Người theo dõi

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

NGẪM NGHĨ VỀ MỘT BÀI CA

NGẪM NGHĨ VỀ MỘT BÀI CA *



Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 thành công. Biết rằng Hốt Tất Liệt chưa từ bỏ tham vọng tiến về phương Nam. Ngày 4 tháng 3 năm 1293 vua Trần Nhân Tông (1258-1908) đã sai Đào Tử Kỳ làm sứ thần mang sang triều đình Nguyên Mông sản vật, biểu, tấu và bài ca chúc thọ dưới đây

天 賜 皇 帝
帝 賜 庶 民
臣 祝 聖 上
億 萬 年 春
Thiên tứ Hoàng Đế
Đế tứ thứ dân
Thần chúc thánh thượng
Ức vạn niên xuân
Trời cho làm vua
Vua lo cho dân
Thần chúc thánh thượng
Muôn triệu năm Xuân
Mới thoạt đọc qua thì bài ca này mang tính ngoại giao thù tạc, thậm chí còn có vẻ như xác định cả vị trí nhỏ bé của người viết trước một “đấng vĩ đại” nào đó.
Nhưng ngẫm cho sâu, nghĩ cho chín và nhìn lại tình hình bang giao và tương quan thế lực lúc đó giữa Đại Việt của vua Trần Nhân Tông và cái gọi là đế chế Nguyên Mông của Hốt Tất Liệt thì chúng ta thấy ngay nội dung bài ca thể hiện một nội hàm hoàn toàn ngược lại.
Thử xét từng câu một. “Thiên tứ hoàng đế/ trời cho làm vua”. Trong Nho giáo có khái niệm “ý dân là ý trời”. Dù những ông vua Trung Quốc đều tự xưng là “thiên tử/con trời” và cái khái niệm “ý dân là ý trời” chẳng qua là để làm cảnh hay nói đúng hơn là lừa bịp. Dù trong thực tế tất cả các triều đại xưa nay trên toàn thế giới đều dựa vào dân để tồn tại hay vì làm ngược lòng dân mà suy vong.
Câu thứ hai; “Đế tứ thứ dân/ Vua lo cho dân”. Nhiệm vụ của vua thông qua triều đình là bộ máy hành chánh phải có trách nhiệm lo cho người dân về mọi thứ theo yêu cầu chính đáng của cuộc sống.
Câu thứ ba; “Thần chúc thánh thượng/ kẻ bề tôi (Trần Nhân Tông) chúc nhà vua (Hốt Tất Liệt)”  Chính xác là như thế, nhưng để bàn sau khi phân tách xong câu thứ tư.
Câu thứ tư; “Ức vạn niên xuân/ muôn triệu năm xuân”.  Đây là một trò tung hô mà trong triều đại phong kiến Trung Quốc dùng gần như phổ biến (vạn, vạn tuế). Trong tờ biểu kèm theo vua Trần Nhân Tông đã giải thích điều này bằng một ngôn ngữ ngoại giao như sau “ … Kính nghĩ, tuổi vua (Hốt Tất Liệt) ức vạn, sánh tám ngàn năm xuân thu mới tới… Bề tôi Nhật Tôn, (vua Trần Nhân Tông) đất nam ngồi giếng, mặt bắc ngóng sao, ba mươi năm chăm chăm khuyển mã, một tấc lòng rực rỡ trời cao…”.  Tiếp theo trong tờ tấu, vua Trần Nhân Tông lại khẳng định“… Song, trong đó còn nói đến các loài có sự sống thì có loài nào an toàn mãi mãi cả đâu. Thần, Nhật Tôn vẫn biết rằng xưa nay không có người bất tử, thiên hạ không có đất bất tử…”
Vậy thì “ức vạn niên xuân” nằm ở chỗ nào? Vua Trần Nhân Tông đã chỉ ra cái “ức vạn niên xuân đó” chính là không gây chiến tranh làm chết chóc ly tán “… Há chỉ vì một thân được bảo toàn, kéo dài được hơi tàn, mà cũng để cho sinh linh một phương cùng hưởng đức lớn hiếu sinh của trời đất…”
Liên kết ba câu 1,2 và 4, có thể hiểu bài ca ấy vua Trần Nhân Tông đã dạy cho Hốt Tất Liệt cách làm vua. Một ông làm vua theo mệnh trời là phải biết lo cho dân (đế tứ thứ dân) một cuộc sống thanh bình, mỗi người là một mùa xuân (ức vạn niên xuân).
Từ đó câu thứ 3 (thần chúc thánh thượng) phải được hiểu. “Ta, người chiến thắng mong rằng…”
Không biết Hốt Tất Liệt có thuộc lòng bài học đó hay không? Nhưng từ đó cho đến ngày đế quốc Nguyên Mông tiêu vong chưa bao giờ dám hé mắt nhìn về Đại Việt.
Và một hiện tượng lạ lùng xuất hiện. Chính vua Trần Nhân Tông sống mãi đến ngày hôm nay.
QT Nguyễn Hiền Nhu

       * Tư liệu: Toàn Tập Trần Nhân Tông. Lê Mạnh Thát. Nxb Tp HCM. 2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét