai đã lấy ý của bài thơ này để viết bài thơ Cây Chuối. Tôi không nghĩ như vậy. Tiền Hủ đã mượn hình tượng này chỉ thuần túy viết một bài thơ tình và hết. Ông đã nhân cách hóa cái nõn chuối bằng hai động thái khiếp () ở câu 2, ám () ở câu 4 như là một khẳng định. Và bài thơ bổng nhiên bị vướng bụi, khi chuyển sang tiếng Việt tôi đã thay chữ khiếp bằng chữ ngại và chữ ám bằng chữ dượm. Chẳng biết như thế có gì sai không?
Nếu như chúng ta nghĩ là bài thơ Cây Chuối của cụ Ức Trai là một bài thơ tình thì cũng được thôi, và cụ lấy ý bài thơ của Tiền Hủ (nếu có) thì vẫn là một bài thơ tình hay hơn của Tiền Hủ gấp nhiều lần. Toàn bài thơ của cụ chả có một hành vi ám muội nào nên chả có gì phải sợ. Cái ung dung đón nhận những cảm xúc mới mẻ của cô gái xuân và những ước mơ thầm kín được gởi về cho một cơn gió mơ hồ nào đó cũng tự nhiên.

Nhưng nhìn trên một góc độ khác, khi chúng ta biết rằng toàn bộ cuộc đời của Cụ là dành hết cho mục tiêu vì dân vì nước. Dân - Nước tự thân rất đẹp, rất thiêng liêng và khi trở thành hiện thực thì càng thêm đẹp. Đó là một mục tiêu hoàn toàn mới lạ cho một đất nước vừa mới thoát khỏi một thời gian khá dài cho sự suy thoái, tha hóa của xã hội, rồi tiếp theo là hơn hai mươi năm bị tàn phá bởi quân xâm lược. Dân - Nước đang cần một mùa xuân, một xuân của lòng người, chớ không riêng gì của đất trời. Ý tưởng một mùa xuân mầu nhiệm ấy như là một bức thư còn phong kín và đang chờ đợi một cơn gió nơi đâu? gượng mở xem để biến nó thành mùa xuân hạnh phúc cho muôn dân. Nếu như là một bài thơ tình thì câu cuối cùng như là một tiếng kêu nho nhỏ của ước mơ. Nhưng với cách hiểu này thì lại là một tiếng kêu thảng thốt.
Đất nước đã sạch bóng quân thù bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn còn bộn bề bao nhiêu bất ổn. Vua Lê Thái Tổ vẫn là một hình tượng của một người lãnh tụ oai hùng nhưng chưa đủ tầm của đấng quân vương, nên cái cảnh “điểu tận cung tàn” đã xãy ra. Vua Lê Thái Tông thì còn quá nhỏ và các quan văn võ, dù đã nhạt nhòa phong thái oai hùng mà lại chưa trang bị đủ nghiêm cẩn để xứng tầm với vị trí đãm đương. Và Cây Chuối được viết lên với vóc dáng của một bài thơ tình đầy lãng mạng, nhưng gói ghém biết bao nhiêu hoài  bảo để rồi câu cuối cùng lại là một câu hỏi như là tiếng kêu thảng thốt của một tấm lòng đau đáu nỗi cô trung. Trung Với Dân, Với Nước. Cụ mong có một cơn gió đến nhẹ nhàng trân trọng mở ra xem nỗi lòng trung trinh ấy.
Gió nơi đâu? gượng mở xem.

Giờ đây Dân và Nước mang tên Việt Nam, sau hơn bốn mươi năm không tiếng súng, còn có bao nhiêu tiếng kêu thảng thốt như Cụ Ức Trai.
http://hairachgia.blogtiengviet.net/?title=vai_c_m_ngh_v_m_t_bai_th_c_a_c_nguy_n_tr&more=1&c=1&tb=1&pb=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét